Tin Việt Nam – 5/2/2015
Ông Thủ Tuớng CSVN Nguyễn Tấn Dũng bức xúc dự luật tị nạn cộng sản
Thủ tướng CSVN đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Canada Stephen Harper để bày tỏ quan ngại về một dự luật coi ngày 30/4 là ngày chính thức kỷ niệm người tị nạn cộng sản bỏ nước ra đi sau khi Sài Gòn thất thủ, trang tin globeandmail. com của Canada tường thuật.
Thủ tướng Dũng trong lá thư được gửi cho Văn phòng Thủ tướng thông qua Tòa đại sứ Canada tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 12/2014 nói rằng dự luật này đưa ra cái nhìn méo mó về lịch sử Việt Nam và sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương mà cả hai nước đã nỗ lực bồi đắp, theo bài viết của tác giả Kim Mackrael.
Dự luật S-219, hay còn gọi là Dự luật NgàyHành Trình tới Tự do, do Thượng nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải khởi xướng và đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 8/12/2014.
Các dân biểu ở Hạ viện được trông đợi sẽ thảo luận về dự luật này vào hôm thứ Năm 05/02/2015.
‘Phản ứng mạnh’
Ngay khi được Thượng viện Canada thông qua, Dự luật đã gây những phản ứng dữ dội từ phía giới chức CSVN.
Báo chí Canada hôm 9/12/2014 dẫn lời một trong các quan chức Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa, Vũ Việt Dũng, nói việc này “sẽ gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng như nỗ lực làm sâu rộng quan hệ trong cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư”.
Dũng cho hay Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng đã bày tỏ quan ngại với Ngoại trưởng Canada John Baird về dự luật này, mà Việt Nam cho rằng sẽ gửi thông điệp không đúng tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN Lê Thanh Hải tuyên bố Dự luật S219 “có những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân”, trang tin VietnamNet tường thuật.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh cũng từng gửi thư cho người đồng nhiệm Canada về việc này.
Tuy nhiên, không thấy truyền thông trong nước nhắc tới lá thư của Thủ tướng Dũng.
Luật sư Vũ Đức Khanh hiện đang sống tại Canada nhận xét: “Những lập luận của Hà Nội không vượt qua được những phép thử pháp lý và quy định của quốc hội Canada.
“Tôi nghĩ Hà Nội đang làm trò hề vì thứ nhất họ không hiểu luật chơi, thứ hai họ không biết lobby vì không biết ai là nhân vật cần tác động và thứ ba là điều quan trọng nhất là họ không có thực tâm hoà giải dân tộc và cải thiện cách điều hành quản trị đất nước.”
‘Hợp tác và tôn trọng’
Canada hiện đang nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam và các nước Á châu khác.
Chính phủ của ông Harper coi Việt Nam là một thị trường ưu tiên cho các hoạt động đầu tư và rất muốn tỏ thái độ quan tâm tới khu vực qua việc đàm phán về thỏa thuận thương mại TPP.
Bộ trưởng Lao động Jason Kenney, người chịu trách nhiệm về vấn đề đa văn hóa của Canada trong một tuyên bố nói rằng “Canada tiếp tục tôn trọng những quan hệ với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” nhưng ông ủng hộ dự luật bởi nó kỷ niệm 60 ngàn người “đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, và đã tìm được tự do tại Canada”.
Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải, người bảo trợ cho dự luật nói rằng dự luật không liên quan gì tới chính phủ hiện tại của Việt Nam. “Quan điểm của tôi là dự luật không đụng gì tới Việt Nam hết, dự luật không đụng gì tới các quan hệ thương mại,” trang tin globeandmail. com trích trả lời của ông trong một cuộc phỏng vấn.
Hồi đầu tuần, Đại sứ Việt Nam tại Canada đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Canada để bày tỏ quan ngại về việc cờ Việt Nam Cộng hòa được sử dụng trong một sự kiện tại Mississauga ở ngoại vi Toronto dịp cuối tuần qua, là sự kiện có mặt ông Harper.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên và quan ngại về chuyện nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa trước đây đã được treo cạnh các lá cờ Canada tại các địa điểm công cộng ở Toronto,” tuyên bố của Tòa đại sứ viết.
Tuy nhiên, ông Kenney nói rằng cờ vàng là biểu tượng mà người Canada gốc Việt đã lựa chọn, còn luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc đồng ý cho sử dụng cờ vàng là chỉ dấu cho thấy ông thủ tướng Canada ủng hộ Dự luật 219: “Quan điểm chính thức của Thủ tướng Harper là bằng mọi giá phải thông qua dự luật này vì đây là năm bầu cử quốc hội liên bang. Bằng chứng là cuối tuần vừa rồi Thủ tướng Harper dự lễ Tết ở Toronto với một rừng cờ vàng với trên 10.000 người tham dự.”
“Dự luật được thông qua rồi bầu cử, sau đó mọi người sẽ quên đi. TPP kết thúc đàm phán, 2016 tất cả sẽ trở lại bình thường. Và mọi chuyện sẽ rơi vào lãng quên,” luật sư Khanh nhận xét. – Theo BBC
Kết quả vòng đàm phán thứ 7 về chính trị, an ninh, quốc phòng Việt-Mỹ
Hoa Kỳ và CSVN vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 7 về chính trị, an ninh và quốc phòng tại Hà Nội từ ngày 22 đến 23 tháng giêng vừa qua. Nhân dịp này, Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự, ông Puneet Talwar, người dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ, đã dành cho Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do RFA một phỏng vấn ngắn về đối thoại lần này.
Kết quả đàm phán
Việt Hà: Xin chào ông Puneet Talwar. Xin ông cho biết qua vòng đàm phán vừa rồi hai bên đã đạt được những gì và có gì đặc biệt khác so với các vòng đàm phán trước đó?
Puneet Talwar: Đối thoại này rất hiệu quả. Chúng tôi thảo luận một dải rộng các vấn đề bao gồm gìn giữ hòa bình, các vấn đề về nhân đạo như gỡ bỏ những bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, lính Mỹ mất tích, vấn đề về an ninh hàng hải, thực thi pháp luật.
Cho nên chúng tôi đã có rất nhiều thảo luận với nhiều đại diện từ cả hai phía. Bên phía Việt Nam có đại diện 3 bộ tham gia, về phía Mỹ chúng tôi mang nhiều đại diện đến đối thoại bao gồm Bộ tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp, Bộ Nội An, Bộ Ngoại Giao.
Điều này cho thấy sự phát triển về chiều sâu trong mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và nó cũng rất quan trọng đối với năm nay vì năm nay là năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước giữa hai nước. Cho nên đối thoại này rất quan trọng về mặt biểu tượng.
Việt Hà: Theo ông, đâu là những vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên sau đối thoại lần này?
Puneet Talwar: Theo tôi, sau đối thoại này, hai bên cần làm sâu thêm các thảo luận, tăng cường thêm những trao đổi. Theo tôi những thảo luận là rất tốt, điều mà chúng ta cần làm bây giờ là phải biến một số những thảo luận thành những hành động cụ thể và tiếp tục làm sâu thêm các thảo luận đó và tìm kiếm những khu vực hợp tác khác tốt giữa hai nước.
Vấn đề Biển Đông
Việt Hà: Vấn đề Biển Đông được đề cập ra sao trong đối thoại lần này giữa hai phía nhất là khi Trung Quốc tăng cường các hoạt động đòi chủ quyền tại biển Đông bất chấp lời kêu gọi đóng băng các hoạt động trong khu vực của Hoa Kỳ?
Puneet Talwar: Chính sách của chúng tôi đối với vấn đề Biển Đông là rất rõ ràng. Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong những đòi hỏi về chủ quyền, tuy nhiên chúng tôi kiên trì kêu gọi các bên giải quyết những đòi hỏi này theo cách hòa bình theo Luật biển quốc tế, bao gồm công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Việt Hà: Ông có nói đến việc hai bên có thể tìm kiếm những khu vực hợp tác khác nữa, theo ông đâu là những khu vực hợp tác tiềm năng giữa hai phía trong tương lai gần, ví dụ như khả năng Việt Nam cho phép tàu chiến của hải quân Mỹ được bảo hành tại cảng Cam Ranh hoặc Việt Nam tham gia tập trận với Mỹ chẳng hạn?
Puneet Talwar: Chúng tôi có những thảo luận rất tốt về vấn đề an ninh với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng làm sâu thêm các thảo luận này. Điều mà chúng tôi cần làm là thực hiện ở mức không đẩy Việt Nam vào thế khó xử.
Có nhiều lựa chọn sẵn có cho chúng tôi. Chúng tôi rất vui với những hợp tác mà hai bên đang có vào lúc này. Việt Nam cũng sẵn sàng làm sâu thêm các hợp tác đó nhưng tất nhiên là trong bối cảnh cải thiện rộng hơn nữa quan hệ hai nước, nhưng chúng tôi cũng thấy vẫn còn những tiềm năng phát triển.
Việt Nam trong chiến lược Á Châu của Mỹ
Việt Hà: Việt Nam đóng vai trò thế nào trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong chiến lược của Mỹ tại khu vực này?
Puneet Talwar: Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong khu vực. Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển và là một người chơi tích cực trong ASEAN và đặc biệt khu vực Đông nam Á.
Việc làm sâu thêm mối quan hệ với Việt Nam là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ và cũng quan trọng trong chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mỹ.
Chiến lược tái cân bằng của Mỹ về khu vực châu Á Thái Bình Dương bao gồm nhiều mức. Chúng tôi làm sâu thêm quan hệ an ninh với các nước trong khu vực, chúng tôi cũng có mối quan hệ sâu hơn về kinh tế và hy vọng là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được hoàn tất vào năm nay.
Chúng tôi cũng có quan hệ sâu hơn về văn hóa giữa người dân các nước. Ví dụ Việt Nam có 17,000 sinh viên học tại Mỹ, và đứng thứ 8 trong số những nước gửi nhiều sinh viên đến du học tại Mỹ. Điều này cho thấy mức rộng trong quan hệ giữa hai nước.
Việt Hà: Sắp tới Mỹ sẽ tham gia thế nào trong việc đưa các nước thành viên ASEAN lại cùng nhau để giải quyết các vấn đề trong khu vực bao gồm vấn đề căng thẳng tại biển Đông?
Puneet Talwar: Chúng tôi ủng hộ ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Nam Á và chúng tôi trông đợi ASEAN đóng vai trò dẫn đầu trong vấn đề này và từng nước cụ thể.
Cho nên trong vài tháng tới Hoa Kỳ sẽ tích cực tham gia, và theo tôi chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ sẽ làm việc cùng ASEAN để đề cập những vấn đề khu vực và làm sâu hơn quan hệ hai bên trên nhiều lĩnh vực.
Rất nhiều những thảo luận của chúng tôi ở Việt Nam, Singapore và các nước thành viên khác của ASEAN cũng nhấn mạnh điểm này, rằng ASEAN đóng vai trò trung tâm và các bạn sẽ thấy Hoa Kỳ sẽ là một đối tác tốt.
20 năm bang giao Mỹ-Việt
Việt Hà: Thưa ông, năm nay Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, ông đánh giá thế nào về những tiến bộ trong quan hệ hai nước?
Puneet Talwar: Việc nhìn lại những tiến bộ đã đạt được giữa hai nước trong vòng 20 năm qua là rất quan trọng.
Thực tế là chúng tôi có thể mang đoàn đại diện từ nhiều ngành đến nói chuyện với nhiều đại diện của chính phủ Việt Nam cho thấy mức độ quan hệ phát triển sâu thế nào giữa hai nước chỉ sau 20 năm.
Cho nên đó thực sự là một tuyên bố đáng kể của lãnh đạo của cả hai phía và về quyền lợi chung mà hai bên cùng chia sẻ.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về khả năng nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược thay về đối tác toàn diện như hiện nay và khi quan hệ hai nước phát triển sâu rộng như vậy thì nó có ảnh hưởng thế nào với quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc?
Puneet Talwar: Theo tôi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không nên được nhìn nhận như là một mối đe dọa với bất kỳ nước nào, nó không nhằm vào bất cứ nước nào. Trước hết nó nhằm vào hạnh phúc của người dân hai nước và vì quyền lợi chung trong khu vực.
Điều mà cả Mỹ và Việt nam hướng tới và theo tôi cũng là điều mà các nước khác muốn đó là sự ổn định, thịnh vượng và hòa bình trong khu vực. Và đó là điều chúng tôi hướng tới trong quan hệ hai nước.
Việt Hà: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này! – Theo RFA