2015, một năm đầy thách đố – Nhữ Đình Hùng

Cac Bai Khac

No sub-categories

2015, một năm đầy thách đố – Nhữ Đình Hùng

Xét về mặt địa-chánh-trị, năm 2014 là một năm tương-đối xấu với các tranh-chấp gay go và còn có thể kéo dài sang năm 2015 hoặc nhiều năm nữa…

Trong các tranh-chấp đó, người ta có thể kể cuộc khủng-hoảng ở Ukraine, cuộc tranh-chấp Do-Thái và Palestine, cuộc tranh-chấp ở biển đông giữa Trung-Hoa và các nước lân-bang như Nhật-Bản, Việt-Nam, Phi-luật-tân…, vấn-đề Syrie và sự hình-thành của Nhà Nước Hồi-Giáo mà thực-chất là một tổ-chức khủng-bố… Việc giải-quyết những vấn-đề này quả là một thách-đố, đó là chưa kể có thể có những ‘bất ngờ chiến-lược’ xảy ra!

1)      Vấn-đề Ukraine.

Cuộc khủng-hoảng nội-bộ của Ukraine, giữa chánh-quyền Kiev và phe nổi dậy thân Nga ở Donbass, cộng thêm vào đó cuộc đọ sức giữa tây-phương và Nga đã tạo thành một điểm nóng ở Âu-Châu. Chưa kể việc Crimée sát nhập vào nước Nga – dù tự-ý hay bị Nga đơn-phương sát-nhập – đã không được tây-phương chấp-nhận. Tình-hình chẳng khác gì tình-hình ‘chiến tranh lạnh’ trước đây, tuy có căng thẳng nhưng các bên vẫn giữ bang-giao với nhau. Giữa chánh-quyền Kiev và quân nổi dậy không phải chỉ là việc đe dọa dùng vũ-lực mà việc dùng vũ-lực đã trở thành một thực-tế, vấn-đề làm thế nào để tránh việc mở rộng ra có thể dẫn đến sự can-thiệp từ bên ngoài. Ghi nhận là Ukraine là quốc gia ‘trái độn’ vì vừa tiếp cận với Âu-Châu (và như thế tiếp-cận với OTAN) và vừa tiếp-cận với Nga. Những ‘biến-sự’ gần đây đã thường ra giữa Nga và OTAN, tuy không ‘rất nghiêm-trọng’ nhưng đùa với lửa thì có thể bị phỏng. Điều này đòi hỏi giữa các nước tây-phương và Otan cũng như Nga phải tự chế, tây-phương và OTAN không dồn Nga vào chân tường và Nga cũng ngưng việc tìm một giải-pháp bằng bạo-lực. Nga không hẳn đã bị cô-lập đối với các nước thuộc liên-bang sô-viết cũ, ngược lại, Nga vẫn có hậu thuẫn của Hung, Tiệp, Tchétchénie…

2)      Tranh-chấp Do-Thái/ Palestine.

Cuộc tranh-chấp Do-Thái/Palestine trong năm 2014 chẳng những không dịu đi mà còn trở nên gay cấn hơn, điển-hình là cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào ngày 08.07.2014 dưới cớ để phá huỷ các đường hầm của Palestine đã gây ra các tổn hại nặng cho người thường dân (80% thương vong là thường dân Palestine). Do-Thái đã dùng các cuộc thương thuyết với và về Palestine như là một cách để câu giờ và để giữ một phần lãnh-thổ của Palestine càng rộng càng tốt và càng lâu càng hay. Nếu như Do-Thái rõ ràng đã thắng về mặt quân-sự trong năm 2014, lý do ‘bài Do-Thái’ do chánh-quyền viện dẫn đã không còn sức thuyết-phục. Tuy rằng các nước tây-phương và nhất là Hoa-Kỳ chưa bỏ rơi Do-Thái, nhiều nước đã dành cho Palestine một cảm tình tốt đẹp bằng cách thừa nhận thẩm-quyền Palestine như một quốc-gia.

3)      Nhà Nước Hồi-Giáo (EI hay Daech) và mối đe dọa ở Irak, Syrie.

Sự hình-thành Nhà Nước Hồi-Giáo đã là một quan-tâm lớn cho các chánh-quyền tây-phương nhưng đây là cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Irak vào năm 2003 và cuộc nội-chiến ở Syrie. Ảnh-hưởng của Nhà Nước Hồi-Giáo vẫn còn giới hạn trong vùng. Vào năm 2013, các ‘djihadistes’ của Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak và Phương Đông (EIIL) chiếm được Falloujah với phần lớn vũ-khí và trang-bị của quân chánh-phủ Irak cũng như ngân-khố với một số ngoại-tệ quan-trọng. Sáu tháng sau đó, EIIL chiếm thêm được Mossoul, đổi tên thành Nhà Nước Hồi-Giáo (EI) và tuyên bố thành-lập một ‘califat’ trên vùng đất nằm giữa Syrie và Irak. Giữa EI và Front al-Nosra (theo Al Qaïda) có sự tranh-chấp ảnh-hưởng ở Liban.

Trước sự bành-trướng của EI, các quốc-gia tây-phương và Hoa-Kỳ đã thành-lập một liên-minh để ngăn chặn EI bằng cách oanh-tạc vào các căn-cứ của EI bằng không-quân. Trên đất liền, việc chống trả lại EI hiện do người Kurdes lãnh trách-nhiệm. Tuy rằng ảnh-hưởng của EI hãy còn giới hạn trong vùng, một vài tổ-chức khủng-bố ở Algérie, Egypte và Libye đã xin ‘thần-phục’ EI. Cuộc chiến chống EI như thế sẽ có triển-vọng kéo dài, có lẽ chỉ giải-quyết cùng với vấn-đề Syrie!

Tình-hình Libye cũng khá phức-tạp với hai chánh-quyền, hai quốc-hội. Có sự xung-đột giữa hai lực lượng này và cả hai có xung đột với các nhóm djihadistes, những nhóm này có căn cứ trong vùng sahel-sahara và không có gì ngăn cản họ có liên-lạc với Nhà Nước Hồi-Giáo (Daesh). Cuộc nổi dậy ‘muà xuân ả-rập’ đã đưa nước Libye, sống dưới chế-độ độc-tài Khadafi nhưng được hoà-bình và ổn-định, sang một tình-trạng hỗn-loạn và chiến-tranh, với nguy-cơ có thể bị quân khủng-bố chiếm chánh-quyền.

4) Tình-hình một số nước Phi-Châu.

Một số nước ở Phi-Châu bị quân djihadistes đe dọa như Mali, Somalie, Nigéria… Nhóm dihadistes chánh ở đây là Boko Haram, vừa qua cũng đã tuyên-cáo thành lập một ‘califat’ trong vùng dưới quyền kiểm soát của họ gồm một phần thuộc bắc Cameroun và bắc Niger. Quân đội của nước Nigeria và của Cameroun đã không thành-công trong việc tiêu diệt lực lượng Boko Haram. Pháp đã đề nghị giúp điều hành việc phối trí các nỗ lực quân-sự để chống lại Boko Haram nhưng nếu không có sự hiện-diện của lực lượng Pháp tại chỗ, e rằng các lực lượng của Cameroun và Nigeria chỉ có khả năng chống trả Nhưng với việc tiết-giảm ngân-sách quốc-phòng hiện nay của Pháp, việc can-thiệp quân-sự ở nước ngoài là điều ngoài sức!

Tại Mali, tình hình cũng tương tự. Với sự hiện diện của lực lượng Pháp trong chiến-dịch Serval, quân khủng-bố bị đẩy lùi, các căn cứ của bọn họ bị phá huỷ, nhiều vũ khí bị tịch thu. Nhưng khi lực lượng Pháp bàn giao cho lực-lượng LHQ, MINUSMA, quân khủng-bố đã trở lại. Có nguy cơ là những nhóm khủng-bố vũ trang này có liên-lạc với Boko Haram cũng như nhóm al-Mourabitoune.

Nhóm khủng-bố ‘shebab’ ở Somalie, có liên-hệ với al-Qaïda, đã chịu những tổn thất đáng kể, thủ lãnh của nhóm này, Ahmed Abdi Godae, đã bị chết trong một cuộc oanh-kích của không-quân Mỹ. Tuy vậy, nhóm này vẫn có thể mở các cuộc tấn công ở Kenya và ngay cả ở Mogadiscio, có thể nhóm có các ‘trạm’ ngay trong chánh-quyền Somalie!

5) Tình hình Afghanistan.

Nhiệm kỳ của Lực lượng quốc tế hỗ-trợ an-ninh (ISAF) đã chấm dứt. Một lực-lượng khác của OTAN được thành-lập để tiếp nối nhưng với một quân-số ít hơn, với nhiệm-vụ hỗ-trợ an-ninh và nếu cần có thể có hoạt-động chống khủng-bố. Quân taliban vẫn hiện-diện nhưng khó có thể hoạt động mạnh; quân chánh-quyền Kaboul giữ vững các thành-phố lớn và các vùng phụ-cận.

6) Tranh-chấp lãnh-thổ trong vùng Á-châu Thái-Bình-Dương.

Không kể những tranh-chấp có từ lâu như ở Cachemir (Ấn-đô/Pakistan) hay ở vùng Himalaya giữa Ấn-Độ và Trung-Hoa, tranh-chấp ‘nóng’ nhất là giữa Trung-Hoa, Đài-Loan với Nhật Bản về các đảo Senkaku (Điếu Ngư) và tranh chấp giữa Trung-hoa với các nước Việt-Nam, Phi-luật-tân và Mã Lai về các quần-đảo Spratleys và Paracel. Việt-Nam đã theo gương Phi-luật-tân đưa nội vụ ra tòa án quốc-tế nhưng người ta e ràng đây chỉ là cách để giữ thể-diện. Trung-Hoa đã có những phúc-đáp với Phi-luật-tân nhưng không đả động gì đến Việt-Nam. Giữa Trung-Hoa và Nhật-Bản xem chừng có giảm bớt căng-thẳng sau cuộc gặp gỡ bên lề hội-nghị thượng-đỉnh APEC giữa chủ-tịch nước Trung-Hoa Xi Jinping và thủ tướng Nhật Abe.

* * * * *

Bên cạnh những thách-thức của năm 2015, cũng có những triển-vọng tốt. Trước hết là việc lập lại bang-giao giữa Mỹ và Cuba, chấm dứt một thời kỳ thù nghịch kéo dài trên nửa thế kỷ. Một tin đáng lưu ý khác là việc Tunisie đã bầu ra một tổng thống mới, một cuộc bầu cử hoàn-toàn có tính cách dân chủ… Ngoài ra, còn có việc có thể giải quyết vấn-đề nguyên-tử của Iran. Như thế, năm 2015 cũng có thể là năm mang lại sự ổn-định và phát-triển!

Nguồn: tổng-hợp các báo Pháp