Truyền thông Trung Quốc đại lục: Các quan chức bị thanh trừng đã âm mưu với nhau
Cựu lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân (bên phải) tham dự phiên bế mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 14/11/ 2012, tại Bắc Kinh. Giang được cho là ông trùm tối hậu đằng sau âm mưu của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. (Feng Li / Getty Image
‘Các cuộc họp bí mật’ giữa các thành viên Bộ Chính trị và ‘chủ nghĩa xét lại tư tưởng’ là những thuật ngữ có tính kích động đối với Cộng sản Trung Quốc
Cho đến tận thời gian gần đây, việc đề cập đến một thông tin như vậy gần như chỉ được thấy trên báo chí tiếng Trung tại hải ngoại. Đối với các chuyên gia về Trung Quốc ở phương Tây, thông tin này thường bị gạt đi một cách lịch sự. Tuy nhiên hiện nay, các trang web lớn của Trung Quốc đại lục đang đăng tải thông tin này: cựu quan chức an ninh của Đảng Cộng sản đã tổ chức các cuộc đối thoại bí mật, nổi loạn với một cựu thành viên Bộ Chính trị trước khi cả hai bị thanh trừng.
Có thể thấy trong tác phẩm “Bố già” phiên bản Trung Quốc này các nhân vật sau: ông Chu Vĩnh Khang, cựu quan chức an ninh, và ông Bạc Hy Lai, người đứng đầu Trùng Khánh, một thành phố nằm ở phía tây nam Trung Quốc, và là con trai của một nhà lãnh đạo cách mạng cộng sản đầy quyền lực.
Bởi: Matthew Robertson,
Epoch Times
20 Tháng Một , 2015
Ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang, các cựu quan chức cấp cao của Đảng, đã lên kế hoạch ‘làm chuyện lớn. ‘”
– Phoenix Weekly
Ông Chu Vĩnh Khang, nhân vật nổi lên trong ngành công nghiệp hóa dầu nhà nước, từng kiểm soát một đế chế an ninh khổng lồ với ngân quỹ khoảng 120 tỷ USD, lớn hơn ngân sách của quân đội.
Ông ta từng phụ trách lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân với một triệu quân, có quy mô ngang với một lực lượng quân đội. Ông ta cũng chỉ huy một loạt cơ quan an ninh khác nhau, từ lực lượng cảnh sát và gián điệp chính trị bí mật, tới các tòa án, nhà tù, công an, các trại lao động, v.v.
Ông Bạc Hy Lai là con trai của ông Bạc Nhất Ba, nhân vật cách mạng gân guốc hầu cận chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông. Vì thuộc giới quý tộc đỏ, ông ta nuôi dưỡng tham vọng chính trị vô biên. Ông ta khuấy động các cuộc biểu tình kiểu Mao và các chính sách xã hội trong thành phố Trùng Khánh mà ông ta quản lý, nơi có gần 30 triệu người, và thể hiện rõ rằng ông nhắm đến một vị trí quyền lực trong Đảng – có thể là vị trí hàng đầu.
Tại sao hai nhân vật này lại tiến hành những cuộc thảo luận bí mật vào một giai đoạn nhạy cảm ngay trước quá trình chuyển đổi chính trị của Đảng Cộng sản (chỉ diễn ra một lần trong mỗi thế hệ), cụ thể là vào cuối năm 2012?
Ông Vương Lập Quân (phải) và ông Bạc Hy Lai (giữa) chào hỏi quan khách tại một sự kiện được tổ chức tại văn phòng công an Trùng Khánh vào tháng 12 năm 2009. Cả hai đã bị tố cáo là tham gia vào một âm mưu trong Đảng. (WeiBo.com)
Làm ‘chuyện lớn’
Theo bài viết của Phoenix Weekly, một tạp chí chính trị được xuất bản tại Hồng Kông, họ muốn “làm chuyện lớn”. Thông thường, việc đưa tin chính trị tại Hồng Kông được các nhà lãnh đạo Đảng sử dụng để dẫn dắt dư luận hay đưa ra các thông tin có lợi cho kế hoạch chính trị của họ.
Những bài báo như vậy sau đó có được đăng lại và lưu truyền trên các trang tin tiếng Trung Quốc chủ chốt hay không thường là một dấu hiệu khác cho biết tác dụng chính trị của những bài viết này – và trong trường hợp này, các tờ báo như Hexun và Sina đăng lại tin tức này mà không hề bị kiểm duyệt. Tin tức này đã rất nhanh chóng được đăng tải trên khắp Trung Quốc: Ông Chu Vĩnh Khang và ông Bạc Hy Lai đã âm mưu vận động một hệ tư tưởng tân chủ nghĩa Mao của riêng họ, nhằm thay thế cơ cấu quyền lực hiện nay của Đảng.
Qua việc nêu chi tiết các mối ràng buộc giữa hai nhân vật này, bài báo cho biết ông Chu Vĩnh Khang đã gặp ông Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, khi ông Bạc vẫn còn là Bí thư Đảng của thành phố. Sina, một trang tin điện tử tiếng Trung được nhiều người biết đến đã tóm tắt bài báo: “Theo các nguồn tin, chủ đề chính của cuộc thảo luận là làm thế nào để phủ nhận hoàn toàn lý luận và thực tiễn của Đặng Tiểu Bình về cải cách và mở cửa”.
Bài báo còn viết: “cả hai người đều tin rằng lý thuyết mà Mao đề xuất trong những năm về sau của ông – rằng xung đột lớn nhất trong xã hội Trung Quốc là cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản – vẫn còn đúng, và rằng lý luận của Đặng Tiểu Bình về cải cách và mở cửa cần được xem xét lại.”
Về lý thuyết cộng sản của Trung Quốc, điều này được gọi là một “cuộc đấu tranh đường lối” – một sự cạnh tranh quyết liệt về “đường lối” lý luận đúng đắn để áp dụng cho Trung Quốc.
Một cuộc đấu tranh đường lối ở Trung Quốc còn có một tên gọi khác: một cuộc đấu tranh quyền lực nhằm giành quyền kiểm soát Đảng. Ông Shi Cangshan, một nhà phân tích độc lập các vấn đề về Đảng có trụ sở tại Washington DC cho biết: “Thuật ngữ ‘đấu tranh đường lối’ là một cách nói khác cho việc ‘đảo chính’. Nó có nghĩa là họ kêu gọi có sự thay đổi về chế độ, đó là cách những người trong Đảng nhìn nhận điều này.”
“ Thuật ngữ ‘đấu tranh đường lối’ là một cách nói khác cho việc ‘đảo chính’. “Nó có nghĩa là họ kêu gọi có sự thay đổi về chế độ ”
– Ông Shi Cangshan, nhà phân tích các vấn đề về Đảng
Người theo chủ nghĩa cơ hội
Bài báo của Phoenix cho rằng ông Bạc, đúng như tính cách của ông ta, muốn giúp ông Chu Vĩnh Khang “xung nhất xung” (chong yi chong). Ý nghĩa của cụm từ tiếng Trung này là ông Bạc sẽ là người đầu tiên đưa ra ý tưởng rằng chương trình cải cách của ông Đặng Tiểu Bình đã dẫn đến một loạt các vấn đề, thường là những vấn đề cũng bị nêu ra bởi các nhà phê bình nước ngoài như: môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đạo đức bị xói mòn, cơ cấu chính trị đầy tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, v.v. Những người theo tân chủ nghĩa Mao đổ lỗi tất cả những điều này là di sản của ông Đặng Tiểu Bình.
Trên thực tế, ông Bạc đã bắt đầu làm như vậy bằng các chính sách xã hội theo chủ nghĩa dân kiểm ở Trùng Khánh.
Ông Shi Cangshan nói: “Ông Bạc Hy Lai đã nhận thấy các nhóm trí thức của Đảng ngày càng có cảm tình đối với chủ nghĩa Mao-cánh tả, và ông ta cũng bấu víu vào đó. Ông ta đã tổ chức các buổi ca hát theo chủ nghĩa Mao, giống như trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Chiến dịch chống mafia của ông ta rất giống như các chiến dịch cải cách ruộng đất trước cách mạng, trong đó những người giàu bị tước đoạt tài sản và giao nộp cho công chúng. Ông ta ủng hộ những người theo chủ nghĩa Mao-cánh tả và các trang web của họ, các trang này công khai công kích Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Điều đó có được phép không nếu một người như ông Chu Vĩnh Khang không bảo vệ họ?”
Ông Bạc, tất nhiên, là một người theo chủ nghĩa cơ hội, chứ không phải là một tín đồ thực sự của chủ nghĩa Mao. Nhiều người cho rằng ông ta và gia đình có các quỹ đen khổng lồ có được từ tham ô. Ông Shi nói: “Đó chỉ là cách để chiếm quyền lực. Ông Chu Vĩnh Khang và ông Bạc Hy Lai muốn làm đảo lộn nền tảng của chế độ hiện tại.”
Ông Chu Vĩnh Khang, cựu quan chức an ninh của Đảng Cộng sản, tham dự một cuộc họp chính trị lớn ở Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2012. Báo chí gần đây đưa tin ông Chu đã âm mưu với cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai nhằm thách thức hệ tư tưởng đối với tổ chức Đảng. (Liu Jin / AFP / Getty Images)
Các nhà quan sát không ngờ đến
Vào đầu năm 2012, âm mưu của ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang cùng những người khác ở các chức vụ cao trong chế độ, đã bắt đầu sáng tỏ. Chuyến bay của ông Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng của ông Bạc, đến Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô vào tháng 2 đã khiến trung ương Đảng phát giác.
Nhưng các nhà quan sát nước ngoài lúc đầu không nghĩ rằng sự việc trên có liên quan đến nhiều điều. Ông Bill Bishop, người điều hành một bản tin về Trung Quốc được nhiều người biết đến, đã khuyên độc giả “thận trọng nhìn nhận” các bài báo cho rằng “một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn trong đảng đang mưu cầu quyền lực”, như được đưa tin vào đầu năm 2012 bởi phóng viên an ninh quốc gia Bill Gertz. Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) và Boxun – một trang web tiếng Trung tại hải ngoại đã đưa những tin tương tự. Tuy nhiên, những thông tin gần đây trên giới báo chí Trung Quốc đã chỉ ra một kịch bản chính xác như vậy.
Vào tháng 3 năm 2012, The Associated Press đã trích lời ông Huang Jing, một giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “Dường như ông Bạc ít nhất đã đảm bảo cho mình một sự “hạ cánh mềm”, và “nếu ông Bạc bị cách chức và bị điều tra, điều này sẽ gây ra sự mất ổn định rất lớn cho chế độ và các nhà lãnh đạo hiện nay không muốn điều đó. … Họ muốn dập tắt vụ việc càng sớm càng tốt mà không gây ra quá nhiều thiệt hại.”
Việc ông Chu Vĩnh Khang,cựu quan chức an ninh, cũng sẽ bị bắt, bị khai trừ khỏi Đảng, và đưa ra xét xử dường như còn là ý tưởng xa vời hơn nữa và suốt một thời gian dài điều đó khó mà chấp nhận nổi đối với những chuyên gia về Trung Quốc thân phương Tây.
“ Không ai tin rằng đó là sự thực, nhưng các diễn biến đã cho thấy điều đó. Có lẽ chúng tôi đã dự báo sớm quá… “
– Ông Xia Xiaoqiang, chuyên mục tin tức của Epoch Times tiếng Trung
Đã sớm được suy đoán
Tuy nhiên, những thông tin này đã nhanh chóng được dự đoán và lưu truyền trong giới truyền thông tiếng Trung tại hải ngoại vào năm 2012, bao gồm cả các phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của Epoch Times.
Ông Xia Xiaoqiang, một nhà bình luận chính trị cho phiên bản tiếng Trung của Epoch Times, được gọi là Dajiyuan trong tiếng Trung, có trụ sở tại châu Âu, cho biết: “Vào tháng 2, khi ông Vương Lập Quân chạy trốn đến lãnh sự quán, tôi đã đăng một bài viết nói rằng triển vọng của ông Bạc Hy Lai rất ảm đạm”. Ông Xia từng là một sĩ quan trong quân đội Trung Quốc vào những năm 1980 và vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với các viên chức ở Trung Quốc. Ông khẳng định rằng các phóng viên và biên tập viên tiếng Trung của Epoch Times có “các nguồn tin nội bộ rộng rãi” cung cấp thông tin cho cả việc đưa tin và những phân tích, dự đoán của ông.
Ông Xia cho biết: “Sau đó tôi đã đăng một bài viết nói rằng ông Chu Vĩnh Khang là người ở đằng sau hậu trường, và rằng ông ta cũng sẽ có vấn đề lớn. Không ai tin rằng đó là sự thực, nhưng các diễn biến đã cho thấy điều đó. Có lẽ chúng tôi đã dự báo sớm quá.”
Ông Watson Meng, biên tập viên của trang web Boxun, cũng đã công bố các bài báo bàn về âm mưu nổi loạn của ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang. “Đời sống chính trị Trung Quốc như một hộp đen. Nếu ta làm đúng những yêu cầu của báo chí phương Tây, sẽ rất khó để xác minh nhiều điều”.
Ông thừa nhận rằng những tiết lộ nội bộ thường được thực hiện theo mệnh lệnh của một phe nhóm trong Đảng muốn thông tin đó được truyền ra. “Chúng tôi không quan tâm đến mục đích của họ, mà chỉ cân nhắc xem thông tin đó có đáng tin cậy hay không”.
Cựu thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai (giữa) bị còng tay ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 22/9/2013. Theo các tin tức gần đây, ông Bạc đã tiến hành một âm mưu với ông Chu Vĩnh Khang, cựu quan chức an ninh của Trung Quốc. (Feng Li / Getty Images)
‘Vấn đề cốt lõi’
Ông Xia Xiaoqiang đã trình bày một khuôn khổ tổng thể mà ông cho biết mình đã sử dụng để phân tích về những điểm ngoắt nghéo trong cuộc đấu tranh chính trị tại Trung Quốc gần đây.
“Tại sao những người này lập ra một âm mưu nhằm chiếm quyền lực? Bởi vì những người của ông Giang Trạch Dân đã bị tước bỏ quyền lực, nên họ lo lắng rằng, hậu quả chính trị của cuộc đàn áp Pháp Luân Công sẽ quay lại ám ảnh họ.”
Nhiều cuộc đấu tranh quyền lực trong chế độ của chính quyền Trung Quốc đã nổ ra xung quanh các chiến dịch chính trị quy mô lớn – nổi tiếng nhất là chiến dịch Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa của ông Mao Trạch Đông, trong đó ông ta gây hấn và chia rẽ giới lãnh đạo Đảng nhằm bảo vệ quyền lực của mình và chống giữ cho các chính sách tai hại của ông ta.
Sau vụ thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, một nhóm nòng cốt các cán bộ có đường lối cứng rắn đã được hình thành nhằm đảm bảo rằng công chúng không tiến hành điều tra về vụ tàn sát các sinh viên, và như thế họ sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm.
Cuộc đàn áp môn tu luyện tâm linh Pháp Luân Công cũng theo một cách thức tương tự: ông Giang Trạch Dân, vào tháng 7 năm 1999, đã tuyên bố rằng nhóm tu luyện này là kẻ thù của Đảng và nhân dân, và tiến hành một chiến dịch toàn quốc quy mô lớn nhằm bôi nhọ và tiêu diệt Pháp Luân Công.
Trong một bức thư gửi Bộ Chính trị trước đó trong năm 1999, ông ta cho rằng môn tu luyện này – bao gồm các bài tập thiền định và quy tắc đạo đức được giảng miễn phí – là kẻ thù về ý thức hệ. Thống kê chính thức trong giai đoạn lúc đó đã cho thấy số lượng học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc là 70 triệu người – vậy là một lượng dân số khổng lồ biến thành kẻ thù chỉ qua một đêm.
Bạo lực gây ra đối với Pháp Luân Công trong cuộc đàn áp bao gồm nhiều hình thức tra tấn dã man được chuẩn bị công phu –như thiêu đốt, điện giật, bị trói trong những tư thế đau đớn, cưỡng hiếp và theo như các nhà nghiên cứu khẳng định, là cả việc thu hoạch những nội tạng thiết yếu của hàng chục ngàn người trong khi họ vẫn còn sống, và việc này đã khiến họ tử vong.
Ông Xia Xiaoqiang nói: “Ông Chu Vĩnh Khang và ông Bạc Hy Lai là những người thực thi của ông Giang Trạch Dân, sự nghiệp chính trị của họ không thể tách rời khỏi chiến dịch đó. Không đời nào họ muốn đối mặt với hậu quả của việc làm đó, và họ cũng không thể cho phép cuộc đàn áp dừng lại.”
Ông Xia nói rằng đối với phe nhóm chính trị của ông Giang, họ ưu tiên đảm bảo rằng tội ác của họ không bao giờ có thể trở thành vũ khí chống lại họ, và rằng họ sẽ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về tội ác đó; mặt khác, đối với ông Tập Cận Bình và các tướng tá của ông ta, họ ưu tiên thúc đẩy các cải cách chính trị và xã hội khó nhọc để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng.
Trên thực tế, dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã không hề dừng lại, theo như được ghi nhận gần đây nhất trong một báo cáo của Freedom House (một tổ chức quốc tế theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, tình trạng thực thi tự do chính trị và các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới).
Nhưng ông Tập Cận Bình đã tiến hành những thay đổi mà không bao giờ có thể xảy ra dưới chế độ của ông Giang: Trưởng Phòng 610, một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật được thành lập để điều phối và thực hiện chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, đã bị cách chức và bị thanh trừng. Ông ta có rất nhiều vai trò, nhưng vai trò đàn áp Pháp Luân Công của ông ta đã được đề cập đầu tiên trong thông báo khai trừ ông ta ra khỏi Đảng. Hệ thống cải tạo thông qua lao động cưỡng bức, một trong những địa điểm chính giam giữ các học viên Pháp Luân Công, cũng đã bị giải tán. Ông Chu Vĩnh Khang thì đã bị tước bỏ quyền lực và phải đối mặt xét xử.
Mặc dù vậy, việc kiểm soát về hệ tư tưởng và an ninh của ông Tập Cận Bình cho đến nay ít cho thấy lý do để mong đợi một sự chuyển biến trong hệ thống đàn áp lâu đời của Đảng. Như ông Xia Xiaoqiang đã nói: “Bản chất của chế độ này chính là sử dụng tuyên truyền và bạo lực”.