‘Ba không’ của CSVN có đủ chống Trung Cộng?
Việt Nam đã và đang mua tàu ngầm từ Nga về để phòng vệ
Với chính sách „ba không“, Việt Nam cam kết là „không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác“. Đối với một quốc gia với vị trí chiến lược của Việt Nam, nằm bên lề của những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới, một vùng có sự chú ý của nhiều cường quốc, chính sách này có cái lý của nó cho mục đích giữ nền độc lập. Nhưng nếu quốc gia đó cùng lúc lại nằm bên vùng biển với nhiều tranh chấp lãnh thổ nhất hiện nay trên thế giới, với những đảo và vùng biển bị một cường quốc hung hăng đe dọa, liệu chính sách này có còn phù hợp nữa để giữ sự toàn vẹn lãnh thổ? Chỉ cần nhìn sơ vào thống kê sức lực quân sự của Việt Nam và so sánh với TC cũng như các nước khác trong vùng hiện tại đang có những tranh dành về lãnh thổ với TC cũng đủ để thấy rằng sự duy trì chính sách „ba không“ là một đường lối mà Việt Nam không thể đi tiếp trong tình huống này. Mặc dù là một quốc gia với lãnh thổ trải dài dọc vùng biển với diện tích hơn 3.600.000 cây số vuông, lực lượng hải quân Việt Nam cho đến nay không đóng một vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng.
Bảy hộ tống hạm
Hiện nay lực lượng chủ lực của hải quân CSVN với khả năng hoạt động trên đại dương bao gồm 7 chiếc hộ tống hạm. Trong đó có hai chiếc hộ tống hạm „Đinh Tiên Hoàng“ (HQ 011) và „Lý Thái Tổ“ (HQ 012) là những chiến hạm lớn nhất và tân tiến nhất của hải quân CSVN. Năm chiếc còn lại thuộc về hạng hộ tống hạm nhẹ hạng Petya III được đóng trong thập niên 70, giờ đây được xem là lỗi thời và không phải là đối thủ của những chiến hạm tối tân của TC.
Ngoài ra còn có 6 tuần duyên hạm nhỏ, có trang bị hỏa tiễn tối tân. Nhưng những tàu này lại không có khả năng hoạt động biệt lập lâu ngoài khơi. Ngoài ra từ đầu năm 2014 CSVN cũng có được hai chiếc tàu ngầm tối tân. Đó là chiếc „Hà Nội“ (HQ 182) và chiếc „TP Hồ Chí Minh“ (HQ 183). Với lực lượng hải quân như thế CSVN chỉ mạnh hơn Phi Luật Tân. Các nước trong vùng hiện đang có những tranh chấp lãnh thổ với TC như Đài Loan, Nam Hàn và Nhật đều có những lượng hải quân hùng hậu hơn nhiều. Sự yếu đuối trên biển cũng được phản ảnh trên bầu trời. Không quân CSVN hiện nay, theo như ước lượng của viện nghiên cứu International Institute for Strategic Studies (IISS) ở Anh Quốc, có khoảng 97 chiến đấu cơ bao gồm các loại MiG-21, Su-22, Su-24 và Su-30. Trong khi 24 chiếc Su-30 và 11 chiếc Su-24 mua từ năm 2004 được xem là cột trụ của lực lượng bảo vệ không phận, thì đa số máy bay còn lại thuộc vào loại MiG-21 và Su-22 đã quá lỗi thời và không biết bao nhiêu còn sử dụng được.
Để trả lời câu hỏi lực lượng không quân CSVN có đủ khả năng để bảo vệ đất nước và biển đảo hay không, chỉ cần so sánh: Đài Loan, với một diện tích chỉ bằng khoảng 1/9 của Việt Nam, lại có một lực lượng không quân gồm khoảng 400 chiếc chiến đấu cơ phản lực tối tân! Trong khi đó, lực lượng hải quân của TC được chia ra ba hạm đội, đó là hạm đội Bắc hải, hạm đội Đông hải và hạm đội Nam hải. Hạm đội Nam hải là lực lượng kiểm soát vùng Biển Đông, và là đối thủ trực tiếp của hải quân CSVN trong những cuộc xung đột trong quá khứ và tương lai. Theo tài liệu của bộ quốc phòng Mỹ năm 2014 thì lực lượng tác chiến của hạm đội này bao gồm 17 tàu ngầm, 8 khu trục hạm, 18 hộ tống hạm và 33 tuần duyên hạm. Một lực lượng vô địch trên Biển Đông, và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho lãnh hải Việt Nam với một căn cứ lớn ở Yalong phiá nam đảo Hải Nam. Ngoài ra trên đảo Hải Nam còn có hai sư đoàn không quân với khoảng 200 chiếc chiến đấu cơ tối tân đe doạ không phận trên biển của Việt Nam. Với sự chênh lệch quân lực như vậy, nếu CSVN duy trì cái gọi là chính sách „ba không“ thì sẽ không thể nào tránh khỏi sự mất mát biển đảo. Câu hỏi cũng đuợc đặt ra là CSVN sẽ làm gì nếu TC tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone) trên Biển Đông? Khi TC tuyên bố điều này đối với không phận trên các đảo đang tranh chấp với Nhật mà Nhật gọi là Senkaku và TC gọi là Diaoyu, Nhật và Mỹ lập tức phế bỏ điều đó và đã cho không quân đi tuần trong khu vực đó. Trước thái độ cứng rắn của hai nước đồng minh này, TC đã phải nhượng bộ và đã không kiên quyết thi hành những biện pháp đã đe dọa. Liệu CSVN cũng sẽ có đủ bản lãnh để phản ứng như thế không? Nhưng dù có đi nữa, có thể là không quân CSVN cũng không đủ khả năng để thực hiện một chiến dịch như Nhật đã làm. CSVN không thể đơn thân đối đầu với TC, nếu muốn bảo vệ lãnh thổ. CSVN phải chỉnh sửa chính sách „ba không“. Nhưng chỉnh sửa ra sao?
Hoa Kỳ đã rời Subic thì vào Cam Ranh làm gì?
Tham gia một liên minh quân sự để chống TC thì không nên vì đó sẽ là một khiêu khích đối với TC. Và cũng không có liên minh nào trong vùng để theo. Để cho nước khác – đó chỉ có thể là nước Mỹ thôi – đóng quân tại Việt Nam cũng không được vì cùng lý do. Và cũng chẳng có nước nào muốn đóng quân tại Việt Nam để bị rơi vào vai trò phải làm thần hộ mệnh cho CSVN để chọi với Bắc Kinh. Thêm nữa, Mỹ đã bỏ Subic Bay, vậy thì vào Cam Ranh để làm gì? Chỉ còn giải pháp là tựa vào một hoặc nhiều nước để giữ cân bằng với TC. Hiện nay trong vùng Đông Á Thái Bình Dương chỉ có hai cường quốc Việt Nam có thể đến để thực hiện chiến lược này, đó là Mỹ và Ấn Độ. Thái độ của Mỹ về Biển Đông hiện rất thuận lợi cho Việt Nam. Chính phủ Obama cũng đã lên tiếng hỗ trợ các quốc gia láng giềng của TC trong tranh chấp hải phận. Tháng Hai 2014, Mỹ đã chính thức phủ nhận tính cách hợp pháp của cái „bản đồ 9 đoạn“ khi Thứ trưởng ngoại giao Daniel Russel tuyên bố trước ủy ban ngoại vụ của quốc hội Mỹ rằng, sự khẳng định chủ quyền của TC trong Biển Đông là „không phù hợp với các điều luật quốc tế“. Chính phủ Mỹ bắt đầu lo âu vì xu hướng ngày càng bành trướng của TC. Những hành động của TC đã gây xôn xao tại các nước đồng minh của Mỹ và là một yếu tố gây ra rủi ro cho nền kinh tế của vùng châu Á Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ sẽ không bao chấp nhận để TC kiểm soát những tuyến đường hàng hải trên Biển Đông và để những mạch máu dẫn đến Nhật, Nam Hàn và ngay cả miền Tây nước Mỹ chạy qua hải phận TC. Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn trong sự tranh chấp lãnh hải này, thứ nhất là để ngăn ngừa một sự xung đột bạo lực, thứ nhì là để giữ uy tín của các đồng minh tại châu Á.
Phát triển thuận lợi
CSVN phải tận dụng điều này. Mối liên hệ Mỹ Việt đang phát triển thuận lợi. Ngoài sự bang giao về chính trị và kinh tế, những bước đầu tiến tới bình thường hóa quan hệ quân sự hai bên cũng đã được tiến hành. Hơn nữa, nếu bang giao tốt đẹp, CSVN có thể được cơ hội mua vũ khí tinh vi của Mỹ như tàu chiến hoặc máy bay. CSVN cũng phải liên kết nhiều hơn với các nước trong vùng như Ấn Độ, Nhật và Nam Hàn. Họ cũng lo ngại và bất bình với thái độ ngang ngược của TC. Nếu tạo được một sự thoả thuận với các nước ven Biển Đông về quyền sử dụng biển, thí dụ như theo hiệp ước UNCLOS, thì sự tranh chấp sẽ biến thành một sự phân chia trên căn bản pháp lý quốc tế.
Đó không phải là một điều bất lợi cho Việt Nam. Và nếu CSVN đạt được một sự bắt tay chặt chẽ với các nước trong vùng, đặc biệt là với Nhật và Nam Hàn, cả hai nước này đều nằm sát biển với TC và hiện đang có những tranh chấp về biển với TC, thì việc lấn ép ngang ngược sẽ khó khăn hơn cho Bắc Kinh vì TC có thể bị cô lập trên chính trường ngoại giao. Một liên minh như thế cũng có thể tạo áp lực cho Bắc Kinh phải ngồi vào bàn tròn đàm phán tìm giải pháp. Năm 2015 sẽ phải có một biến chuyển trong chính sách ngoại giao và an ninh của CSVN. Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam thường dèm pha quân đội và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng quân đội VNCH đã đổ máu để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nhà cầm quyền hiện tại chưa chứng minh cho dân tộc và lịch sử là họ xứng đáng để được đứng cùng hàng với Việt Nam Cộng Hòa trong vấn đề này.