Tin Thế Giới – 11/3/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 11/3/2015

Nghi phạm giết ông Nemtsov có thể đã nhận tội vì bị tra tấn

Một thành viên trong hội đồng nhân quyền của Điện Kremlin tuyên bố có lý do để tin là nghi can chính trong vụ sát hại lãnh tụ đối lập Nga Boris Nemtsov đã thú tội dưới áp lực tra tấn.

Ông Andrei Babushkin hôm nay nói với báo giới rằng ông nhìn thấy nhiều vết thương trên thân thể của nghi can Zaur Dadayev khi vào thăm trại giam hôm qua 10/3.

Trong khi đó, một tờ báo của Moscow loan tin Dadayev đã lật ngược lời thú tội giết ông Nemtsov và cho tờ Moskovsky Komsomolets biết ông đã nói với nhà chức trách rằng ông không giết hại ông Nemtsov cũng như đã định khai vô tội trước tòa. Nhưng, vẫn theo lời Dadayev, khi ra tòa ông đã không có cơ hội được lên tiếng.

Bài báo này cũng dẫn lời nghi can Dadayev nói rằng ông đưa ra lời thú tội giả để cảnh sát phóng thích người bạn đi cùng với ông khi ông bị bắt giữ.

Hôm chủ nhật, một thẩm phán Nga loan báo ông Dadayev đã thú tội và chính quyền tiếp tục điều tra 4 nghi can khác.

Tất cả 5 nghi can đã ra trước một tòa án ở Moscow và bị giam giữ trong lúc giới hữu trách thẩm vấn họ về vụ bắn chết ông Nemtsov, một địch thủ đáng gờm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/2. Ông Nemtsov bị bắn 4 lần sau lưng khi đang đi bộ qua cầu với bạn gái gần điện Kremlin.

Thẩm phán Nataliya Mushnikova cho hay nghi can Dadayev đã ký đơn nhận tội dù không tiết lộ chi tiết nào về vai trò của đương sự.

Vị thẩm phán cũng cho biết thêm rằng nghi can thứ nhì bị buộc tội sát nhân trong án mạng này, Anzor Gubashev, phủ nhận liên can.

Nghi phạm Zaur Dadayev nói ông ta bị trói trong hai ngày, đầu bị trùm kín. Ông nói đã nhận tội chỉ vì để một người bạn bị bắt cùng ông được thả.

Ông Babushkin nói: “Có các nguyên do để tin rằng Zaur Dadayev nhận tội sau khi bị tra tấn.”

Một phái đoàn đã đi thăm ông Dadayev và nghi phạm thứ hai bị bắt, Shagid Gubashev, trong tù ở Moscow.

Ông Gubashev cũng tuyên bố ông vô tội. Ông nói mình đang ở Chechnya thì nghe tin anh họ, Dadayev, bị bắt tại Ingushetia.

Ông nói ông đến đó và cũng bị bắt.

Ông Gubashev cũng nói đã bị đánh, trùm kín đầu trên đường giải đến Moscow.

Hai anh em này đã bị khởi tố, trong lúc còn ba người khác đang bị giam.

Ông Nemtsov bị giết chỉ vài ngày trước khi tham dự cuộc diễu hành do ông tổ chức nhằm phản đối xung đột ở Ukraine.

Ông cũng đang soạn bản báo cáo được cho là sẽ phơi bày vai trò của quân đội Nga trong cuộc xung đột. – VOA, BBC

Trung Cộng lên án nhà ngoại giao Việt Nam

Chính quyền Bắc Kinh hôm nay đã tỏ ra tức giận về những lời phát biểu phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn của ông Lê Lương Minh, hiện giữ chức Tổng thư ký ASEAN.

Trả lời tờ Manila Times tuần trước, nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam nói rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á phản đối chính sách sử dụng đường đứt đoạn để khẳng định chủ quyền trên biển Đông của TC.

Ông Minh cũng nói thêm rằng sự hội nhập kinh tế của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng bởi “bất kỳ sự thù nghịch hay xung đột” có thể bùng ra trên vùng biển tranh chấp.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh luôn ủng hộ sự hội nhập kinh tế của ASEAN, nhưng hiệp hội này không phải là một trong các bên tranh chấp ở biển Đông.

“Ông Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN, và trong vấn đề biển Đông, đã nhiều lần có những phát biểu mang tính bè phái, không đúng thực tế hoặc không phù hợp với vị trí của ông”.

Phát ngôn viên của TC nói thêm rằng điều đó “xa rời với vị trí trung lập của ASEAN, và làm tổn hại tới hình ảnh một tổ chức quốc tế khu vực của ASEAN”.

Hồng nói thêm rằng vị tổng thư ký người Việt nên “bảo đảm rằng ASEAN tuân thủ các cam kết trung lập, và không sử dụng vị trí của mình cho mục đích riêng”.

Tới tối ngày 11/3, ông Lê Lương Minh chưa lên tiếng trước lời chỉ trích của phát ngôn viên TC.

Việt Nam cũng chưa có tuyên bố nào đối với lời phát biểu mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao TC Vương Nghị, trong đó nói rằng các hành động bồi đắp của TC ở biển Đông là “hợp pháp và chính đáng”.

Vương nói rằng Bắc Kinh “không chấp nhận chỉ trích từ bất kỳ ai vì chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trong sân nhà của mình”.

Một nhà nghiên cứu tại Australia từng nói với VOA Việt Ngữ rằng thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Trong khi đó, báo chí quốc tế dẫn lời các quan chức TC xác nhận rằng nước này đang đóng một hàng không mẫu hạm thứ hai với hệ thống phóng cải tiến hơn.

Ông Lê Lương Minh phát biểu với nhật báo Philippines Manila Times vào thứ Tư 04/03/2015. Trong một phản ứng muộn màng khác thường, mãi đến hôm nay, TC mới chính thức lên tiếng phản đối, với những lời lẽ rất gay gắt. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi đã cho rằng ASEAN không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông.

Hồng Lỗi đã không ngần ngai đả kích thái độ bị TC coi là thiên vị của Tổng thư ký ASEAN. Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên TC đã gọi đích danh ông Lê Lương Minh ra để chỉ trích như sau:

“Ông Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN, và trên vấn đề Biển Đông đã nhiều lần có tuyên bố thiên vị, không phù hợp với thực tế cũng như không phù hợp với vai trò của mình”.

Đối với Bộ Ngoại giao TC, hành động của ông Lê Lương Minh là “một sự chệch hướng nghiêm trọng so với vị trí trung lập mà ASEAN cũng như vị Tổng thư ký của mình cần phải có trên vấn đề có liên can, đồng thời làm tổn hại hình ảnh của ASEAN trong tư cách là một tổ chức quốc tế khu vực”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC kêu gọi Tổng thư ký ASEAN tôn trọng cam kết giữ thái độ trung lập và không nên “lợi dụng việc công để mưu lợi riêng”.

TC từ trước đến nay thường rất nhanh nhạy trong việc đáp trả những tuyên bố không hợp tai mình, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, không hiểu vì sao lần này Bắc Kinh lại chậm phản ứng như vậy. – Theo VOA, RFI

Tin Hoa Kỳ – Bà Clinton: ‘Tôi chọn dùng tài khoản email cá nhân vì tiện lợi’

Bà Hillary Clinton cho biết trong lúc còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ bà đã dùng tài khoản email cá nhân cho việc công bởi vì làm như thế là tiện lợi và khi đó bà không nghĩ là trái với qui định. Các bộ trưởng ngoại giao trước bà cũng từng gởi email từ tài khoản cá nhân, nhưng các khuyến nghị của Bộ Ngoại giao đã làm thay đổi chuyện đó.

Bà Clinton đã ra sức giải quyết vụ tranh cãi này ngay sau khi có tin cho biết bà dùng tài khoản email cá nhân cho công việc của chính phủ khi bà còn giữ chức bộ trưởng ngoại giao. Bà phát biểu như sau khi tiếp xúc với báo chí ở New York hôm thứ ba.

“Khi tôi làm bộ trưởng ngoại giao, vì tiện lợi mà tôi đã chọn dùng tài khoản email cá nhân của tôi, một việc được Bộ Ngoại giao cho phép, bởi vì tôi nghĩ rằng chỉ mang theo một thiết bị, thay vì hai thiết bị cho các email cho việc công và cho việc riêng thì dễ dàng hơn.”

Bà Clinton cho biết hầu hết email mà bà gởi cho nhân viên chính phủ là gởi tới địa chỉ email chính phủ của họ, và điều đó có nghĩa là những email đó được lưu giữ ngay trong hệ thống dữ liệu của chính phủ. Bà cũng cho biết bà đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Bộ Ngoại giao là các cựu ngoại trưởng phải nộp cho chính phủ những email có liên hệ tới công việc từ những tài khoản email cá nhân.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki xác nhận là chính phủ sẽ xem xét 55.000 trang email liên quan tới việc công của bà Clinton để bảo đảm là các tiêu chuẩn đã được tuân thủ. Bà Psaki nói rằng việc duyệt xét sẽ mất vài tháng và sau đó những email này sẽ được công bố.

“Việc công bố sẽ được thực hiện trên một trang web công chúng có thể truy cập. Tôi sẽ có thêm thông tin về việc này trong nay mai. Trong 55.000 trang đó, có khoảng 300 email đã được nộp cho ủy ban đặc biệt mà chúng tôi sẽ duyệt xét riêng và công bố sớm hơn. Những email đó cũng sẽ được duyệt xét và công bố.”

Những người ủng hộ bà Cliton nêu ra sự kiện là cựu ngoại trưởng Colin Powell cũng đã gởi một số email từ tài khoản riêng. Ông Powell cho biết trong thời gian đó ông đã giám sát việc lắp đặt 44.000 máy vi tính tại các văn phòng của chính phủ và bắt đầu gởi email cho nhân viên để khuyến khích họ sử dụng công nghệ hiện đại.

“Tôi đã bắt đầu dùng nó để làm cho mọi người dùng nó, ngõ hầu cơ quan của chúng tôi là một cơ quan của thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 19. Nhưng tôi không giữ lại email nào trong các email đó và chúng tôi đang làm việc với Bộ Ngoại giao để xem có còn điều gì mà họ muốn thảo luận với tôi về những email đó hay không.”

Bà Clinton khẳng định bà không gởi qua email bất cứ thông tin nào có thể gây rủi ro cho an ninh của nước Mỹ.

“Tôi không email bất kỳ tài liệu mật nào cho bất kỳ người nào trong email của tôi. Không có tài liệu mật. Tôi hiểu rõ những đòi hỏi về bảo mật và đã không gửi tài liệu mật.”

Theo dự kiến của rất nhiều người, bà Clinton sẽ tham gia cuộc tranh đua để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016, mặc dù bà chưa loan báo quyết định của bà về việc này. – VOA

Đặc sứ Mỹ: Miền Đông Ukraine sống dưới ‘nền cai trị khủng bố’

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc trách châu Âu cho biết, người dân ở nhiều vùng rộng lớn thuộc miền đông Ukraine bị chiến tranh tàn phá và Crimea đang sống dưới “nền cai trị khủng bố” gây nên bởi dòng khí tài quân sự mới của Nga.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland hôm thứ Ba phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ rằng xe tăng, xe bọc thép và trọng pháo của Nga đã đổ qua biên giới trong những ngày gần đây.

“Nga và những con rối ly khai của họ đã khơi ra tình trạng bạo lực và cướp bóc không kể xiết,” bà nói. “Đây là một cuộc xung đột do Điện Kremlin dựng lên và kiểm soát, được thổi bùng bằng xe tăng và vũ khí hạng nặng của Nga và được tài trợ từ tiền của người đóng thuế ở Nga.”

Bà Nuland cũng nói với ủy ban rằng chính quyền Obama vẫn chưa quyết định có nên cung cấp vũ khí phòng vệ cho chính phủ Kiev hay không trong cuộc chiến với thành phần ly khai được Moscow hậu thuẫn gần biên giới Nga. Bà cho biết đang có những cuộc bàn luận về sự trợ giúp này trong khi các quan chức chính quyền theo dõi thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào ngày 15 tháng Hai.

Trong một diễn biến có liên quan, đại sứ Đức ở Mỹ Peter Wittig hôm thứ Hai cho biết Tổng thống Barack Obama đã quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev vào thời điểm này, sau cuộc hội đàm gần đây với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ông Wittig nói với hãng tin AP rằng bất kỳ động thái nào như vậy cần được cân nhắc thận trọng, vì khả năng cung cấp loại vũ khí đó cho Ukraine – một quốc gia không phải là thành viên NATO – có thể khiến Nga leo thang quân sự. “Phương Tây phải chuẩn bị đầy đủ để tiến vào logic quân sự đó về vấn đề miền đông Ukraine.”

Những người chống đối sự trợ giúp này cũng lập luận rằng phương Tây có đổ bao nhiêu vũ khí vào Ukraine cũng không thể chặn đứng nỗ lực quân sự đầy quyết tâm của quân đội Nga. Các nhà phân tích nói quân đội Nga lớn hơn ít nhất bốn lần so với quân đội Ukraine, với số lượng xe tăng nhiều gấp hai và chiến đấu cơ nhiều gấp sáu.

Trong khi đó hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói phiến quân đã rút một lượng “đáng kể” vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến ở miền đông, theo quy định của thỏa thuận ngừng bắn được quốc tế điều giải. Ông cũng cho biết chính phủ của ông đã rút lại “phần lớn” vũ khí của mình.

Nhưng ông Poroshenko, trong phát biểu trên truyền hình, không nhắc tới việc Nga tăng cường khí tài quân sự như bà Nuland mô tả và được báo cáo riêng biệt trong những ngày gần đây bởi những quan sát viên châu Âu và các nhà phân tích phương Tây. – VOA