Khủng hoảng Ukraina: Châu Âu vỡ mộng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khủng hoảng Ukraina: Châu Âu vỡ mộng

RFA – Minh Anh

Châu Âu tìm cách giải quyết khủng hoảng Ukraina, nhằm tránh một «cuộc chiến toàn diện» là đề tài chiếm trọng tâm trên các mặt báo Pháp hôm nay 07/02/2015.« Liệu Châu Âu – Nga – Ukraina còn có thể tìm được một thỏa thuận để tránh một đám cháy lớn bùng lên tại Ukraina?» là thắc mắc của hầu hết các nhật báo.

Trong hai ngày, thứ Năm 05/02 và thứ Sáu 06/02/2015, hai lãnh đạo Pháp – Đức đã phải vất vả như con thoi đi từ Kiev qua Matxcơva để thuyết phục các bên ngồi lại với nhau tìm kiếm một giải pháp chấm dứt xung đột. Thế nhưng, theo quan sát của các nhật báo, tối hôm qua (06/02), tại Matxcơva, cả ba nhà lãnh đạo Nga-Pháp-Đức đã chấm dứt cuộc hội đàm kín mà không đưa ra một thông báo phấn khởi nào. Sự việc trọng đại đến mức Le Figaro đưa lên trang nhất với hàng tít «Putin, Merkel, Hollande: cuộc hẹn Matxcơva».

Putin phải chọn «Hòa bình» hay «Chiến tranh»

Le Monde trên trang Quốc tế cho rằng «Châu Âu làm trung gian hòa giải giữa Matxcơva và Kiev». Thế nhưng, những đề xuất hòa giải đó là gì cho đến giờ cũng không ai được rõ. Xã luận Le Monde dự đoán, đó có thể là vẽ lại đường hướng cho lệnh ngừng bắn, tái khẳng định lại tính toàn vẹn lãnh thổ Ukraina trong khuôn khổ một chế độ liên bang. Bản đề xuất đó cũng có thể khuyến khích Kiev có những cử chỉ hòa dịu với người dân phía Đông, hay cũng có thể nhằm trấn an phía Nga về việc áp dụng thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina.

Nhưng cho dù thế nào thì mọi thứ cũng phụ thuộc vào một người duy nhất: Vladimir Putin. Liệu ông có cho rằng ông đã khiến Ukraina trả giá đủ cho tội liên minh xấu với Liên Hiệp Châu Âu? Ông ta có thật sự muốn một tiến trình hòa giải hay không ? Hay là vẫn tiếp tục chiến tranh? Về mặt lý lẽ, Berlin và Paris đã đưa ra một thỏa ước. Câu trả lời bây giờ không ở đâu khác là điện Kremli. «Chiến tranh hay Hòa bình, Putin phải chọn lấy» đấy cũng là hàng tựa kết luận của bài viết.

Libération có vẻ thúc giục «Ukraina: khẩn cấp đàm phán». Tờ báo cho rằng vai trò trung gian của Pháp-Đức lần này xem như là «vận may cuối cùng» để tìm ra một lối thoát chính trị và ngoại giao cho khủng hoảng Ukraina. Nhất là, tờ báo nhấn mạnh, đó là cơ hội cuối cùng để thảo luận với Putin.

Chỉ có điều vận may này, có điều gì đó bất ổn, theo cách nhìn từ Matxcơva, Le Figaro viết. Bởi vì, vai trò trung gian này giống như điều mà người ta gọi là «phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây». Đại khái tờ báo tóm tắt như sau: «Merkel và Hollande thì làm nhiệm vụ thương thuyết (…) Barack Obama và chính phủ của ông lo việc gây áp lực tối đa, bằng cách ngày càng làm lớn chuyện khả năng giao vũ khí cho Ukraina». Một sự phân công nhiệm vụ không hợp gu của điện Kremli chút nào.

Châu Âu bế tắc và vỡ mộng

Trong tình hình đó, Le Figao đưa ra một bản tổng quan cho thấy thất bại ngoại giao của Châu Âu trong suốt cuộc khủng hoảng. Theo tờ báo «Châu Âu vỡ mộng mà cũng không có được một đáp án tốt».

Le Figaro cho rằng kết quả hoạt động ngoại giao thật đáng lo. Mục tiêu của chuyến đi Nga lần này của hai lãnh đạo Pháp – Đức là tìm ra một điểm thỏa thuận, thậm chí đồng ý về một kế hoạch với Matxcơva và Kiev. Vấn đề là bất chấp sự nài nỉ của Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga dứt khoát từ chối ngồi chung bàn đàm phán với đồng nhiệm Ukraina. Nhằm tránh việc hai lãnh đạo Nga và Ukraina đi đến cắt đứt ngoại giao thảm hại, cặp lãnh đạo Pháp – Đức buộc phải chấp nhận đi làm hai chuyến, sang Kiev trước rồi mới đến Matxcơva.

Từ đó cho thấy Châu Âu đã bắt đầu vỡ mộng, ít nhất trên hai điểm. Thứ nhất, Châu Âu tin rằng «sẽ không có giải pháp quân sự cho xung đột». Vấn đề là phe ly khai Ukraina lại tìm mọi cách để chứng tỏ điều ngược lại, dưới sự yểm trợ trá hình của Nga.

Điểm thứ hai, Châu Âu ngỡ rằng Ukraina có đủ phương tiện để phòng vệ. Một năm sau cuộc biểu tình đầy phấn khích trên quảng trường Maidan tại Kiev, «sự thật cho thấy là quốc gia này không hề cho thấy có chút triển vọng và khả năng để thắng cuộc», theo như nhận định của một quan chức tại Bruxelles. Vị quan chức này còn quan ngại «Liệu không biết chính những người biểu tình năm đó lại sẽ có xuống đường chống lại Châu Âu hay không?» Nhất là ông lo lắng chuyện đào ngũ đang gậm nhấm một đội quân được trang bị yếu kém.

Cuộc tranh luận về việc có nên giao vũ khí cho Ukraina hay không rõ ràng cũng là một thất bại. Luân Đôn cũng như Paris và Berlin kịch liệt phản đối. Nhưng vấn đề này lại có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Bởi vì, Litva xác nhận đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev. Họ cũng không phải là nước duy nhất làm điều đó.