Lời tự thú trước đêm giao thừa
Dân Luận – Theo FB Đoan Trang – Đoan Trang – 18/02/2015
Thật chẳng vui vẻ gì khi phải viết những dòng này, vào lúc này. Trong khoảng nửa năm nay, kể từ mùa hè 2014 khi còn đang ở Mỹ, tôi đã thường xuyên nhận được từ nhiều trang Facebook nặc danh những tin nhắn đe dọa với một nội dung chung: Sẽ đưa các clip và hình ảnh nude, sex của tôi – Phạm Đoan Trang – lên mạng Internet, nếu tôi tiếp tục các hoạt động mà họ gọi là “chống phá”. Tôi im lặng không trả lời một tin nhắn nào, vì tôi biết tác giả của chúng chỉ có thể là ai hoặc làm việc cho ai, và tôi… không biết phải nói gì. Đó là một câu chuyện buồn, đã xảy ra từ gần 6 năm về trước, trong một vụ việc mà tôi tự gọi là “vụ bê bối 2009” của tôi với cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam. Hẳn nhiều người còn nhớ, vào cuối mùa hè năm 2009, có ba blogger bị bắt tạm giam 9 ngày ở một trong những vụ bắt nổi tiếng của năm (nối sau vụ bắt doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Công Định). Ba blogger ấy là Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, và tôi – khi đó còn là phóng viên của chuyên trang Tuần Việt Nam thuộc báo điện tử VietNamNet. Cả ba blogger bị bắt vì bị cho là có dính líu đến một “âm mưu” in áo phông chống dự án bauxite Tây Nguyên. Trong ba blogger, có lẽ tôi là người “oan” nhất, theo cái nghĩa tôi không hề tham gia in áo, chưa từng trông thấy áo, cũng như không một lần được hỏi ý kiến về vụ áo xống đó. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại câu chuyện ấy, với một ý nghĩ buồn trong đầu: “Áo em chưa mặc một lần…”. Cũng về sau này, trong ba blogger, có lẽ tôi là người ít nói về câu chuyện năm ấy nhất, không phải vì sợ an ninh, sợ bị trả thù, hay sợ bất kỳ điều gì khác, mà vì hai lý do chính: Lý do thứ nhất, tôi xấu hổ. Xấu hổ vì mình bị bắt một cách lãng xẹt, và hồi ấy, tôi ngu ngơ lắm, đần độn lắm, tôi đâu biết gì về chính trị, luật pháp, nhân quyền, v.v. Tôi đã là một người hoàn toàn ngây thơ và nhút nhát. Tôi đã khóc mếu, đã van lạy, xin khai báo thành khẩn – những việc mà không bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm trong đời nếu mình vô tội. Nhưng than ôi, làm sao một đứa con gái nhà lành, chưa từng có chuyện dính dáng đến pháp luật và cơ quan công quyền, sống một thời tuổi trẻ và tuổi thơ tràn đầy thi ca nhạc họa, lại có thể có đủ bản lĩnh để đương đầu với những kẻ được đào tạo để thị uy, trấn áp người khác? Mà cũng chính vì thế, tôi thấy xấu hổ thay cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an: Làm sao mà họ có thể biến chuyện in mấy cái áo phông thành một âm mưu xâm hại an ninh quốc gia được? Làm sao mà họ có thể thấy tự hào, hãnh diện vì đã cả phá thành công một “chuyên án” như thế? Nói cách khác, người bị bắt đã lố bịch, kẻ đi bắt người còn lố bịch hơn. Lý do thứ hai, tôi đã trải qua những giờ phút rất đau khổ. Và đó là lý do còn ám ảnh tôi mãi mãi về sau này, cho đến tận bây giờ. Họ – cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an – đã thu giữ máy tính của tôi trái phép, trong lúc tôi đang bị giam ở B14. Họ đã xâm nhập máy tính của tôi – đương nhiên là trái phép – và tệ hơn thế nữa, phục hồi lại toàn bộ một số bức ảnh riêng tư mà tôi hoặc đã xóa đi, hoặc đang lưu trong một folder bí mật nào đó mà chính tôi cũng không ý thức nhớ (vì có bao giờ tôi từng nghĩ đến chuyện mình có thể bị bắt, máy tính có thể rơi vào tay an ninh). Đó là những bức ảnh ghi lại cảnh quan hệ của tôi – vào cái thời mà tôi cho là mình lãng mạn nhất, và cũng ngây thơ nhất. Thời mà tôi quan niệm “yêu là phải hết mình”. Thời mà tôi như sống trong một thế giới đầy những hình ảnh đẹp đẽ, những giai điệu huyền ảo: làm báo, yêu anh, và nghe guitar cổ điển, nghe nhạc Beatles. Tôi đi đâu, trong đầu cũng rực sáng những hình ảnh ấy: bóng nụ cười của anh, ánh mắt của anh, đôi môi, bàn tay… Tôi đã nghĩ về tình yêu (và tình dục) như cái gì đó thật sự thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng. Và vì thế, tôi đã đau khổ đến mức nào khi những điều thiêng liêng ấy bị làm cho vấy bẩn, khi sự riêng tư của mình bị xâm phạm, chà đạp. Tôi không bao giờ quên cảm giác chua xót khi hàng chục cặp mắt an ninh cùng soi vào những bức ảnh đó. Tôi không bao giờ quên được ý nghĩ đau đớn lướt qua đầu mình khi đó: Phải rồi, tôi đã có vài mối tình, và đã chụp ảnh ghi lại một số khoảnh khắc nhạy cảm. Nhưng tôi làm thế chỉ vì tình cảm – đối với người mình yêu, và với chính cơ thể mình, tuổi xuân của mình. Tôi làm thế không phải để cho cả một tiểu đội an ninh xem, rồi đem ra bình phẩm và răn dạy rằng phàm là trí thức, là người có đạo đức, thì phải thế này, thế kia… Tôi đã im lặng, cố gắng để câu chuyện buồn thảm của năm 2009 ấy trôi vào quá khứ vĩnh viễn. Nhưng ký ức của tôi không ngủ được, cứ lâu lâu nó lại bị đánh thức bởi những tin nhắn đe dọa nặc danh, những lời lẽ của dư luận viên bóng gió trên mạng. Tôi hiểu rằng, không sớm thì muộn, những bức ảnh ấy cũng sẽ bị tung ra, chúng có thể bị rò rỉ trên một trang mạng “chống phản động” nào đấy, và/hoặc sẽ được gửi đến những người mà tôi không muốn họ biết đến chúng nhất. Tệ hơn nữa, chúng có thể được xử lý, được chỉnh sửa, được công bố kèm những thông tin thêm thắt, nhào nặn và bịa đặt khác (giống như cách mà dư luận viên lâu nay vẫn làm đối với người đấu tranh dân chủ) để cố tình tạo ra những câu chuyện kinh khủng về tôi. Tôi không muốn thanh minh gì, ngoài một điều duy nhất: Tôi đã làm thế chỉ vì tình cảm đối với người mình yêu và với chính cơ thể mình, tuổi xuân của mình. Và bây giờ, tôi buộc lòng phải viết những dòng này, trong một đêm cuối năm mà lẽ ra tôi phải thấy rất vui, vì tôi đang được ăn Tết ở Việt Nam, sau hơn hai năm xa nước. Tôi thích thú gì khi phải tung lên mạng những chuyện hết sức riêng tư, mà lại là vào đêm trước giao thừa? Tôi thích thú gì khi phải tố cáo những chuyện liên quan đến một cơ quan công quyền thật sự rất lớn và rất oai, là cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam? Tôi thích thú gì khi phải nói rằng an ninh Việt Nam đã “mẫn cán” đến mức thọc mũi vào đời tư của một phụ nữ và ra sức huấn thị, dạy đạo đức cho người phụ nữ (độc thân) ấy? Nhưng, dù chua xót đến mấy, tôi cũng đành phải viết lời “tự thú” cuối năm này, bởi vì biết đâu, một ngày nào đó những bức ảnh riêng tư của tôi sẽ được bôi đen bôi đỏ, khoanh tròn, v.v. trên mạng? Tôi muốn có lời xin lỗi trước đến những người sẽ bị ảnh hưởng vì sự cố đó, nếu nó xảy ra. Tôi muốn nói rằng, tôi đã không thể tự vệ được, cũng như đang không thể chịu trách nhiệm về những bức ảnh riêng tư của mình một khi nó đã được lưu đầy đủ trong hồ sơ của cơ quan an ninh. Tôi cũng muốn cầu nguyện một điều trước phút giao thừa – dù tôi không phải người có đạo – rằng ước sao những câu chuyện đau lòng tương tự do an ninh Việt Nam gây ra sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai trên đất nước này. Ước sao lực lượng an ninh Việt Nam cũng biết bảo vệ, tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền riêng tư của công dân, như họ đã và đang tích cực bảo vệ chế độ.