Một tập tục đẹp của ngày Tết Việt Nam – Nguyễn thị Cỏ May

Cac Bai Khac

No sub-categories

Một tập tục đẹp của ngày Tết Việt Nam – Nguyễn thị Cỏ May

Dân tộc nào cũng đều có những tập tục đẹp. Dân pháp, ngày Tết chỉ nghỉ 1 ngày là ngày đầu năm. Đêm giao thừa, họ chúc nhau trong nhà, họ hàng, bạn bè và cả ngưòi tình cờ gặp nhau lúc đó.  Lòng mọi người mở rộng đón nhau. Với người thân, ăn bửa ăn giao thừa. Ở nhà hoặc ở một nhà hàng chọn và đặt trươc.

Riêng ở những nước nông nghiệp như Việt nam, ngày Tết không chỉ là ngày nghỉ, mà còn là ngày lễ hội đầy ấp tính văn hóa. Trong những tập tục cổ truyền như thờ cúng ông bà, còn có ăn chay và đi chùa lạy Phật ngày Mùng Một Tết.

Ở Bắc và Trung, việc thờ cúng ông bà được tổ chức và giử gìn kỷ lưởng. Trái lại, ở trong Nam, việc thờ cúng ông bà chỉ đươc chú trọng về nội dung hơn. Cách thờ cúng đơn giản hơn. Về nhu cầu tâm linh, dân chúng lại thiên về Đạo Phật vì tin tưởng sẽ được phù hộ trong đời sống mới nơi xa lạ:

Tới đây, xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu cũng sợ, con cá vẩy vùng cũng lo” .

Những nề nếp củ, họ đã cởi bỏ lại khi cất bước Nam tiến.

Ăn chay ngày Tết có từ bao giờ

Ăn chay thuần theo tôn giáo vẫn là nét đẹp trong văn hóa Việt

Rất khó trả lời vì người ta không biết ăn chay có từ bao giờ ỏ Việt nam. Nhứt là tục lệ ăn chay vào ngày Mùng Một Tết. Có thể từ lâu lắm, ít nhứt từ thời nhà Lý, triều đại cực thịnh của dân tộc và của đạo Phật Việt Nam.

Hàng năm, nhơn ngày đầu năm mới, người ta chọn ăn chay và đi chùa lạy Phật. Như vậy, ăn chay ngày Tết mang ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa Tết đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Cả năm làm ăn vất vả lo kiếm cái ăn, cái mặc, nên nhơn ngày đầu năm thiêng liêng, nghỉ ở nhà, người ta ăn chay với tâm nguyện chuộc tội lỗi cho nguyên một năm củ, và đồng thời, tâm thần thanh thảng, cầu phước đức, an lành, may mắn cho năm mới.

Ở miền Bắc, có nơi cả làng ăn chay trong ngày Tết. Như ở tỉnh Hưng Yên. Phong tục ăn chay trong ngày Mùng Một Tết ở đây thật là đặc biệt. Nhà nào cũng làm món chay cúng tổ tiên như xôi, bánh chưng, bánh cốm, chè,… Tuyệt nhiên không có việc giết bò, giết heo, gà làm các món mặn. Nên ở đây, không tìm thấy giò, nem, chả, mộc, thịt đông, thịt luộc như ở những làng khác. Tục lệ ăn chay ngày Mùng Một Tết này đã có từ lâu đời do cha ông truyền lại. Nguyên nhân có thể phát xuất từ tín ngưỡng Phât giáo vì cả làng đều theo đạo Phật nên giữ giới không sát sanh, ít nhứt vào ngày đầu năm.

Ngoài ra, cũng có thể do điều kiện làm ăn khó khăn, một năm chỉ nghỉ được mấy ngày Tết nên dân làng dành nhiều thời giờ để đi chùa lạy Phật cầu xin trời Phật phù hộ năm mới khá hơn năm củ. Vì đi chùa lạy Phật nên ăn chay theo giáo lý nhà Phật.

Ngoài làng Đào Đặng ở Hưng Yên có tục lệ ăn chay ngày Mùng Một Tết, còn có làng Đào Xá vùng Kinh Bắc cũng giử tục lệ cúng chay và ăn chay ngày Tết.

Hầu hết các gia đình trong làng vào ngày Mùng Một và ngày Mùng Bảy Tết đều làm bửa ăn chay đem ra chùa cúng Phật và sau là đãi khách . Các món chay như bánh, xôi, bửa cơm đều làm từ sản phẩm nhà nông như  gạo, nếp, rau, đậu, củ, quả, …Riêng món bún riêu chay ở đây rất đặc biệt ngon mang tên Bún riêu Đào Xá…

Vào miền Trung, người dân Huế phần lớn từ lâu đời theo đạo Phật nên ngày Mùng Một Tết họ ăn chay và đi chùa. Huế vốn nổi tiếng với các món chay vì còn ít nguời học được từ gia chánh hoàng cung trước đây. Ngày nay, phần nhiều các gia đình Huế đều tự tay nấu các món chay. Món mặn có gì thì món chay có nấy. Đặc biệt ở Huế có trái vả thường dùng để chế biến thành nhiều món chay khác nhau. Huế còn có món mít trộn làm bằng mít non, tré chay làm bằng cùi mít, nem chay làm bằng cùi bưởi, chả chay làm bằng phù chúc, sản phẩm từ đậu nành, mì căn từ tinh chất bột mì làm giả thịt gà (theo Tâm Diệu).

Trong năm, vào các ngày Mùng Một, ngày Rằm, bửa cơm chay của người Huế ở chùa hay trong gia đình, tuy không phải sang trọng cho lắm, nhưng hơi cầu kỳ ở cách trình bày biểu hiện nét văn hóa ẩm thực của ngày Tết ở xứ Huế ảnh hưởng từ thời còn vua chúa.

Ở xứ Nam kỳ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phật giáo có ảnh hưởng mạnh đời sống dân chúng. Vì đây là vùng đất mới khẩn hoang, nên dân chúng rất sùng Đạo Phật như một sức mạnh thiêng liêng che chở cho họ trong đời sống hằng ngày. Vì vậy, có thể đó là nguyên nhân của ăn chay và ăn chay ngày Tết khá phổ biến ở người dân miền Nam từ buổi đầu khẩn hoang cho đến ngày nay. Đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ăn chay có rất nhiều món, tuy không cầu kỳ, không trình bày khéo léo. Có nhiều món chay và món nào cũng nhiều, cũng đầy ấp do hoa quả, rau cải rất phong phú. Và trong mâm chay nam kỳ cũng không thể thiếu nhiều món với nước cốt dừa hay nước dừa tươi trong đó phải kể món «kiểm» là một món «xà bần» tuy là món mới nấu . Tất cả rau, quả, củ, cả bột năng, mì căng,… nấu chung với cả ruột dừa (cùi dừa), nước dưa tươi và nước cốt dừa . Món này chỉ có ở xứ Nam Kỳ vì chỉ ở đây mới có thừa vật liệu để thực hiện.

Dân Nam kỳ có thời nổi tiếng tài gia chánh vì các cô, các bà có dư thời giờ để học gia chánh và học chỉ để trổ tài lấy tiếng trong giới chị em mà thôi.

Bình thường, những món chay nhái món mặn cũng không thiếu. Tất cả đều rất ngon do vật liệu tươi, ngon.

Số người ăn chay chỉ ngày Mùng Một hay cả Ngày Rằm hoặc 4 ngày, 10 ngày / tháng cũng khá đông. Nhứt là ở Miền Tây theo Phật Giáo Hòa Hảo hay Miền Đông theo Tam Kỳ Phổ Độ.

Ăn chay vì sức khỏe, vì môi trường …

Ngày nay, ở Âu Mỹ, nhiều người, nhứt là giới trẻ và một số lớn danh nhơn, ăn chay trường, tức ăn chay dài hạn. Họ phần lớn ăn chay vì sức khỏe và bảo vệ môi sinh. Cũng có người ăn chay theo tín ngưởng tôn giáo.

Tạp chí nghiên cứu người tiêu dùng (Journal of Consumer Research) công bố kết quả một khảo sát năm 2012 cho  thấy nam giới ít có người ăn chay. Phải chăng vì “Thịt đồng nghĩa với quyền lực và sức mạnh đàn ông?”.

Một nghiên cứu khác của tạp chí “Tâm lý học đàn ông và nam tính” cũng khẳng định «ăn thịt» đã mang tính “số phận đã như thế”. Nó thể hiện sức mạnh, sự trưởng thành và bản lĩnh đàn ông. Chính vì vậy mà đại đa số đàn ông thích chuyện ăn thịt hơn phụ nữ.

Nhưng quan điểm trên đang trở nên lỗi thời. Ngày càng nhiều các giám đốc điều hành và các chính trị gia lãnh đạo như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang thay đổi tập quán sanh hoạt cố hữu, tức từ bỏ thịt, đổi qua ăn chay hằng ngày và dài hạn từ năm 2004.

Theo ông, chế độ ăn chay đã giúp ông cảm thấy khỏe khoắn hơn trước rất nhiều.

Biz Stone, đồng sáng lập Twitter ăn chay trường nay được 10 năm. Và ông đầu tư vào xí nghiệp sản xuất thực phẩm chay.

Russell Simmons, “vua” hip hop Mỹ từ bỏ ăn thịt vì môi trường.

Người sáng lập Def Jam Records từ bé tới lớn ăn thịt, nhưng hơn 10 năm trước, ông chuyển qua ăn chay và cho rằng ăn thịt có tác động vô cùng tiêu cực tới môi trường sống.

Năm 2010, Simmons nói “Mỗi ngày qua đi lại có thêm nhiều người chuyển qua ăn chay. Lũ trẻ nhìn một miếng sườn và liên tưởng tới những con vật bị chết đau đớn để bị biến thành đồ ăn. Nhiều người đang thấy yêu bản thân và yêu trái đất bằng cách nói không với thịt và bơ sữa.

Hình ảnh Russell Simmons từng xuất hiện trên bộ tem những ngôi sao ăn chay nổi tiếng do Hội Bảo vệ động vật (PETA) ấn hành năm 2011.

Ông Cory Booke, Thị trưởng thành phố Newark, bang New Jersey (Mỹ), đã ăn chay trường từ hơn 20 năm qua. Năm ngoái, chính trị gia này nức tiếng thơm sau khi giải thoát một phụ nữ trẻ khỏi một vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Sau đó, ông phải nhập viện vì ngộ độc và bị phỏng.

Ông Wynn hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, 71 tuổi, của tập đoàn Wynn Resorts ở Las Vegas, đã trở thành một người ăn chay thuần vào năm 2010.

Theo Wynn, chế độ ăn thiên về thịt của người Mỹ chẳng khác gì tự sát vì dễ gây ra ung thư và nhiều loại bệnh về xương sống. Trong nỗ lực gia tăng các chế độ ăn có nhiều yếu tố thực vật, Wynn đã đưa thực đơn ăn chay vào chuỗi khách sạn của ông trong năm 2012.

Joi Ito, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm truyền thông MIT, từng chia sẻ trên blog về quyết định trở thành người ăn chay thuần của mình hồi tháng 12/2006. Sau 6 tháng, ông đã giảm được hơn 18 kg và nhận được vô số lời tán thưởng về kế hoạch ăn uống toàn rau quả.

Ông Ito viết “Tôi chưa bao giờ thấy bản thân mình khỏe mạnh và sảng khoái hơn lúc này. Vì thế tôi sẽ tiếp tục ăn chay”.

Ông Tom Freston, cựu CEO của Viacom, ăn chay vì vợ là người ăn chay. Bà Kathy Frestton là tác giả quyển sách “Ăn chay: Giảm cân, khỏe mạnh hơn và thay đổi thế giới”.

Ông Tom từng tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng, lợi ích từ việc ăn chay là “rất nhiều và không thể phủ nhận”.

Ông John Mackey là một trong số những nhà lãnh đạo kinh doanh thành công nhất nước Mỹ thế kỷ XX được bầu chọn theo tiêu chuẩn Leadership Initiative (Sáng kiến Lãnh đạo) của HBS.

Đồng giám đốc điều hành của Tập đoàn bán lẻ thực phẩm hàng đầu của Mỹ Whole Foods, ông ăn chay thuần trong 3 thập niên qua. Tập đoàn Whole Foods cam kết hướng tới những sản phẩm đồ ăn khỏe mạnh hơn và tự nhiên hơn.

Cách gói bánh chưng chay đơn giản mà cực ngon vào ngày tết
Riêng người Phật tử ăn chay là giử giới không sát sanh. Nếu không biết ăn chay mà thích ăn mặn là người không có lòng thương xót trước cảnh sinh vật bị giết chóc, hạt giống từ bi mỗi ngày cạn dần. Ngày xưa, đức Phật đã nói: “Nếu còn ăn chúng sanh thì còn phạm giới sát sinh, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng làm ung thối hạt giống từ bi bình đẳng, không thể tu hành thành Phật được”.

Người Phật tử không vì lý do gì mà không thực hành hạnh từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ đến ăn uống. Nếu vì không thay đổi thói quen ăn uống được mà nhẫn tâm trước cảnh chặt đầu, moi ruột, đập chết, lột da những con vật hiền lành vô tội để có bửa ăn hằng ngày thì nguời Phật tử làm sao tu hành Phật đạo được?

Thế mà ngày nay lại có không ít Thầy chùa vẫn phạm giới sát sanh vì không giử được giới trường chay.

Ngày tết, Bà Con người Việt nam chúng ta cúng chay, ăn chay là sống với nếp sống văn hóa dân tộc. Với Phật giáo ăn chay tránh được nghiệp báo sát sinh, phát khởi tâm từ bi, bén nhạy trước nỗi khổ đau của chúng sinh. Với khoa học, ăn chay tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể tránh được một số bịnh như tim mạch, ung thư, béo phì, đái đường, sỏi mật… Ngoài ra, ăn chay còn giúp bảo vệ môi trường, gìn giữ trái đất, không khí và nguồn nước được trong lành.

Nguyễn thị Cỏ May