Điểm Báo Pháp – 27-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 27-2-2015

Bosso sau khi bị Boko-Haram tấn công.- RFI/Madjiasra Nako

Theo RFI – Minh Anh – 27-02-2015  16:46

Boko Haram Nigeria: từ đấu tranh chống bất công đến khủng bố

Trang nhất của Libération ngày 27/02/2015 quan tâm đến tình hình bất ổn ở biên giới giữa Nigeria và Cộng hòa Tchad. Với tấm ảnh một phụ nữ Châu Phi trẻ, đầu đội khăn đi dưới cái nắng chói chang trên hoang mạc, ánh mắt tuyệt vọng, nhật báo chạy tít lớn: «Câu chuyện đẫm máu về Boko Haram». Libération mở một hồ sơ tái hiện lại hành trình gieo rắc chết chóc từ bắt cóc, tấn công khủng bố, cho đến tàn sát… của phái Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại Nigeria.

Tờ báo dành ra tổng cộng 8 trang để đăng các bài và ảnh điều tra, phóng sự đặc biệt tại vùng biên giới giữa hai quốc gia trên, một khu vực hầu như rất khó tiếp cận. Trên trang 4 và 5, với hai tấm ảnh của nữ nhiếp ảnh Sophie Bouillon, một cho thấy mặt cát in đầy dấu chân, tấm khác là đoàn người, đàn ông thì đầu đội tay mang, phụ nữ tay bồng tay bế, ánh mắt thất thần ngồi trên thuyền vượt sông, bài viết của Olivier Laban Mattei cho biết «Nguồn gốc của Boko Haram».

Theo bài viết, Boko Haram có nghĩa là «Phương Tây cám dỗ». Giáo phái Hồi giáo cực đoan do Mohamed Yusuf, thành lập vào năm 2002. Ban đầu, giáo phái chủ trương hoạt động không bạo lực, thông qua các bài thuyết giáo chống lại bất công xã hội. Mohamed Yusuf muốn hình thành một xã hội dựa trên nền tảng đạo Hồi khắt khe, nhưng không cực đoan như phe Djihad.

Với tài diễn thuyết, Mohamed Yusuf thu hút được cảm tình của người dân vùng đông bắc Nigeria, nhất là tại Maiduguri. Theo ước tính của John Luka, một người công giáo từng ở khu vực này thì vào thời điểm đó gần 40% sinh viên đại học, trở thành những cảm tình viên của phái Boko Haram.

«Yusuf đã biết cách sử dụng sự bất mãn của một giới trẻ nghèo khó, dù có học hay không, cảm thấy bị chính quyền trung ương bỏ rơi và không tìm được việc làm», ông John Luka giải thích. Các vụ tấn công vào thời điểm chủ yếu nhắm cảnh sát, gái mại dâm hay những kẻ buôn bán rượu.

Sau khi nhà sáng lập Yusuf bị ám sát vào năm 2009, học trò của ông là Abubakar Shekau lên lãnh đạo giáo phái. Lãnh đạo mới tuyên bố trả thù cho cái chết của nhà sáng lập và đe dọa làm cho đất nước «không thể nào điều hành» được nữa. Kể từ đó, Maiduguri, vùng biên giới đông bắc Nigeria chìm đắm trong hỗn loạn, với tình trạng mỗi ngày có hàng trăm nạn nhân thiệt mạng.

Để có tiền hoạt động, Boko Haram tấn công các ngân hàng, bắt cóc đòi tiền chuộc và tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các nhà tù để giải thoát các chiến binh. Song song đó, để nâng hiệu quả tuyển dụng, Boko Haram không dùng đến ý thức hệ để kêu gọi, mà dùng bạo lực, bắt cóc, đe dọa, tà thuật, cho tiền hay dùng hôn nhân.

Chiến đấu chống khủng bố, một bài toán hóc búa cho khu vực

Sự bất ổn của vùng Sahel và việc kiểm soát khó khăn các vùng biên giới đang tạo thuận lợi cho sự bành trướng của Boko Haram ra ngoài Nigeria. Theo phân tích của Jean-Louis Le Touzet , «Chiến đấu chống khủng bố, một bài toán hóc búa của khu vực».

Theo ước tính, Boko Haram có khoảng hơn 10 000 chiến binh. Nhưng chỉ với 10 000 chiến binh đó, nhóm thánh chiến cực đoan này cũng đủ làm cho các bang như Borno, Yobé và Adamawa (tương đương với khoảng 1/3 lãnh thổ Pháp) hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát. Các cuộc tấn công của Boko Haram bây giờ còn nhắm cả vào thường dân, do bởi những người từng ủng hộ họ giờ quay súng chống Boko Haram.

Trên trang 8-9, với hình ảnh dòng người lũ lượt chạy nạn, bài phóng sự đề tựa «Chừng nào chúng tôi vẫn chưa bị tấn công, chúng tôi vẫn sẽ trụ lại» của Baptiste De Cazenove trích số liệu của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc HCR cho biết 17000 người Nigeria đã chạy tị nạn sang Tchad.

Pháp – Philippines: Phát triển kinh tế nhưng không phá hủy môi trường

Nhìn sang Châu Á, chuyến công du Philippines hai ngày của Tổng thống Pháp François Hollande được nhiều nhật báo phản ảnh lại. «François Hollande đưa ra lời kêu gọi về khí hậu với người dân Philippines» tựa trên Les Echos.

«Khí hậu: François Hollande tuyển dụng Marion Cotillard trong chuyến đi vận động của mình» tít nhỏ trên trang nhất Le Figaro. Tháp tùng cùng với Tổng thống Pháp trong chuyến đi vận động chống lại hiện tượng khí hậu ấm dần, còn có hai diễn viên điện ảnh Pháp nổi tiếng Marion Cotillard (giải Oscar cho bộ phim La Môme) và Mélanie Laurent.

Libération có bài phóng sự đề tựa «Khí hậu: một lời kêu gọi từ Manila để vọng tới Paris». Đối với Tổng thống Pháp, Philippines sẽ là một đồng mình tiềm tàng cho sự thành công của Hội thảo Khí hậu 21, diễn ra tại Paris vào tháng 12 năm nay.

Đây cũng là lần đầu tiên một nguyên thủ Pháp đến thăm Philippines sau gần 70 năm kể từ ngày Paris và Manila bình thường hóa quan hệ. Philippines với hơn 7.000 hòn đảo là một trong những quốc gia bị hứng chịu nhiều tác hại nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Và đây cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do hiện tượng trái đất nóng dần. Bên cạnh đó là các thiên tai như núi lửa, ngập lụt, giông bão …

Theo quan điểm của ông Nicolas Hulot, người cố vấn chương trình chuyến đí cho Tổng thống Pháp, vẫn tồn tại một mô hình phát triển kinh tế phù hợp với các thách thức về khí hậu. Không nhất thiết phát triển kinh tế phải tàn phá thiên nhiên.

Tháp tùng với Tổng thống Pháp, ngoài Ngoại trưởng Laurent Fabius, Bộ trưởng Môi trường Segolene Royale, còn có đại diện các tập đoàn lớn của Pháp và hai nữ diễn viên Pháp xinh đẹp Marion Cotillard và Mélanie Laurent.

Trang nhất các báo: Tăng trưởng Pháp vẫn ì ạch

Tăng trưởng kinh tế nước Pháp là mối bận tâm chính của báo chí Pháp sáng nay 27/02/2015. «Tại sao người Pháp đổ xô mua bảo hiểm nhân thọ» là quan tâm hàng đầu của Les Echos. Bên cạnh đó, nhật báo cũng chú ý đến «Thâm thủng ngân sách: cuộc chiến giữa Paris và Bruxelles về tiết kiệm ngân sách». Vào lúc mà Ủy ban Châu Âu yêu cầu trình tự tiết kiệm thêm một tỷ euro cho năm nay, Bộ Tài chính Pháp muốn tin rằng việc giữ cam kết của mình không cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Nhật báo La Croix đề xuất «Việc làm, hưu bổng, thời gian làm việc: những gì nước Pháp có thể làm». Vào lúc Châu Âu gia hạn cho Pháp đến năm 2017 phải thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% của Tổng sản phẩm nội địa, đổi lại Paris phải có một chương trình cải cách cụ thể. Bruxellles cho là với ngân sách của Pháp  năm nay, Paris vẫn chưa nỗ lực hết sức để giảm nợ cấu trúc. Hiện các cải cách của Pháp «đang đi đúng hướng nhưng còn quá ít».

Đáng chú ý là hàng tít của Le Figaro «Tăng trưởng: Nước Pháp vẫn ì ạch tại Châu Âu». Nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế Pháp đang hồi phục, nhưng Le Figaro nhận thấy «Tăng trưởng: nước Pháp vẫn bị trì trệ do thiếu các cải cách». Một mặt, nhật báo nhìn nhận là tăng trưởng trở lại đang tiếp thêm sức và củng cố vị thế của chính phủ trước cánh tả trong đa số cầm quyền, vốn đang chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của chính phủ. Mặt khác, Le Figaro cảnh báo là sự hồi phục dè dặt đó vẫn chưa đủ để tạo ra việc làm.

Do bởi để giảm thất nghiệp, tăng trưởng của Pháp ít nhất phải đạt mức 2-2,5%/ năm, trong khi đó, mức hy vọng cho năm nay là chỉ có 1%.  Một tỷ lệ thấp như vậy nhưng vẫn khó có thể đạt được do bởi nước Pháp còn nền kinh tế đất nước thiếu tính cạnh trạnh, thuế và các chi phí quá nặng và tính cứng ngắc của thị trường lao động.

Sherlock Holmes: The Man Who Never Lived and Will Never Die

Sherloch Holmes, The Man Who Never Lived and Will Never Die “, chủ đề triển lãm diễn ra tại Museum of London, cho đến hết ngày 12/04/2015. Nhân vật thám tử tư nổi tiếng của Conan Doyle không những tiếp tục mê hoặc giới hâm mộ đến xem triển lãm, mà còn gợi hứng cho nghệ thuật thời trang, nhưng đồng thời gây chia rẽ giới chuyên gia xung quanh việc khám phá một bản thảo mới chưa từng thấy về Sherlock Holmes của Conan Doyle.

Với hàng tựa “Luân Đôn qua lăng kính của Sherlock Holmes ”, phụ trang Le Figaro và bạn đọc giới thiệu một xu hướng rất thịnh tại Anh hiện nay, khám phá các địa điểm của Sherlock Holmes, từ 221 Baker Street cho đến bệnh viện St Bartholomew the Great, nơi nghiên cứu học tập của bác sĩ Watson, bạn đồng hành của thám tử tư. Việc một người về hưu ở Scotland mới đây phát hiện một bản thảo Conan Doyle trong gác xép của mình đang làm dấy lên nhiều tranh cãi. Liệu đó có phải là do Conan Doyle bỏ quên, hay đó chỉ là một bản mô phỏng? Một chi tiết chắc chắn giới chuyên gia không thống nhất với nhau, chỗ cư ngụ của Sherlock Holmes là tại Sloan Street, trong khi ai cũng biết là 221 Baker Street.

Ngoài bất đồng đó ra, cuộc triển lãm “Sherloch Holmes, The Man Who Never Lived and Will Never Die” tại Bảo tàng Luân Đôn đến nay thu hút được 80.000 lượt người xem. Đây cũng là nhân vật tưởng tượng được dựng thành phim nhiều nhất, vượt qua cả Frankenstein và Dracula.

Không chỉ đến bảo tàng xem triển lãm, các địa điểm mà Sherlock Holmes đi qua cũng là điểm đến tham quan ưa thích. Đương nhiên thủ đô Luân Đôn phải là điểm đến đầu tiên. 221Baker Street trên thực tế không bao giờ tồn tại, nhưng các fan hâm mộ vẫn có thể viết thư về số 219, trụ sở công ty bảo hiểm Abbey National. Công ty này từ lâu tuyển dụng một thư ký toàn thời gian để trả lời thư gởi về cho Sherlock Holmes. Nhiệm vụ này nay được giao cho bảo tàng dành riêng cho nhân vật. Người ta còn đổ xô đón tàu từ Paddington hay từ Charing Cross đến vùng tỉnh nơi thám tử tư đặt chân đến điều tra.

Ảnh hưởng của Sherlock Holmes không chỉ trong ngành du lịch mà còn lan sang cả lãnh vực thời trang. Các nhà thiết kế cho tái hiện hiện đại chiếc áo măng-tô của nhà thám tử. Không chỉ dành cho phái nam, kiểu áo măng-tô của Sherlock Holmes còn tạo hứng vẽ mẫu dành cho nữ, vừa có vẻ thuần khiết cũng vừa gợi cảm.