Tin Việt Nam – 19/2/2015
Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Cộng cải tạo đảo đá ở Trường Sa
Hình ảnh vệ tinh chụp được vào cuối tháng Giêng vừa qua đã nêu bật các hoạt động cải tạo bồi đắp đảo đá rầm rộ mà TC đang tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong bản tin ngày 15/02/2015, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly đã công bố nhiều bức ảnh vệ tinh, cho thấy rõ kết quả công việc bồi đắp và xây dựng của TC trên ba thực thể tại quần đảo Trường Sa, mà TC đã chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988 : đá Tư Nghĩa, đá Gaven, đá Gạc Ma.
Yếu tố mới được các chuyên gia của Jane’s phân tích liên quan đến đá Tư Nghĩa – tên quốc tế là Hughes Reef. Tại đấy, trên nền một bãi đá ngầm diện tích chỉ khoảng 380 m2, TC đã nạo vét lòng biển, bồi đắp lên thành một hòn đảo nhân tạo rộng 75.000 m2.
Jane’s Defence Weekly đã so sánh ảnh chụp đá Tư Nghĩa ở ba thời điểm khác nhau. Trên tấm ảnh chụp ngày 30/3/2014 Đá Tư Nghĩa vẫn là một bãi đá ngầm bé li ti. Hình ngày 07/08/2014 cho thấy bãi đá ngầm này đã biến thành một hòn đảo nhân tạo. Tấm hình mới nhất ngày 30/1/2015 cho thấy các cơ sở đang được xây dựng trên đảo, như bãi đáp trực thăng, phi đạo, cầu tàu, và các tòa nhà.
Trả lời đài Truyền hình Mỹ CNN vào hôm qua, James Hardy, chuyên gia phụ trách châu Á Thái Bình Dương của Jane’s Defence nhận định «Nơi mà trước đây chỉ có một vài công trình xây cất nhỏ, ngày nay đã biến thành cả một hòn đảo với bãi đáp trực thăng, phi đạo cho máy bay, bến cảng, và cơ sở phục vụ cho một số lượng lớn binh sĩ».
Điều đáng nói, theo chuyên gia James Hardy, những gì thấy trên Đá Tư Nghĩa, cũng được thấy trên Đá Gaven (Gaven Reef) và Gạc Ma (Johnson South Reef), mà TC cũng chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Chuyên gia này kết luận «Chúng ta có thể thấy rằng đây là cả một chiến dịch bài bản, được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nhằm tạo ra một chuỗi pháo đài phòng thủ trên không và trên biển xuyên qua phần trung tâm của quần đảo Trường Sa».
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Tư Nghĩa và Gaven đều có cấu trúc như nhau. Như vậy, theo chuyên gia Hardy, TC đã chuẩn hóa thiết kế của các kiến trúc để triển khai trên các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp.
Theo Jane’s Defence Weekly, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng tiến hành công việc cải tạo đảo đá mà họ trấn giữ, nhưng không trên một quy mô rầm rộ như TC.
Đối với chuyên gia Hardy, việc cải tạo địa hình mà Bắc Kinh đang thực hiện tại Trường Sa không có giá trị nhiều trong việc giúp TC củng cố các yêu sách của TC chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho quân đội võ trang hùng hậu lên đóng tại các đảo đá đó, thì khó có nước nào dám tìm cách đánh bật họ đi, và luật quốc tế trở thành vô nghĩa.
Mỹ sẽ giám sát chất lượng không khí ở Việt Nam
Sau nhiều năm báo cáo dữ liệu ô nhiễm ở TC, Hoa Kỳ loan báo sẽ mở rộng công tác giám sát chất lượng không khí tại một số phái bộ ngoại giao ở nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam.
Thông báo kế hoạch này hôm 18/2, Ngoại trưởng John Kerry cho biết mục đích hầu đẩy mạnh ý thức về tác hại của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người.
Ông Kerry nói chương trình này cũng nhằm giúp công dân Mỹ ở nước ngoài giảm bị phơi nhiễm với không khí độc hại và hỗ trợ các nước phát triển khả năng theo dõi chất lượng không khí thông qua trao đổi và tập huấn với các chuyên gia Hoa Kỳ.
Chương trình được phối hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ bắt đầu vận hành ở Ấn Độ trong vài tháng tới. Ấn Độ là một trong số các nước có tình trạng ô nhiễm không khí tệ nhất thế giới.
Cũng trong vài tháng tới, những hệ thống theo dõi chất lượng không khí sẽ được cài đặt Việt Nam, Mông Cổ, và một số nơi khác.
Washington đang cố gắng dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao đa phương và khuyến khích hành động bảo vệ chất lượng không khí sau khi ký một thỏa thuận hồi tháng 12 với TC, nước có khí thải ô nhiễm số một trên thế giới. – Theo VOA
Đại sứ các nước đua nhau chúc Tết, tránh vấn đề nhạy cảm – Người dân giảm chi tiêu Tết giữa những khó khăn kinh tế
Nhiều đại diện ngoại giao của các quốc gia tại Hà Nội năm nay đã sử dụng truyền thông xã hội để truyền tải lời chúc tới người dân địa phương nhân dịp Tết Ất Mùi, nhưng một số nhà quan sát cho rằng các đoạn video này thiếu vắng những thông điệp ẩn ý về những điều Việt Nam cần phải cải thiện trong năm mới.
Trong đoạn video dài gần 2 phút, mở đầu bằng cảnh hoa đào và những âm thanh đường phố, ông Ted Osius cho biết đây là lần đầu tiên ông đón Tết ở Việt Nam trên cương vị Đại sứ Mỹ.
Nói hoàn toàn bằng tiếng Việt, nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết ông và các thành viên trong gia đình mình thích không khí “rộn ràng khắp nơi” trong những tuần giáp Tết.
Ông cho biết gia đình ông cũng đã đi lễ chùa và đi chợ Tết cũng như học nấu những món ngon để mời khách tới thăm nhà. Đại sứ Hoa Kỳ cũng ra Hồ Tây để thả cá “để đưa ông Táo bay lên trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về cuộc sống của chúng ta”.
Đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở Việt Nam nói thêm: “Cũng như các bạn, nhà tôi đón Tết với hoa đào và cây quất, rất đẹp và ấm cúng. Trong không khí Tết này, tôi và gia đình vui mừng chúc mừng năm mới Ất Mùi. Chúc các bạn một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công”.
2015 được coi là năm quan trọng trong mối bang giao Hà Nội – Washington khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng ông Osius không nhắc tới chủ đề này trong đoạn video về năm mới.
Trong khi đó, Đại sứ Đức tại Việt Nam Jutta Frasch đã nhấn mạnh tới việc 2015 là năm đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, đồng thời kêu gọi người dân địa phương cùng tham gia vào các hoạt động nhân sự kiện này.
Nữ đại sứ cũng không quên gửi lời chúc mừng đầu năm: “Tôi xin chúc các bạn một cái Tết vui vẻ và đầm ấm bên gia đình cũng như một năm mới Ất Mùi dồi dào sức khỏe và thành công”.
Ngoài ra, Đại sứ quán Đức cũng cho đăng tải cảm nhận của các nhân viên ngoại giao khác nhau về dịp Tết.
Không như Hoa Kỳ và Đức, Thụy Điển kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 2014.
Bà đại sứ Camilla Mellander nói tới “năm đặc biệt” này ngay trong phần đầu đoạn video mở đầu bằng bài hát “Happy New Year” do ban nhạc lừng danh của Thụy Điển “Abba” trình bày.
Bà cho biết có không dưới 30 sự kiện đã được tổ chức nhân dịp này tại cả Việt Nam lẫn Thụy Điển. Nữ đại sứ cũng gửi lời chúc “sức khỏe, thịnh vượng, may mắn và nhiều yêu thương” tới người Việt.
Đại sứ quán một quốc gia châu Âu khác, Anh Quốc, cũng công bố một đoạn video chúc mừng năm mới của một quan chức nước này là Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Anh, ông Hugo Swire.
Nhà ngoại giao này nói rằng những người sinh năm Mùi thường có “tính nghệ sĩ” và “được trời phú cho một khả năng sáng tạo tuyệt vời”, và ông nhận thấy đặc tính đó “trong mối quan hệ mạnh mẽ và sống động giữa người dân hai nước”.
Ông nói thêm: “Và là đối tác chiến lược, tôi rất phấn khởi khi thấy quan hệ của chúng ta đang được mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, từ giáo dục tới quốc phòng, khoa học, sáng tạo”.
Ông Swire cũng bày tỏ hy vọng sớm tới thăm Việt Nam trong tương lai để chứng kiến “sự phát triển của một số quan hệ đối tác sáng tạo đó”.
Trong khi nhiều người cho rằng các thông điệp về năm mới không nên quá nặng về về chính trị, một số nhà quan sát cho rằng các đoạn video đều thiếu mất những lời chúc thâm thúy về những vấn đề bị coi là nhạy cảm mà các quốc gia trên từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam như nhân quyền hay các quyền tự do cơ bản khác.
Người dân trong nước đón mừng Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 năm nay với sự dè dặt về vật chất lẫn tinh thần giữa những khó khăn kinh tế gia tăng, đời sống đắt đỏ, lạm phát cao, và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu rộng.
Đó là chia sẻ của một số cư dân tại ba miền đất nước trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngay ngày mùng một Tết.
Từ miền Nam:
Anh Duy, một cư dân trẻ ở Sài Gòn: So với mọi năm, người dân có vẻ ăn Tết ít lại, không quan tâm lắm, một phần vì kinh tế và thứ hai là cũng vì thay đổi suy nghĩ về ngày Tết. Xưa người ta mua hoa trái nhiều, nhưng năm nay ít lại.
VOA: Mùi vị Tết có đến với từng nhà, từng người, từng góc phố con hẻm?
Duy ở Sài Gòn: Cái đó chắc chắn có người được, có người không. Xã hội còn nhiều người sống khổ mà. Bây giờ sự chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng lớn. Có người sẵn sàng bỏ ra mấy chục triệu để sắm một cây mai, trong khi có nhiều người buôn bán từng chậu hoa mà cũng không ai mua.
VOA: Anh nói không khí Tết mọi người tiết kiệm vì đời sống kinh tế khó khăn, nhưng qua hình ảnh và báo chí hình ảnh của Sài Gòn càng ngày càng hào nhoáng?
Duy ở Sài Gòn: Mình thấy cuộc sống thực tế của người dân, chứ những hình ảnh đó chỉ là một phần nhỏ thôi.
VOA: Anh nói ‘phần nhỏ’, nhưng ngày càng xuất hiện khá nhiều những cái ‘cao cấp’ như khu thương mại cao cấp, khu vui chơi cao cấp, rồi đến các khu chung cư cao cấp?
Duy ở Sài Gòn: Đó là vấn đề do chênh lệch giàu nghèo, những người nghèo càng ngày càng nghèo thêm, còn những người giàu càng ngày càng giàu hơn.
VOA: Anh thấy cái vẻ hào nhoáng, những cái ‘cao cấp’ ở Sài Gòn chiếm tỷ lệ ra sao?
Duy ở Sài Gòn: Nó có vẻ hơi bị giả tạo. Sống ở đây lâu năm mình đã thấy được bản chất của chế độ này. Người ta dùng những hình ảnh vậy đó cho người dân cảm thấy cuộc sống ngày càng đi lên, nhưng thật sự bên trong đó là những tiềm ẩn. Đời sống người dân đi xuống nhiều lắm. Mình thấy báo chí của họ có bao giờ Tết nhất đưa lên những hình ảnh tiêu cực đâu, họ phải đưa lên những hình ảnh gì nó đẹp đẽ.
VOA: Là một cư dân Sài Gòn, anh có cầu ước gì cho năm mới?
Duy ở Sài Gòn: Chúc cho mọi người sang năm mới có cuộc sống ổn định để tới ngày Tết thì cũng có điều kiện về quê thăm gia đình.
Tới Nam Trung Bộ
Từ một vùng quê nghèo ở Tuy Hòa (Phú Yên), chị Tuyết, một công nhân làm việc trong ngành sản xuất mía đường, nói về không khí ăn Tết năm nay tại địa phương.
Tuyết ở Phú Yên: Mọi năm kinh tế cũng khá hơn. Chị sống ở vùng quê. Quê chị trồng lúa, trồng mì, trồng mía là chủ yếu. Ngoài ra, còn có chăn nuôi gà, vịt, heo. Năm nay, tất cả mọi sản phẩm nông nghiệp giá thành bán ra đều rất thấp, người nông dân lỗ. Cho nên, không khí Tết rất là buồn. Sức mua sắm cũng ít hơn mọi năm. Những cán bộ cao cấp giàu hơn, có tiền hơn thì họ đón Tết vui vẻ. Những người dân lao động, nông dân, công nhân như chị thì lương bổng cũng không đủ tiêu Tết, khó khăn hơn mọi năm, nên cũng buồn.
VOA: Thực phẩm và hàng hóa tiêu thụ Tết thế nào?
Tuyết ở Phú Yên: Giờ hàng hóa giả có, nhái có, hết hạn sử dụng có, không có được sự bảo đảm.
VOA: Những người lao động bình dân như chị có mong ước gì trong năm mới?
Tuyết ở Phú Yên: Cầu mong sang năm kinh tế bình ổn, những sản phẩm nông dân làm ra được giá thành cao hơn để nông dân yên tâm sản xuất, rồi công nhân cũng có việc làm theo, như công nhân nhà máy đường như chị, nông dân bán sản phẩm có lãi họ mới trồng. Họ bán không lãi họ phá hết cho nên công nhân cũng rất lo sợ bị mất việc làm theo nông dân.
Ở phía Bắc
Hỏi thăm tình hình đón Tết ở khu vực thủ đô, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Thạch Vũ, một người dân Hà Nội.
Thạch Vũ từ Hà Nội: Không khí Tết năm nay ở Hà Nội cũng chả khác gì mọi năm đâu chị. Hàng hóa có phần đặc sắc hơn mọi năm, nhưng xét về túi tiền của mỗi người thì người Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt chi tiêu và giảm mua bán. Họ cố duy trì cho xong một cái Tết thôi. Một phần cũng vì kinh tế năm nay khó khăn. Một phần nữa, những người đi làm nhà nước hay làm cho doanh nghiệp trông chờ cuối năm được những khoản tiền Tết, nhưng năm nay những khoản đó cũng giảm đi rất nhiều.
VOA: Về sự an tâm, an toàn ba ngày Tết, người dân Hà Nội có lo lắng gì không?
Thạch Vũ từ Hà Nội: Câu chuyện muôn thuở của 3 ngày Tết này là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là vấn đề thực sự nhức nhối. Chẳng hạn, thịt lợn bây giờ thì sợ lợn tăng trọng, rau thì sợ nhiều thuốc trừ sâu. Bánh chưng nhà tự gói cũng sợ vì đỗ không đảm bảo, gạo nếp không đảm bảo. Cái gì cũng sợ. Đi nhà nọ nhà kia, người ta mời bánh kẹo, không ăn thì thất lễ với người ta. Còn ăn thì sợ vì không biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh kẹo công khai mà không có nhãn mác gì.
VOA: Bà con sợ hàng nội không đủ chất lượng hay sợ hàng ngoại bị giả?
Thạch Vũ từ Hà Nội: Sợ nhất bao giờ cũng là sợ hàng Made in China. Cái sợ thứ hai là sợ hàng giả, nhưng hàng giả đa phần cũng chỉ bắt nguồn từ Trung Quốc thôi.
VOA: Còn về an ninh an toàn xã hội?
Thạch Vũ từ Hà Nội: So với các dịp như 30/4, 1/5 hay 2/9 thì ở Hà Nội có phần vắng vẻ hơn vì người ngoài tỉnh họ về quê ăn Tết. Cho nên, đường phố Hà Nội có vẻ vắng lặng, nhưng chính vì vắng lặng sẽ có những hình thức như đua xe các thứ, cũng không đảm bảo. Về tệ nạn xã hội dịp Tết, chủ yếu tại các khu vực đền chùa, các di tích lịch sử, bà con đi lễ Tết đầu năm thường hay xảy ra tệ xin đều hay móc túi. Ngoài ra, một tệ nạn không thể tránh là đánh bạc.
VOA: Đầu năm dĩ nhiên ai cũng có nhiều nguyện ước cho bản thân. Nhưng cho xã hội Việt Nam trong năm mới, anh mong ước được trông thấy điều gì?
Thạch Vũ từ Hà Nội: Trong năm vừa qua, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam có rất nhiều biến động. Bản thân Vũ cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các biến động ấy. Xin nhờ quý đài cho Vũ gửi một lời chúc, trước hết là cho những người hiện đang bị bắt bớ giam cầm, một cái Tết an lành. Những chị như Bùi Hằng hay Phương Anh, mọi người vẫn luôn hướng về họ. Chúc các chị ấy sức khỏe dồi dào để vững bước trên con đường đã lựa chọn.
VOA: Ngoài lời chúc cho những nhà hoạt động đặc biệt tiêu biểu đó, anh mong người dân Việt Nam có được điều gì hay hơn, tốt hơn trong năm mới?
Thạch Vũ từ Hà Nội: Mình mong ý thức của người dân Việt Nam sẽ tiến bộ hơn. Nếu không, nhận thức về mọi thứ vẫn chỉ như hiện tại và xã hội Việt Nam vẫn chỉ có như thế mà thôi. Đó là điều mà Vũ, bạn bè Vũ, và rất nhiều người đang trăn trở hiện nay.
Dự báo năm mới 2015
Chính phủ Hà Nội nói Việt Nam đã trải qua năm 2014 với một số thành tựu như tăng trưởng GDP vượt mục tiêu, cao nhất 3 năm và lạm phát thấp.
Theo dự kiến kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn nhiều thách thức trông thấy.
Báo nhà nước dẫn phúc trình của ngân hàng HSBC nói 2015 có thể được đánh giá là một năm khó khăn cho Việt Nam dù tăng trưởng kinh tế có thể tăng dần, đạt mức 6,1%. – VOA