TPP và Trận Chiến Ngoại Tệ

Cac Bai Khac

No sub-categories

TPP và Trận Chiến Ngoại Tệ
Theo RFA – Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2015-01-28

Hoa Kỳ cùng Nhật Bản và 10 quốc gia khác đang đàm phán về Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP. Việc đàm phán này hiện gặp trở ngại từ bên trong nước Mỹ vì một lý do bất ngờ là tranh chấp về ngoại hối. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý thính giả theo dõi cách nêu vấn đề của Vũ Hoàng sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, từ đã lâu trên diễn đàn này ông có cảnh báo hai chuyện sẽ gây nhiều biến động cho kinh tế các nước, nhất là Việt Nam. Chuyện thứ nhất là việc Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác trên thế giới. Chuyện thứ hai là vì yêu cầu kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất và ào ạt bơm tiền nên đồng bạc của nhiều nước đã sụt giá mạnh và mở ra tình trạng mà ông gọi là “trận chiến ngoại tệ”. Ít ai ngờ là hai chuyện ấy lại gây trở ngại cho tiến trình đàm phán hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP tại Hoa Kỳ. Xin ông vui lòng phân tích cho thính giả của chúng ta những uẩn khúc này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin trình bày bối cảnh trước rồi mới đi vào nội dung về nguyên do và hậu quả. – Từ năm 2008, Hoa Kỳ phát huy sáng kiến của bốn nước trong vành cung Thái Bình dương từ Châu Á qua Châu Mỹ để mở ra kỷ nguyên tự do mậu dịch giữa các nước trong khu vực. Sau đó, nhiều nước khác tham gia, đáng kể nhất thì có Nhật Bản với nền kinh tế đứng hạng ba thế giới về sản lượng và có sức xuất khẩu rất mạnh. Sau khi nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama thúc đẩy sáng kiến này với tiêu chí là hoàn thành vào năm 2011. Từ đó đến nay, Hoa Kỳ cùng Nhật Bản và 10 nước khác là Úc, Brunei, Singapore, Canada, Mexico, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam đã có 20 vòng đàm phán mà việc chưa xong. – Một trong nhiều trở ngại xuất phát từ nước Mỹ, là đối tác số một vì có thị trường nhập khẩu lớn nhất, là đảng Dân Chủ bên trong Quốc hội Hoa Kỳ có xu hướng bảo hộ mậu dịch và đòi thu hồi thủ tục thương thuyết gọn và nhanh của Hành pháp để họ can thiệp vào tiến trình thương thuyết.
Vũ Hoàng: Xin ông nói thêm về thủ tục này cho thính giả của chúng ta hiểu.

Từ năm 2008, Hoa Kỳ phát huy sáng kiến của bốn nước trong vành cung TBD từ Châu Á qua Châu Mỹ để mở ra kỷ nguyên tự do mậu dịch giữa các nước trong khu vực. Sau đó, nhiều nước khác tham gia, đáng kể nhất thì có Nhật Bản – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Hoa Kỳ là một nước dân chủ đa nguyên cho nên trong mọi việc thương thuyết làm ăn với nước ngoài thì đều phải tôn trọng quyền lợi của mọi thành phần kinh tế và đấy là một đặc tính đáng chú ý vì giải thích nhiều phản ứng chống đối hoặc ủng hộ các cam kết của quốc gia. Việc đàm phán hiệp định TPP cũng có gặp trở ngại đó với nhiều tiết lộ bên trong tiến trình thương thảo để tác động vào dư luận, chính trường và Quốc hội. – Vì là một thị trường lớn và mở ra ngoài, từ năm 1974, Quốc hội Hoa Kỳ có đạo luật ủy nhiệm cho Hành pháp, tức là Nội các của Tổng thống, quyền đàm phán thương mại với các nước cho đến khi hoàn tất thì trình bày trọn gói cho lưỡng viện Quốc hội biểu quyết với đa số. Đạo luật Phát huy Thương mại ấy lập ra thủ tục thương thuyết nhanh và gọn, gọi là “Fast Track“, cứ năm năm lại tái tục một lần. Từ năm 2012, việc tái tục ấy bị đình trệ vì sức cản của đảng Dân Chủ và nhiều nghiệp đoàn bên trong, làm Chính quyền Obama bị bó tay trong việc thương thuyết. – Sau cuộc bầu cử năm ngoái, đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại cả hai viện trên dưới của Quốc hội và có xu hướng truyền thống là phát huy tự do mậu dịch nên sẽ giúp Tổng thống Obama thuộc đảng Dân Chủ có thể vượt qua trở ngại này và sớm hoàn thành trọn gói TPP trong năm nay.

Vũ Hoàng: Và thưa ông đấy lại là lúc mà việc Mỹ kim lên giá và nhiều đồng bạc khác sụt giá nên mới gay cản trở khác, có phải không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đúng như vậy. Chúng ta nên nhớ một quy luật chung là khi tiền của mình lên giá thì hàng hóa mình bán ra ngoài sẽ có giá cao hơn nên khó cạnh tranh hơn. Ngược lại, khi đồng tiền sụt giá thì hàng của mình rẻ hơn sẽ dễ bán hơn. – Hoàn cảnh trái chiều hiện nay là kinh tế Mỹ tạm hồi phục so với các nền kinh tế Âu, Nhật, Tầu thì đô la lên giá và gây vấn đề cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trái lại, vì sản xuất bị trì trệ hoặc suy trầm thì nhiều nước ráo riết bơm tiền kích thích làm tiền nhiều và rẻ sẽ đánh sụt tỷ giá đồng bạc và mặc nhiên giúp cho xuất khẩu. Khi các nước ngoài Hoa Kỳ đều ráo riết hạ lãi suất rồi bơm tiền như vậy thì ta có nạn thi đua phá giá trong tinh thần tranh thủ quyền lợi riêng mà bất kể đến hậu quả cho nước khác. Đấy là trận chiến ngoại tệ vì nhiều nước mặc nhiên đẩy tỷ giá hay hối suất đồng bạc tới đáy để thoát hiểm và gây vấn đề cho thiên hạ.

Vũ Hoàng: Hiện tượng đó tác động thế nào đến tiến trình thương thảo hồ sơ TPP tại Hoa Kỳ?

Chúng ta nên nhớ một quy luật chung là khi tiền của mình lên giá thì hàng hóa mình bán ra ngoài sẽ có giá cao hơn nên khó cạnh tranh hơn. Ngược lại, khi đồng tiền sụt giá thì hàng của mình rẻ hơn sẽ dễ bán hơn – Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin tóm lược thảnh ba loại vấn đề để thính giả mường tượng ra trận đánh rắc rối trong chính trường và trên thị trường của nước Mỹ. Thứ nhất là thủ tục pháp lý để Đặc sứ Thương mại có thể đại diện Hành pháp mà rộng quyền thương thuyết với các nước cho đến khi hoàn tất thì xin Quốc hội biểu quyết để thông qua. Thứ hai là nội dung thương thuyết bao hàm nhiều quy định về thuế suất mậu dịch vốn phải thỏa mãn giới xuất cảng lẫn giới nhập hàng từ bên ngoài vào để chế biến ra thành phẩm cho thị trường Mỹ. Vấn đề thứ ba là tỷ giá đồng bạc cao hay thấp khiến hàng của mình đắt hay rẻ. Hai vấn đề sau này lại gây mâu thuẫn cho tiến trình đàm phán hiệp định TPP vì cột tay Đặc sứ Thương mại Hoa Kỳ. – Khi thương thuyết về quy chế xuất nhập khẩu thì ai cũng muốn hạ thuế suất và hạn ngạch để khuếch trương mậu dịch giữa các nước. Nhưng nếu nước A đồng ý giảm thuế nhập nội để hàng hóa của Mỹ bán cho dễ mà lại can thiệp vào thị trường ngoại hối để có tỷ giá đồng bạc thấp hơn và dễ bán hàng hơn thì có nghĩa là nước này nhường một bước về mâụ dịch mà lại lấn một bước về ngoại hối. Đấy là khung cảnh chung của trận đánh bên trong Hoa Kỳ hiện nay.

Vũ Hoàng: Một cách cụ thể thì trận đánh ấy thể hiện ra sao trong thực tế?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nói chung thì có hai phe lâm chiến tại Hoa Kỳ. – Một số dân biểu nghị sĩ, nghiệp đoàn và doanh nghiệp chế biến tại Mỹ thì đòi bao gồm vấn đề ngoại hối vào tiến trình đàm phán mậu dịch để tránh cái nạn tay này thì cho mà tay kia lấy lại. – Thí dụ như Nhật hạ hàng rào quan thuế để hàng Mỹ dễ bán tại Nhật, mà Ngân hàng Trung ương Nhật lại bơm tiền ra và mặc nhiên can thiệp vào thị trường ngoại hối để có đồng bạc rẻ hơn và dễ bán hàng Nhật cho thị trường Hoa Kỳ. Họ gọi đó là nạn cạnh tranh bất chính bằng ngoại tệ rẻ. Các doanh nghiệp xe hơi Mỹ đều ủng hộ việc này. Họ đang vận động không cho tái tục thủ tục thương thuyết nhanh và dọa là sẽ chống hiệp định TPP nếu không có điều khoản trừng phạt nạn lũng đoạn ngoại hối. Tất nhiên là nếu lại có điều khoản ấy thì các đối tác kia lại không chịu.

Nếu nước A đồng ý giảm thuế nhập nội để hàng hóa của Mỹ bán cho dễ mà lại can thiệp vào thị trường ngoại hối để có tỷ giá đồng bạc thấp hơn và dễ bán hàng hơn thì có nghĩa là nước này nhường một bước về mâụ dịch mà lại lấn một bước về ngoại hối – Nguyễn-Xuân Nghĩa

– Ngược lại, Hành pháp Obama và các tập đoàn đa quốc của Hoa Kỳ có hàng hoá và dịch vụ trên toàn cầu thì nêu ý kiến là phải tách biệt hai loại vấn đề này thì mới khai thông được ách tắc. Cụ thể là Đặc sứ Thương mại nên tập trung giải quyết những trở ngại về mậu dịch với các đối tác. Còn lại, nếu xứ nào can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc vi phạm cái tội gọi là lũng đoạn ngoại tệ thì vấn đề sẽ do Bộ Ngân khố điều tra và xử lý. Ngoài ra, Chính quyền Obama cũng chủ trương là sẽ nêu vấn đề ngoại hối đó trên các diễn đàn quốc tế như hội nghị G-20 hoặc qua cơ chế chuyên trách là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta biết rằng mấy năm về trước, Hoa Kỳ từng phàn nàn việc nhiều quốc gia đã có hành vi gọi là lũng đoạn ngoại hối, điển hình là Trung Quốc với chủ trương hạ giá đồng Nhân dân tệ để dễ bán hàng vào Mỹ. Ngày nay thì sự thể ra sao khi các nước đều ào ạt phá giá đồng bạc như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Từ nhiều năm qua, Chính quyền Obama hết nêu vấn đề lũng đoạn như vậy và cũng chẳng còn kết án Trung Quốc nữa dù Quốc hội có nhắc nhở hoài. Nhưng ngày nay, nạn chiến tranh ngoại tệ đã lan rộng và Quỹ IMF hay các diễn đàn quốc tế chưa đề ra biện pháp giải quyết, vốn dĩ là điều không dễ. Chính là chuyện ấy mới khiến nhiều phe phái tại Mỹ nhảy vào cuộc và đòi gài thêm biện pháp trừng phạt về ngoại hối vào nội dung đàm phán hiệp định TPP và nếu không được thì sẽ không cho tái tục đạo luật về thủ tục Fast Track. – Chúng ta cũng chẳng quên rằng phe cực tả trong đảng Dân Chủ vẫn còn khá mạnh và triệt để cột tay Hành pháp Dân Chủ với nhiều điều kiện về môi sinh, lao động và kinh doanh nên Hành pháp Obama rất khó xoay trở trước sức ép ở bên trong nội bộ. Nạn Mỹ kim lên giá quá mạnh càng chẳng giúp gì cho việc khai thông vì giới kinh tế tính ra là mỗi khi đô la tăng 1% so với các ngoại tệ mạnh khác thì kinh tế Mỹ có thể thiệt mất 35 tỷ đô la trong mấy năm sau.

Vũ Hoàng: Quả thật là ít ai ngờ việc Mỹ kim lên giá trong một trận chiến ngoại tệ lại có hậu quả sâu xa và gây nhiều trở ngại như vậy. Chúng ta có thể kết luận gì từ những trở ngại trên?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chính quyền Barack Obama mất khà năng lãnh đạo trong thực tế vì không giải thích nổi từ nội bộ Dân Chủ ra tới Quốc hội mối quan tâm của mình về cái vấn đề khá thiết thực cho nhiều người. Nếu giải thích được và chứng minh là sẽ tích cực giải quyết chuyện ngoại hối qua nhiều phương thức khác, kể cả một số biện pháp cụ thể từ Bộ Ngân khố, thì may ra giải tỏa được nhiều chướng ngại về pháp lý lẫn chính trị để thúc đẩy việc đàm phán hiệp ước TPP cho đến khi có kết quả. Ngày nay, sự lần lữa đó lại khiến hồ sơ TPP trở thành con tin trong một trận đánh nội bộ của nước Mỹ. Vì vậy, cái tiêu chí hoàn thành hồ sơ TPP trong năm nay có thể bị đẩy qua năm tới. Mà năm tới lại là một năm có Tổng tuyển cử nên chính trường Mỹ lại càng thêm sôi sục với nhiều vấn đề mới. – Nếu muốn khai thông hồ sơ và chứng tỏ khả năng lãnh đạo của nước Mỹ với các quốc gia khác thì Hành pháp Hoa Kỳ phải yêu cầu hai bộ Ngân khố và Thương mại lẫn Đặc sứ về Thương mại cùng thảo luận với nhau rồi gặp Chủ tịch các ủy ban liên hệ tại Thượng và Hạ viện để điều trần về từng biện pháp sẽ áp dụng. Mục đích là để chứng tỏ thứ nhất là sự quan tâm của Chính phủ, thứ hai là để thuyết phục về khả năng xử lý vấn đề. Khi đó, và với sự hỗ trợ của đảng Cộng Hoà, may ra Quốc hội sẽ đồng ý cho Tổng thống áp dụng quyền thương thảo nhanh gọn mà đạt một số kết quả đàm phán về hồ sơ TPP. Trong hiện tại và qua cách ứng xử với Quốc hội mới, người ta khó tin là Hành pháp Obama sẽ cố gắng được như vậy và chuyện TPP lại bị đình hoãn nữa.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này và xin kính chào tạm biệt.