Tin Thế Giới – 19/2/2015
Tổng thống Ukraine lên án phiến quân chiếm thị trấn Debaltseve
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng việc các phần tử phiến quân thân Nga chiếm cứ một thị trấn trọng điểm ở miền đông nước ông là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do quốc tế điều giải, và ông kêu gọi phải có những “bảo đảm” rõ ràng trong trường hợp có thêm những vi phạm nữa.
Tổng thống Poroshenko phát biểu như vậy hôm thứ Năm 19/2 trong một cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp, theo như một thông báo của văn phòng tổng thống.
Hôm thứ Tư, Kiev đã ra lệnh cho hàng ngàn binh sĩ Ukraine rút khỏi Debaltseve, một trung tâm vận chuyển hỏa xa có tầm quan trọng chiến lược, nối liền hai cứ địa của phe đòi ly khai là Luhansk và Donetsk.
Tổng thống Ukraine nói các nhà lãnh đạo “đừng vờ xem những gì xảy ra ở Debaltseve là phù hợp với thỏa thuận Minsk” được ký kết hồi tuần trước và có hiệu lực từ hôm Chủ nhật.
Ông Poroshenko cũng kêu gọi các phần tử đòi ly khai thân Nga thả tất cả các binh sĩ Ukraine ra. Có tin cho hay phiến quân đã bắt hàng trăm binh sĩ chính phủ khi họ rút khỏi thành phố miền đông này.
Tổng thống Ukraine cũng kêu gọi tiến hành một sứ mạng gìn giữ hòa bình quốc tế để giúp vãn hồi yên bình cho khu vực.
Cả phe phiến quân và các nhà lãnh đạo Moscow bác bỏ lời kêu gọi đó hôm thứ Năm. – VOA
Ấn Độ chi 16 tỷ đô la đóng tàu đối phó với Trung Cộng
Chính quyền New Delhi vừa bật đèn xanh cho một kế hoạch đóng thêm 7 chiến hạm. Cùng lúc, nội các của Thủ tướng Narendra Modi cũng thông qua một kế hoạch khác, trị giá 8 tỷ đô la, nhằm trang bị cho nước này thêm 6 chiếc tàu ngầm nguyên tử. Theo giới quan sát, ngoài mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vũ khí trong nước, Ấn Độ còn muốn đối phó với TC đang ngày càng có hành động quyết đoán hơn, kể cả tại vùng Ấn Độ Dương.
Theo tiết lộ của một quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Ấn Độ với hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 19/02/2015, quyết định đóng thêm chiến hạm đã được thông qua nhân cuộc họp ngày 15/02 vừa qua của Ủy ban An ninh thuộc chính phủ Ấn Độ. Theo kế hoạch này, bảy hộ tống khu trục hạm tàng hình sẽ được đóng tại các nhà máy trong nước.
Bốn chiếc sẽ do xưởng Mazagon Docks ở Mumbai sản xuất, và ba chiếc còn lại được giao cho nhà máy Garden Reach tại Kolkata. Nhà máy thứ hai này chính là nơi đang sản xuất tàu tuần tra cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo nhật báo Times of India, Ủy ban An ninh của chính phủ Ấn Độ cũng đã chấp thuận một kế hoạch 8 tỷ đô la khác, nhằm trang bị cho quân đội nước này sáu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Theo AFP, các quyết định nói trên của chính quyền New Delhi nhằm hai mục tiêu rõ rệt. Trước hết là thu hẹp khoảng cách đã trở nên rất lớn giữa Hải quân Ấn Độ với Hải quân TC mà năng lực tác chiến đã được nâng cao đáng kể. Ngoài ra, các đơn đặt hàng này đã cụ thể hóa chủ trương của Thủ tướng Modi đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước.
New Delhi vừa phải đối phó với người anh em thù địch là Pakistan, vừa phải dè chừng láng giềng TC, bị tố cáo là đang thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai”, tức là liên kết với các nước trong vùng để cho Hải quân TC quyền sử dụng một loạt hải cảng chung quanh Ấn Độ Dương.
Sự kiện hai chiếc tàu ngầm TC xuất hiện trong vùng biển Sri Lanka vào cuối năm ngoái đã khiến Ấn Độ hết sức quan ngại vì New Delhi luôn luôn xem Sri Lanka là quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ.
Ấn Độ giáp ranh với TC đang thực hiện kế hoạch nhiều tỷ đô la nâng cấp các thiết bị quân sự đã lỗi thời cũng như vừa tháo dỡ những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào ngành quốc phòng.
Các tàu chiến này theo dự kiến sẽ được trang bị công nghệ hiện đại, khó bị phát hiện bởi radar và hệ thống theo dõi của kẻ thù.
TC bị tố cáo đang tìm cách phát triển các cơ sở xung quanh Ấn Độ Dương trong sách lược đối phó với sự trỗi dậy của Ấn Độ và bảo đảm các lợi ích kinh tế. – Theo RFI, VOA
Viện Công tố Thái Lan khởi tố cựu Thủ tướng Yingluck
Theo AFP, hôm nay 19/02/2015, bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng bị lật đổ hồi năm ngoái, đã chính thức bị tư pháp khởi tố vì những trách nhiệm liên quan đến chương trình trợ giá gạo cho nông dân do chính phủ của bà thực thi.
Trong cuộc họp báo hôm nay tại Bangkok, ông Chitichai Sakhakorn, đại diện Viện Công tố Thái Lan thông báo đã quyết định truy tố cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vì thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Hồ sơ truy tố đã được chuyển qua Tòa án Tối cao. Tòa có một tháng để xem xét quyết định có chấp nhận đề nghị của Viện Công tố và đưa cựu Thủ tướng ra xét xử hay không.
Hiện nay, chính quyền dự kiến khởi kiện dân sự đòi bồi thường 18 tỷ đô la trong các chi phí cho chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân.
Khi còn nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra ra quyết định hỗ trợ nông dân qua trợ giá thu mua gạo. Sau khi bà Yingluck bị lật đổ, chương trình này bị tố cáo đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho đất nước, vì gạo thu mua với giá cao không xuất khẩu được. Ngoài ra, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia của Thái Lan còn đánh giá là trong chương trình trợ giá có tham nhũng và đòi quy trách nhiệm cho bà cựu Thủ tướng. Bản thân bà Yingluck đã phải ra trước Quốc hội điều trần về chương trình này.
Ngay trước khi quân đội tiến hành đảo chính hồi tháng 5 năm ngoái, Tòa án Tối cao Thái đã ra quyết định phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tháng Giêng năm nay, cựu thủ tướng bị Quốc hội do tập đoàn quân sự chỉ định, ra quyết định cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Giới quan sát nhận định, tất cả những tố cáo gần đây nhắm vào cựu Thủ tướng Yingluck là nhằm loại bỏ vĩnh viễn phe cánh nhà Shinawatra ra khỏi đời sống chính trị Thái Lan.
Nếu bị phán quyết là có tội, bà Yingluck có thể bị tù tới 10 năm.
Cơ quan chống tham nhũng cũng kêu gọ̣i buộc bà phải chịu trách nhiệm cá nhân về số tiền thất thoát cho ngân quỹ nhà nước.
Bà Yingluck đã không tới Tòa án tối cao để nghe lệnh truy tố.
Phóng viên BBC tại Bangkok Jonathan Head nói quyết định của tòa sẽ được các ủng hộ viên của bà xem như một nỗ lực nữa nhằm cản trở sự nghiệp chính trị của bà trong trường hợp Thái Lan quay lại thể chế dân chủ.
‘Sẵn sàng hành động’
Theo chương trình trợ giá gạo, chính phủ do đảng Pheu Thai của bà Yingluck lãnh đạo mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường, gây thất thu hàng tỷ đôla cho nhà nước.
Phe chỉ trích nói bà Yingluck đã chuyển tiền cho các ủng hộ viên chủ chốt của bà. Bà Yingluck thì nói đây là biện pháp giúp nông dân và bác bỏ cáo buộc trực tiếp điều hành chương trình trợ giá gạo.
Tòa Tối cao sẽ quyết định có tiếp tục theo đuổi vụ án hình sự này nữa hay không vào ngày 19/3.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Sommai Phasee nói bộ của ông đã nhận được công văn của tổ chức theo dõi tham nhũng quốc gia yêu cầu truy cứu trách nhiệm dân sự buộc bà Yingluck phải chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 600 tỷ baht (18,4 tỷ đôla) liên quan chương trình trợ giá.
Ông Sommai nói: “Bộ Tài chính xem xét các thiệt hại cho nhà nước và sẵn sàng hành động”.
Quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính tháng 5/2014 với lỵ́ do thiết lập lại trật tự trong nước sau nhiều tháng biểu tình chống chính quyền Yingluck.
Đất nước này lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ khi anh trai của bà, tỷ phú Thaksin Shinawatra, bị lật đổ năm 2006.
Gia đình Shinawatra rất được lòng người dân ở các vùng xa nhưng lại bị tầng lớp trung lưu thành thị cáo buộc tham nhũng.
Các đảng liên quan gia đình Thaksin liên tiếp thắng cử từ 2001 tới 2014.
Ông Surasak Threerattrakul, Trưởng ban điều tra của Văn phòng Tổng chưởng lý, nói rằng vào ngày 19 tháng 3 Tối cao Pháp viện sẽ loan báo quyết định và rằng bà Yingluck sẽ phải trình diện trước phiên tòa đầu tiên và lúc đó các vị thẩm phán sẽ quyết định về việc bị cáo được tại ngoại hầu tra hay sẽ bị giam giữ.
Luật sư của bà Yingluck, ông Pichit Chuenban, cho biết thân chủ ông sẽ chống lại bất kỳ cáo trạng hình sự nào.
Luật sư Pichit nói rằng bà Yingluck đã khẳng định là “khi bà nhận được văn bản chi tiết của lệnh khởi tố và ngày mở phiên tòa đầu tiên được ấn định, bà sẽ có mặt tại tòa theo đúng thủ tục tư pháp.
Tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Thái Lan hồi tháng trước đã không cho phép bà Yingluck đi Hồng Kông để bảo đảm là bà có mặt trong nước để đối mặt với các cáo trạng.
Hồi tháng 5 năm ngoái, không bao lâu trước khi quân đội lên nắm quyền, bà Yingluck đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ sau khi một tòa án ra phán quyết cho rằng bà can tội lạm dụng quyền lực.
Tháng giêng vừa qua, quốc hội do tập đoàn quân nhân chọn ra, đã luận tội bà, khiến bà bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Tập đoàn quân nhân không hề giấu giếm ý định loại bỏ vĩnh viễn những ảnh hưởng chính trị của gia tộc Shinawatra.
Anh của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, một nhà tỉ phú ngành truyền thông, đã bị loại khỏi chức vụ thủ tướng trong cuộc đảo chánh năm 2006. Ông bị xem là một kẻ tại đào sinh sống ở nước ngoài, sau khi bị tuyên án tù về tội tham nhũng.
Những người ủng hộ gia tộc Shinawatra đã hậu thuẫn cho người thắng cuộc trong tất cả những cuộc bầu cử toàn quốc trong hơn một thập niên qua. Những người này, thường được gọi là phe Áo Đỏ, cho rằng phe Áo Vàng – gồm những người thuộc thành phần bảo hoàng, quân đội và giới thượng lưu ở Bangkok, muốn đàn áp giới lao động và những nông dân nghèo ở miền bắc.
Ông Prayuth Chan-ocha, viên tướng cầm đầu cuộc đảo chánh và đang giữ chức thủ tướng, hứa hẹn sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm tới, sau một giai đoạn cải cách và một bản hiến pháp mới, trong đó có các qui định để hạn chế quyền của các đảng phái chính trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về thời biểu của quá trình chuyển tiếp này. – RFI, BBC, VOA
Tin Hoa Kỳ – Tổng Thống Obama: Mỹ không gây chiến với Hồi giáo
Tổng Thống Barack Obama nói Hoa Kỳ không gây chiến với Hồi giáo. Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc về cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông muốn đả phá lập luận cho rằng người Mỹ, và người Tây phương nói chung, đối đầu với người Hồi giáo. Ông nói lối diễn giải này sẽ giúp những kẻ cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ những người Mỹ trẻ tuổi hay người các nước khác. Thông tín viên Luis Ramirez tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn tập trung vào nỗ lực quân sự chống lại quân chủ chiến Hồi giáo. Giờ đây, Tổng thống Obama nói đã tới lúc phải chú tâm tới khía cạnh ý thức hệ, và những nguyên nhân đã khiến những người trẻ tuổi dễ bị thuyết phục bởi những lời tuyên truyền để trở thành những kẻ cực đoan.
Sau khi bị chỉ trích vì không nhắc đến từ “Hồi giáo” khi đề cập đến các phần tử cực đoan, ông Obama khẳng định rằng cần phải đối phó với mối đe dọa đó một cách thẳng thắn và thành thực.
“Chúng ta không ở trong tình trạng chiến tranh với đạo Hồi.”
Người Mỹ đã ghê sợ trước hình ảnh về những tội ác do các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo gây ra, trong đó có một số người đã được tuyển mộ từ các cộng đồng di dân Hồi giáo cư ngụ tại các thành phố Mỹ, như Minneapolis, là nơi có đông người Somali sinh sống.
Chính trong các cộng đồng như vậy, mà những sự bất bình vì bị phân biệt đối xử, vì nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, và tham nhũng, đã tạo điều kiện dễ dàng để những kẻ khủng bố có thể khai thác những người trẻ tuổi, thường là qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Tổng thống Obama đã mời các nhà lãnh đạo tôn giáo, cảnh sát, và những người khác tới dự hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Tư 18/2, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của sự thể này. Ông nói:
“Nếu chúng ta muốn giải quyết thách thức đặt ra bởi các cố gắng của họ nhằm tuyển mộ những người trẻ của chúng ta, nếu chúng ta muốn cất lên tiếng nói của lòng khoan dung và chủ nghĩa đa nguyên trong cộng đồng Hồi giáo, thì ta phải thừa nhận rằng công việc của họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì lối diễn giải chung chung hiện diện trong nhiều cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, theo đó phương Tây đang đối đầu với Hồi giáo theo một cách nào đó. “
Mục đích là để thiết lập các chương trình sẽ thay đổi nhận thức về vấn đề này trên các đường phố. Trong khu vực Minneapolis và St. Paul, các chương trình thí điểm đã được tiến hành với những đóng góp ý kiến của các nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa, trong số đó có một số người dự hội nghị thượng đỉnh.
Giáo sĩ Abdisalam Adam Lanza, đến từ Minneapolis, phát biểu như sau:
“Chúng tôi tin vào quyền của tất cả mọi người được sống trong hòa bình và an ninh. Các giáo sĩ Hồi giáo đã lên án và tiếp tục lên án bất cứ người nào tìm cách dùng Hồi giáo để hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố.”
Sau các cuộc thảo luận như thế này, câu hỏi được đặt ra là phải chăng các chương trình của chính phủ sẽ thành công trong việc hướng dẫn những người trẻ tuổi dễ bị thuyết phục bởi lời tuyên truyền của những kẻ cực đoan, để họ có được một quan điểm ôn hoà về Hồi giáo, và góp phần triệt tiêu sức quyến rũ của những kẻ cực đoan. – VOA