Tin Thế Giới – 23/2/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 23/2/2015

Ukraine nói không thể rút vũ khí nếu các phiến quân không chấm dứt việc nã pháo vào các vị trí của quân chính phủ

Quân đội Ukraine nói họ không thể bắt đầu việc đưa vũ khí hạng nặng ra khỏi khu chiến tuyến ở miền đông nếu các phiến quân không chấm dứt việc nã pháo vào các vị trí của quân chính phủ.

Phát ngôn nhân quân sự, Trung tá Anatoliy Stelmakh nói với các phóng viên rằng các phiến quân vẫn chưa thôi khai hỏa.

Cả hai bên đã đồng ý hồi cuối tuần rồi về việc bắt đầu nhanh chóng rút lại vũ khí hạng nặng theo thỏa thuận ngừng bắn đạt được trong tháng này.

Người ta không cho là các phiến quân sẽ rút cho tới sau ngày nghỉ lễ, thứ Hai.

Hai bên có hai tuần, theo thỏa thuận ký tại Minsk, để đưa pháo và xe tăng ra khỏi tầm có thể tấn công được phía bên kia.

Thỏa thuận ngừng bắn ký hôm 12/2 tại thủ đô của Belarus, do Pháp và Đức trung gian đàm phán, đã đánh giá mối nguy hiểm của tình trạng sụp đổ khi các phiến quân chiếm được cổng giao thông hỏa xa quan trọng, Debaltseve.

Gần 5.700 người đã thiệt mạng và 1,5 người khác phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi nổ ra cuộc giao tranh hồi tháng Tư năm ngoái tại các vùng Donetsk và Luhansk, theo Liên hiệp quốc.

Đọ súng

Trung tá Stelmakh, phát ngôn nhân của “chiến dịch chống khủng bố” của Ukraine tại miền đông nước này nói rằng các phiến quân đã nã súng vào các vị trí của quân chính phủ hai lần trong đêm tại vùng Donetsk, lần đầu là bằng vũ khí cỡ nhỏ rồi lần sau là nã pháo.

Một phát ngôn nhân an ninh khác của Ukraine, Vladyslav Seleznyov, nói: “Bởi các vị trí của Ukraine vẫn đang bị bắn phá, không thể nói chuyện rút vũ khí đi vào lúc này được.”

Trung tá Stelmakh cũng cáo buộc các phiến quân hồi đêm đã cố tình khuấy đảo khu làng Shyrokyne nơi chiến tuyến, gần với thành phố cảng Mariupol mà quân chính phủ đang nắm giữ.

Phát ngôn nhân của phe phiến quân, Eduard Basurin, xác nhận việc phiến quân và các lực lượng chính phủ đã đọ súng tại Shyrokyne, khiến một phiến quân chết và hai người khác bị thương.

Tuy nhiên, ông nói hai bên đã tranh cãi nảy lửa qua sóng vô tuyến trước khi nã súng, và ông nói các binh lính chính phủ trong khu vực hôm Chủ Nhật đã “tích cực ăn mừng” lễ kỷ niệm một năm ngày nổi dậy Maidan tại Kiev.

Mariupol được coi là mục tiêu chiến lượng cho các phiến quân, nêu họ định tiến tiếp về phía tây, giao tranh với quân chính phủ.

Bản thân các phiến quân đang ăn mừng một ngày lễ có từ thời Liên Xô, diễn ra trong thứ Hai, là Ngày Vệ Quốc. Đây không phải là ngày lễ chính thức ở Ukraine, mà ở Nga.

Ông Basurin nói thêm rằng các lực lượng phiến quân vẫn đang cầm giữ hơn 100 quân nhân Ukraine sau cuộc trao đổi tù binh hôm cuối tuần.

Hầu hết những người còn bị giữ, ông nói với hãng tin Interfax của Nga, bị bắt trong cuộc tấn công của các phiến quân đánh vào thị trấn chiến lược Debaltseve, đã kết thúc hồi tuần trước với việc quân chính phủ rút lui.

Chính phủ Ukraine, các lãnh đạo phương Tây và NATO nói có bằng chứng rõ ràng cho thấy Nga đang giúp các phiến quân ở đông Ukraine với vũ khí hạng nặng và binh lính.

Các chuyên gia độc lập cũng đồng ý như vậy, nhưng Moscow bác bỏ và nói các công dân Nga tham gia lực lượng phiến quân là “các tình nguyện viên”. – BBC

Gián tiếp chỉ trích Thủ Tướng Abe, Thái tử Nhật Bản nói “Cần nhìn có cái nhìn ‘đúng đắn’ về lịch sử”

Thái tử Naruhito gián tiếp chỉ trích Thủ tướng Shinzo Abe đòi cải tổ bản Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản. Họp báo nhân ngày lễ sinh nhật 55 tuổi, Thái tử Naruhito cho rằng người Nhật cần có một cái nhìn “khiêm tốn về quá khứ”, cần truyền đạt cho các thế hệ mai sau một cách “đúng đắn” về vai trò của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh.

“Nước Nhật được xây dựng và phát triển trên nền tảng của một bản Hiến pháp chủ hòa”. Trong cương vị một người sẽ lên kế vị vua cha, Hoàng đế Haruhito, Hoàng thái tử Naruhuto mong muốn nước Nhật phải gắn bó với những giá trị hòa bình. Thái tử Nhật quan niệm “nhìn thẳng vào quá khứ lịch sử một cách khiêm tốn là điều quan trọng… Thời kỳ đen tối mà nước Nhật đã trải qua cần được truyền đạt lại một cách đúng đắn cho những thế hệ không trải qua chiến tranh”.

Tuyên bố nói trên được coi như một lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào Thủ tướng Shinzo Abe vào lúc Tokyo chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh. Thủ tướng Nhật Bản nhìn nhận những sai lầm của quân đội Nhật hoàng trong thời kỳ chiến tranh, quá khứ nhạy cảm với hai nước láng giềng là Trung Cộng và Nam Hàn, đặc biệt là trên hồ sơ 200.000 gái giải sầu cho lính Nhật. Thế nhưng ông Abe cũng chủ trương rằng, Nhật Bản không nhất thiết phải luôn luôn quỳ gối trước quá khứ đó.

Thủ tướng Abe đang vận động để cải tổ bản Hiến pháp chủ hòa đã được áp dụng từ sau Đệ nhị Thế chiến. Sự kiện hai công dân Nhật Bản Haruna Yukawa và Kenji Goto bị quân thánh chiến sát hại tại Trung Đông gần đây tạo đà cho chính phủ Nhật Bản thúc đẩy tiến trình sửa đổi Hiến Pháp nói trên.

Nhật hoàng cũng như các thành viên trong hoàng tộc Nhật Bản không đóng một vai trò chính trị chính yếu nhưng những phát biểu từ hoàng cung đều mang ý nghĩa quan trọng đối với công luận trên xứ hoa anh đào. – Theo RFI

“Diễn kịch chỉ trích nền quân chủ”: 2 sinh viên Thái bị tù

Thêm một vụ tiêu biểu cho chiến dịch trấn áp tự do ngôn luận của chính quyền quân sự Thái. Hôm nay, 23/02/2015, hai sinh viên Thái Lan đã bị kết án hai năm rưỡi tù vì đã tham gia diễn một vở kịch có nội dung bị đánh giá là bôi xấu chế độ quân chủ. Đây là những bản án mới nhất trong tổng số 9 án tù vì tội khi quân từ khi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hôm 22/5 năm ngoái.

Thông tín viên RFI tại Bangkok, Arnaud Dubus tường thuật:

“Patiwat Saraiyaem, 23 tuổi và Pornthip Mankong, 26 tuổi năm 2013 đã tham gia diễn xuất trong vở kịch có tiêu đề “Vợ của sói” với nội dung hài hước châm biếm một nền quân chủ hư cấu. Các thẩm phán kết luận vở kịch trên đã làm “tổn hại nền quân chủ”. Ngay khi tuyên án, một cảnh tượng xúc động đã diễn ra khi gia đình và bạn bè hai thanh niên Thái Lan đã quây xung quanh họ. Pornthip, nữ sinh viên và nghệ sĩ nói rằng nhà tù không làm cô sợ hãi mà chỉ càng khiến cô thêm yêu quý tự do.

Từ khi xảy ra cuộc đảo chính hôm 22/5/2014, các vụ bắt bớ vì tội khi quân ngày càng nhiều. Một trong số trường hợp gần đây nhất là một người đàn ông 70 tuổi bị truy tố vì đã dám nêu ra trong một cuộc hội thảo nhiều hình thức quân chủ khác nhau.

Tập đoàn quân sự tự nhận có sứ mệnh bảo vệ nền quân chủ trước mọi chỉ trích. Điều này đã dẫn đến hiện tượng triệt tiêu hoặc né tránh mọi thảo luận liên quan đến thiết chế của triều đình. Bản thân Vua Thái Lan trong quá khứ đã từng tuyên bố rằng đáng lẽ cũng nên cho phép phê bình ông. Nhưng ở tuổi 87, sức khỏe của nhà Vua đang yếu dần và tiếng nói của ông không còn được lắng nghe nữa”.

Tại Thái Lan, các tổ chức nhân quyền và những nhân vật tranh đấu đã mạnh mẽ chỉ trích việc hai sinh viên bị tuyên án vì một vở kịch năm 2013. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, tổ chức Human Rights Watch ở New York gọi bản án này là “một cú đấm đối với tự do ngôn luận ở Thái Lan.”

Vị thẩm phán lúc đầu tuyên án 5 năm tù, nhưng sau đó đã quyết định giảm xuống còn hai năm rưỡi, sau khi hai nhà tranh đấu trẻ tuổi này nhận tội.

Trong pháp đình chật kín người, những người trong gia đình của hai bị cáo đã bật khóc sau khi bản án được tuyên bố.

Vở kịch này là một phần trong một loạt các sự kiện được tổ chức để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 40 cuộc nổi dậy của sinh viên chống lại chính quyền quân nhân độc tài khi đó.

Cả hai bị cáo đã xin tòa khoan hồng và nói rằng trước đây họ chưa hề phạm tội.

Ông Ayakarn Saralyaem, cha của anh Patiwat, cho biết ông từng hy vọng là tòa án sẽ nhẹ tay.

Ông Ayakarm nói rằng ông bất mãn đối với bản án vì hai bị cáo này không có tiền án và không hề có ý định xúc phạm hoàng gia.

Một nhóm nhỏ những sinh viên ủng hộ cho hai bị cáo đã tụ tập ở bên ngoài pháp đình và rủ nhau hát vang những bài hát tranh đấu.

Tổ chức Human Rights Watch, trụ sở đặt tại New York, hôm nay đưa ra một thông cáo để chỉ trích bản án. Họ nói rằng bản án này “là một cú đấm mạnh khác nữa đối với quyền tự do ngôn luận ở Thái Lan” và là “một vết nhơ” đối với tiếng tăm vốn đã bị hoen ố của Thái Lan trên trường quốc tế.

Hai sinh viên này bị truy tố dựa theo luật chống khi quân rất hà khắc của Thái Lan. Luật này nhắm tới việc bảo vệ các thành viên cấp cao trong Hoàng gia khỏi bị phỉ báng, mạ lỵ, hoặc đe dọa. Những người phạm luật này có thể bị tuyên những án tù lên tới 15 năm hoặc lâu hơn nữa. – RFI, VOA