Thánh chiến Hồi giáo thách thức Nhật Bản và Jordani

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thánh chiến Hồi giáo thách thức Nhật Bản và Jordani
Ngoại trưởng Nhật  Yasuhide Nakayama. – REUTERS/Muhammad Hameed
Theo RFI – Tú Anh
Liên kết  sinh mạng của một nhà báo Nhật bị bắt làm con tin  với  một nữ chiến binh khủng bố bị án tử hình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đặt Nhật Bản và Jordani vào thế tiến thoái lưỡng nan. Liên minh chống thánh chiến có thể bị chia rẽ  trước thế cờ hiểm hóc của một nhóm khủng bố có nhiều thành tích hung bạo.
Sau khi người bạn Hanura Yukawa bị hành quyết, sinh mạng của nhà báo Kenjo Goto hiện  như «chỉ mành treo chuông». Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đặt điều kiện trao đổi «tù nhân»:  đánh đổi mạng sống của con tin người Nhật với nữ chiến binh Al Qaida, Sajida al-Rishawi, người Irak, đang nằm trong một nhà tù ở Jordani, chờ ngày bị hành quyết. Theo AFP, thế cờ đổi chác này đang làm bối rối  cho Nhật Bản và Jordani, hai thành viên trong liên quân chống khủng bố do Hoa Kỳ điều hợp trong đó Tokyo đóng góp tài chính còn  không quân của Amman trực tiếp tham chiến . Theo giáo sư Koichi Oizumi, cuộn băng dài 3 phút của Nhà nước Hồi giáo loan tải ngày 26/01/2015 với thông điệp của con tin thứ hai chưa bị hành quyết  nhằm mục đích  làm lung lay tinh thần  chính phủ Nhật Bản. Cũng cùng chiều hướng này,  giáo sư Masanori Naito, một chuyên gia về đạo Hồi và Trung Đông  phân tích : Lời lẽ đe dọa lố bịch của đoạn băng này có thể phản ánh nhược điểm trong  phương thức  phối hợp quyết định của Nhà nước Hồi giáo nhưng trong trường hợp ngược lại, thì đây là một chiến lược được tính toán rất kỹ. Đúng như nhận định của hai chuyên gia độc lập, chính phủ Nhật, qua  phát ngôn viên Yoshihide Suga, cho biết «sinh mạng con người là quý giá nhất» và tuy không nhượng bộ khủng bố, chính phủ sẽ tham khảo với các bên liên hệ  mà  đứng đầu là Jordani vì Nhật «chỉ có thể nhờ cậy  thủ đô Amman mà thôi». Vấn đề là liệu Jordani có sẵn sàng giúp Nhật hay không? Tuy được Tokyo viện trợ tài chính nhưng  chính phủ Amman ở trong  tình huống tế nhị dù cho có muốn làm hài lòng Tokyo hoặc  chỉ vì lý do nhân đạo. Chuyên gia Pháp Robert Dujarric, giám đốc nghiên cứu Châu Á ở Tokyo cho rằng giải pháp của vấn đề còn tùy thuộc vào tầm mức quan trọng của thủ phạm gây khủng bố hiện đang nằm trong nhà giam. Cách nay 9 năm, một loạt vụ đánh bom phá hủy ba khách sạn tại thủ đô Amman giết chết 60 người và gây thương tích cho  hàng trăm nạn nhân khác. Thủ phạm  gây bạo lực  chính là  Al Qaida Irak, tiền thân của Nhà nước Hồi giáo. Một thành viên của tổ chức là  Sajida al-Rishawi,  bị bắt khi mang chất nổ chuẩn bị ra tay. Bị kết án tử hình năm 2006 nhưng Sajida al-Rishawi chưa bị hành hình. Giáo sư Masanori Naito thẩm định «nếu sức khỏe của nữ chiến binh này  suy yếu hay  tâm thần rối loạn thì có thể Jordani sẽ thả cô ta» để cứu mạng con tin người Nhật. Nếu tình trạng sức khỏe bình thường thì «không có hy vọng». Trên thực tế, vấn đề nhức nhối của Jordani không phải là Kenji Goto mà là viên phi công Jordani bị rơi máy bay trong phi vụ oanh kích và bị thánh chiến giam cầm từ tháng 12. Giới phân tích ở Amman cũng  có cùng quan điểm này với các đồng nghiệp Nhật Bản. Giải pháp lý tưởng nhất là Nhật và Jordani cùng đưa đề nghị với tổ chức thánh chiến, lấy hai đổi một,  để rồi đàm phán. Điều kiện  mới của Nhà nước Hồi giáo  trong chừng mực nào đó  gợi ý  kéo Jordani vào vai trò đối thoại trực tiếp với  phe thánh chiến. Thứ trưởng ngoại giao Nhật Yasuhide Nakayama đang có mặt tại thủ đô Jordani tuyên bố «hy vọng con tin Nhật và phi công Jordani cùng được trở về nhà». Nhưng vấn đề là liệu Jordani có chấp thuận yêu sách của Nhà nước Hồi giáo hay không ?  Bản thân Jordani cũng ở thế kẹt vì thả  thủ phạm khủng bố  Sajida al-Rishawi sẽ làm công luận Jordani phẫn nộ. Theo một chuyên gia chống  khủng bố của Nhật, Shiro Kawamoto, một trong những mục tiêu của tổ chức cờ đen này là gây chia rẽ hàng ngũ liên quân chống khủng bố. Dù muốn dù không, Tokyo cũng phải quan tâm đến ý kiến của Washington và không có nhiều lá chủ bài để thương lượng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dò hỏi bộ ngoại giao Nhật về chuyện «đàm phán» với Nhà nước Hồi giáo.