Biểu tình gây chia rẽ trong gia đình người dân Thái Lan

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biểu tình gây chia rẽ trong gia đình người dân Thái Lan
Các vụ đối đầu chính trị đã gây rạn nứt trong một số gia đình ở Thái Lan.

Theo VOA – Steve Sandford – 26.02.2014

CHAING MAI — Trong lúc các cuộc biểu tình tiếp tục ở Bangkok, quan điểm chính trị đối nghịch ngày càng tăng ở Thái Lan đang gây chia rẽ trong các gia đình trên khắp nước. Thông tín viên Steve Sandford của đài VOA tường trình từ thành phố Chaing Mai của Thái Lan rằng đang có một nỗi lo sợ ngày càng tăng là sự chia rẽ chính trị đang lún sâu có thể dẫn đến bạo động trên diện rộng.
Mặc dù một số cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok đã diễn ra trong bầu không khí giống như lễ hội, lòng căm thù giữa những người ủng hộ chính phủ và những người đối lập hình như đang gia tăng.
Sự phẫn nộ, bị kích động bởi những lời lẽ khơi dậy lòng thù hận tại các cuộc biểu tình, khiến một số nhà quan sát lo ngại là bạo động trên diện rộng có thể bùng ra ở Thái Lan.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung khắc này một phần là do sự chia rẽ giữa “người nghèo ở nông thôn và giới trí thức ở thành thị,” nhưng một số nhà phân tích nói rằng nó đã hằn sâu hơn vào lòng xã hội của Thái Lan.
Ông Sunnai Pasuk, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Human Rights, cảnh báo rằng sự thù hận có căn cơ sâu xa đang lan rộng trong các cộng đồng trên cả nước.
“Chúng tôi nhận thấy sự chia rẽ đã đi vào bên trong các gia đình. Một sự chia rẽ. Anh em trong nhà chia rẽ, bạn bè không nói chuyện với nhau nữa mà còn coi nhau là kẻ thù không đội trời chung. Ðây là một diễn tiến rất kịch liệt trong vụ đối đầu chính trị ở Thái Lan, và nếu cứ để cho tình trạng này phát triển thì nó có nguy cơ dẫn đến những vụ xung đột qui mô lớn giữa các cộng đồng dân cư.”
Tại làng Ban Mai ở miền bắc Thái Lan, những cáo giác tham nhũng trong chính phủ đã gây rạn nứt trong một số gia đình.
Nông gia Duangian Kaewwanna đã thay đổi lập trường chính trị sau khi chính phủ không trả được cho nông dân trồng lúa tiền trợ giá theo một chương trình gây tranh cãi.
Ông Duangian giờ đây quay sang chú tâm theo dõi kênh truyền hình Blue Sky, một kênh truyền hình chuyên đưa tin về chống chính phủ chiếu suốt ngày suốt đêm.
“Thoạt đầu chính phủ hứa trợ giá 15.000 bath cho mỗi tấn gạo, nhưng rốt cuộc họ đã không giữ lời hứa. Chúng tôi không nhận được đồng nào từ chương trình này.”
Ở ngoài sân nhà, con rể của ông Duangian là anh Surin Plukkam vẫn giữ vững lập trường ủng hộ chính phủ.
Nhưng anh Surin thừa nhận là anh đã cảm thấy mệt mỏi với tình trạng xung khắc chính trị gây chia rẽ trong gia đình anh. Anh lo ngại là tình trạng này có thể leo thang và gây ra những vụ bạo động qui mô lớn.
“Chúng tôi không nói chuyện chính trị với nhau. Nếu trong câu chuyện hàng ngày mà đề tài đó được nói tới, chúng tôi tìm cách lảng sang chuyện khác. Chúng tôi nói về chuyện đó một chút, nhưng nếu nhận thấy là câu chuyện đi đến tranh luận, chúng tôi không nói chuyện với nhau nữa.”
Hiện nay cuộc tranh giành quyền lực ở Thái Lan phần lớn được giới hạn trong phạm vi của một cuộc khẩu chiến. Nhưng không ai biết rõ là sự căm tức do cuộc khẩu chiến này khích động có thể được dẹp bỏ hay không, nếu tình hình trở nên tệ hại hơn.