Điểm Báo Pháp – 24-1-2015
Abu Abd Al Rahman (phải): các nhóm thánh chiến tuyên ttruyền qua internet để tuyển binh từ khắp nơi – Reuters
Theo RFI – Lê Vy – 24-01-2015
Chiến tranh trên mạng chống thánh chiến
Trên các tuần báo, mối lo âu về nạn khủng bố nhân danh thánh chiến lan tràn vẫn chiếm khá nhiều trang, trong đó có bài viết khá hấp dẫn trên tờ L’Express đề tựa: «Chiến tranh trên mạng chống lại thánh chiến». Theo tạp chí này, các phe thánh chiến thường dùng mạng internet để tuyên truyền và tuyển mộ các chiến binh từ khắp nơi trên thế giới.
Nhằm phòng ngừa các hành vi khủng bố và ngăn chặn các lời tuyên truyền của các nhóm thánh chiến, chính phủ Pháp đã thắt chặt các biện pháp an ninh trên mạng để đối phó với làn sóng này. L’Express tường thuật, sau khi xảy ra loạt khủng bố tại Paris, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều câu như: «Tôi là Kouachi» hay «Tôi là Coulibaly» để ủng hộ các tác giả của vụ khủng bố đẫm máu.
Một số thành viên của các trang này còn để hình đại diện là hình của những tên khủng bố và kết bạn với những chiến binh Tây phương sang Syria hay những người ghi là «làm việc cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo». Nhóm djihad còn dùng mạng lưới internet để đe dọa các nước phương Tây.
Internet: Không thể nào kiểm soát được hết
L’Express đặt câu hỏi: vậy làm thế nào để trả đũa? Làm thế nào để hạn chế các lời tuyên truyền đầy thù hận? Để một nội dung bị xóa khỏi mạng xã hội hoặc khỏi các công cụ tìm kiếm thì cư dân mạng hoặc chính quyền các quốc gia có liên quan phải báo đó là những thông điệp không muốn nhận. Tuy nhiên, để giám sát kỹ các trang mạng trên đòi hỏi nhiều phương tiện quan trọng. Hơn nữa, ông Vincent Lemoine, chuyên gia về tội phạm mạng lấy làm tiếc là «ngành cảnh sát và vệ binh lại không đào tạo đủ nhân sự có tay nghề cao để có thể kiểm soát khâu này».
Tạp chí nhận định, hiệu quả của khâu cảnh giác cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì, chẳng ai ngăn cản được các cư dân mạng thánh chiến trao đổi hình, vidéo, bài viết với nhau thông qua công cụ mang tên Pastepin. Một số không ngần ngại đăng ký sử dụng với một tên gọi khác, đó là chưa kể đến những mạng xã hội thay thế khác như trang Diaspora hay trang chia sẻ video của Nga RuTube.
Để tránh mối nguy và để phản ứng nhanh chóng trước các trao đổi giữa các thành viên thánh chiến trên mạng, Hoa Kỳ đã thiết lập một loạt các biện pháp kiểm duyệt. Đó là chương trình Prism, mà cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden đã cài trên mạng. Các nhà quản trị mạng sẽ làm cho một số nội dung ẩn, nếu như người sử dụng không có chìa khóa để đọc. Tuy nhiên, động thái này cũng bị các quốc gia chỉ trích. Thủ tướng Anh David Cameron vừa yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama gây áp lực lên các trang mạng, buộc họ phải đăng tải hết các nội dung trao đổi. Pháp cũng có cùng mối lo như Anh.
Hiện nay, một vị thẩm phán Pháp có thể yêu cầu các công ty có liên quan cho biết danh tính của người dùng tài khoản Outlook, Gmail, Facebook, Twitter… Một nhân viên công vụ cho biết, trong tương lai, có lẽ chính phủ Pháp sẽ phải mở rộng phạm vi nghe lén sang những người thân cận của nghi can như gia đình, bạn bè…Bộ trưởng Nội vụ có thể sẽ ký một hiến chương với các nhà quản trị mạng để họ điều tiết các nội dung đăng tải trên mạng. Một đạo luật đã được thong qua vào năm 2014 cho phép phạt hành vi tuyên truyền khủng bố bằng cách chặn các trang web này, mà thẩm phán cũng không được can thiệp.
Liên minh chống tổ chức nhà nước Hồi giáo ủng hộ Irak
Trên phương diện quân sự, đại diện 21 quốc gia đã họp tại Luân Đôn khẳng định đã chặn bước tiến của quân thánh chiến. Đồng thời, liên minh quốc tế chống thánh chiến cho biết ủng hộ Irak tiêu diệt IS. Đó là nội dung bài viết trên tờ Le Monde.
Theo Le Monde, cuộc họp quy tụ các nước phương Tây và Ả Rập: Hoa Kỳ Canada, các nước Châu Âu, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh kèm với một thông điệp duy nhất và rõ ràng : đó là phải cắt nguồn tài chính của tổ chức IS và không cho tổ chức này chiêu mộ thêm các chiến binh nước ngoài.
Các vụ khủng bố tại Paris nhắc nhở cần phải chiến đấu tiêu diệt quân thánh chiến, theo lời phát biểu mở đầu của Ngoại trưởng Anh Philip Hamond. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói thêm: «Đây không chỉ là vấn đề thắng được Tổ chức IS mà còn phải thắng được cả lý tưởng của họ». Về phía Irak, Thủ tướng Haïder Al-Abadi kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhiều hơn về quân sự để chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ hứa sẽ sớm giao một lượng lớn súng M16 cho Irak để thay thế cho AK47. Cuối cùng, Ngoại trưởng Anh cho biết sẽ triển khai các phương tiện mới nhằm chặn dân Châu Âu gia nhập đội ngũ thánh chiến bằng cách thu thập dữ liệu về danh tính của hành khách đường hàng không.
Quân đội Thái Lan trừng phạt phe Thaksin
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp, duy chỉ có tờ Le Figaro quan tâm đến Thái Lan qua bài viết: «Tập đoàn quân sự trừng phạt cựu Thủ tướng, phe Thaksin». Theo tờ báo, bà Yinluck, em gái ông Thaksin đang sống lưu vong bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm và có nguy cơ lãnh án 10 năm tù vì liên quan đến tham nhũng.
Ambika Ahuja, chuyên gia phân tích thuộc văn phòng tư vấn Mỹ Eurasia Group nhận định, «hành động trên của tập đoàn quân sự ngăn cản quá trình hòa giải chính trị về lâu dài và phá ngầm mọi nỗ lực của quân đội nhằm duy trì ổn định chính trị». Thitinan Pongsudhirak, giáo sư đại học Chulalongkorn tiên đoán với Le Figaro rằng: «Ông Thaksin sẽ im lặng và chờ sơ hở, sai lầm của tướng Prayut». Tướng Prayut đã thay bộ quân phục bằng bộ veste của vị thủ tướng, với mục tiêu là hòa giải và thúc đẩy kinh tế. Từ khi lên nắm quyền, ông Prayut đã học cách cười, nhưng vẫn cấm mọi tiếng nói chỉ trích, dựa vào thiết quân luật.
Dân Nhật và Philippines ghiền karaoke
Chuyên mục giới thiệu các chương trình truyền hình trên báo Le Monde quan tâm đến bộ phim tài liệu của Thomas Cazals sẽ được chiếu tối nay trên kênh Arte nói về phong trào hát karaoke được xem như một ”tôn giáo thực sự tại Philippines và Nhật Bản.
Karaoke ngày nay trở thành một phương thức sống và một nền công nghiệp rất sáng giá tại Nhật: 4 tỷ euro là doanh thu hàng năm với 40 triệu khách sử dụng. Theo Le Monde, hát chính là lúc để vui đùa, để thư giản, giải tỏa áp lực và stress trong công việc. Trên bàn ăn kèm với một chai bia, một ca khúc có thể nối kết quan hệ giữa các nhân viên và giúp giải tỏa lời nói. Karaoke không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là phương tiện để tự trình diễn trên sân khấu và chứng tỏ mình.
Bộ phim tài liệu cũng nhìn lại lịch sử ra đời của karaoke, một bộ máy mà khiến cho không ít thế hệ trẻ ngày nay cứ tưởng mình là ngôi sao nhạc pop. Từ năm 2003, hàng năm lại diễn ra cuộc thi vô địch thế giới hát karaoke. Ước mơ của những người chiến thắng là cho ra đời một đĩa nhạc giống Celine Dion, Freddy Mercury hay các thần tượng của họ.
Ngoài ra, karaoke còn giúp cho hàng triệu người nghèo Philippines quên đi cảnh thống khổ. Người dân nước này ghiền karaoke đến mức có ý kíen cho rằng : Philippines có nhiều quán bar karaoke hơn là nhà vệ sinh. Karaoke không chỉ dừng lại ở việc hát các ca khúc nổi tiếng. Từ nhiều năm nay, người ta còn có thể nhại lại những bản phát biểu chính trị, được gọi là «politaoké».
Trang nhất các nhật báo
Hai thời sự quốc tế chiếm phần lớn các trang báo Pháp ngày cuối tuần (24/01/2014) là cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Hy Lạp sẽ diễn ra vào ngày mai, với kết quả thăm dò nghiêng về đảng cánh tả cực đoan Syriza và sự kiện vua Abdallah của Ả Rập Xê út từ trần vào sáng sớm hôm qua, kèm với những nhận định về quá trình trị vì của Ngài và những sứ mạng của người kế nhiệm. Trang nhất Le Monde chạy tựa: «Châu Âu chuẩn bị đón nhận chiến thắng của đảng Syriza» và «Ả Rập Xê út: sự kế vị Abdallah khá khó khăn».
Trang nhất Libération cũng ưu ái Hy Lạp với màu cờ đỏ chói, biểu tượng của cánh cực tả với dòng tựa: «Thời điểm của Syriza». Trang bên trong tờ báo đăng bài: «Tại Pháp cánh tả của đảng xã hội (PS) tập họp phía sau Tsípras», trong đó có các chính khách như Jean-Luc Mélenchon, Cécile Duflot, những nhân vật vốn bất mãn với đường lối của Tổng thống Hollande.
Nhật báo Le Figaro nhận định: «Ả Rập Xê út: những thách thức của tân vương Salman». Về thời sự nước Pháp, Le Figaro quan tâm đến chính sách đa dạng hóa dân cư của Thủ tướng Manuel Valls, nhằm chống lại những phân biệt về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo. Lãnh đạo chính phủ muốn nhiều thành phần xã hội khác nhau cùng chung sống trong các khu phố, một ý tưởng mà bị cả cánh tả lẫn cánh hữu công kích.