Tập Cận Bình đến Tòa Bạch Ốc – Phạm Đức Duy
Đương kim Phó Chủ Tịch Trung Cộng (TC) Tập Cận Bình (Xi Jinping), người sẽ thay thế Hồ Cầm Đào nhiệm kỳ tới, vừa mới công du Hoa Kỳ và gặp gỡ Tổng Thống Obama cùng các nhân vật lãnh đạo cao cấp khác mấy ngày qua.
Chuyến công du 5 ngày bắt đầu từ hôm 13/2 của Tập được xem như là một chuẩn bị cho chính mình trước khi tiếp nhận quyền lực từ họ Hồ vào cuối năm nay và tạo cơ hội để ông ta có thể thăm dò những chính sách mới. Đối với giới chức Mỹ, đây là dịp để họ có thể tìm hiểu và đo lường thêm về người sẽ lãnh đạo quốc gia đông dân nhất trên thế giới mà họ sẽ phải sớm đương đầu với.
Ai cũng biết quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian gần đây không có gì nồng ấm lắm, mà nhiều khi còn trở nên căng thẳng. Những bất đồng quan điểm về sự công bằng trong giao thương kinh tế, thao tác tiền tệ bằng tỷ giá hối đoái, bảo vệ sở hữu trí tuệ, những vi phạm các quy định của WTO, sự thiếu hợp tác về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như an ninh mạng (cyber security), chuyện “G-2” bất thành, từ quan hệ với Đài Loan, vũ khí hạt nhân với Bắc Hàn, Iran cho tới việc trừng phạt Syria gần đây, về tranh cãi lãnh hải và bản đồ lưỡi bò tại biển Đông, chính sách ở châu Á và vùng Thái Bình Dương, về tình trạng nhân quyền và nhất là sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau chắc chắn sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều mặc dù Tòa Bạch Ốc ngẫu nhiên đón tiếp phái đoàn Tập Cận Bình đúng vào ngày lễ Valentine’s 14/2 và Ngũ Giác Đài cố tình chào đón họ Tập bằng một đại lệ long trọng hy hữu với 19 phát đại bác!
Lần gặp gỡ này là một cơ hội tốt để giới lãnh đạo Hoa Kỳ đánh giá xem họ Tập có phải là một nhà lãnh đạo mới của TC mà họ “có thể làm việc với” (someone we can work with) trong tương lai. Hoa Thịnh Đốn mong muốn Tập là đại diện cho một mẫu người lãnh đạo mới, có tính quốc tế và cởi mở hơn so với người tiền nhiệm và cùng chia sẻ nhiều hơn nữa những giá trị và quy tắc của Hoa Kỳ và phương Tây. Tại buổi State of the Union vừa qua, TT Obama đã bày tỏ sự thất vọng đối với Bắc Kinh trong thời gian qua về các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và chính sách kinh tế bảo hộ (China’s economic protectionism). Hoa Kỳ mong muốn TC là một trong những quốc gia, cùng với Hoa Kỳ, có trách nhiệm trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu. Mới khoảng 5, 6 năm trước đây, kinh tế TC còn được xem là ít quan trọng hơn Liên Minh Âu Châu và Nhật Bản. Nhưng bây giờ, TC đang trên đà trở thành một cường quốc kinh tế. Các chính sách của TC về tiền tệ, thương mãi, thuế má, công nghiệp, môi trường và năng lượng có thể tạo những tác động lớn đến nền kinh tế Hoa Kỳ và của thế giới. Đây là những điểm quan trọng đối với Hoa Thịnh Đốn.
Về phía TC, Tập Cận Bình có hai nhóm khán giả cần phải làm hài lòng. Tại Hoa Kỳ, họ Tập cần gầy dựng một mối quan hệ tốt đẹp và tạo niềm tin với Hoa Thịnh Đốn cũng như hóa giải những ác cảm của dư luận Mỹ đối với Bắc Kinh. Quan trọng hơn, đối với trong nước, đây là dịp họ Tập chứng minh rằng mình có thể xứng đáng đại diện cho quốc gia, được Hoa Kỳ tôn trọng, hành xử như một chính khách lãnh đạo khôn ngoan, có thể bảo vệ và tranh giành được những quyền lợi cho TC. Sự thành công của chuyến công du này giúp Tập Cận Bình củng cố thêm quyền lực và vốn liếng chính trị của mình.
Tập Cận Bình năm nay 58 tuổi, sinh quán Bắc Kinh, nguyên quán Thiểm Tây, là một trong những nhà chính trị hàng đầu tại TC. Những năm gần đây, Tập là một trong những đảng viên lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tập hiện là Chủ Tịch Trường Đảng Trung Ương từ năm 2007, Phó Chủ Tịch Nước từ tháng 3 năm 2008, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương từ tháng 10 năm 2010, và là nhân vật xếp hạng 6 trong Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị, cơ quan có thực quyền nhất trong guồng máy cai trị tại TC. Tám đảng viên khác trong Ủy Ban này xếp theo thứ tự là 1 Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), 2 Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo), 3 Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao), 4 Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), 5 Lý Trường Xuân (Li Changchun), 7 Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 8 Hạ
Quốc Cường (He Guoqiang) và 9 Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang).
Tập Cận Bình, thuộc nhóm hậu duệ của các đảng viên nổi bật ngày trước và có ảnh hưởng lớn, còn hay được gọi tắt là phe “thái tử đảng” (princelings), là con trai của cựu cán bộ cộng sản lão thành Tập Trọng Huấn (Xi Zhongxun), một trong những phụ tá tín cẩn của Mao Trạch Đông ngày trước, bị thất sủng và tù tội thời Cách Mạng Văn Hóa. Họ Tập tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại đại học Thanh Hoa (Tsinghua) ở Bắc Kinh. Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ tỉnh Phúc Kiến, Tập từng là Bí Thư Đảng tỉnh Triết Giang và sau đó được nắm chức Bí Thư Đảng của Thượng Hải vào năm 2007 sau khi Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) bị sa thải. Tập kết hôn lần thứ hai vào năm 1987 với ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Viện (Peng Liyuan), hiện được phong chức tướng và làm trưởng đoàn ca múa nhạc quân đội. Người ta tiên đoán rằng, cũng là tài tử như Giang Thanh lúc trước, Bành Lệ Viện sẽ có ảnh hưởng mạnh đối với đời sống chính trị của Tập. Họ có một người con gái, tên Mingze, đang là sinh viên tại Đại học Harvard từ năm 2010 dưới một tên khác. Tập được biết đến nhiều qua lập trường cứng rắn của mình về tham nhũng và sự cởi mở thẳng thắn trong những cải cách về chính trị và về kinh tế thị trường, cũng như được các đồng sự coi là một người thực dụng, nghiêm túc, thận trọng và chăm chỉ. Tập ngày nay trở thành nhân vật hàng đầu mới trong thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Đảng Cộng Sản tại TC.
Tập Cận Bình dự đoán chắc chắn sẽ được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng vào đại hội thứ 18 năm 2012, sẽ trở thành Chủ Tịch nước năm 2013 và đến năm 2014 sẽ kiêm luôn chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung Ương và hoàn toàn thay thế Hồ Cẩm Đào làm lãnh tụ tối cao của TC. Thành phần lãnh đạo mới của TC nói chung và Tập Cận Bình nói riêng sẽ phải sớm đối đầu với nhiều khó khăn còn tồn đọng từ nhiệm kỳ của Hồ Cầm Đào điển hình như là xây dựng một xã hội hài hòa bớt chênh lệch giàu nghèo, hạn chế vấn nạn tham nhũng đang gia tăng, xoa dịu nỗi bất mãn của giới trung lưu, sửa đổi sự bất bình đẳng kinh tế giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, ổn định việc di trú của hơn 300 triệu người lao động tới các vùng đô thị, đối phó với giới trí thức bất đồng chính kiến đấu tranh dân chủ, cũng như cải thiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp với nhiều quốc gia trên thế giới và trong vùng. Những khó khăn trên như những ngọn lửa âm ỉ chỉ cần một vài luồng gió lớn có thể tạo những bất ổn bất ngờ cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, với chi phí về năng lượng, môi trường và nguồn lao động hiện ngày càng gia tăng, sự thay đổi trong phương thức tăng trưởng kinh tế – từ một mô hình phát triển từ trước tới giờ chỉ dựa vào sự tăng trưởng của xuất khẩu sang một mô hình khác tùy thuộc hơn vào những phát minh mới và sự tiêu dùng ngay từ trong nước – sẽ là một thách thức quan trọng hàng đầu mà Bắc Kinh cần phải tìm cách thi hành trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Đây là một sự chuyển hướng quan trọng về kinh tế và có thể kéo theo những thay đổi chính trị sâu sắc mà giới cầm quyền TC không muốn, nhưng đó là con đường duy nhất trước mặt.
Tuy nhiên, không như trong thời kỳ Mao Trạch Đông hoặc Đặng Tiểu Bình xưa kia, khi nhà lãnh đạo hàng đầu có quyền lực hầu như bao trùm các cá nhân khác, TC ngày nay là do một tập thể lãnh đạo. Khi trở thành Tổng Bí Thư, Tập Cận Bình, giống như Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào, chỉ là nguời đầu tiên trong những người đồng quyền (the first among the equals) và quyền lực sẽ bị giới hạn bởi những thành viên khác trong Ủy Ban Thường Vụ. Khó ai có thể đoán được từ bây giờ họ Tập sẽ thực sự làm được những điều gì cụ thể để giải quyết các tình huống kinh tế, chính trị và ngoại giao của TC trong tương lai. Có điều là khuynh hướng hy vọng rằng giới lãnh đạo TC có thể sẽ có những cải tổ toàn diện để đưa đất nước Trung Hoa vào đại lộ dân chủ và từ đó kéo theo sự sụp đổ của các đảng cộng sản độc tài chư hầu khác ở Bắc Hàn hoặc Việt Nam là việc khó trở thành hiện thực trong những năm tới. Nhưng mà, mấy ai học được chữ “ngờ” trong chính trị?
Đông bắc Hoa Kỳ, ngày 20 tháng 2, 2012