2015: Khung thời gian cho TT Obama đối đầu với khủng hoảng toàn cầu và hoàn tất chánh sách đổi trục về châu Á – Bs Mã Xái
Trước mắt, khoảng thời gian còn lại cho nhiệm kỳ TT Obama thu hẹp dần trong khi các khủng hoảng lẽ ra khép lại, nhưng dưới triều đại tám năm của ông lại quá nhiều chiến tranh, đại họa mở ra đặt lên vai của nhà lãnh đạo thế giới. Ít nhứt có đến hơn nửa tá khủng hoảng quân sự mới mà Hoa Kỳ tham dự, không kể thiên tai, dịch Ebola, biến đổi khí hậu, môi trường. Rõ ràng Tổng Thống Obama không khoá sổ kịp trách nhiệm của mình trước khi bàn giao cho vị tân Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.
Những biến cố dồn dập đòi hỏi sự can dự của HK khiến không ít người bi quan về chánh sách tái cân bằng nhứt là Trung quốc càng ngày lộ diện động thái gây hấn, chèn ép dọa nạt, xâm lăng một số quốc gia yếu thế như Viêt Nam, Phi luật tân và những biến cố ở Biển Đông và Hoa Đông; nó cũng ảnh hưởng không ít đến sự hỗ trợ của HK đối với phong trào tranh đấu cho tự do, dân chủ nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. TT Obama đã can dự vào những cuộc khủng hoảng quan trọng được ghi nhận:
Trong cuộc chiến đấu chống lực lượng hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay ISIL) Hoa Kỳ đang lãnh đạo một liên minh nhiều quốc gia nhưng thực tế không dễ tiêu diệt hoặc làm suy giảm sớm, mà Hoa Kỳ còn phải ngăn ngừa làn sóng tình nguyện ngoại quốc; lực lượng bạo lực quá khích gia tăng đáng kể trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, và đến nay thì liên minh chưa đẩy nổi họ ra khỏi Iraq hoặc Syria. TT Obam vừa xin Quốc Hội xử dụng quân lực nhưng không xử dụng bộ binh tham chiến dài hạn như trước kìa trong chiến tranh Iraq và Afganistan mà chỉ xử dụng không lực, cho phép quân đội trong vai trò cố vấn huấn luyện. Nhiều nhà phân tích cho rằng hạn chế TT quyền xử dụng quân đội vào chiến tranh thì cơ may chiến thắng ISI chưa đoán được. ISIS là một thảm họa cho nhơn loại ở thế kỷ 21 này.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã được TT Obama phân tích trong phiên họp Thượng đỉnh NATO-2014 tại Wale tháng Năm 2014. Nó không chỉ đơn thuần cuộc chiến tranh giành Donetsk, Luhansk, Debaltsteve mà là cuộc xâm chiếm lãnh thổ nằm trong tham vọng tái lập “đế chế “Liên Xô cũ của nhà độc tài Putin. Đã có dấu hiệu
Nga đang thăm dò ba quốc gia vùng Baltic. Thỏa thuận ngưng bắn Minks-2 có thể bị Nga phá vỡ như đã xẩy ra sau Minhks-1. Thủ tướng Merkel và TT Hollande cố gắng cứu vãn lệnh ngưng bắn và thuyết phục TT Obama tạm thời hoãn dùng giải pháp quân sự. Biện pháp trừng phạt và sự sụt giảm giá dầu cũng làm cho nền kinh tế Nga điêu đứng. Thượng đỉnh NATO-2014 cũng đã dự trù “những đơn vị” quân sự phản ứng nhanh” để đối phó với động thái xâm lược của Nga ở những quốc gia trong liên bang Nga cũ. Nhưng trước hết Tây Phương đặc biệt là Hoa Kỳ phải giúp đỡ Ukraine tài chánh, quân sự, chánh trị để đối phó với phiến quân dù rằng Ukraine chưa là thành viên của EU hay NATO. Hoa Kỳ và Âu Châu phải nhứt trí trong chấm dứt bạo lực ở Ukraine và cho Putin thấy ông ta không thể thực hiện ý độ “tái lập đế chế” mà không phải trả cái giá đắt đỏ.
Cuộc chiến Afghanistan chưa chấm dứt: Ngày 29/12/2014 TT Obama và Bộ trưởng quốc phòng HK tuyên bố chấm dứt sứ mạng chiến đấu ở Afghanistan khởi sự từ sau biến cố 9/11/2001 và bắt đầu sứ mạng chuyển tiếp gìn giữ hoà bình bắt đầu vào năm 2015 với vai trò yểm trợ, huấn luyên, cố vấn cho quân đội và cảnh sát, đồng thời tiếp tục sứ mạng chống khủng bố Al-Qadea. Một chương trình rút quân vội vã giữ lại khoảng 10,800 nhơn viên và lực lượng chống khủng bố vào năm 2015, giảm dần một nửa vào năm 2016 và chỉ còn khoảng vài trăm người vào năm 2017. Chương trình rút quân vội vã mà TT Obama phải thực hiện theo lời hứa của ông khi tranh cử, trong khi hiện nay tình hình an ninh Afghanistan càng ngày càng tồi tệ với sự lớn mạnh của Taliban và sự khủng bố tăng trưởng với nhịp độ rút quân; tình hình kinh tế trên đà xuống dốc thê thảm, ngoại viện Hoa Kỳ cũng bị cắt giảm theo đà hồi hương của quân đội HK. Trung quốc đã hứa viện trợ để tái thiết và giúp chánh phủ Afghanistan và Pakistan cũng đề nghị giúp Afghanistan hòa giải với Taliban! Nhiều người so sánh cung cách giải quyết cuộc chiến của TT Obama với kế hoạch rút quân của TT Johnson trong cuộc chiến Viêt Nam.
Từ sau cuộc rút quân ra khỏi vũng lầy Iraq năm 2011, Hoa kỳ đã phải can dự vào cuộc nội chiến nước này; ông Obama đã áp lực Iraq cải tổ nội các để tạo sự hòa giải đem lại sự đoàn kết giữa các người Ả rập Shiites, Ả rập Sunnis và người Kurks, chống lại phiến quân. Sự nổi dậy của ISIL (Islamic State of Iraq and the Levant) khiến chánh quyền Obama dùng không kích và tăng cường lực lượng huấn luyện, cố vấn chỉ đạo cuộc chiến từ hậu phương và cũng đã chiếm lại một phần đất bị đánh chiếm.
Cuộc chiến hiện nay tại Syria càng phức tạp, Hoa Kỳ yểm trợ lực lượng người Syria chống TT Assad, vừa chống IS; lực lượng này được HK huấn luyện và trang bị; Hoa kỳ cũng dùng không lực đánh IS, nhưng vô tình không kích IS cũng giúp chế độ Assad. Tổn thất sanh mạng trong cuộc chiến Syria tính đến cuối năm 2014 trên 191,000, thương tích hơn 300,000 và tị nạn trên 3 triệu. Nga ủng hộ chánh quyền Assad.
Tại Yemen và vùng Bán đảo Ả rập, tình hình bi đát không kém. Phiến quân Houthi từ bắc Yemen đã đánh tan chánh quyền do Hoa Kỳ hậu thuẫn, và đã kiểm soát thủ đô; tình thế này khiến việc tấn công các lực lượng Al-Qadea trong vùng Bán Đảo Ả-rập càng khó khăn và đe doạ an ninh cho Ả rập Saudi cũng như khả năng phát triển IS tại vùng này. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Yemen đã phải đóng cửa.
Nguy cơ chiến tranh với Iran cũng là điều có thể xảy ra; cuộc thương thảo hạt nhân nhằm ngăn ngừa nước này sản xuất võ khí nguyên tử tới nay chưa có kết quả, Hoa Kỳ sẽ gia tăng sự trừng phạt nếu phương pháp ngoại giao không kết quả, hạn kỳ vào tháng Sáu 2015. Iran chưa bao giờ là bạn của HK, nếu không nói là thù địch.
Thay lời kết
Nhiệm kỳ của TT Obama quá nhiều thách thức nhứt là trong năm 2014; ông mô tả đường lối lãnh đạo của Hoa Kỳ “từ vị trí của sức mạnh” nhưng phải luôn luôn chống lại sự thôi thúc vươn tới quá xa “khi tìm cách giải quyết những vụ khủng hoảng toàn cầu”; ông tuyên bố như vậy khi công bố về chánh sách an ninh quốc gia (source: VOAnews 8/2/15); ông nói nước Mỹ không nên chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để ứng phó với thách thức trên thế giới; ông muốn tránh đưa bộ binh tham chiến, trong khi các chuyên gia cố vấn quân sự cho rằng TT đã sai lầm trong xác tín chánh trị của ông; và nhiều nhà phân tích thời cuộc cho rằng ông không giải quyết thỏa đáng mọi tình huống đối với những đe dọa toàn cầu.
Chánh sách đối ngoại cốt lõi của ông Obama là tái cân bằng lực lượng / đổi trục về châu Á Thái Bình Dương nơi mà Hoa Kỳ theo dõi khít khao sự trỗi dậy không hài hoà của Trung Quốc với những động thái tạo nên tình trạng căng thẳng, đe doạ an ninh và ổn định cho khu vực; điển hình là những biến cố ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong ba mũi giáp công bao gồm an ninh, chánh trị, ngoại giao và kinh tế, sách lược Đổi Trục coi như thất bại nếu TPP không thành công, do đó mà ông Obama đã thúc bách Quốc hội thông qua luật TPA (trade pre-authorization act), nếu không thị trường mậu dịch sẽ bị Trung Quốc lấn lướt trong vùng Châu Á TBD: Trung quốc đã đi khá xa trong vòng đàm phán trong nhiều thỏa hiệp tự do mậu dịch hoặc những định chế tài chánh như RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), Trilateral Free Trade Agreement, Asia Infrastructure Investment Bank, BRICKS New Development Bank, sáng kiến về “Đường tơ lụa trên bộ trên biển” được Tập Cận Bình đề cập tại Hội nghi thượng đỉnh APEC-22 tháng 11/2014. Ông Obama hy vọng kết thúc vòng đàm phán TPP trước chuyến công du tham dự Thượng đỉnh APEC ở Phi luật Tân và Thượng đỉnh Đông Á ở Malaysia vào cuối năm 2015. Đối với VNCS, thực thi nhơn quyền, thay đổi chánh trị là điều kiện tối thiểu phải có đáp ứng với tiêu chuẩn gia nhập TPP; không có chuyển biến cụ thể như vậy thì việc ông Obama thăm viếng Việt Nam chỉ nhằm giúp Hà Nội cũng cố chế độ toàn trị, độc tài đã được HK thiết lập quan hệ ngoại giao 20 năm qua.
Thời gian còn lại cho Tổng thống Obama quá ít để giải quyết quá nhiều khủng hoảng trên thế giới, nhưng nó không quá ít để tích cực hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhơn quyền, tự do là những giá trị mà ông thường nói trong chánh sách xoay trục về ĐNA trong đó có Việt Nam mà cách đây 40 năm đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ cuộc nửa đường, cúp viện trợ, thỏa hiệp với Bắc Kinh Hà nội khiến VNCH sụp đổ.