Dê Pháp, Dê Việt năm Ất Mùi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dê Pháp, Dê Việt năm Ất Mùi

Theo RFI – Tú Anh – Thứ năm, ngày 19 tháng hai năm 2015

 Dê Pháp, Dê Việt năm Ất Mùi

Theo tử vi,  Ất Mùi năm nay, do can chi tương khắc, báo hiệu  có nhiều biến động về tài chính và chính trị. Người tuổi Mùi bướng bỉnh, nhưng  có nhiều khả năng thích nghi với  cuộc sống  và có tinh thần sáng tạo, nghệ sĩ. Nhưng tuổi con dê và con dê  cũng là nạn nhân của những « niềm tin » dân gian, của những chuyện đùa trong rừng cười  tiếu lâm và con dê đã  đi vào đời sống với nhiều giai thoại và trò chơi.

Nhân năm mới Ất Mùi, xin gửi đến quý thính giả hai bài khảo cứu «Bịt Mắt Bắt D껫Ba Lăm Con Dê» của Giáo sư Nguyễn Dư. Tác giả nguyên là giáo sư Khoa học, trường kỹ sư Centrale, Lyon và cũng là một nhà nghiên cứu Hán Nôm. Trò chơi bịt mắt bắt dê là thuộc truyền thống Việt Nam hay du nhập từ làng quê của Pháp?  Từ bao giờ con dê mới xuất hiện trên toàn cõi Việt Nam?  Cà tím sao gọi là cà «dái dê»? Vì sao đàn ông, thanh niên thích chạy theo phái yếu bị gọi là  đi thả dê  hay «có máu ba mươi lăm»? Giáo sư Nguyễn Dư trình bày các giả thuyết của ông.

Bịt mắt bắt dê

Nguyễn Dư: Hầu như ai cũng biết trò chơi Bịt mắt bắt dê. Nhưng chơi như thế nào thì còn tuỳ. Ta có nhiều trò chơi Bịt mắt bắt dê khác nhau! Ông bắt dê, bà bắt vế tuỳ lệ làng cho phép hay không! Bịt mắt bắt dê là một trong «bách hí» của hội làng, được Phan Kế Bính cho biết cách chơi của những năm đầu thế kỉ 20 như sau: Người ta sửa soạn một bãi đất rộng, chung quanh bắc gióng cho dê khỏi chạy ra ngoài. Trong thả độ dăm bảy con dê. Ai vào bắt dê phải bịt mắt cho kĩ. Bắt được con dê nào thì thưởng luôn con dê ấy (1). Từ xưa, giải thưởng của hội làng khắp nơi thường chỉ là quan tiền, gói trà hay vuông lụa, treo trên ngọn sào. Bây giờ làng thưởng luôn con dê cho ai bắt được. Không biết có được mấy làng có đủ tiền để mua dăm bảy con dê làm giải thưởng? Gần đây, nhóm Phan Thanh Hiền nói là Bịt mắt bắt dê được chơi tại hội làng Đồng Kỵ, Phú Mẫn (Yên Phong). Chơi cách khác: Người ta sửa soạn sân rồi thả một con dê, cho một cặp trai gái bịt mắt, mặc áo tơi, đeo lục lạc, đi bắt dê. Dê cũng được mặc áo tơi, đeo lục lạc như người. Lúc chơi, người dê khó phân biệt. Trai gái lần mò, sờ soạng, ôm nhau sướng như được dê. Người xem càng khoái chí. Vỗ tay, hò hét. Bịt mắt bắt dê của làng Đồng Kỵ có thể nhiều người cùng đồng loạt vào sân để bắt dê (2). Hội làng Đồng Quan có: Bắt dê, bắt vịt, leo cầu Lại đây anh kể trước sau mọi trò  (3). Không biết Bắt dê có phải là Bịt mắt bắt dê không ? Trừ hai hội làng của Phan Kế Bính và Phan Thanh Hiền, không nghe nói lễ hội truyền thống (4) hay hội hè đình đám (5) nào khác (kể cả của làng Đồng Kỵ!) chơi trò Bịt mắt bắt dê. Thật ra, Bịt mắt bắt dê của Phan Thanh Hiền chỉ là mô tả lại tấm tranh dân gian Băng mắt bắt dê (được khắc in vào khoảng năm 1930) của Maurice Durand (6). Theo Durand thì Băng mắt bắt dê của Việt Nam là colin-maillard của Pháp. Trò chơi colin-maillard chọn một người, bịt mắt lại, cho đi bắt những người đứng vây tròn xung quanh. Bắt được người nào và nói đúng tên người đó là thắng cuộc.  Đến lượt người bị bắt phải bịt mắt đi bắt người khác. Trò chơi cứ tiếp tục như vậy. Có người lại quả quyết rằng Bịt mắt bắt dê là trò chơi của hội tây. Hà Nội từ ngày bị thực dân Pháp cai trị: – Mỗi năm, ngày 14 tháng 7 nó mở hội «chính trung» để vui chơi, bày ra những trò nhục nhã. Nào, đào nhiều hố trong một khoảng đất, thả dê vào, rồi bịt mắt người ta cho vào đuổi, đó là trò bịt mắt bắt dê. Trò liếm chảo nó để đồng hào vào lòng chảo đầy nhọ nồi, ai liếm được hào thì lấy. Trò leo cột mỡ, trò chọc nồi (7). Rất có thể Bịt mắt bắt dê đã được chơi lần đầu tiên tại hội tây Nam Định: – Nhân dịp lễ quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm 1884, tổng đốc Nam Định bắt tất cả mọi nhà phải treo cờ Pháp. Nhà nào không treo sẽ bị phạt 50 quan tiền! Để làm gương, tổng đốc treo trước cửa nhà mình một lá cờ An Nam và hai lá cờ Pháp «bảo hộ» hai bên. Khắp tỉnh Nam Định, phố xá nhà cửa đâu đâu cũng phấp phới cờ Pháp. Cảnh tượng «vui» như Hội Tây của Nguyễn Khuyến. Kìa hột thăng bình tiếng pháo reo Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo Bà quan tênh nghếch xem bơi trải Thằng bé lom khom nghé hát chèo Cậy sức cây đu nhiều chị nhún Tham tiền cột mỡ lắm anh leo Khen ai khéo vẽ trò vui thế Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu! (Nguyễn Khuyến, Hội tây) Đúng 7 giờ sáng, trong thành bắn 21 phát súng cà nông báo hiệu ngày hội bắt đầu. Tổng đốc cho tổ chức nhiều trò chơi : chọi gà, chọi trâu, chọi cá, đánh đu, leo cột mỡ, múa rối, hát chèo, bịt mắt bắt dê, bắt lợn dưới ao, bơi trải, tôm cá, xóc đĩa. Buổi chiều, quan công sứ chiêu đãi. Ăn uống tại ngôi chùa lớn và đẹp nhất Nam Định… Tiệc tùng xong, quan Tây «nhắn nhủ» quan ta. Sau màn «ăn nói», các quan ngồi xem con gái múa hát. Bịt mắt bắt dê chơi tại Nam Định được bác sĩ Hocquard mô tả chi tiết: Sân chơi Bịt mắt bắt dê là một mảnh đất hình tròn, rộng khoảng 7, 8 mét. Xung quanh rào tre. Giữa sân dựng một cây sào, trên ngọn  treo 4 quan tiền thưởng ( tiền thưởng không bằng một phần mười tiền phạt vì tội không treo cờ Pháp!). Sân chơi được đào hố, cắm cọc, đổ nước cho lầy lội. Người ta thả một con dê vào sân, cho một người bịt mắt vào bắt. Người chơi lần mò, vấp ngã, gây cười cho đám đứng xem. Ai nắm bắt được sừng dê thì thắng giải (9). Theo Đào Duy Anh thì Bịt mắt bắt dê là một trò chơi của trẻ con. Tiếc rằng Đào Duy Anh không cho biết chơi ra sao (9). Tranh Hàng Trống Lục hợp đồng Xuân vẽ cảnh ông bố ngồi uống trà ngoài hiên, xem đám con chơi Bịt mắt bắt dê ngoài sân. Đám trẻ chơi bằng dê thật. Sân chơi không có hàng rào. Đám trẻ con này bạo quá! Còn nhớ Hà Nội thời 1950, lũ quỷ sứ chơi Bịt mắt bắt dê trên hè phố Lê Lợi. Một đứa bị bịt mắt đuổi bắt cả bọn đang reo hò tứ phía. Loạn xì ngầu. Vô tình bọn trẻ đã nhắm mắt bắt chước người lớn gọi trò chơi là Bịt mắt bắt dê. Đúng ra phải gọi là… colin-maillard 100%. Bịt mắt bắt dê là trò chơi của cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi nơi chơi một cách, thì khó có thể là một trò chơi «dân gian, cổ truyền» được.

Xin bàn thêm: Mời các bạn cùng xem tranh Băng mắt bắt dê của Durand. Tên tranh đáng chú ý. Có hai cách đọc chữ Băng: 1) Durand đọc theo chữ hán là băng (băng giá). Nhưng Băng (chữ hán) không đúng với nội dung của tranh. Vậy Băng phải được hiểu theo nghĩa khác. Hiểu theo nghĩa tiếng Pháp của người Việt ! – Băng (bande)  là một dải bằng vải hay nhựa dùng để che đậy, hay dán dính đồ vật. Học trò dùng băng keo để dán giấy. Thợ điện dùng băng nhựa để quấn che chỗ nối giây điện… – Băng (pansement) là bọc kín, che kín. Bác sĩ băng bó vết thương. Người Pháp còn đưa vào nước ta nhiều băng khác. Cụ lớn cắt băng (ruban) khánh thành nhà băng (banque)! Băng đảng (bande) xã hội đen tụ tập quanh mấy ghế băng (banc) trong công viên… Chỉ có người Pháp mới biết băng mắt (bander les yeux) chơi colin-maillard. Cái tên Băng mắt bắt dê chứng tỏ rằng đây là một trò chơi của Pháp. 2) Chữ băng đọc nôm là bưng (hay bâng). Bưng nghĩa là bịt (mắt), là che, là phủ bọc cho kín. Trời tối như bưng, bưng miệng cười khúc khích, bưng bít sự thực. Bưng mắt bắt chim (tục ngữ). Nghĩ đà bưng kín miệng bình (Kiều). Trò chơi tên là Bưng mắt bắt dê. Về sau trở thành Bịt mắt bắt dê. Tên trò chơi chưa cố định vì trò chơi còn mới. Không phải trò chơi cổ truyền. Sách Biên khảo về người Bắc kì (1908) của Gustave Dumoutier có đoạn: – Người ta được thấy lại nhiều trò chơi của trẻ con Âu châu tại An Nam. Ca hát, đuổi bắt, dàn trận, đánh đu, đi trốn, nhảy xà, bắt dê, thả diều, lò cò, đánh khăng, đá cầu, chơi bi (bi được thay bằng hòn cuội) v.v. Colin-maillard được (người An Nam) gọi là trò chơi bắt dê: người chơi đứng thành vòng tròn, người đi bắt dê bị bịt mắt, đứng giữa. Bắt được người nào và gọi đúng tên thì thắng cuộc (10). Dumoutier công nhận rằng Bắt dê chính là Colin-maillard. Ngoài ra, Bịt mắt bắt dê còn có vài điểm đặc biệt, đáng chú ý: 1- Xã hội phong kiến ngày xưa quan niệm Nam nữ thụ thụ bất thân. Đàn ông đàn bà đưa nhau cái gì và nhận cái gì của nhau, không được lấy tay mà trao cho nhau. Trước thời Pháp thuộc, không thể có chuyện «đồi phong bại tục», cho trai gái lần mò nhau giữa thanh thiên bạch nhật, làm trò cười cho đám đông. 2- Xã hội phong kiến trọng chữ hiếu: Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm huỷ thương, hiếu chi thuỷ dã. Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên huỷ hoại, là hiếu trước tiên vậy. Trai gái giả mù để vui chơi là vô luân, bất hiếu. 3- Cho dê mặc áo tơi như người, cho người đeo lục lạc như dê. Lẫn lộn người với súc vật. Tôn ti trật tự của phong kiến không cho phép «hài» như vậy. Bịt mắt bắt dê không phù hợp với luân lí, đạo đức của phong kiến. Làng nào dám «chơi», dám coi thường «Khổng, Mạnh» như vậy? Nói tóm lại, Bịt mắt bắt dê không phải là trò chơi «truyền thống» của ta. Tranh Oger (1909) có tấm vẽ một người đàn ông chơi bắt chạch trong chum. Đồng thời tranh Oger lại có tấm tranh Tết Du xuân vẽ một cặp trai gái quàng vai nhau cùng bắt chạch. Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc đang thay đổi. Bên cạnh cái cũ, có cái mới. Sau luỹ tre xanh, hội hè cũng rục rịch đổi mới. Có làng «cải tiến» trò chơi cổ truyền. Có làng cho trò chơi của Pháp «nhập tịch». Hội làng của Phan Kế Bính có leo cột ( mât de cocagne ), bịt mắt bắt dê (colin-maillard), nhảy bị (course en sac). Làng này là «làng tây». Ối dào! Làng nào chả là làng! Nguyễn Dư (Lyon, Tết Ất Mùi 2015) (1)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục (1915), Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 108. (2)- Phan Thanh Hiền, Trần Mạnh Tiến, Huy Trang, Nguyễn Khánh Trâm, Trò chơi dân gian Việt Nam, nxb TP Hồ Chí Minh, 1990, tr. 51. (3)- Bùi Văn Cường, Phương ngôn, tục ngữ, ca dao, KHXH, 1987, tr. 79. (4)- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 Lễ hội truyền thống Việt Nam, KHXH, 1995. (5)- Toan Ánh, Hội hè đình đám, tập 1 (1970), tập 2 (1984). (6)- Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, 1960, tr. 47. (7)- Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 83. (8)- Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 290-300. (9)- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Bốn Phương, 1961, tr. 181.  (10)- Gustave Dumoutier, Essais sur les tonkinois, Imp. d’Extrême-Orient, 1908, tr. 52.

Băm lăm con dê

Nguyễn Dư Dê có công làm cho làng nhậu, làng chơi Nam Bắc xích lại gần nhau. Thịt dê từ Bắc chạy vào Nam. Máu dê từ Nam loang ra Bắc. Ngày nay, cả nước gật gù kháo nhau «sống ở đời không dê cũng uổng». Mới ngày nào, dê ba miền nước ta còn lận đận vì lí lịch mờ ám. Tài liệu của Uỷ ban Canh nông và Công nghiệp Nam kì (Le comité Agricole et Industriel de la Cochinchine), soạn thảo năm 1878, cho biết tiểu sử của dê trong Nam: Người An Nam (đúng hơn là người Nam Kỳ) vốn không ăn thịt dê, không uống sữa dê. Nam Kỳ lại là xứ nhiều đồng lầy, dê dễ bị bịnh, dễ chết, cho nên chẳng ai nghĩ đến chuyện chăn nuôi dê. Trừ một vài đại gia thích dê, nuôi chơi dăm ba con. Người Pháp có cho nhập dê vào Nam Kỳ để nuôi thử. Hi vọng trong tương lai Nam Kỳ sẽ phát triển ngành chăn nuôi dê (1). Tại miền Trung, mãi đến năm 1931 người ta vẫn chưa để ý đến việc chăn nuôi dê. Đó đây thỉnh thoảng mới thấy lẻ tẻ vài con (2). Năm 1891, miền Bắc có nuôi một giống dê nhỏ con, lông ngắn, thịt mềm, ít mỡ. Giống dê này được người Lào, người Mường nuôi rất nhiều. Nói chung, người Việt ít khi ăn thịt dê vì thịt dê giá còn đắt. Chỉ có cỗ bàn, cúng giỗ ông bà, ăn uống ngày Tết, của nhà giàu mới có thịt dê. Người Âu không thích thịt dê của ta vì họ cho rằng thịt chẳng bổ dưỡng gì. Bác sĩ Courtois cảnh báo mọi người rằng dê nước ta hay bị dịch. Phải khám xét cẩn thận thịt dê trước khi ăn (3). Miền Trung không nuôi dê nhưng năm 1883, ngày Ất Hợi, vua (Hiệp Hoà) nhận tôn hiệu. Ngày hôm ấy, làm lễ tấn tôn ở điện Thái Hoà, lúc đang bài ban có một con quạ bay đến đậu ở cây trước điện, kêu to 4 tiếng. Lại lúc tuyên chiếu, có đàn dê đi ngang qua bên ngoài cầu Kim Thuỷ, có người cho là điềm không tốt (4). Thì ra, dưới thời Tự Đức trong hoàng thành có nuôi dê. Vua quan vui thú bò dê, Giang sơn nghiêng ngửa nhiều bề ai lo? Thịt dê là một đặc sản của triều đình. Có lẽ vì vậy mà dân chúng miền Trung không ai dám «phạm thượng» nuôi dê chăng? Người miền Bắc có mẹo Cho dê uống rượu say rồi mới giết (Tứ dương ẩm tửu hoạch tuý nhi sát), được tranh Oger ghi lại. Không hiểu cho dê uống rượu với mục đích gì? Người thì nói: Dê ngà ngà say sẽ coi cái chết nhẹ như lông hồng. Đồ tể có xin tí huyết pha rượu tiết dê (một phần tiết, ba phần rượu) (5), dê cũng sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua! Có người lại cho rằng: Say cho đời lên hương! Dê say thịt mới thơm. Mới bổ tì bổ phế. Bổ âm bổ dương. Bổ nháo bổ nhào. Thế gian ba sự khôn chừa Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ Rượu vào, đi «dê gái tơ» thì ông trời cũng chẳng chừa được. Điều đáng ngạc nhiên là miền Nam tuy hiếm dê nhưng phần lớn các chuyện dê của ta lại xuất phát từ miền Nam.

Cà dái dê Trái cà tím trước kia được bà con trong Nam gọi nôm na là cà dái dê (Tự vị Huỳnh Tịnh Của, 1895). Génibrel gọi một cách kín đáo là cà dê. Tên không hay, không đúng. Cà dái dê mới tuyệt vời, đúng là cà trông mặt đặt tên. Khen cho con mắt tinh đời và nhạy cảm của các bà ngày ngày xách giỏ đi chợ. Miền Nam không nuôi, không ăn thịt dê. Vậy mà lại có cà dái dê. Giải thích thế nào đây? Năm 1878, trái cà aubergine của Pháp (Solanum melongena) vẫn còn được người miền Nam gọi trống không là cà. Chưa có tên riêng. Nhưng miền Nam lúc này đã có đậu dái chồn (petite lentille), có cả củ dái chồn (Orchis morio) (1′). Tên dái chồn chứng tỏ rằng người miền Nam đã có thói quen trông mặt đặt tên cho rau trái bày bán ngoài chợ từ lâu rồi. Khi người Pháp đưa dê vào chăn nuôi tại miền Nam thì các bà nội trợ đã nhanh chóng «nhìn ra» tên trái cà màu tím nằm chình ình ngoài chợ. Có thể suy đoán rằng cà (aubergine) đã được các bà (với sự đồng loã của các ông?) cập nhật  thành cà dái dê vào khoảng năm 1880. Miền Bắc có cà dái dê muộn hơn miền Nam cả chục năm. Bác sĩ  Courtois cho biết chính người Pháp đã gửi hạt giống cà tím (aubergine), cà chua (tomate), nghệ tây (carotte), bắp cải (chou)… và nhiều loại rau (salades) từ Pháp sang trồng tại Bắc Kỳ vào khoảng năm 1890 (3). Cà dái dê là thương hiệu của miền Nam. Bù lại, miền Bắc có thương hiệu thuốc tễ cứt dê. Thuở bé, mỗi lần nhức đầu xổ mũi lại được mẹ cho nhai vài viên cứt dê màu đen. Thuốc có vị ngon. Cam thảo ngọt thơm như vậy mà lại bị gán cho cái tên chẳng thơm tho chút nào. Cà dái dê đã làm một cuộc «cách mạng văn hoá» đổ giường lệch chiếu trong Nam. Trông mặt mà bắt hình dong, dân gian được mắt trông tay nắn trái cà, vừa cảm nhận vừa nắm bắt được cái «vĩ đại» của dê. Bà con bèn tôn dê lên hàng «quán quân dâm dục». Ghi tên dê vào sổ đỏ «kỷ lục bậy bạ»! Oan cho dê. Nhà nho không đánh giá dê là dâm.  Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục chỉ chép hươu rất dâm. Một con cái thường giao hợp với mấy con đực, gọi là tụ lộc (6). Nhà nho muốn nói gì thì nói. Dân gian cứ nói theo dân gian. Cứ cho dê là biểu hiệu của dâm. Miền Nam, miền Bắc có cà dái dê. Nhưng, giai thoại ca tụng cà dái dê được bình chọn là hot nhất Việt Nam lại là của cố đô Huế! Thời Khải Định (1916-1925), trong số các cung nữ mới được tuyển vào Đoan Trang viện có hai cô thân mật với nhau như vợ chồng. Thường ngày hai cô lại hay dặn người đi chợ mua chuối và cà dái dê. Lựa chuối chớ mềm và chớ ngắn Chọn cà không cứng cũng không to Một hôm ông thái giám già tò mò rình, đẩy cửa phòng vào thì bắt gặp hai cô đang hú hí lấy chuối lấy cà chơi trò âu yếm như là vợ chồng (7).

Râu dê Thực dân Pháp còn mang vào nước ta chòm râu dê (barbe du bouc). Có chắc râu dê là của Pháp không? Tại sao Lãng Nhân lại kể rằng: Trong thời gian Nguyễn Công Trứ làm tổng đốc Hải Dương, ông có bổ Nguyễn Quý Tân ( người tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1842), đi giáo thụ phủ Bình Giang. Một hôm Nghè Tân sai con đến dinh Nguyễn Công Trứ xin cầm cố lấy chút tiền tiêu. Lại dặn con trao cho Nguyễn Công Trứ một bài thơ đường luật, mỗi câu có tên một con vật. Hai câu cuối là: – Bôn tẩu làm chi cho rách gấu Thà rằng ngồi đó vuốt râu dê Nguyễn Công Trứ đưa tiền cho người con của Nguyễn Quý Tân, kèm bài thơ hoạ với hai câu cuối là: – Xin đừng dở dói văn chương nữa Bán chó sao ngoài lại thủ dê? (8). Rõ ràng các cụ nhà ta đã có thú vuốt râu dê từ trước khi Pháp đô hộ nước ta. Nói có sách mách có chứng đàng hoàng! Nói có sách nhưng sách nói có đúng không? Sử nhà Nguyễn chép: Năm 1833, Nguyễn Công Trứ được thăng làm tổng đốc Hải An (Hải Dương và Quảng An hay Quảng Yên). Năm 1836 ông bị giáng bốn cấp và bị gọi về Kinh. Năm 1840 ông đi đánh thành Trấn Tây bên Cao Mên. Từ đó về sau, Nguyễn Công Trứ bôn ba ở An Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên. Có lúc được thăng, có khi bị giáng. Năm 1848 ông xin về hưu trí, về sống tại quê nhà. Nguyễn Công Trứ mất năm 1858, thọ 82 tuổi, tại làng Uy Viễn, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian Nguyễn Công Trứ làm tổng đốc Hải Dương (1833) thì Nguyễn Quý Tân mới 19 tuổi, nếu có con thì con cũng chỉ được vài tuổi. Năm 1842, Nguyễn Quý Tân đỗ tiến sĩ, thành ông nghè thì Nguyễn Công Trứ đã bị cách chức tổng đốc Hải An từ 6 năm trước rồi. Chuyện tổng đốc Nguyễn Công Trứ bổ nghè Tân đi giáo thụ phủ Bình Giang, cũng như chuyện nghè Tân sai con đến dinh tổng đốc Nguyễn Công Trứ để vay tiền chỉ là tưởng tượng, hư cấu. Xét cho cùng, nghè Tân không đủ tư cách để xướng hoạ với một ông quan hơn mình 36 tuổi, một người từng trải, biết hưởng lạc, hưởng nhàn như Nguyễn Công Trứ.

*

Máu dê Huỳnh Tịnh Của gọi mấy ông dâm dục quá độ là người có máu dê. Ngôn ngữ bình dân gọi hành động tán gái là dê gái. – Tôi ngồi tôi nghĩ chỉn ghê thiệt cha con thằng Bùi Kiệm là hậu tổ máu dê trật đời  (Nguyễn Văn Tròn, Bùi Kiệm dặm, 1913 ). Hễ trai ghẹo gái Thì gọi máu dê Con gái ghẹo trai Dê chăng, xin xử ! Bùi Kiệm ghẹo Nga Gọi là dê bấy. Gái vậy quấy phải ? Gái vậy dê chăng ? Như gái đó thời, Dê chăng xin xử ? (Đ.T.B. và Đ.T.S., 1915) Nguyễn Văn Tài (1916) cũng lên tiếng yêu cầu : Cô bác liệu định, Đoán tội công minh, Luận phân cho cạn, Huỷ án máu dê ( cho Bùi Kiệm ).                       Dê hạng nặng là dê xồm. Nghe mà phát sợ ! Oan cho mấy con dê xồm hay dê xờm lông dài (Génibrel). Dê xồm, dê cỏn, dê hoang, Be be leo nhảy, khoe khoang to dài ! Băm lăm Đặc biệt, trong Nam còn gọi mấy ông thấy gái như mèo thấy mỡ là mấy thằng cha  băm lăm (35) (Tự điển Việt Nam, Khai Trí, 1971). Giới bình dân méc rằng tên băm lăm xuất phát từ trò cờ bạc 36 con vật (Jeu des trente-six bêtes) nổi tiếng (tai hại) của ngày xưa, còn được gọi là trò chơi đề. – Có vị cố lão kể chuyện : Ngày nọ Trần Bá Thọ, con Bá Lộc, cháu Bá Phước làm lễ tân quan, có người đến tặng một bức hoành đề hai chữ « Phước tôn ». Phước tôn có hai nghĩa : một là nghĩa cháu của Phước ; hai là nghĩa con chó. ( Xưa kia nhân dân thường chơi đề ba mươi sáu con (đề là một lối cờ bạc). Con thứ 36 là Phước tôn, nghĩa là con chó (9). ) Tóm tắt trò chơi đề hay 36 con vật như sau : Tuy tên gọi là 36 con vật nhưng thật ra không có tới 36 con. Mấy con còn thiếu được thay bằng người hay đồ vật như bà vãi, hòn đá, cái thuyền v.v. Tên các con vật được ghi sẵn trên tờ giấy ( vé ) chơi đề. Mỗi con vật còn được đánh số để giới bình dân mù chữ dễ nhận ra, còn có thêm tên bằng chữ Hán để chiều lòng người có học. Con chó được gọi là con… Phước tôn. Con khỉ là Tam hộc v.v. Mỗi ngày nhà cái chọn một tên, viết ra giấy, bỏ vào phong bì. Phong bì được để trong một cái giỏ, kéo lên treo giữa trần nhà. Người chơi lấy vé, chọn một tên, ghi số tiền đặt. Mỗi vé chỉ được chơi một tên. Ai muốn chơi nhiều tên khác nhau thì phải lấy nhiều vé. Buổi chiều nhà cái hạ giỏ xuống, mở phong bì, xướng tên con vật. Ai trúng thì được ăn gấp 30 lần số tiền đặt. Trong số 36 con vật chơi trong Nam có lúc con dê được đánh số 20, con chó số 17 (10). Tờ vé chơi ngoài Bắc không đánh số, không có con dê (3”). Tên và thứ tự các con vật trong hai danh sách của hai miền cũng khác nhau. Hai tài liệu của ngày xưa chứng tỏ rằng tuỳ sòng bài, 36 con vật được chọn và đánh số không bắt buộc phải giống nhau. Trong Nam đã có lúc con dê được sòng bạc đánh số 35. Tiếng lóng của dân cờ bạc gọi con dê là con băm lăm. Ngoài Bắc không ai biết con băm lăm là con gì. Chẳng bao lâu, dê sổng khỏi sòng bài, chạy vào xã hội. Mấy ông có máu dê được gắn nhãn hiệu có máu băm lăm. Lại thêm một đặc sản của miền Nam. Dê nằm trong sách vở Nhớ lại năm xưa cắp sách đến trường. Học nhiều chuyện xa lạ. Phải duyên hương lửa cùng nhau Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào (Cung oán) Tấn thư chép: vua Võ Đế có lắm cung nhân, mỗi khi muốn đến với cung nhân nào, vua ngồi trên xe nhỏ khảm châu ngọc có con dê kéo, để tuỳ ý dê muốn vào cung điện nào ; cho nên những cung nhân thường lấy lá tre rảy nước muối, rắc ở cửa viện, con dê ưa ăn vị ấy nó vào. Đây dùng lá dâu, có lẽ vì vận trên phải ép mà để chữ dâu, chính lá tre mới đúng (11). Trải qua dấu thỏ đường dê Chim kêu vượn hú tư bề nước non (Lục Vân Tiên) Dấu thỏ đường dê là đường chật hẹp, gập ghềnh và hoang vắng. Vương Duy có câu Lộ kịch dương trường ác ( Đường khó khăn như ruột dê ) (12). Hán Việt từ điển Đào Duy Anh giải thích hơi khác : – Đường ruột dê (dương trường) là đường quanh co. Cửu bản dương trường là Leo chín lớp đèo quanh co như ruột dê. Nghĩa bóng chỉ đường đời nguy hiểm. Đường đi quanh quẩn ruột dê Chim kêu vượn hót dựa kề bên non (Dân ca) Ruột dê gập ghềnh, quanh co. Chẳng cần phải mổ bụng dê, bụng ngựa ra xem, người xưa cũng biết là ruột dê, ruột ngựa thậm chí cả ruột người không có ruột nào thẳng đuột, ngay cán cuốc cả. Thành ngữ Thẳng ruột ngựa của ta chắc chắn không có nghĩa là thẳng đuột như ruột ngựa (13). Biết rồi, khổ lắm, nói mãi ! Dê tiếp đi ! Tự vị Huỳnh Tịnh Của có thành ngữ Bán chó treo dê, ám chỉ người gian tham, cuộc gian tham. Ba thế kỉ trước, thơ nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có : Lận thế treo dê mang bán chó Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền Đinh Gia Khánh chú giải : Treo dê mang bán chó là viết thoát ý câu tục ngữ Treo đầu dê, bán thịt chó, ý nói : phô phang một đằng, làm một nẻo, khoe tốt nhưng lại làm xấu (14). Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã đưa « tục ngữ » vào thơ hay thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành tục ngữ của đời sau ? Các cụ thấm nhuần chữ nghĩa thánh hiền cụ nào cũng thuộc lòng truyện Tô Vũ chăn dê (Tô Vũ mục đê). Đến khi kể lại cho con cháu nghe thì hỡi ôi mặt mày đứa nào đứa nấy ngơ ngác như  chúa Tàu nghe kèn, như vịt nghe sấm. Tô Vũ là phim nào vậy, ngoại ? Tô Vũ là một tôi trung của nhà Hán, bị Hung Nô bắt, đày ra đất Bắc chăn dê. Hẹn rằng bao giờ dê đực đẻ thì cho về. 19 năm sau Tô Vũ mới được tha, trở về với triều đình nhà Hán. Vậy nên sinh tử dĩ chi, Chăn dê trải mấy nan nguy chẳng chồn. Kể đà mười chín năm tròn Mao cờ mòn hết lòng son vẫn còn (Chính khí ca) Chuyện dê đực ( chữ Hán là đê ) đẻ con cũng tương tự như chuyện sừng ngựa hẹn quy kỳ. Thái tử Đan nước Yên bị bắt làm con tin ở nước Tần. Người Tần bảo khi nào ngựa mọc sừng mới được cho về. Văn học hiện đại của ta có Bùi Giáng lận đận chăn dê suốt 15 năm trời ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú. Những bận nào Tràlinh qua Đádừng Hòndựng Dùichiêng về Phườngrạnh ngược Kherinh Bao lần anh cùng chúng em lận đận Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình Những bận nào Quế sơn Rùrì con suối ngược Nước trôi nguồn nước lũ xuống phăng phăng Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng (Bùi Giáng, Nỗi lòng Tô Vũ) Mười lăm năm trời! Tuy chưa lâu bằng đoạn đời khổ cực của Tô Vũ, nhưng cũng đã đằng đẵng bằng thời gian trôi nổi của cô Kiều : Mối tơ vương xảy cuộc tang thương Người má phấn bên trời lưu lạc Gẫm duyên cô mười lăm năm chếch mác Phận hồng nhan nhiều nỗi gian truân Trêu ngươi thay mấy tạo nhân. ( Chu Mạnh Trinh, Thuý Kiều lưu lạc ) Dê là một trong ba con vật (tam sinh gồm trâu, dê, lợn) được dùng trong việc tế lễ ngày xưa. Ngày nay thì chín, tái, xào, lẩu con dê hay con nào khác đều bình đẳng trước… dzô !dzô ! Hà Nội có con dê ngộ nghĩnh. Năm 2013, phố Tràng Tiền (Hà Nội) có bảng Bánh Trung Thu Bodega. Cái tên « vang bóng một thời ». Anh bạn cười bảo Bodega là Bò Dê Gà. Nghe vui vui. Nửa đùa nửa thật. Lật  Từ điển Hà Nội của Bùi Thiết ra thì thấy : Bô Dê Ga (cửa hàng ăn) : Tại phố Tràng Tiền. Vốn là một cửa hàng ăn với các món ăn bằng thịt bò, dê, gà ngon có tiếng từ trước. Nay có tên là cửa hàng Bô Dê Ga (15). Hoá ra anh bạn không nói đùa. Nói theo sách vở đàng hoàng. Theo Bùi Thiết thì Bò, dê, gà ngon có tiếng của ngày xưa bị « nói trại » thành Bô Dê Ga ! Khen cho mấy chú thực dân xa nhà, hòa nhập sao mà nhanh thế ! Cứ đà này thì tòa lâu đài ẩm thực của Pháp có ngày sẽ lung lay, sụp đổ vì 3 con bò, dê, gà của Việt Nam. Nhìn quanh nước Pháp chưa hề thấy tiệm ăn lớn hay nhỏ, bình dân hay sang trọng nào lại đem khoe trên bảng hiệu là tiệm có bò, dê, gà hay cừu, cá, cua! Quý khách, « thượng đế » muốn biết món ăn có những gì, giá bao nhiêu, cứ xem thực đơn thì sẽ biết. Cũng như tại Việt Nam, chẳng lẽ lại khoe trên bảng hiệu là tiệm có rau muống, rau cải, rau cần ? Thực ra thì Bô Dê Ga của Bùi Thiết chỉ là một hiểu lầm. Bodega ( bô-đê-ga ) là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là hầm rượu, là nơi tụ họp ăn uống, ca hát, nhảy đầm. Thời Pháp, chủ nhà hàng Bodega muốn nhắm vào cộng đồng người Âu thích ăn uống, ca hát, vui chơi nên đã chọn cái tên Bodega « đậm đà bản sắc quê hương ». Không dính dáng gì với Bò Dê Gà của ta. Bờ biển California nước Mỹ có mũi Bodega, vịnh Bodega nằm tại phía bắc San Francisco, nơi được Alfred Hitchcock chọn để quay phim Chim (The birds, 1963). Bodega được Bùi Thiết « hiểu » thành Bò Dê Gà chứ không phải Bò Dê Gà của ta bị Tây « phát âm » ngọng nghịu thành Bô Dê Ga. Bodega vui tươi, lãng mạn. Tên rất thích hợp với Karaoke. Với điều kiện là Bodega… không có mát xa (massage), đấm bóp. Nguyễn Dư (Lyon, Tết Ất Mùi, 2015) (1) (1′)- La Cochinchine française en 1878, Challamel, 1878, tr. 110, 183-184. (2)- Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 1-2, 1931, tr. 143. (3) (3′) (3”)- Docteur Edmond Courtois, Le Tonkin français contemporain, Lavauzelle, 1891, tr. 255, 299, 342. (4)- Đại Nam thực lục, tập 8, Giáo Dục, 2007, tr. 581. (5)- Pierre Huard, Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 201. (6)- Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, Văn Học, 2003, tr. 623. (7)- Phạm Khắc Hoè, Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Thuận Hoá, 1995, tr.128-130. (8)- Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi Tùng Thư, 1966, tr. 276-279. (9)- Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ XIX, Văn Học, 1977, tr. 11. (10)- Dürrwell George, Ma chère Cochinchine, Mignot Editeur, 1911, tr. 232. (11)- Ôn Như Hầu, Cung oán ngâm khúc, Tôn Thất Lương chú giải, Tân Việt, 1950, tr.52. (12)- Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú thích, Văn Học, 2008, tr. 315. (13)- Nguyễn Dư, Ngựa và Thẳng ruột ngựa, Chim Việt cành Nam, số 54 (1/2014). (14)- Đinh Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Học, 1983, tr. 157.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          (15)- Bùi Thiết, Từ điển Hà Nội, Văn Hoá-Thông Tin, 1993