WB liệt 8 dự án ở VN vào ‘danh sách đen’

Cac Bai Khac

No sub-categories

WB liệt 8 dự án ở VN vào ‘danh sách đen’

Việt Nam hiện là một trong các đối tác vay vốn lớn nhất của Ngân hàng Thế giới

Theo BBC – 11 tháng 2 2015
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố 8 dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam bị liệt vào ‘danh sách đen’ do chậm trễ về giải ngân và tiến độ thực hiện.
“Số lượng các dự án trong danh sách đen tăng lên, và các dự án này diễn biến ngày càng chậm”, ông Keiko Sato, giám đốc mảng đầu tư của WB được Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) dẫn lời nói tại một cuộc họp ở Hà Nội hôm 9/2. Một trong các dự án được nêu tên bao gồm dự án Giao thông đô thị TP.Hà Nội, với thời gian bị đưa vào danh sách đen là 60 tháng. Dự án này chỉ mới giải ngân được 30%, trong khi đã thực hiện được 7 năm, TBKTSG cho biết. Tiếp theo là dự án Hiện đại hóa quản lý thuế, chỉ mới giải ngân được 2% trong gần 7 năm, bị đưa vào danh sách đen trong 34 tháng. Một dự án khác là Dự án Phát triển năng lượng tái tạo, giải ngân được 29% trong hơn 5 năm, bị đưa vào danh sách đen trong 27 tháng. Các dự án còn lại bao gồm dự án Hiện đại hóa khu vực tài chính và quản lý thông tin, Đại học Việt Đức, Hỗ trợ quản lý rác thải, Quản lý rác thải công nghiệp và Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án, theo TBKTSG. Tuy nhiên, theo báo cáo được công bố hôm 4/2 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân ODA tại Việt Nam đang có “những cải thiện đáng kể”.

Theo đó, giải ngân ODA trong năm 2014 đã đạt 5,6 tỷ đôla, cao hơn 9% so với năm 2013. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay, theo kết luận báo cáo được truyền thông trong nước dẫn lại. Việt Nam hiện là một trong các đối tác vay vốn lớn nhất từ WB, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi, với tổng cộng 52 dự án tính trong năm 2015 và tổng mức vốn cam kết 9,7 tỷ đôla.

Đứng thứ nhì về tham nhũng

Trước đó, trong một báo cáo hồi cuối tháng Một, WB cho biết Việt Nam xếp thứ nhì trong danh sách đối tác vay vốn của ngân hàng này về tham nhũng. Với 189 khiếu nại về tham nhũng, Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ, với 306 khiếu nại. Số vốn liên quan tới các khiếu nại này tại Việt Nam lên đến 11,3 tỷ đôla, theo WB. Các lĩnh vực có khiếu nại bao gồm giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nông nghiệp, cấp nước, năng lượng. “Có thể con số này chưa phản ánh hết hoàn toàn sự thật, nhưng là điều đáng suy ngẫm”, ông Anders Hjorth Agerskov, đại diện của WB, nói tại hội nghị công bố báo cáo ở Hà Nội. Cũng tại buổi họp này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng được báo trong nước dẫn lời cho biết Việt Nam đã nhận khoảng 80 tỷ đôla vốn ODA trong 30 năm qua. “Đây thường là những dự án lớn, phức tạp về kỹ thuật, thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan, vì thế dễ xảy ra các hành vi tham nhũng, gian lận”, ông Lượng được dẫn lời nói.