Điểm Báo Pháp – 27-1-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 27-1-2015

Alexis Tsipras tân thủ tướng Hy Lạp. Ảnh ngày 26/01/2015 – REUTERS/Yannis Behrakis

Sau cú sốc, châu Âu đối mặt với thách thức của Syriza

Theo RFI – Thu Hằng – 27-01-2015  16:07

Dù đã chuẩn bị tâm lý về chiến thắng của Đảng cực tả Syriza, nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu và các tổ chức tài chính không nghĩ tới tỷ lệ cao như vậy. Ngoài thủ tướng Anh David Cameron đã thẳng thắn đưa ra ý kiến rằng: “Bầu cử Hy Lạp làm tăng thêm lo lắng kinh tế tại châu Âu”, không một nhà lãnh đạo nào khác thể hiện sự bối rối của mình. Dưới tựa đề: «Sau cú sốc, châu Âu đối mặt với thách thức của Syriza», báo Le Monde đăng bài phân tích rõ ràng hơn.

Ngay tối chiến thắng, Alexis Tsipras đã thẳng thắn tuyên bố: « «Bộ Ba» là quá khứ», tuy nhiên vẫn giữ thái độ nhã nhặn khi muốn tìm ra một giải pháp mới có lợi cho các bên. Đồng thời, ông cũng công bố rằng: «Hy Lạp sẽ đưa ra những đề nghị và chương trình cải cách của chính mình mà không gây thâm hụt thêm ngân sách».

Trước những công bố trên, các nhà chính trị châu Âu cố gắng làm dịu tình hình để không gây thêm căng thẳng trên thị trường. Họ lần lượt đưa ra các tuyên bố nhã nhặn hơn, mang tính hợp tác và sẵn sàng đối thoại với Hy Lạp. Các cuộc thương thảo về khoản viện trợ cuối cùng, theo dự kiến là vào tháng 2 tới, có thể sẽ kéo dài hơn. Vì các đối tác của Hy Lạp sẵn sàng tạo điều kiện cho chính phủ mới có thời gian đi vào hoạt động.

Bài báo đặt câu hỏi liệu hai chính phủ xã hội-dân tộc trong khối, Pháp và Ý, có ủng hộ Hy Lạp trong cuộc thương thuyết sắp tới hay không. Thật vậy, từ vài tháng gần đây, hai nước này kêu gọi giảm bớt chính sách khắc khổ và ủng hộ tăng trưởng hơn nữa tại châu Âu. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, cả hai bên đều thận trọng không đưa ra ý kiến. Vì, nước Pháp cũng đang trong hoàn cảnh đáng ngại: nếu xóa nợ cho Hy Lạp sẽ có nguy cơ mất tới 47 tỉ euro cho tài chính công của nước này.

Cũng trên Le Monde, một bài báo khác đánh giá: «Chiến thắng của Alexis Tsipras là thất bại của bà Angela Merkel». Cùng với quyết định mua lại trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu và chiến sự leo thang tại Ukraina, đây là thất bại thứ ba chứng minh hạn chế trong chính sách ngoại giao của nước Đức.

Trước thế đang lên của đảng cực tả Hy Lạp, từ ba tuần nay, Berlin chơi hai chiêu: vừa đe dọa, vừa vuốt ve. Lời đe dọa là «tin tức rò rỉ» trên tờ Spiegel, trong số ra ngày 05/01, theo đó thủ tướng Đức cho rằng nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro thì cũng không phải là tai họa. Thế nhưng, tin tức này đã khiến đồng euro rớt giá và ảnh hưởng tới vị trí tài chính của châu Âu. Ngay sau đó, Ủy ban châu Âu đã khẳng định vị trí của Hy Lạp trong Liên hiệp. Đồng thời, tổng thống Pháp cũng cho rằng việc Hy Lạp rút khỏi Liên hiệp hay không là quyết định của người dân nước này. Từ đó tới nay, thủ tướng Đức liên tục nhắc lại rằng: «Chính sách của Liên hiệp nhằm mục đích để Hy Lạp vẫn là thành viên của khối đồng euro. Để đạt được điều đó, chúng ta luôn phải kết hợp hai việc: một mặt là nỗ lực, mặt khác là sự tương ái giữa các thành viên trong khối. Và nước Đức sẵn sàng cho việc này».

Trái với thất bại của Thủ tướng Đức, «François Hollande đang mơ thành trung gian tại châu Âu». Đây là nhận định trên tờ Libération. Vì tổng thống Pháp luôn ở vị trí người tìm thỏa hiệp giữa các bên trong khối mà không gây ảnh hưởng tới các quy tắc. Tờ báo cũng khẳng định rằng tổng thống Pháp và đảng Xã hội cho rằng thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ là đối trọng đối với bà Angela Merkel.

Ebola: Đến lúc WHO tính sổ

Quay sang một tin tức khác, tổ chức Y tế thế giới, bị chỉ trích chậm chạp trong việc xử lý nạn dịch Ebola, đã họp khẩn cấp tại Genève chủ nhật vừa qua, để rút bài học kinh nghiệm. Báo Le Monde phản ánh dưới tựa đề: «Ebola: Đến lúc tính sổ tại tổ chức Y tế thế giới»

Cho dù tổ chức Y tế thế giới huy động được 700 người tại tây Phi để đối đầu với nạn dịch, nhưng cơ quan này vẫn bị chỉ trích trên nhiều mặt: thiếu sự phối hợp đồng bộ ở các cấp trong khâu tổ chức, thiếu sót trong việc quản lý nhân lực, thiếu linh hoạt và khả năng phản xạ nhanh trước những tình huống khẩn cấp và cuối cùng là chậm trễ trong vấn đề trợ cấp.

Đối với tổng giám đốc của tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh Ebola buộc tổ chức phải khẩn cấp thay đổi trong ba lĩnh vực: tái xây dựng và củng cố việc chuẩn bị, cũng như phản ứng ở cấp quốc gia và quốc tế trước những vấn đề cấp bách, xem xét cách đưa những dược phẩm mới vào thị trường và tăng cường cách hoạt động của tổ chức Y tế thế giới khi có những vấn đề khẩn cấp.

Dịch bệnh Ebola hoành hành tại tây Phi đã được kiểm soát, song nó vẫn có thể quay trở lại vì trong vài tháng nữa sẽ là mùa mưa. Tuy nhiên, một bác sĩ của tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho rằng vẫn không thể kiểm soát được dịch bệnh này và phê phán sự thiếu trao đổi thông tin qua biên giới về những người đã tiếp xúc với người bệnh, và thiếu những biện pháp để tìm những ca phát bệnh.

Hiện nay, vẫn còn năm trường hợp nhiễm Ebola tại Liberia, trong đó có ba ca ở thủ đô Monrovia. Theo bản tổng kết dịch bệnh Ebola, có ít nhất 9000 người chết tại ba nước tây Phi.

Bản đồ những rủi ro mới

Hãng bảo hiểm tài chính Coface (Pháp) đã công bố bản đánh giá hàng năm «các nước rủi ro». Nếu như các nước đang phát triển như Trung Quốc, Nga và Brazil bị thụt lùi, thì một số nước khác, như Việt Nam, lại được nâng giá. Tờ Le Monde phân tích trong bài: «Bản đồ những rủi ro mới» trong chuyên mục «Hồ sơ».

Sở dĩ Việt Nam được xếp vào hạng triển vọng tích cực là nhờ vào tăng trưởng cao và giảm thiểu rủi ro nợ công. Cùng với Sri Lanka, Việt Nam trở thành những nước đang phát triển mới tại châu Á.

Dù tăng trưởng mạnh từ 10 năm trở lại đây, từ lâu Việt Nam vẫn chịu một số mất cân bằng quan trọng, như: lạm phát cao dẫn tới việc hạ giá thường xuyên đồng tiền (có tới 6 lần từ năm 2008 tới 2011). Việc này gây ra áp lực lạm phát. Nhưng dường như Việt Nam đang thoát dần khỏi vòng tròn luẩn quẩn này. Từ 3 năm nay, không còn việc tiền «đồng» mất giá. Lạm phát từ 9,1% vào năm 2012 xuống còn 5,2% vào năm 2014. Đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng tăng. Việt Nam cũng trở thành cơ sở sản xuất cho ngành điện tử Hàn Quốc. Triển vọng tăng trưởng rất tốt.

Tuy nhiên, dù được liệt vào các nước có triển vọng tích cực, song Việt Nam vẫn bị xếp vào hạng C, có nghĩa là nguy cơ cao, do nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới nạn tham nhũng, bấp bênh trong lĩnh vực ngân hàng, thiếu hiện đại hóa trong các doanh nghiệp nhà nước và rủi ro nợ công vẫn còn cao, chiếm khoảng 57,1% GDP của đất nước.

Trung Cộng (TC) trở thành thị trường Iphone lớn nhất

Nhìn sang TC, hai tờ Libération và Les Echos quan tâm tới việc TC trở thành nước tiêu thụ điện thoại Iphone lớn nhất thế giới.

Tờ Libération cho biết 36% điện thoại Iphone của hãng Apple được bán tại TC, trong đó 24% được bán tại Mỹ. Còn theo tờ Les Echos, sau Mỹ và châu Âu, TC là thị trường quan trọng thứ 3 của Apple. Kỷ lục có được này là nhờ hợp đồng được ký vào cuối năm 2013 giữa hãng Quả táo của Mỹ và China Mobile, nhà cung cấp viễn thông lớn nhất nước này với khoảng 750 triệu thuê bao. Trước đó, Apple có mặt tại thị trường TC thông qua hai hãng nhỏ là China Telecom và China Unicom.

Nhờ hai loại Iphone 6 và Iphone 6+, Apple chinh phục thêm được khách hàng ở TC luôn ưa chuộng loại điện thoại thông minh có màn hình rộng. Dù lọt vào top 10 nhà bán điện thoại nhiều nhất TC, thị phần của Apple vẫn còn thua các nhà sản xuất TC vàNam Hàn với giá cả cạnh tranh hơn.

Ly hôn tại Pháp: con cái sống giữa hai mái nhà

Theo một bản báo cáo của Bộ Tư pháp của Pháp, khoảng 1/5 trẻ có bố mẹ ly hôn sống lần lượt tại nhà của bố và của mẹ. Đây là chủ đề được báo La Croix đề cập tới trong số ngày hôm nay.

Trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2012, quyết định của tòa án thiên về giải pháp con cái lần lượt sống tại nhà của bố và của mẹ đã tăng gấp hai lần. Trong 69% trường hợp ly hôn, nơi ở của mẹ được tòa án tuyên bố là nơi ở chính cho con. Quyết định này cũng thường được áp dụng trong trường hợp trẻ ở độ tuổi từ 6-10 tuổi (chiếm 21% trường hợp ly hôn) và giảm xuống còn khoảng 15% tại độ tuổi từ 15-17. Vì với một trẻ vị thành niên, cuộc sống tại hai nơi gây khó khăn cho các em. Cũng ở độ tuổi này, các em thường chọn sống chính tại nhà của bố và chỉ gặp mẹ vào cuối tuần hay trong các kì nghỉ.

Song song với hiện tượng con cái lần lượt sống tại nhà của bố và của mẹ, bản báo cáo cũng cho biết số lượng tiền trợ cấp nuôi con cũng giảm xuống, chỉ chiếm 65% các trường hợp ly hôn, so với 70% vào năm 2003. Vì khi con sống tại nhà, bố hoặc mẹ đã chịu mọi chi phí cho con của mình.

Trang nhất các nhật báo

Thời sự Pháp vẫn xoay xung quanh vụ kiện Bettencourt, cùng với các thông tin văn hóa liên quan tới tuần thời trang quốc tế đang diễn ra tại Pháp. Kỷ niệm 70 năm giải phóng trại Auschwitz cũng được các báo đề cập tới. Đây cũng là chủ đề đặc biệt trên phụ trang của L’Humanité và Libération.

Hậu chiến thắng của Đảng Syriza tại Hy Lạp, đặc biệt là các câu hỏi xoay quanh số phận món nợ của Hy Lạp với các tổ chức tài chính quốc tế vẫn là chủ đề chính trên mặt báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Le Monde đánh giá: «Syriza, lời cảnh báo của Hy Lạp với châu Âu». Còn tờ Les Echos khẳng định rằng: «Châu Âu thách thức tính không nhân nhượng của Hy Lạp». Hai tờ Le Figaro và Libération nghi ngờ liệu châu Âu có bị rơi vào bẫy món nợ Hy Lạp? Riêng tờ L’Humanité mơ xa hơn khi đặt câu hỏi trên trang nhất: «Với người Hy Lạp, làm thế nào để giải phóng châu Âu?».