Tin Thế Giới – 12/1/2015
Đạt thỏa thuận ngưng bắn ở miền đông Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một thỏa thuận đã đạt được về cuộc ngưng bắn ở miền đông Ukraine, bắt đầu từ khuya thứ bảy 14/2. Loan báo được đưa ra sau cuộc họp suốt đêm tại thủ đô Minsk của Belarus giữa các nhà lãnh đạo của 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật.
Cuộc họp thượng đỉnh 4 nước đã được giàn xếp một cách vội vã hồi cuối tuần vừa qua, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đích thân trình bày với Tổng thống Putin tại Moscow một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
Trong khi đó, những vụ giao tranh ác liệt tiếp diễn ở Donetsk và Luhansk trong lúc binh sĩ chính phủ Ukraine và phiến quân đòi ly khai thân Nga tìm cách chiếm giữ những phần đất chiến lược trước cuộc hòa đàm.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng giao tranh sẽ trở nên dữ dội hơn nữa nếu không có một thỏa thuận hòa bình.
“Cả thế giới đang chờ xem phải chăng tình hình sẽ xuống thang, vũ khí sẽ được rút bớt, và sẽ có ngưng bắn, và phải chăng những vụ chết chóc sẽ không xảy ra nữa. Nếu Minsk không trở thành một biểu tượng của hòa bình, tình hình sẽ bùng nổ. Tôi tin chắc là tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.”
Số tử vong của vụ xung đột Ukraine đã tăng vọt trong vài ngày qua. Giao tranh trong khu vực đã giết chết ít nhất 5.300 người.
Ông Viktor Nenashov, một cư dân ở Donetsk, không đặt nhiều hy vọng vào cuộc đàm phán hòa bình.
“Tôi không nghĩ là cuộc đàm phán sẽ có hiệu quả. Đây chỉ là một sự phí phạm thời giờ để họ tập trung và tăng cường quân số và tìm cách tranh thủ thêm thời gian.”
Một cư dân khác ở Donetsk, bà Ludmila Ivanova, có thái độ kịch liệt hơn.
“Tôi không tin là chúng ta có thể trông đợi bất cứ điều gì từ hội nghị này. Chúng ta phải chiến đấu cho những gì thuộc về chúng ta. Hãy tiến tới, giành lấy chiến thắng và lập ra chính phủ của chính chúng ta.”
Tại thành phố Kramatorsk ở miền đông Ukraine, 15 người đã bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ pháo kích của chính phủ hôm thứ ba. Một phụ nữ làm nghề thợ may ở đây, bà Laura, nói rằng những vụ tấn công không làm cho chiến tranh kết thúc.
“Điều này có thể xảy ra với những cuộc thương thuyết hòa bình, nhưng theo ý kiến của riêng tôi, hòa bình chỉ có được khi nào mọi người cảm thấy mệt mỏi vì chiến tranh và nguồn lực cho chiến tranh bị cạn đi, khi chiến tranh tự nó kết thúc, khi số thương vong lên tới mức thật cao. Chỉ tới khi đó người ta mới thấy mệt mỏi, và khi không còn tiền nữa, người ta sẽ đồng ý chấm dứt chiến tranh.”
Ông Andrew Wilson, một ký giả người Anh chuyên theo dõi tình hình Ukraine, cũng có một nhận xét tương tự. Ông nhận định như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.
“Số tử vong ở mức rất cao của phía Nga sẽ gây tổn hại cho sự ủng hộ trong nước mà ông Putin đang có. Do đó, vấn đề quan trọng không phải là những cái giá trực tiếp, mà quan trọng là những cái giá gián tiếp mà Nga phải trả.”
Ông Wilson cho rằng các nước Tây phương nên cung cấp vũ khí cho Ukraine để họ có thể giữ vững phòng tuyến trong vùng biên giới giáp với Nga. Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu vẫn ngần ngại đối với đề nghị này vì họ e rằng làm như thế sẽ khiến cho cuộc xung đột leo thang.
Tổng thống Poroshenko cho biết ông sẵn sàng tuyên bố tình trạng thiết quân luật ở Ukraine nếu cuộc hòa đàm ở Minsk bị thất bại. – VOA
IMF cho Ukraine vay 17.5 tỉ USD
IMF đồng ý cho Ukraine vay 17.5 tỉ USD trong một phần của chương trình cải tổ kinh tế mới.
Khoản vay này là để ổn định kinh tế Ukraine, phục hồi tăng trưởng và cải thiện mức sống.
Ngoài khoản cấp vốn 17.5 tỉ USD, chương trình này cũng đồng ý cho các khoản cấp vốn song phương và đa phương lên tới 40 tỉ USD.
Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde nói rằng thỏa thuận mới có thể là “một bước ngoặt” cho Ukraine.
Bà Lagarde nói rằng đây là chương trình tham vọng và không phải là không có rủi ro.
“Đây là một chương trình tạo cơ hội quan trọng cho Ukraine đưa kinh tế nước này đi lên tại thời điểm sống còn của lịch sử của họ”, bà nói.
Bà Lagarde nói rằng thỏa thuận này là một chương trình thực tế và sẽ được thực hiện có hiệu quả sau khi cân nhắc và được giới lãnh đạo IMF chuẩn thuận.
Tuy nhiên Thủ tướng Ukraine nói thỏa thuận trợ giúp cả gói là chương trình cải cách “rất khó khăn”.
IMF nói kinh tế Ukraine sẽ có thể tăng trưởng vào 2016 nếu ngăn chặn được “sự xâm lấn của Nga” cũng như có cải cách thành công ở Ukraine.
Trong hôm thứ Năm Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine cũng các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tuyên bố một thỏa thuận ngưng bắn tại đông Ukraine bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng Hai. – BBC
Trung Cộng (TC) mở rộng cuộc điều tra tham nhũng tại các công ty quốc doanh
Cơ quan chống tham nhũng do Đảng Cộng Sản Trung Hoa dẫn đầu cho biết trong nay mai họ sẽ bắt đầu những cuộc điều tra tại 26 công ty do nhà nước làm chủ, những công ty dính líu tới những vụ kinh doanh béo bở trong nhiều ngành, từ viễn thông, chế tạo cho tới năng lượng. Các nhà phân tích nói rằng diễn tiến này sẽ dẫn tới chỗ có thêm nhiều quan chức cấp cao bị ngã ngựa. Thông tín viên VOA Bill Ide tường thuật từ Bắc Kinh.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng Sản Trung Hoa cho biết một đợt kiểm tra tại chỗ sẽ bắt đầu sau Tết Âm Lịch.
Các toán điều tra sẽ được chia thành 13 nhóm, mỗi nhóm chịu trách nhiệm điều tra hai công ty quốc doanh hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau, tuy các công ty năng lượng và điện lực chiếm khoảng phân nửa các công ty bị nhắm làm mục tiêu.
Nhà kinh tế học TC Hồ Tinh Đẩu cho biết những công ty đó là cột trụ của các doanh nghiệp nhà nước và có rất nhiều vốn liếng và những nguồn lực khác.
Hồ nói rằng đợt điều tra này sẽ dẫn tới chỗ có thêm “nhiều con cọp bị đánh gục”. Hồ nói thêm rằng “chiến dịch này dường như không hoàn toàn nhắm vào một cá nhân nào, nhưng các cuộc điều tra đối với các khu vực kinh tế chính yếu là một việc không thể tránh được.”
Chủ tịch TC Tập Cận Bình đã mô tả chiến dịch chống tham nhũng do Đảng Cộng Sản dẫn đầu là một nỗ lực toàn diện để triệt hạ cả những con cọp, tức các quan chức cấp cao, lẫn những con ruồi, hay các quan chức cấp trung và cấp thấp.
Cuộc điều tra Châu Vĩnh Khang, con cọp lớn nhất bị đánh gục trong chiến dịch này, đã phô bày cho công chúng Trung Hoa thấy được tầm mức rộng lớn của nạn tham nhũng và sự gắn kết của tệ nạn này với các thương gia, các băng đảng tội phạm và tài nguyên thiên nhiên.
Châu, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và từng đứng đầu guồng máy an ninh, đã bị khai trừ khỏi đảng hồi cuối năm ngoái và vụ án của ông đã được giao cho các công tố viên xử lý. Phiên tòa xử ông, theo dự liệu, sẽ diễn ra trong năm nay.
Các nhà lãnh đạo TC nói rằng tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất cho sự sống còn của Đảng Cộng Sản, một phần vì nó làm cho dân chúng không còn tin tưởng vào Đảng. Nhưng đảng này vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò chủ yếu trong việc điều tra các quan chức tham nhũng và công tác này thường được thực hiện trong vòng bí mật. Sự kiện này khiến nhiều người nghi ngờ về tính chất độc lập của chiến dịch bài trừ tham nhũng hiện nay.
Hồi đầu tháng này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương công bố một số chi tiết của những cuộc điều tra 6 công ty quốc doanh, trong đó có nói tới việc các quan chức của công ty viễn thông Unicom dành hợp đồng cho những doanh nghiệp của người thân trong gia đình của các nhân vật lãnh đạo công ty và “dùng quan hệ tình dục để mua quan, chạy chức.”
Các nhà điều tra cũng phát giác những vấn đề nghiêm trọng tại hai công ty than đá và năng lượng Hoa Điền và Thăng Hoa. Cán bộ điều tra của Đảng nói rằng Hoa Điền đã chuyển tài sản nhà nước cho các công ty tư nhân.
Kinh tế gia Hồ Tinh Đẩu nói rằng các toán điều tra phải nhanh chóng tiến hành công việc để ngăn không cho tiền bạc của dân chúng tiếp tục bị bỏ vào túi riêng của các quan chức tham ô.
Hồ cho biết các doanh nghiệp nhà nước “bề ngoài có vẻ như là các công ty, nhưng thật ra đó là những cỗ máy hành chánh quan liêu và vấn đề mua quan chạy chức rất phổ biến.”
Hồ nói thêm rằng “sự liên hệ chặt chẽ như vậy giữa doanh nghiệp và guồng máy quan chức là nguyên do làm phát sinh những hành vi tham ô nghiêm trọng.” – Theo VOA
Tin Hoa Kỳ – Tòa Bạch Ốc trình sơ thảo nghị quyết sử dụng sức mạnh quân sự chống IS, yêu cầu Quốc hội trao quyền tiến hành chiến tranh với IS cho TT
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ tư cho biết chính phủ ông đã nộp một bản sơ thảo nghị quyết để Quốc hội cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các phần tử hiếu chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông nói thêm rằng nghị quyết này không nhắm tới việc tiến hành một cuộc chiến trên bộ như cuộc chiến Afghanistan hay Iraq trước đây.
Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc – trong lúc có sự hiện diện của Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Tổng thống Obama nói rằng ông muốn trình bày một cách rõ ràng về vấn đề nghị quyết này làm gì và không làm gì.
“Nghị quyết này phản ánh mục tiêu cốt lõi của chúng ta là tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nó hỗ trợ cho chiến lược toàn diện mà chúng ta đang theo đuổi với các nước đồng minh và các quốc gia đối tác. Một chiến dịch không kích có hệ thống và lâu dài nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, hỗ trợ và huấn luyện các lực lượng địa phương ở thực địa, kể cả phe chống đối có chủ trương ôn hòa ở Syria.”
Tổng thống Obama cho biết liên minh chống Nhà nước Hồi giáo đang ở thế công, trong lúc nhóm hiếu chiến này đang ở thế thủ và sẽ bị đánh bại.
Người đứng đầu Tòa Bạch Ốc khẳng định nghị quyết mà chính phủ ông nộp cho Quốc hội không đòi hỏi điều động binh sĩ tác chiến trên bộ của Mỹ tới Iraq hay Syria.
“Đây không phải là sự cho phép của một cuộc chiến trên bộ như Afghanistan hay Iraq. 2.600 binh sĩ Hoa Kỳ ở Iraq hiện nay phần lớn là phục vụ tại các căn cứ. Vâng, họ phải đối mặt với rủi ro, những mối rủi ro đi kèm với việc phục vụ trong những môi trường nguy hiểm, nhưng họ không có nhiệm vụ tác chiến. Họ tập trung vào việc huấn luyện cho các lực lượng Iraq, trong đó có các lực lượng người Kurd.”
Thứ ba vừa qua, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện, nói rằng đối với Quốc hội không có vấn đề nào nghiêm túc hơn vấn đề cho phép sử dụng sức mạnh quân sự.
“Chúng tôi đang nóng lòng chờ xem những ngôn từ mà tổng thống cảm thấy ông ấy cần có, và chắc chắn là vấn đề đó sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận trong những tuần lễ tới đây.”
Tổng thống Obama trình sơ thảo nghị quyết cho quốc hội một ngày sau khi chính phủ ông xác nhận cái chết của cô Kayla Mueller. Nhân viên cứu trợ 26 tuổi này là con tin người Mỹ cuối cùng được biết là bị Nhà nước Hồi giáo cầm giữ.
Cả phe Cộng hòa lẫn phe Dân chủ ở Quốc hội đều tỏ ý nghi ngại đối với yêu cầu của Tổng thống Obama. Phe Cộng hòa không hài lòng về việc ông loại bỏ khả năng triển khai binh sĩ trên bộ tới Iraq và Syria trong dài hạn. Trong khi đó, một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ bày tỏ sự thất vọng là ông đã mở ngỏ cho một sự bố trí binh sĩ để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Tổng thống Obama giải thích sự trao quyền này sẽ cho phép ông triển khai lực lượng đặc biệt nếu Mỹ có thông tin tình báo chẳng hạn như về nơi hội họp của những thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo để có thể hành động.
Đề xuất trao quyền này sẽ giới hạn hoạt động tới ba năm và ngăn binh lính “tham chiến trên bộ lâu dài,” theo mô tả của đề xuất.
“Đây là một nhiệm vụ khó khăn, và vẫn sẽ khó khăn trong một khoảng thời gian,” Tổng thống phát biểu trên truyền hình. “Nhưng liên minh của chúng ta đang ở thế tấn công. ISIL đang ở thế phòng thủ, và ISIL sẽ thất bại.”
Dự thảo đề xuất của ông Obama cho biết những hoạt động chiến đấu trên bộ với quy mô lớn tương tự như ở Iraq và Afghanistan nên dành cho các lực lượng địa phương thay vì quân đội Mỹ.
Đề xuất này sẽ bãi bỏ luật năm 2002 cho phép tiến hành chiến tranh ở Iraq, nhưng giữ nguyên luật năm 2001 được thông qua ngay sau những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 cho phép tiến hành một chiến dịch chống lại al-Qaida và những chi nhánh.
Yêu cầu trao quyền tiến hành chiến tranh của Tổng thống phải được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ chấp thuận.
Lãnh đao Khối Đa số Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cho biết vấn đề này có phần chắc sẽ chi phối cuộc tranh luận của quốc hội trong vài tuần tới.
Ông Obama biện minh cho các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq bằng cách sử dụng luật trao quyền chiến tranh năm 2001 được Quốc hội phê chuẩn cho tổng thống khi đó là George W. Bush. – VOA