Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (trái) và Thủ tướng Alexis Tsipras
Theo BBC – 11 tháng 2 2015
Đảng cánh tả của Hy Lạp vừa đề xuất một kế hoạch 10 điểm nhằm thay thế 30% các điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ tài chính.
Hy Lạp sẽ trình kế hoạch này ra trước các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro vào ngày 11/2. Tuy nhiên, các bên khó có khả năng đạt được một thỏa thuận nhanh chóng, trong lúc các chủ nợ vẫn yêu cầu Hy Lạp tuân thủ các điều khoản trong chương trình giải cứu. Chính phủ Hy Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 10/2 một cách dễ dàng. Gói cứu trợ của EU và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với nước này sẽ đáo hạn vào ngày 28/2 và Athens hiện không muốn chương trình này được gia hạn thêm. Chính phủ Hy Lạp nói các điều khoản trong gói cứu trợ, trong đó bao gồm việc cắt giảm chi tiêu công và việc làm, đã bần cùng hóa nước này. Hy Lạp cũng tẩy chay bộ ba cho vay – EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu – vốn giám sát việc giải ngân gói cứu trợ tổng trị giá 240 tỷ euro. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Wolfgang Schaeuble đã nhấn mạnh rằng Hy Lạp không được vi phạm các cam kết trong gói cứu trợ. Chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tối 10/2, với sự hậu thuẫn của một đảng thiên hữu trong liên minh cầm quyền. Chính phủ ông đã giành được sự ủng hộ của 162 trên tổng số 300 ghế ở Quốc hội. “Tôi muốn lặp lại một lần nữa, dù ông Shcaeuble có yêu cầu bao nhiêu lần đi nữa thì chúng ta cũng sẽ không gia hạn gói cứu trợ,” ông Tsipras nói trước thềm cuộc bỏ phiếu. “Ông Schaeuble đang rất vô lý khi muốn duy trì một điều sai lầm,” ông nói, ám chỉ đến thỏa thuận giải cứu tài chính hồi năm 2010. Hiện có nhiều lo ngại rằng nếu vỡ nợ, Hy Lạp có thể phải rời khu vực đồng euro, châm ngòi cho bất ổn tại EU. Kế hoạch 10 điểm của nước này bao gồm việc sử dụng trái phiếu chính phủ để đảo nợ và giảm chỉ tiêu bội thu ngân sách cơ bản trong năm nay xuống mức 1,49% GDP, thay vì mức 3% mà các chủ nợ yêu cầu, một nguồn tin từ Bộ Tài chính Hy lạp cho biết. Cán cân ngân sách cơ bản không bao gồm các khoản lãi ròng.
Chi tiêu xã hội
Phóng viên BBC tại Athens, Chris Morris, nói một số điểm trong kế hoạch này vẫn đồng nhất với chương trình giải cứu. Một nguồn tin ẩn danh nói chính phủ Hy Lạp đang quyết tâm giảm nợ, nhưng họ cũng đang xem xét nhiều phương án khác nhau để thực hiện điều này, trong đó có bao gồm việc đảo nợ. Athens cũng đang muốn tăng chi tiêu xã hội để giải quyết ‘khủng hoảng nhân đạo’ tại Hy Lạp, nguồn tin này nói thêm. Chính phủ Hy Lạp gần đây đã đề cập đến việc đạt được một thỏa thuận sơ bộ với châu Âu và IMF, đủ để ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục cho nước này vay tiền. Hy Lạp hiện đang đối mặt với khoản nợ 237 tỷ đôla, tương đương với 175% GDP. Một người phát ngôn của EU được Reuters dẫn lời nói: “Chúng tôi không có nhiều hy vọng rằng một thỏa thuận sẽ được chốt lại [tại Brussels] hay tại hội nghị EU vào ngày 12/2. Cũng có nhiều hy vọng rằng các bên có thể đi đến một thỏa thuận trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro vào ngày 16/2. Đã có nhiều lo ngại về khả năng Hy lạp rời khỏi khu vực đồng euro, sau chiến thắng của đảng cánh tả có chủ trương chống chính sách khắc khổ. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikolaos Kotzias dự kiến sẽ có mặt tại Moscow vào ngày 11/2. Chiến thắng của Đảng Syriza đã khiến nhiều người nghĩ rằng có thể Hy Lạp đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, nói Hy Lạp có thể sẽ vay tiền từ Nga, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ nếu nước này không thể đạt được một thỏa thuận mới với khu vực đồng euro.