Điểm Báo Pháp – 2-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 2-2-2015

Một đơn vị đặc biệt của Ukraina trước khi vào chiến dịch ở Kharkov, 30/01/2015. – REUTERS/Stanislav Belousov

Cung cấp vũ khí cho Ukraina?

Theo RFI – Thanh Hà – 2-2-2015

Chiến sự không ngừng leo thang tại miền Đông Ukraina, các biện pháp trừng phạt kinh tế không làm Matxcơva thay đổi chính sách can thiệp vào Ukraina, các thỏa thuận ngưng bắn chưa bao giờ được tôn trọng. Đó là những lý do khiến phương Tây nêu lên khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Cách nay không lâu, các nhà lãnh đạo của châu Âu và Hoa Kỳ đều hô hào không thể giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng «giải pháp quân sự». Nhưng giờ đây, theo như ghi nhận của Le Figaro, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi quốc tế cung cấp vũ khí cho Ukraina để đối phó với đường lối cứng rắn của Nga. Ở bên kia Đại Tây Dương, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain trên mạng xã hội Twitter lấy làm tiếc là «Thảm sát tiếp diễn, nhưng vẫn không có vũ khí cho Ukraina». Hai chuyên gia thuộc việc nghiên cứu độc lập về quan hệ quốc tế, Brookings Institution của Mỹ khẳng định «Giờ đây là thời điểm Ukraina cần được phương Tây hỗ trợ».

Tại châu Âu, Ba Lan và các nước vùng Baltic không ngừng vận động để cấp vũ khí, giúp cho quân đội Ukraina «cân bằng hóa» tương quan lực lượng, đối phó với quân nổi dậy ở miền Đông thân Nga.

Về câu hỏi vì sao cần cung cấp vũ khí cho Ukraina, một cách gián tiếp, Le Figaro và Le Monde trả lời: Cảng Marioupol bị pháo kích ngày đêm, dân cư tại chỗ không còn phân biệt được ai là bạn, ai là thù. Tại hiện trường, chiến sự gia tăng cường độ. Thường dân và lính Ukraina trả giá đắt. Guồng máy quân đội Ukraina trong 25 năm vừa qua rệu rã và bị tham nhũng làm lũng đoạn. Khi nổ ra chiến tranh vào mùa xuân 2014, quân đội Ukraina không có khả năng phân phối lương thực cho lính. Nhờ sự đóng góp của dân chúng, và những tổ chức dân sự mà người lính Ukraina được trang bị áo giáp hay những trang thiết bị sơ đẳng nhất. Bước kế tiếp là Hoa Kỳ và Canada viện trợ một số trang thiết bị quân sự, nhưng trong đó không có vũ khí sát thương.

Riêng có Pháp, theo nhận xét của báo Le Figaro, đang trong thế khó xử. Paris luôn muốn là nhịp cầu giữa Nga với phương Tây để giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng con đường ngoại giao. Pháp không mấy mặn mà trước viễn cảnh cung cấp vũ khí cho quân đội của chính quyền Kiev thân phương Tây.

Nhìn rộng ra hơn, Le Figaro cho rằng, nhiều nước châu Âu đang phải đương đầu với đe dọa của quân thánh chiến Hồi giáo, nên đang phần nào bất lực trước chính sách của ông Putin.

Trả lời trên báo La Croix, cựu đại sứ Pháp tại Ukraina Philippe de Suremain cho rằng, «cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina không phải là một giải pháp», bởi quyết định đó sẽ đẩy phương Tây và Nga vào «thế đối đầu trực tiếp», mà vẫn không giúp gì được cho chính quyền Kiev. Bản thân Ukraina «đang cần được hỗ trợ về phương diện kinh tế». Giải pháp tốt nhất theo cựu địa sứ Pháp, Suremain, là mở ra viễn cảnh để Ukraina xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu và thuyết phục Matxcơva rằng, một nước Ukraina ổn định cũng sẽ có lợi cho nước Nga.

Vấn đề đặt ra là ở trên đỉnh cao quyền lực, Tổng thống Putin quên mất rằng, Liên Xô không còn nữa và Matxcơva không thể áp đặt với các nước chư hầu như trong quá khứ.

Nhật Bản chấn động vì con tin bị hành hình

Nhìn sang châu Á, Nhật Bản chấn động sau vụ con tin thứ nhì bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại. Libération coi vụ hai con tin bị giết chết trong vòng một tuần lễ là sự «thất bại của ngành ngoại giao» Nhật Bản. Sự kiện nói trên có nguy cơ gây trở ngại cho Thủ tướng Shinzo Abe vào lúc mà ông muốn Tokyo «đóng góp nhiều hơn vì hòa bình của thế giới». 

Le Figaro trong bài báo ngắn cho biết, mẹ của nhà báo Kenji Goto nén đau thương và cầu nguyện là cái chết của con trai bà không làm dấy lên thêm hận thù. Trong lúc đó, một phần dư luận Nhật có ý trách hai con tin vừa bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại đã «đưa thân vào hang cọp», để cả nước phải vạ lây. Một chính khách thuộc khuynh hướng cực đoan còn bóng gió cho rằng, Kenjo Goto có lẽ là người Nhật gốc Hàn, cho nên việc ông ta bị sát hại không liên quan gì nhiều đến nước Nhật.

Trong khi đó, xã luận của báo Japan Times mạnh mẽ lên án việc quân thánh chiến sát hại con tin người Nhật, nhưng tờ báo quả quyết: điều đó không làm Nhật Bản chùn bước hay nản lòng trong việc tham gia chống khủng bố. Bởi vì cái chết của hai con tin Nhật Bản, Kenji Goto và Haruna Yukawa cho thấy, người Nhật có thể là mục tiêu của quân khủng bố quốc tế. Nhưng Tokyo nên tham gia vào công cuộc đó bằng con đường phi quân sự.

Hải Phòng và rác điện tử 

Trong loạt bài điều tra nói về những hoạt động tàn phá môi trường trên hành tinh, Le Monde trong bài thứ nhì chú ý tới «Rác điện tử». Cảng Hải Phòng mà một trong những chặng quan trọng trên hành trình đưa rác điện tử từ châu Âu sang Trung Quốc.

25 % rác điện tử của thế giới đổ về châu Á và châu Phi. Rác thải của Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản dồn về TC được chuyển qua ngả biên giới Việt Nam hay Hồng Kông.

Phóng viên của Le Monde ghi nhận: cán bộ thành phố Hải Phòng rất lịch sự và hiếu khách. Chỉ có điều khi đề cập đến vấn đề rác thải thì không một ai có thông tin gì về hồ sơ này. Cho dù trên các kênh truyền thông chính thức, chính quyền Hải Phòng cho biết, tới đầu năm 2014 hãy còn giữ lại đến 3000 công-tơ-ne chở rác điện tử mà không có giấy tờ hợp lệ.

Tuy nhiên, Hải Phòng không phải là điểm đến cuối cùng của các thùng hàng rác thải điện tử từ nước ngoài nhập vào. Cảng này chỉ là một chặng dừng, trước khi những container đó được chở tới TC. Hàng dỡ ra được chuyển lên Móng Cái, cách Hải Phòng 6 giờ lái xe. Từ Móng Cái chúng được đưa tiếp qua con sông Bắc Luân, sang bên kia biên giới TC.

Nhưng trước kia, ở vào thời kỳ «hoàng kim» tức là vào những năm 1980, khi mà TC chưa thầu hết rác điện tử như bây giờ, thì một ngôi làng ở ngoại ô Hải Phòng là Tràng Minh đã từng là cơ sở tái chế quan trọng. Cho dù cái giá phải trả là nồng độ dioxine ngấm vào đất của ngôi làng này. Ngày nay, Tràng Minh chỉ còn là một địa điểm để cho các tay lái buôn người Hoa đến làm ăn, mua lại «rác thải» điện tử để chuyển về TC.

Pháp say men chiến thắng

Trở lại với thời sự nước Pháp, sự kiện  nổi bật trong ngày là chức vô địch bóng ném thế giới lần thứ 5 mà đội tuyển quốc gia vừa giành được ở cuộc tranh tài tại Doha. Đội Pháp hạ gục đội chủ nhà Qatar. «Môn bóng ném của Pháp trên đỉnh cao», tựa lớn trên báo kinh tế Les Echos, chưa một quốc gia nào 5 lần đoạt huy chương vàng ở cúp thế giới.

«Tuyệt vời», tựa lớn trên tờ báo thể thao L’Equipe, ở bên dưới là hình ảnh các cầu thủ Pháp đang sung sướng nâng chiếp cúp vàng. L’Humanité nói tới một «thành tích lịch sử», vì chưa bao giờ một quốc gia đoạt cùng lúc cả chức vô địch châu Âu, vô địch Olympic và vô địch thế giới. Le Figaro không khỏi tự hào cho rằng, trong vỏn vẹn 20 năm, Pháp đã làm thay đổi cục diện của làng bóng ném thế giới. Những chú lính áo lam của Pháp đang đứng trên «đỉnh cao danh vọng, 5 lần đoạt huy chương vàng ở Cúp thế giới».

Libération không quên nhắc lại một chi tiết: từ năm 2006 tới nay, trong số 12 cuộc tranh tài cấp quốc tế, Pháp đã 8 lần vào chung kết. Trở lại trận đấu tối hôm qua, 01/02/2015 Libération chú ý nhiều hơn đến thành phần của đội tuyển Qatar: một ê-kip mới chỉ cách nay 1 năm còn chưa được hình thành vậy mà đã vượt qua được các vòng loại để giành lấy chiếc vé vào chung kết. Trong số các vận động viên mang màu áo Qatar, thì có tới 3 người gốc Montenegro, 3 cầu thủ người Syria, 2 đến từ Bosnia, 2 từ Ai Cập, 1 người Cuba và một là người Pháp. Huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia, Valero Rivera là người Tây Ban Nha.

Sự chọn lựa của các vận động viên người nước ngoài về đầu quân cho Qatar cũng dễ hiểu bởi, một cầu thủ chỉ ước mơ có hai điều: một là được trả lương hậu hĩnh, hai là được tham gia vào các cuộc thi đấu cấp cao. Qatar đáp ứng được cả hai đòi hỏi đó.