Quan hệ giữa CSVN và Trung Cộng bị che phủ bởi bóng đen của cuộc chiến tranh biên giới bạo tàn năm 1979

Cac Bai Khac

No sub-categories

Quan hệ giữa CSVN và Trung Cộng bị che phủ bởi bóng đen của cuộc chiến tranh biên giới bạo tàn năm 1979

Hà Thị Hiền đứng trên tuyến đường sắt nối Hà Nội – Bắc Kinh. Ảnh Justin Mott cho tờ New York Times

Dân Luận – 16/02/2015 – Jane Perlez – Nguyễn Công Huân chuyển ngữ

Lạng Sơn, Việt Nam – Bà mới 14 tuổi khi pháo binh Trung Cộng (TC) vang rền trên những quả đồi xung quanh nhà bà ở phía Bắc Việt Nam, và hàng trăm ngàn quân TC tràn qua biên giới. Bà nhớ mình cùng cha mẹ chạy trốn qua những vườn đào, mái tóc ngang lưng tung bay trong gió. Họ đã chạy đúng vào vòng tay quân thù. Mẹ bà bị bắn và chết ngay trước mặt bà; và một vài phút sau, bố bà cũng bị thương. “Tôi quá hoảng sợ. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ sống sót. Đạn bắn tứ tung xung quanh. Tôi có thể nghe thấy tiếng họ và ngửi thấy mùi thuốc súng”, Hà Thị Hiền – năm nay đã 40 – kể lại, tay bà vung qua đầu để biểu diễn đạn bay sát đầu bà như thế nào, trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi và bạo tàn. Xung đột giữa TC và Việt Nam năm 1979 chỉ kéo dài chưa đầy 1 tháng. Nhưng trận chiến đã dữ dội tới mức di sản của nó vẫn tạo ra hương vị chua chát trong quan hệ giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa, mà nay đang đối đầu căng thẳng trên biển Đông. Cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng, mặc dù không bên nào chiếm ưu thế, và cả hai đạo quân đều bị tổn thất khủng khiếp. Nếu một cuộc chiến khác nổ ra vì chủ quyền lãnh thổ và vì vị trí gần đây của giàn khoan TC đặt trên biển Đông, TC – với lực lượng hải quân ngày càng hiện đại hóa – sẽ có nhiều khả năng chiến thắng, các chuyên gia quân sự cho biết. Vậy trong một tình huống giống như Mexico chắn ngăng Hoa Kỳ, Việt Nam phải thi hành một “nghệ thuật sống” bên cạnh một quốc gia hùng mạnh, một kỹ năng mà nó đã luyện tập cả ngàn năm nay với sự chiếm đóng liên tục và hơn chục cuộc chiến tranh với TC. Nhưng với TC giàu có hơn, quân đội mạnh hơn, và tham vọng to lớn hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử xung đột giữa hai nước, việc lúc nào cần chọc giận TC, lúc nào cần làm hòa, và làm sao đưa yếu tố Hoa Kỳ vào quan hệ giữa hai nước đang ngày càng trở nên phức tạp. Trong căng thẳng hiện tại, tình cảm chống TC của người Việt Nam có vẻ đang chạy trước những phán quyết của Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực nhất ở quốc gia này. “Người dân Việt Nam muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc”, Phạm Xuân Nguyên – chủ tịch Hội văn học Việt Nam, người đã biểu tình phản đối giàn khoan trước cửa Đại sứ quán TC tại Hà Nội, chia sẻ. “Nhưng người Việt đang tự hỏi chiến lược của chính phủ Việt Nam là gì, và tự hỏi nếu liệu chính quyền đang thực sự chống lại Trung Quốc hay đang thỏa hiệp với nó?”. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Leon E. Panetta đã ghé thăm vịnh Cam Ranh, một địa điểm đóng quân chủ yếu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng tới nay quân đội Việt Nam – vốn vẫn giữ những hình ảnh về cuộc chiến tranh 1975 và quan hệ đối kháng kéo dài sau đó, đã duy trì khoảng cách của mình. Một phần của sự xa cách là do hành pháp Hoa Kỳ cấm bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam, một di tích của cuộc chiến tranh. Nhưng Washington đã cho thấy họ đang quan tâm đến việc gỡ bỏ lệnh cấm này, và đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius, đang đợi xác nhận từ Thượng Việt, nói trong buổi điều trần tháng trước rằng việc nới lỏng lệnh cấm vận này cần phải được cân nhắc. Trong lúc này, Việt Nam chủ yếu mua vũ khí từ Nga, Isarel và Ấn Độ. Nó đã nhận 2 tầu ngầm lớp kilo từ Nga, và đang đặt thêm 4 chiếc nữa. Nhật Bản hứa sẽ cung cấp các tầu tuần tra bảo vệ bờ biển. Trong một bước tiến để khuyến khích Việt Nam tiến sát hơn tới Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry công bố khoản hỗ trợ 18 triệu đô-la cho các hoạt động “không nhằm giết người” [*] cho lực lượng an ninh biển của Việt Nam trong chuyến viếng thăm vào tháng 12 vừa rồi. Việt Nam không trông đợi, hoặc mong muốn, sự can thiệp của Hoa Kỳ, Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại Giao Việt Nam, nói. “Chúng tôi không trông đợi sự giúp đỡ từ bất kỳ ai,” ông nói. “Chúng tôi tin rằng mình có thể tự làm được. Chúng tôi sẽ giữ chiến lược hiện tại là ngăn cản đụng độ, và nếu nó xảy ra thì chúng tôi sẽ đối phó với nó. Chúng tôi chào đón tất cả mọi người vào sử dụng biển Đông, miễn là họ có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và trật tự phá lý trong khu vực.” Bóng tối của cuộc chiến tranh biên giới 1979, được thực hiện theo lệnh của Đặng Tiểu Bình nhằm trừng phạt Việt Nam trong việc xâm lược Campuchia, phủ bóng nhiều nơi dọc đường biên giới. Những ký ức không chỉ mạnh bởi vì số người chết, mà còn vì TC đã tàn phá các làng xã và thị trấn khi họ rút lui, phá tan trường học và bệnh viện, điều mà quân đội TC sau đó gọi là “nụ hôn từ biệt”. Lạng Sơn kể từ đó đã được xây dựng lại, với những khu nhà cao tầng khiêm tốn với những bảng hiệu neon tạo cảm giác một khu buôn bán thịnh vượng. Nhưng người dân ở đây vẫn còn nhớ đến dòng sông đầy xác người, cả Việt Nam lẫn TC, và mất bao lâu để cái mùi khủng khiếp đó phai đi. Số lượng người chết được ước tính là ít nhất 50 ngàn lính tổng cộng cả hai bên, cùng với 10 ngàn thường dân Việt Nam. Binh sĩ TC được chỉ thị phải tàn nhẫn và phải viện đến “sự điên cuồng của những cảm xúc cực đoan”, theo lời một cựu sĩ quan tình báo TC, Xu Meihong, người đã di cư tới Hoa Kỳ và kể lại lịch sử của cuộc chiến trong cuốn “Chiến lược Quân sự Trung Quốc trong chiến tranh Đông Dương lần thứ 3” bởi Edward C. O’Dowd. Quyết định của phía TC là phá hủy Lạng Sơn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng một học sinh trung học có tên là Lương Văn Lang, người hiện nay đang là công việc của một nhân viên bảo vệ. “Trái tim của tôi đầy những thù hận, tất cả các thành phố đều bị phá hủy, tất cả chỉ còn là đống đổ nát,” ông nói. Hai năm sau khi TC rút quân, ông đã được chọn để tham gia khóa huấn luyện bắn tỉa trong lực lượng dân quân địa phương để chống lại những cuộc tấn công kiểu “đánh-rồi-rút” của Trung Quốc kéo dài trong thập niên 1980. “Tôi phải dậy từ 2 giờ sáng, vào vị trí trên sườn đồi cao, và tôi có thể thấy quân Trung Quốc đào đường hầm,” ông nói. “Đồi của họ thấp hơn đồi chúng tôi, và đôi lúc họ muốn di chuyển lên cao hơn. Chúng tôi sẽ đợi tới lúc họ di chuyển và bắt đầu bắn họ.” Ông đã giết 6 người Trung Hoa trong 10 ngày, với niềm tự hào khi kể lại chuyện này. Vì sự can đảm và chính xác, ông Lang đã giành được 3 huy chương mà ông giữ trong chiếc hộp lót vải sa-tanh. Sau khi TC và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1991, chính phủ đã xóa bỏ tất cả các lễ kỷ niệm liên quan đến cuộc chiến 1979, ngược lại với những đài tưởng niệm khắp nơi về cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, trong đó TC đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng giúp đỡ Việt Nam. Quan hệ giữa hai Đảng CS anh em rã đông, kinh doanh qua đường biên giới phát triển mạnh mẽ và những kỷ niệm bị lu mờ.

Mộ của mẹ bà Hà Thị Hiền, bị bắn chết trong cuộc chiến biên giới 1979. Ảnh: Justin Mott cho tờ New York Times

Những kỷ niệm đó lại trỗi dậy cách đây 2 tháng với sự xuất hiện của giàn khoan dầu TC trong vùng biển tranh chấp giữa hai quốc gia. Có những cuộc đụng độ hàng ngày giữa tàu tuần tra bờ biển TC và Việt Nam, dẫn tới cuộc bạo động chống TC ở Việt Nam khiến 4 công dân Trung Hoa bị chết và nhiều hãng xưởng nước ngoài bị hư hại. Bà Hiền, hiện đang điều hành một nhà nghỉ và chào đón khách Trung Hoa, nói bà vẫn sống với kỷ niệm kinh hoàng của tuổi thơ. Sau khi mẹ bà bị bắn chết, quan đội đã tìm một người phụ nữ lớn tuổi để trông nom bà, và sau đó nói hai linh hồn tổn thương này hãy trú ẩn cũng những người khác trong một hang đá vôi. “Nhưng hàng trăm người đã bị giết ở đây”, bà kể. “Tôi chứng kiến một phụ nữ với chân bị cắt đứt, nằm dài trên mặt đất. Bạn có thể thấy trong đôi mắt của cô ấy rằng cô ấy vẫn còn sống và muốn được giúp đỡ, nhưng không ai trong chúng tôi có thể làm gì được hơn cho cô ấy. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh đó”.

[*] Nguyên văn: “Non-lethal aid”: Là khoản hỗ trợ dành cho các hoạt động và phương tiện không phải là vũ khí, đạn dược, thiết bị hay vật liệu được thiết kế để tạo ra thương vong hay gây chết nước. Nó chỉ được sử dụng cho việc mua thiết bị liên lạc, y tế, hỗ trợ tình báo, áo giáp, và xây dựng cơ sở hạ tang.