Ukraina cần trang bị vũ khí “kiên nhẫn”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ukraina cần trang bị vũ khí “kiên nhẫn”

Đàm phán Minsk giữa 4 nguyên thủ quốc gia : Putin, Porochenko, Merkel, Hollande –  REUTERS/ Mykola Lazarenko

12 tháng hai năm 2015 – Theo RFI – Tú Anh

Lãnh đạo Pháp Đức, cố gắng giúp Ukraina và Nga điều đình để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài từ 10 tháng nay tại đông Ukraina và nguy cơ lan rộng toàn diện. Một thỏa thuận ngưng bắn thứ hai vừa đạt được tại Minks sau 16 giờ đồng hồ thương lượng Tuy nhiên , Thủ tướng Đức tuyên bố bà không «ảo tưởng sẽ có hòa bình vì còn đầy chướng ngại». Ngoài những hoạt động quân sự tại Crimée và đông Ukraina, quân đội Nga đã và đang có những động thái củng cố lực lượng tại các vùng biên giới.Trước sức mạnh áp đảo của Nga, Ukraina phải kiên nhẫn và  chấp nhận mất mát  đớn đau.

Trong 11 tháng trở lại đây, từ khi Nga chiếm quần đảo Crimée, không quân Nga đã hơn 50 lần «gây sự cố» tiến sát vào không phận của Liên Minh Bắc Đại Tây dương Nato và hai nước bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan. Hoa Kỳ cũng được không quân Nga «thăm hỏi». Tháng Năm năm 2014, lần đầu tiên một máy bay Nga bị phát hiện ở cách California 80km. Tháng 9,  oanh tạc cơ Nga tập trận phóng tên lửa ở biển Labrador, nằm giữa Canada và Groenland có nghĩa là có thể bắn tới New York, Washington và Chicago. Máy bay oanh tạc có khả năng chở bom hạt nhân và phi cơ chiến đấu cố tình bay sát  không phận NATO với mục đích có khiêu khích có tính toán, theo cơ quan nghiên cứu chiến lược European  Leadership Network, cơ sở tại Luân Đôn. Mục đích của giới lãnh đạo Nga, theo chuyên gia Tây phương, là vừa để trắc nghiệm  phản ứng của Liên minh NATO, vừa khiêu khích  và cũng vừa để làm lên tinh thần quân đội Nga trước những đối thủ tiến bộ hơn về mặt công nghệ quân sự mà Matxcơva cho rằng đang cô lập nước Nga. Chiến lược khiêu khích của Nga được tiến hành rõ nét nhất ở đông Ukraina. Theo nhà báo Philippe Laymarie của Le Monde diplomatique, từng đoàn cố vấn Nga, xe tăng, đại bác, tên lửa cung ứng cho phiến quân Donetsk và Lugansk giúp cho phe nổi dậy thân Nga đương đầu với quân đội chính phủ. Trong tình thế này, Tây phương phải làm gì? Phải vũ trang cho quân đội Ukraina? Trừ Ba Lan và các nước baltic và một số thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ, ít  có một chính khách nào muốn cung cấp vũ khí cho Ukraina. Tổng thống Obama cũng tỏ ra do dự. Tại sao? Chỉ trong vòng 10 tháng, xung đột đã gây tử vong cho 5500 người, binh sĩ, dân quân thân Nga và thường dân ở đông Ukraina. Hơn 600.000 người đi tỵ nạn chiến cuộc. Tại Diễn đàn An ninh quốc tế  cuối tuần qua tại Munchen, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen tuyên bố rõ ràng : Chúng ta có tin rằng quân đội Ukraina sẽ đánh thắng quân đội Nga? Một cuộc chiến tranh với Nga sẽ làm thiệt hại nhân mạng «rất nhiều». Câu hỏi đặt ra là liệu có một «biện pháp nào  trợ giúp Ukraina mà không tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm?». Một số chuyên gia tại Diễn đàn An ninh Munchen cho biết Hoa Kỳ đang âm thầm tiến hành biện  pháp này. Được trang bị đúng mức để tự vệ thì quân đội Ukraina sẽ gây thiệt hại nặng cho quân đội Nga. Để làm gì? Để đánh vào tâm lý người dân Nga. Công luận Nga hiện đang nghe theo Tổng thống Putin liệu sẽ  im tiếng thụ động chấp nhận thiệt hại nặng cho binh sĩ? Theo phân tích của các chuyên gia này, hãy nhìn những biện pháp che giấu thông tin binh sĩ tử trận, đàn áp những blogger, những phụ nữ đi tìm tin tức chồng con là có thể hiểu chính quyền Nga  cũng rất sợ công luận dao động. Phản ứng chính thức đầu tiên của Nga về khả năng Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraina đến từ đại sứ Nga tại Pháp. Ông Alexander Orlov bình luận «đừng điên, đừng đổ dầu vào lửa» minh họa cho mối lo ngại này của chính quyền Putin. Thật ra, không một giải pháp nào toàn hảo vì như François Heisbourg thuộc Viện  Nghiên cứu Chiến lược Paris nhận định, viện trợ quân sự không thể thiếu viện trợ kinh tế và tài chính. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chí lý: «Ukraina đang chiến đấu để sống còn». Nhưng  cung cấp vũ khí cho một quốc gia 46 triệu dân  đang bên bờ phá sản không phải là giải pháp mang lại ổn định cho châu Âu. Tóm lại, các nhà lãnh đạo Tây phương đã bắt đầu ý thức  cuộc  khủng hoảng Ukraina  sẽ kéo dài. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh thêm là không thể tách rời tình hình Ukraina với mối đe dọa của thánh chiến Hồi giáo, và cần phải được xử lý cùng lúc. Trong tài liệu về chiến lược an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không nhận định khác: “Những thách thức mà chúng ta đang đối đầu sẽ đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn”. Nói cách khác, các nước Tây phương đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lâu dài. Được RFI đặt câu hỏi, ba ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh tại Minsk ngày 12/02/2015, giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Hoa Kỳ phân tích những giải pháp chính trị có thể áp dụng để giải quyết xung đột Ukraina bằng «điều đình». Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phải có hai điều kiện cần thiết: một  là tránh khiêu khích nhau  và  hai là  phải «kiên nhẫn». Trong cuộc điều đình này, Ukraina sẽ bị nhiều «mất mát». Dưới đây là  nội dung những nét chính trong bài phân tích của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Mời quý thính giả theo dõi toàn bài phỏng vấn-thực hiện cho chương trình phát thanh 12/02/2015.

1.Tương quan lực lượng địa phương nghiêng về phe nổi loạn. Họ đã chiếm được đất và hỗ trơ bởi Nga, một nước láng giềng lớn, vị trí thuận lợi và có khả năng hỗ trợ lâu dài. Dù có thêm vũ khí thì chính quyền trung ương cũng khó lấy lại được phần đã mất.

2. Hiện nay chì có vài dân cử Mỹ đòi phải viện trơ vũ khí cho phe chính quyền. Tất cả đồng minh Âu châu của Mỹ và chính quyền Mỹ cũng đều tuyên bố không có giải pháp quân sự. Kéo dài chiến tranh ủy nhiệm cũng chẳng thay đổi được tình thế trên chiến trường mà lại còn có nguy hiểm leo thang tời một cuộc chiến tranh không ai muốn. Chừng nào còn có xung đôt vũ trang thì không thể xây dựng một Ukraina ổn cố, phát triển và có lãnh thổ vẹn toàn.

3. Các cố gắng vừa qua là cố gắng đi tìm một giải pháp chính trị, tránh xung đột kéo dài. Chi tiết có thể khác, nhưng về nguyên tắc thì đã có một mô hình châm dứt nội chiến. Đó là giải pháp liên bang Bosnia-Herzegovina trong đó có một Republic of  Srpska tự trị của người Bosnia gốc Serbia. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho vùng Donetsk và Luhansk. Bán đảo Crimée khó giải quyết hơn, vì Nga đã sát nhập vùng này rồi, nhất là quân cảng Crimée có tầm quan trọng chiến lươc đối với an ninh của Nga. Ngoài ra, Nga khó chấp nhận triển vọng Ukraina gia nhập NATO ít nhất cũng trong tình thế hiện nay. Ngoài thương lượng trao đổi về điều kiện tháo gỡ chế tài kinh tế, đó là những vấn đề cần đươc giải quyết. Giải quyết khủng hoảng Ukraine cần thật nhiều kiên nhẫn và mất mát đớn đau…

Vào sáng hôm nay 12/02/2015  tại thủ đô Belarus, sau 16 tiếng đồng hồ thương lượng gay go, một thỏa thuận ngưng bắn là lập vùng trái độn đã được ký kết giữa hai phe ly khai thân Nga tại Đông Ukraina và chính quyền Kiev. Nhưng Thủ tướng Đức tuyên bố bi quan: còn quá nhiều cản lực trước khi giải quyết được khủng hoảng.