Châu Âu không muốn hứng gánh nặng tài chính Ukraina

Cac Bai Khac

No sub-categories

Châu Âu không muốn hứng gánh nặng tài chính Ukraina

Biển ghi tỷ giá hối đoái tại thủ đô Kiev. Ảnh chụp ngày 04/02/2014. Reuters/Vasily Fedosenko

Theo RFI – Đức Tâm

Trong cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Châu Âu đã gia tăng các hoạt động ngoại giao, song không dự tính khẩn cấp giúp đỡ về tài chính cho nước này hiện đang ở bên bờ vực thẳm về kinh tế. Châu Âu không muốn và nếu có muốn thì cũng không thể cung cấp một khoản viện trợ tài chính khổng lồ mà Ukraina đang rất cần. Bruxelles muốn đẩy gánh nặng này sang phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, Hoa Kỳ và Nga.

Nợ nước ngoài của Ukraina lên tới 73 tỷ đô la. Trong năm nay 2014, Ukraina phải thanh toán 12 tỷ.

Thế nhưng, Pháp sẽ không cung cấp một khoản tài trợ nào cho Ukraina. Các nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu, như Đức, cũng thận trọng, chờ đợi cho đến khi có một chính phủ chuyển tiếp « ổn định và chính đáng » tại Kiev, trước khi quyết định tài trợ hay không.

Theo Paris, Ukraina « đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, nhưng không ở bên bờ vực phá sản », khoản thanh toán nợ đầu tiên trong năm nay là vào tháng Sáu. Như vậy, vẫn còn vài tháng để Ukraina lập một chính phủ chuyển tiếp mà các nhà tài trợ quốc tế có thể chấp nhận được.

Các khoản tài chính rất mờ ám và nạn tham nhũng trầm trọng của giới lãnh đạo Ukraina làm cho Châu Âu thiếu tin tưởng vào nước này. Tại Kiev, các quan chức Ukraina tuyên bố cần 35 tỷ đô la, từ nay đến 2015, để cho nước này không bị phá sản. Giới chuyên gia cho rằng con số này được thổi phồng và thẩm định là Ukraina chỉ cần tới 25 tỷ, tức là cái giá để cứu Ukraian còn nhẹ hơn rất nhiều so với 340 tỷ euro, (hơn 400 tỷ đô la), trong chương trình của Châu Âu và IMF trợ giúp Hy Lạp.

Tuy vậy, bị kiệt quệ do cuộc khủng hoảng kéo dài trong khu vực đồng euro, các nước Châu Âu đã thẳng thừng chuyển gánh nặng Ukraina cho IMF. Ông Timothy Ash, chuyên gia kinh tế tại Standard Bank, ở Luân Đôn, Anh Quốc, được báo Le Figaro trích dẫn, nhắc lại : «IMF có những cái túi khá sâu và to để có thể một mình giúp đỡ Ukraina. IMF đã có ba chuyến công tác trong thời gian xẩy ra khủng hoảng, nhưng không mang lại kết quả, bởi vì Ukraina đã không chấp nhận các cải cách».

Trong những ngày qua, cả Washington và Bruxelles đều ca ngợi IMF như là nhà tài trợ quốc tế duy nhất có khả năng áp đặt các điều kiện cho Ukraina. Theo một chuyên gia, thì ngay cả Nga cũng đồng ý để cho IMF can thiệp, với điều kiện là những cải cách mà Quỹ đưa ra không đi ngược lại lợi ích của Matxcơva. Bộ trưởng phụ trách Ngân khố Hoa Kỳ Jack Lew kêu gọi IMF nhanh chóng giúp đỡ Ukraina. Đại diện Ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton cũng đề cao vai trò của Quỹ và không loại trừ việc tổ chức một hội nghị quốc tế các nhà tài trợ, cho phép huy động nhanh chóng một khoản viện trợ, nếu tình hình trở nên khẩn cấp.

Do không có khả năng tài chính, các nước Châu Âu không thể đi xa hơn, ngoài việc cung cấp một số tín dụng, thông qua Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, và trợ giúp kỹ thuật để hiện đại hóa bộ máy Nhà nước Ukraina. Như vậy, kịch bản sắp tới có thể là Châu Âu tiếp tục năng động về ngoại giao, nhưng để cho IMF, Hoa Kỳ và Nga thanh toán hóa đơn.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hỗ trợ tài chính của Nga đối với Ukraina đóng vai trò chủ chốt, nhưng rất khó quản lý về mặt chính trị. Trong khuôn khổ viện trợ 15 tỷ đô la đã cam kết với cựu Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đã tháo khoán 3 tỷ và đình chỉ khoản giải ngân thứ hai trị giá 2 tỷ, sau khi ông Ianoukovitch chạy trốn. Một nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng việc ngừng giải ngân là dễ hiểu vì Matxcơva muốn biết xem họ đưa tiền cho ai ở Kiev.

Kể từ khi ông Ianoukovitch bị hạ bệ, các nước Châu Âu và Hoa Kỳ liên tục tuyên bố là việc cứu giúp Ukraina nhất thiết phải có Nga. Theo Paris, «Nga có các nguồn tài chính cần thiết và những đòn bẩy kinh tế vĩ mô quan trọng , nhất là về giá khí đốt. Nga còn ký hiệp định tự do mậu dịch với Ukraina. Không thể nào tính tới một tương lai ổn định cho Ukraina mà không có Nga và không thể nào diễn lại kịch bản chiến tranh lạnh. Đó là phi thực tế».

Một số nhà quan sát tỏ ra lo ngại về viện trợ song phương Nga-Ukraina. Ông Timothy Ash nhận định : «Nếu Nga cấp một khoản tín dụng song phương, thì đương nhiên, họ sẽ đưa ra những điều kiện chính trị để kìm hãm hoặc ngăn cản Ukraina hội nhập vào Châu Âu. Điều này sẽ nuôi dưỡng sự bất ổn».