Việt-Nam trên thềm năm 2015 – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt-Nam trên thềm năm 2015 – Nhữ Đình Hùng

Một thoáng nhìn lại.

Phần lớn các nghiên-cứu về kinh-tế, tài-chánh của Việt-Nam trong những thập-niên vừa qua đều lấy các năm 1989 hay 1990 làm điểm mốc. Điều này tưởng có thể hiểu được vì 1989 là thời điểm mà Nguyễn Văn Linh, tổng-bí-thư đảng cộng-sản Việt-Nam đã đưa ra chiêu bài ‘đổi mới’ và năm 1990 là năm mà một số biện-pháp nổi mới được đưa ra thi hành. Sau khi VNCH bị sụp đổ vào ngày 30.04.1975 do việc cắt viện-trợ về kinh-tế và quân-sự của Hoa-Kỳ, trong khi csvn đang mở cuộc tấn công lớn với viện-trợ dồi dào từ khối cộng-sản quốc-tế, miền Bắc và Nam Việt Nam sau đó đã đi đến thống-nhứt.

Tưởng cũng cần nhắc lại là vào năm 1954, sau khi Pháp thua trận ở Điện-Biên Phủ, Pháp đã phải chấp-nhận ngồi vào bàn hội-nghị với cộng-sản Việt-Nam để ký kết một thỏa-hiệp đình-chiến ở Genève, theo đó, nước Việt-Nam bị chia làm hai miền theo vĩ-tuyến 17. Phần phía bắc vĩ-tuyến 17 đặt dưới sự kiểm-soát của cộng-sản Việt-Nam dưới sự lãnh-đạo của Hồ-Chí-Minh, phía nam vĩ tuyến 17 thuộc về Quốc-Gia Việt-Nam dưới quyền lãnh-đạo của Quốc-Trưởng Bảo-Đại. Quân-sĩ và cán-bộ cuả cộng-sản Việt-Nam trên khắp nước được tập-kết về miền Bắc, còn quân-đội, cán-bộ và công-chức của Pháp cũng như của quốc-gia Việt-Nam ở bắc vĩ-tuyến 17 được di chuyển vào miền Nam Việt Nam. Dân-chúng giữa hai miền có một thời hạn qui-định để lựa chọn chế-độ họ muốn sống. Lúc đó, một làn sóng người ào ạt đi vào miền Nam, lên đến hàng triệu người, đó là phong-trào di-cư. Có thể nói không sợ lầm lẫn ngày 20.07.1954 đã đánh dấu sự chia đôi đất nước nhưng đồng thời cũng là ngày mở ra một cuộc lựa chọn chế độ để sống; không thấy có phong trào dân miền Nam đổ ra Bắc, chỉ có phong trào người miền Bắc đổ vào miền Nam, đây quả thực là một hành-trình tìm tự do của người Việt Nam vào thời đó.

*Miền Bắc Việt Nam dưới sự lãnh-đạo của Hồ Chí Minh, với một đảng lãnh-đạo duy nhất là đảng cộng-sản Việt-Nam trá-hình dưới danh-xưng đảng Lao-Động, đã thiết-lập một chế-độ chuyên-chính vô-sản với một nền kinh-tế chỉ-đạo và tập-trung. Chỉ có một hệ-thống ngân-hàng duy nhất là ngân-hàng Nhà Nước, có quyền phát-hành giấy bạc có tính cách lưu hành cưỡng bách vì không cần bảo-chứng bằng vàng hay ngoại-tệ! Đi đúng theo đường lối tổ-chức của đảng cộng-sản Trung-Hoa, miền Bắc Việt Nam cũng đã tiến-hành cải-cách ruộng-đất, đã tập-trung các phương-tiện sản-xuất vào trong tay Nhà Nước, thực hiện một hệ-thống kinh-tiêu qua các trung-tâm mậu-dịch, các cửa hàng phân-phối, giá cả các hàng-hoá được Nhà Nước ấn-định không theo giá vốn của thành-phẩm, không nói lên được sự chi phối giữa cung và cầu, sự phân-phối theo qui-định của Nhà Nước, căn cứ trên hộ khẩu (chế-độ tem phiếu).Các cơ-quan ngôn-luận đều nằm trong tay nhà nước…

Mặc dù được thừa hưởng các cơ-sở kỹ-nghệ tương-đối tốt vào thời đó (kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ khai mỏ than đá, kim-loại, nhà máy sản-xuất gang thép…), tình hình kinh-tế miền Bắc coi như dậm chân tại chỗ ở thời điểm 1960 (sau cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp)!

* Miền Nam, dưới sự lãnh-đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, chịu sự khổng-chế của Pháp, theo chế-độ kinh-tế tự-do. Về mặt chánh-trị, có sự hiện-diện của nhiều chánh-đảng như Quốc Dân Đảng, Đại-Việt, Duy Dân… Miền Nam có tình trạng sứ quân với  Bình Xuyên của Bảy Viễn, Hòa Hảo của Năm Lửa và các lực lượng võ-trang của Ba Cụt, Trình Minh Thế… Tình hình chánh trị sau đó được gom về một mối với việc truất-phế Bảo Đại và thành lập đệ nhất Cộng Hoà với tổng thống Ngô Đình Diệm. Tình hình kinh-tế có phát-triển do việc được tự do kinh-doanh, đời sống nông-dân được khá hơn nhờ cải cách ruộng đất (dưới thời tổng-thống Ngô Đình Diệm và chương-trình ‘người cày có ruộng’ dưới thời tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu). Nhưng, tổng-thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết vào năm 1963, tạo ra một tình trạng khủng hoảng cho tới 1967 với việc thành-lập Đệ Nhị Cộng Hoà. Tình hình kinh-tế được cải thiện nhanh chóng không chỉ do viện-trợ Mỹ mà còn do sự tiêu dùng của quân-đội Mỹ tại chỗ, do việc phát triển các kỹ-nghệ như việc lập khu kỹ nghệ Biên Hòa, cải thiện đời sống nông dân bằng các chương trình hữu sản hoá ‘người cày có ruộng’… Miền Nam Việt Nam, ngoài Ngân Hàng Quốc Gia là ngân hàng phát hành tiền, căn cứ trên dự trữ vàng và dự trữ ngoại-tệ, còn có những ngân hàng tư Việt Nam như Tín Nghĩa Ngân Hàng, Kỹ Thương Ngân Hàng,.. và các ngân hàng vốn của Nhà Nước như Ngân Hàng Nông Thôn, Quốc Gia Nông Tín Cuộc… và các ngân-hàng của nước ngoài như Pháp-Hoa ngân hàng, Hồng-Kông Thượng Hải ngân hàng, Anh Quốc ân Chiếu ngân hàng, ngân hàng Manhattan… Nhiều kỹ nghệ sản-xuất các mặt hàng thường dùng được lập ra như kỹ nghệ dệt, kỹ nghệ xi măng, thủy-tinh, giấy, thực phẩm (bột ngọt, sữa đặc…), y dược và bắt đầu lắp ráp xe hơi (xe Citroën kiểu ‘Dalat’. Vào thời điểm 1975, khi VNCH bị sụp đổ trước cuộc tấn-công của miền Bắc Việt Nam, tình-hình kinh-tế miền Nam ở vào mức độ tương đương hay hơn Đại Hàn, Singapour.

* Sau khi chiếm được miền Nam và thực-hiện việc thống-nhất hai miền Nam, Bắc, cộng-sản Việt Nam đã áp-đặt nền kinh-tế xã-hội chủ- nghĩa, bước quá độ tiến lên cộng-sản chủ-nghĩa cho cả hai miền. Với hai cuộc đổi tiền mà thực chất là để tước đoạt tài sản những người ‘giàu’, các cuộc đánh tư-sản mại-bản và các thành-phần tư-sản dân-tộc, việc tập-thể-hoá nông-nghiệp, quốc-doanh-hoá kỹ-nghệ và hợp-tác-hóa sản-xuất, kinh-tế miền Nam đã tụt xuống ngang bằng miền Bắc. Tình-trạng chậm tiến, tụt hậu rõ nét như xe hàng, vận-tải phải chạy bằng than thay vì bằng xăng, các xí nghiệp sản-xuất các thành-phẩm chỉ cốt đạt chỉ-tiêu về số lượng mà không để ý đến phảm-chất. Cho đến thập niên 80, tình hình kinh-tế Việt Nam lùi xa sau các nước Singapour, Nam Hàn và Thái-Lan… Cùng lúc đó, Liên Sô đưa ra chánh-sách  ‘Glasnot’ và ‘Perestroïka’, thừa nhận sự thất-bại của chủ-nghĩa cộng sản trong việc xây dựng kinh-tế… Ở Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra nhận xét ‘không cần biết mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột’. Phải đợi đến 1989, rút kinh-nghiệm các nước đàn anh, cộng-sản Việt Nam mới dè dặt đưa ra chánh-sách đổi mới, lúc đầu chỉ là ‘đổi mới tư duy’ rồi sau đó chuyển sang ‘đổi mới kinh tế’ với khẩu hiệu ‘kinh-tế thị trường theo định hướng xã hội’. Có lẽ vì thế mà các phân-tích gia ngoại quốc đã lấy mốc 1989 hay 1990 làm điểm mốc để so sánh sự phát-triển kinh-tế ở Việt-Nam.

Đúng là việc thi-hành chánh-sách kinh-tế đổi mới đã giúp nền kinh-tế Việt-Nam hồi phục. Nhưng đảng cộng-sản việt-nam vẫn ‘lấn cấn’ trong việc lựa chọn một chánh-sách kinh-tế hoàn-toàn tự-do hay chánh-sách kinh-tế hoạch-định, cuối cùng đưa đến việc chấp-nhận có tư-doanh nhưng kinh-tế quốc-doanh vẫn là khu-vực chủ đạo. Ngay trong lãnh-vực tư-doanh, chánh-quyền Việt-Nam – đúng hơn là đảng cộng-sản việt-nam – đã để phát-triển mạnh hơn khu-vực công-tư hợp-doanh nhằm để nắm vững điều ‘đảng chỉ đạo, nhà nước quản-lý, nhân-dân làm chủ’.

Cho đến cuối thế-kỷ XX, Việt-Nam đã phát-triển hơn nhưng vẫn còn chậm hơn các nước trong khu-vực. Có những vấn-đề nghiêm-trọng cần phải giải-quyết như việc cần-thiết phát-triển nông-nghiệp để cung-cấp thực-phẩm cho khối dân-số gia-tăng nhanh chóng (thêm một triệu miệng ăn một năm), việc cải-tổ khu-vực xí-nghiệp quốc-doanh để không trở thành gánh nặng cho ngân-sách quốc-gia do việc quản-lý tùy-tiện và thua lỗ, và hơn hết là cải-tổ các cơ cấu tài-chánh ngân-hàng kém hiệu-năng và có nhiều nợ khó đòi!