Tin Thế Giới – 2/3/2015
Nhật Bản tham vấn nhân sĩ về lịch sử và tương lai đất nước
Ngày 26/02/2015, một hội đồng bao gồm giới sử học và chuyên gia Nhật Bản đã họp lại lần đầu tiên theo yêu cầu của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhiệm vụ được giao cho hội đồng «nhân sĩ» này là giúp Thủ tướng Abe soạn thảo một bản tuyên bố về lịch sử cận đại của Nhật Bản và vai trò của nước Nhật trong thế kỷ XXI, một văn kiện sẽ được các láng giềng của Nhật hết sức chú ý, 70 năm sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, một cuộc chiến trong đó Nhật Bản đóng vai trò kẻ xấu.
Về nội dung khái quát của bản tuyên bố đó, chính Thủ tướng Abe đã ghi nhận trong lời khai mạc cuộc họp của hội đồng nhân sĩ rằng nước Nhật bị thua trận và kiệt quệ sau chiến tranh đã lấy lại được một vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định rằng Nhật Bản «đã góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vòng 70 năm qua với tư cách là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và là một đồng minh của Hoa Kỳ».
Tuy nhiên, để giải thích lý do vì sao ông lại phải tham khảo ý kiến các nhân sĩ, Thủ tướng Abe cho rằng ông vẫn đang phân vân về cách thức mà 70 mươi năm sau cuộc chiến, Nhật Bản cần phải áp dung để tiếp tục «vai trò sứ giả hòa bình», để «chủ động đóng góp cho hòa bình, dựa trên các nguyên tắc của hợp tác quốc tế.»
Do đó, nhiệm vụ của Hội đồng bao gồm 16 nhà báo, học giả và doanh nhân này, là từ nay đến mùa hè sắp tới tìm ra được đáp án cho câu hỏi: «Nhật Bản có thể đề ra những chính sách và biện pháp thiết thực nào để trở thành có ích cho vùng châu Á-Thái Bình Dương và cho thế giới trong tương lai, dưới ánh sáng của 70 năm đã qua kể từ khi chiến tranh kết thúc».
Abe cần tham vấn nhân sĩ vì bị đánh giá là diều hâu
Theo các nhà quan sát, mục tiêu sâu xa của Thủ tướng Abe khi tham vấn các nhân sĩ là làm sao cho bản tuyên bố của ông có được một vẻ đồng thuận, đặc biệt trong bối cảnh là hiềm khích vẫn tồn tại giữa Nhật Bản và các láng giềng Trung Cộng, Hàn Quốc, và Nga về cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và hậu quả của cuộc chiến này.
Ông Abe luôn lặp đi lặp rằng «con đường hòa bình mà Nhật Bản theo đuổi không hề đổi hướng», đồng thời hứa sẽ tôn trọng các lời bày tỏ thái độ hối tiếc từng được những người tiền nhiệm của ông đưa ra để nhận lỗi về sự tàn bạo trước đây của quân đội Nhật Bản ở châu Á. Thế nhưng, ông vẫn bị coi là một chính khách diều hâu, gần gũi với một thành phần theo xu hướng cực hữu tại Nhật Bản, vốn luôn luôn cho rằng Nhật Bản không thể cúi đầu nhận tội mãi mãi về quá khứ đó.
Bên cạnh đó, cũng có dư luận lo ngại về ý định thường xuyên được ông Abe bày tỏ, là muốn sửa đổi hiến pháp chủ hòa mà người Mỹ đã áp đặt trên nước Nhật sau chiến tranh.
Chỉ mới thứ Hai 23/02 vừa qua, nhân sinh nhật thứ 55 của mình, Thái tử Nhật Bản Naruhito đã gián tiếp can dự vào cuộc tranh luận, khi cho rằng người Nhật cần thiết phải «khiêm tốn nhìn lại quá khứ», và «các thế hệ đã trải qua chiến tranh cần phải truyền đạt một cách đúng đắn lịch sử và các kinh nghiệm đau thương, cho các thế hệ không biết chiến tranh».
Đối với người sau này sẽ kế vị ngôi vua tại Nhật thì: «Một lần nữa, vấn đề làm thế nào để mang lại hòa bình và thịnh vượng cho thế giới đã được đặt ra».
Đảng cầm quyền Estonia tuyên bố thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội
Đảng trung hữu cầm quyền ở Estonia là Đảng Cải cách tuyên bố, vào khuya ngày Chủ nhật, đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội, cuộc bầu cử diễn ra với những quan ngại về an ninh từ phía Nga ngày càng gia tăng quân sự.
Các kết quả chưa chính thức được đưa ra sau khi các phòng phiếu đóng cửa nhiều giờ cho thấy liên minh cầm quyền do Thủ tướng Taavi Roivas lãnh đạo chiếm ít nhất 54 ghế trong 101 ghế quốc hội.
Tổng thống Toomas Hendrik Iives theo dự kiến sẽ yêu cầu ông Roivas thành lập tân chính phủ vào Thứ hai.
Trong thời gian dẫn tới cuộc bầu cử, ông Roivas đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm ngoái.
Trong mấy ngày gần đây, ông cũng kêu gọi NATO đưa thêm binh sĩ và thiết bị đến để giám sát cuộc tập trận của quân đội Nga gần biên giới Estonia.
Thủ tướng Roivas, 35 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất trong khối các nước Liên hiệp Âu châu. Estonia gia nhập khối này vào năm 2004 và là nước có mức công nợ thấp nhất. – VOA
Chính quyền Hồng Kông câu lưu nhiều dân biểu tranh đấu cho dân chủ – Nghị trường Trung Cộng mở cửa đón những người giầu nhất nước
Chính quyền thân Bắc Kinh tại Hồng Kông vừa tiến hành một biện pháp mới để trấn áp phong trào dân chủ. Đối tượng bị hù dọa là các nghị sĩ tham gia xuống đường với sinh viên học sinh.
Các dân biểu vừa được cảnh sát trả tự do vào ngày hôm nay 2/3 sau nhiều giờ bị cảnh sát thẩm vấn cho biết chính quyền Hồng Kông muốn tìm hiểu ai là “những kẻ chủ mưu” kích động phong trào chiếm đóng thành phố kéo dài gần hai tháng cuối năm 2014.
Theo yêu cầu của cảnh sát, hai dân biểu Albert Hà và Helena Hoàng của đảng Dân chủ, tay cầm chiếc dù nhỏ màu vàng, biểu tượng của phong trào tranh đấu, đến tổng hành dinh cảnh sát Hồng Kông vào sáng nay. Bên ngoài nhiều ủng hộ viên cầm dù vàng và biểu ngữ đòi “bầu cử dân chủ thực sự”.
Bà Helena Hoàng sau khi trở ra cho biết bà và dân biểu Albert Hà đã “bị bắt chính thức” và trong tương lai không loại trừ khả năng bị truy tố với tội danh “tụ tập bất hợp pháp”.
Nhiều lãnh tụ phong trào sinh viên học sinh trong đó có Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) và Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ nhưng không bị buộc tội.
Hai cựu dân biểu có tiếng tâm là Lý Trụ Minh (Martin Lê) và Dư Nhuợc Vi (Audrey Eu) cũng đã “trình diện” cảnh sát.
Theo bà Audrey Eu, chính quyền thân Bắc Kinh của Hồng Kông tìm cách “khủng bố tinh thần” người dân địa phương.
Trong khi ở TQ lục địa, trong tuần này, hai định chế đại biểu nhân dân chủ chốt tại TC mở khóa họp thường niên, ngày mai 03/03/2015 là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – còn gọi là Chính hiệp – và hai hôm sau đến lượt Quốc hội. Điều đáng chú ý là một yếu tố xuất hiện từ thời Giang Trạch Dân cách nay gần 15 năm, đã tiếp tục được phát huy và lộ rõ nhân hai cuộc họp lần này: Đó là sự có mặt của các doanh nhân giầu nhất nước trong hàng ngũ các đại biểu.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, có hơn một phần ba doanh nhân trong danh sách 100 người giầu nhất TC là đại biểu của một trong hai định chế kể trên. Danh sách 100 người giầu nhất là một bảng xếp hạng mang tên là Hồ nhuận Bách phú, do tạp chí Hồ nhuận lập ra hàng năm, mô phỏng cách làm của tạp chí Mỹ Fortune hay Forbes.
Như vậy là trong số 10 người đứng đầu danh sách Hồ nhuận Bách phú của năm 2014, có ba đại tỷ phú là đại biểu Quốc hội. Đó là các tên tuổi như Mã Hóa Đằng (Ma Huateng hay Pony Ma), người đứng đầu tập đoàn Internet khổng lồ Tencent, Lôi Quân (Lei Jun), người sáng lập và lãnh đạo tập đoàn điện thoại thông minh đang vươn lên là Xiaomi, hoặc là ông Tông Khánh Hậu (Zhong Qinghou) ông trùm nhành giải khát tại TC.
Bên cạnh các tỷ phú đại biểu Quốc hội đó, một số gương mặt khác trong danh sách 10 người giầu nhất nước cũng đã trở thành đại biểu của Chính hiệp, một cơ quan tham vấn tương tự như Mặt trận Tổ quốc tại Việt Nam. Có thể kể đến Lý Hà Quân (Li Hejun), ông trùm của ngành năng lượng mặt trời, vừa được tập chí Hồ nhuận đôn lên vị trí đầu danh sách, hoặc là Lý Ngạn Hoành (Li Yanhong hay Robin Li), chủ nhân công cụ tìm kiếm Baidu.
Theo tờ báo Trung Quốc Tân Văn hóa, nếu mở rộng ra thêm, thì trong danh sách 100 người giầu nhất TC, có đến 15 người là đại biểu Quốc hội, và 21 người là thành viên của Chính Hiệp.
Theo tờ báo, tài sản của 36 người này cộng lại lên đến 1 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 190 tỷ đô la, một con số còn cao hơn cả GDP của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết là vào năm 2014, Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam chỉ tương đương với 184 tỷ đô la mà thôi.
Việc các doanh nhân nói chung, và những người giầu nhất nói riêng, được bầu vào các cơ chế tạm gọi là dân cử như Quốc hội hay Chính hiệp, bắt nguồn từ một học thuyết gọi là “Ba đại diện” do cựu Chủ tịch TC Giang Trạch Dân sáng tạo vào năm 2001, theo đó các cơ chế Đảng hay Nhà nước phải mở ra cho doanh nhân và các “lực lượng sản xuất” khác, chứ không chỉ dành riêng cho 4 thành phần truyền thống là nông dân, công nhân, trí thức và quân đội.
Đấy được xem là một quyết định chính trị cần thiết trong bối cảnh kinh tế xã hội TC chuyển đổi mạnh qua cái gọi là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.
Tuy nhiên, sự hiện diện của những người giầu có trong Quốc hội hay Chính hiệp Trung Quốc không phải không có vấn đề. Theo chính tờ Tân Văn hóa, cả hai định chế này luôn luôn nhấn mạnh quyết tâm chống lại tình trạng bất bình đẳng về của cải, và cam kết giúp đỡ những người nghèo nhất, sự hiện diện của hàng chục tỷ phú trong số các đại biểu đã bị chỉ trích. Nhiều người lo ngại rằng các nhân vật này có thể lợi dụng vị thế của mình để vận động hành lang phục vụ cho lợi ích kinh doanh của họ. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ – TT Obama: Người Mỹ làm việc siêng năng nên được nghỉ hưu xứng đáng
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói ông cam kết ủng hộ kinh tế trung lưu và bảo đảm tất cả những người Mỹ làm việc chăm chỉ được nghỉ hưu trong an toàn và phẩm cách mà họ xứng đáng được hưởng.
Trong bài diễn văn hàng tuần đọc hôm Thứ bảy, Tổng thống Obama nói rằng hầu hết các cố vấn tài chính có kỹ năng đặt tương lai của thân chủ lên hàng ưu tiên, nhưng có một số người hướng dẫn thân chủ vào những đầu tư không có lợi để đổi lấy những khoản lại quả hay lệ phí ẩn.
Ông nói đó là lý do hồi đầu tuần ông thúc giục Bộ Lao Đông Mỹ cập nhật các luật lệ và yêu cầu những cố vấn cho người nghỉ hưu đặt những lợi ích tốt nhất của thân chủ trên các lợi ích tài chính của riêng họ.
Tổng thống nói rằng các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu không thể mất đi số tiền tiết kiệm của mình sau cả đời làm việc.
Ông nói các lời khuyên về tài chính xấu dẫn đến những xung đột lợi ích mỗi năm gây thiệt hại cho các gia đình lao động và trung lưu khoảng 17 tỉ đôla. – VOA
Y tá bị nhiễm Ebola gốc Việt Nina Pham đâm đơn kiện
Nữ y tá gốc Việt Nina Phạm hôm nay 2/3 đã đâm đơn kiện Texas Health Resources, công ty quản lý bệnh viện nơi cô từng làm việc, vì cho rằng cơ sở y tế này đã không huấn luyện nhân viên điều trị Ebola cũng như không cung cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ cần thiết.
Ngoài ra, cô Nina còn cho rằng công ty trên vi phạm sự riêng tư của cô khi chia sẻ hồ sơ bệnh lý của cô.
Truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời luật sư của cô Nina cho biết như vậy hôm nay. Người đại diện này cho biết thêm rằng cô gái gốc Việt 26 tuổi hiện phải đối mặt với các hệ quả của việc bị nhiễm Ebola như đau nhức người và gặp phải ác mộng.
Vị luật sư cũng cho biết thêm rằng cô Nina hiện vẫn chưa làm việc trở lại và bà không biết rằng liệu sau này cô có còn làm công việc y tá nữa hay không.
Một thông cáo của công ty quản lý bệnh viện ở Texas nói rằng cô Nina đã “dũng cảm làm việc trong thời kỳ khó khăn nhất”, và họ hy vọng rằng “các cuộc đối thoại mang tính xây dựng có thể giải quyết” vấn đề kiện tụng.
Năm ngoái, cô Nina đã trở thành bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Mỹ sau khi chăm sóc cho một công dân người Liberia tại bệnh viện Texas Health Presbyterian.
Cô bị nhiễm virus chết người sau 3 ngày chăm sóc bệnh nhân mà sau đó cũng tử vong. Tuy nhiên, cô đã được chữa khỏi và cho xuất viện rồi được tới gặp Tổng thống Barack Obama.
Trường hợp của cô Nina đã thu hút sự chú ý không chỉ báo giới ở Mỹ mà còn cả truyền thông Việt Nam. – VOA