Ba Cuộc Hành Trình, Ba Giấc Mơ, Ba Thực Hiện – Phan Văn Song
Tản Mạn Đầu Xuân: Ba Cuộc Hành Trình, Ba Giấc Mơ, Ba Thực Hiện: 2014, Rosetta, 1492, Critofo Colombo và 1405, Zheng He.
Năm 2014 đã ra đi, với bao thiên tai bão lụt hỏa hoạn như hằng năm, với tang tóc tai nạn xe cộ thuyền bè như hằng năm, nhưng 2014 đặc biệt ba tai nạn máy bay đều quy vào một quốc gia. Giặc Hồi giáo cực đoan các năm trước cũng đã đặc biệt gây xáo trộn mất an ninh cho cả một vùng rồi, nhưng năm 2014 lại bùng dậy dữ dội hơn với Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tự xưng chiếm đóng cả một lãnh thổ. Trong khi khủng hoảng kinh tế tài chánh dai dẳng từ 2008 vẫn chưa dứt nọc ở Âu Châu, thì Vua độc tài xứ Nga Putin trả thù dân tộc, một mặt bành trướng bá quyền tìm đất mới, một mặt ra đòn chiến tranh dân tộc, hầu che dấu nền kinh tế quốc gia mình đang đi vào khủng hoảng. Con bệnh nan y quốc tế Aids, tuy chưa hẳn xóa sạch, nhưng nay cũng vừa được thế giới tìm ra giải pháp ngăn ngừa, thì bệnh dịch tả Ebola bùng phát ở Phi Châu giết hại hằng ngàn người và thế giới y học chưa tìm ra thuốc ngăn trị… Bảng tổng kết của 2014 thoáng nhìn thật tình rất đen tối!
Nhưng con người và thế giới loài người thật toàn sự mầu nhiệm. Sụp đổ, tàn phá, thiên tai, thiệt hại, chiến tranh, giết chóc, có đấy nhưng song song bên cạnh để sanh tồn và tiếp tục cuộc sống hằng ngày, con người lại sản xuất trăm vạn của cải hơn, chế biến trăm vạn kỹ thuật tiên tiến hơn. Máy bay càng ngày càng đi nhanh hơn, ít tiêu thgụ nhiên liệu hơn, chuyên chiở đông hơn, thông dụng hơn, kỹ thuật kỹ nghệ, kỹ thuật vi tính tinh xảo hơn … Đời sống sung túc hơn, cái nghèo, cái đói trên thế giới từ từ giảm bớt…
Và nếu cho phép chúng tôi lựa chọn trong tất cả cái hay cái đẹp của 2014. Chúng tôi lựa chọn chiếc tàu không gian Rosetta, với cuộc hành trình 20 năm để đến đáp trên một con sao chổi.
Hôm nay chúng ta đón Xuân 2015 trong một thế giới mới.
Trong cái hân hoan đón mùa Xuân mới, chúng tôi kính mời quý độc giả cùng chúng tôi đáp những những tàu đi tìm đất mới. Lịch sử loài người là một cuộc hành trình liên tục. Homo Sapiens-Con Người Hiểu Biết sanh ra từ -200 ngàn đến -100 ngàn năm trước Thiên Chúa, tại Phi Châu, vùng các Biển Hồ -les Grands Lacs. Bắt đầu những năm -50 ngàn trở đi, vì sanh tồn, vì dân quá đông mà đất đai quá chật hẹp đành phải bỏ nơi “chôn nhao cắt rốn” ra đi cầu thực. Tóc quăn tít để bớt mất nước dưới ánh mặt trời Phi Châu, da đen tuyền để bớt bị cháy, một nhóm từ những năm -50 ngàn, đến -12 ngàn, đi tới Âu Châu rồi tận Bắc Âu, mặt trời bớt gay gắt, bớt nóng, nên mầu tóc lạt dần, hết quăn, da trắng dần để hấp thụ ánh mặt trời…Một nhóm khác đi về phía Đông, về Á Châu len lỏi, lên Bắc xuống Nam, có nhóm vượt eo Bêring qua Châu Mỹ, có nhóm các eo vựợt Malacca , vượt đảo Timor, qua Úc Châu tất cả cũng trong suốt những năm từ -40 ngàn đến -8 000 trước Thiên Chúa. Nói tóm lại loài người đã chiếm toàn thể đất đai trên quả đất từ cả từ 50 ngàn đến 10 ngàn năm trước Thiên Chúa. Vóc dáng, hình dáng, da tóc mắt mủi cũng theo thời gian biến thể để hạp với thiên nhiên. Những cuộc hành trình tạo nên đất nước, con người, sắc tộc, dân tộc, văn hóa… Lịch sử cận đại của Việt Nam ta, với 3 ngàn năm sau cùng là lịch sử của 3 ngàn năm vừa giử nhà giử đất vừa hành trình Nam Tiến tìm đất mới xây nhà mới để sống.
1492, Cristofo Colombo tìm ra Châu Mỹ, mở một thế giới mới cho người Âu Châu đang sống khó khăn trên giải đất chật hẹp của Âu Châu. Mỹ Châu ngày nay vẫn còn tiếp tục làm Miền Đất Hứa cho mọi người dân trên thế giới.
Công đồng người Việt Hải ngoại chúng thành hình cũng do du hành. Cuộc hành trình người việt chúng ta năm 1975 là do một cuộc bắt buộc. Nhưng mỗi cuộc hành trình, “bỏ nơi chôn nhao cắt rún” để đi tìm đất mới tha hương cầu thực đều do “bắt buộc”, do nhu cầu kiếm sống cả. Và nơi đất mới, con người sẽ từ hình dáng, đến cơ thể, trí tuệ đều biến dạng phù hợp với thủy thổ đất đai nơi vùng đất mới. Người việt hải ngoại ngày nay, khác hẳn người việt trong nước là một đều tất yếu. Nhưng hãy xem đấy là một sự đóng góp giàu có cho lịch sử Việt Nam.
Bắt buộc bởi thời sự, người dân Việt Nam chúng ta không thể sống được dưới chế độ Cộng sản đã cưởng chiếm đất nước chúng ta sau ngảy 30 tháng tư năm 1975, nên chúng ta đành phải bỏ nước ra đi. Đã hai lần nạn nhơn nạn Cộng sản Bắc Việt, nhưng khác với năm 1954, lúc ấy, những người tỵ nạn trốn Cộng sản được thế giới bạn bè ngoại quốc giúp đở ra đi vào đất miền Nam của mình nhờ bà con mình giúp đở. Nhưng lần này chúng ta phải tự túc tổ chúc trốn chạy, tự túc ra đi Vượt Biên.
Biên giới Việt Nam là Biển Đông và như vậy chúng ta biến thành những thuyền nhơn. Vô hình chung, chúng ta những tỵ nạn Cộng sản hãnh diện được hưởng cái tên thuyền nhơn. Khi gặp người ngoại quốc, khỏi cần giới thiệu lòng thòng, chỉ cần dùng từ giới thiệu “boat people” là đủ cả một quá trình: “tôi là người gốc Việt Nam Quốc gia, nạn nhơn và tỵ nạn Cộng sản sống trên quê hương quý bạn”. Mặc dù, có kẻ đi vượt biên đường bộ, có người HO hay sum họp gia đình…nhưng từ “thuyền nhơn” hôi nghĩa đủ cả. “Thuyền nhơn” là căn cước của chúng ta, đồng biểu tượng với “cờ vàng quốc gia của Việt Nam Tự do”, và “quốc ca tự do Công dân Hành khúc”. Phải! Thuyền nhơn! Với một con thuyền, một cá nhơn con người dùng để đi tìm một thế gìới mới, một vũ trụ mới, một nhơn sanh quan mới. Dùng con thuyền để Vượt Biển, Vượt Trùng Dương, để đi tìm phiêu lưu, mạo hiểm, tìm đất mới, tìm con đường mới, tìm của cải mới, lương thực mới, nhơn sanh quan mới, một vũ trụ mới…
1492 Cristofo Colombo tìm đường đi Ấn độ qua ngõ Đại Tây Dương tìm ra Châu Mỹ. Và khiêm nhường hơn, năm1770, với James Cook đổ tàu vào Botany Bay vùng đất mang tên Tân Hòa Lan-New Holland. Ngày nay New Holland là Úc Châu-Australia.
Hành trình vượt biên giới quốc gia, vượt biển quốc gia đi tìm đất mới, nhưng hành trình cũng vượt biên giới của địa cầu, của trái đất để đi tìm vũ trụ mới. Tương lai, hội vận mới? đi đâu? đi về đâu? tương lai nhưng quá khứ cũng hỏi ta, con người từ đâu đến? do đâu mà có, tại sao con người? Tìm Quá khứ với Rosetta:
1/ Rosetta và cuộc hành trình dài 6 tỷ cây số để đi tìm nguồn gốc sự sống:
Chúng ta kết thúc năm 2014 với một thành công khoa học lớn, loài người trên con đường đi tìm nguồn gốc của sự sống, với những mẫu bụi nguồn gốc, nguyên thủy của cái thời Big Bang Khai Thiên Lập Địa của 13,7 Tỷ Năm trước, của cái thởi Nguyên Thủy trước Con người, trước cả Trái Đất, cái thời Mặt Trời tập tành Tạo Nên Trời Đất. Những mãnh bụi ấy sẽ tìm được trên sao chổi Tchouri ( tên gọi văn tắt và thân mật của sao chổi Tchourioumov-Guerassimenko, do tên của hai người quan sát vũ trụ đã phát hiện được sao này lập thành) mong rằng giải thích được một phần nào những vết tích của sự sống trên địa cầu và nguồn gốc con người. Riêng cuộc hành trình của phi thuyền Rosetta đã là phi thường rồi: 6 Tỷ cây số. Trong 10 năm trời du hành, phi thuyền tự động với sức nặng 3 tấn Rosetta đã nhiều lần quay đi quay về quanh những quỷ đạo của Trái Đất, của Sao Hỏa để “mượn sức – mượn trớn” để bay đến quỷ đạo Sao chổi Tchouri (để so sánh: Sao chổi – Trái Đất cách nhau 500 Triệu cây số và con đường du hành 6 Tỷ cây số ) và phóng rô-bô Philêa-100 kilô đáp xuống Sao chổi, bám vào đấy, và dùng những dụng cụ đo lường, phân tích để gởi những tài liệu về Trái Đất. Philéa là một thuyền nhơn gởi những dử kiện khao học về Trái Đất để loài người học thêm được những hiểu biết mới.
Vì vậy, với chúng tôi, năm 2014 là năm của Rosetta. Loài người chúng ta đã đi vào Vận hội mới.
Cũng như vào thế kỷ thứ 15, để đi tìm đất mới, để phát triển thương mãi, Châu Âu, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha đi tìm tương lai với:
2/ Thuyền Santa Maria, Cristofo Colombo và Châu Mỹ:
Nói đến Rosetta chinh phục vũ trụ, chúng ta chớ quên chiếc thuyền Santa Maris của Cristofo Colombo đã chinh phục Đại Tây Dương và tìm được Châu Mỹ. Người Âu châu gặp Châu Mỹ, thế giới có lương thực mới, giảm đói, nhờ bắp ngô, khoai tây, cà chua, gà tây,… cùng những thuốc lá, cao su, quinquina… tạo những kỹ nghệ nông nghiệp mới.
Năm 1492, ngày 12 tháng 10, chiếc Thuyền Đô Đốc của Hạm Trưởng Cristofo Colombo đã cặp đảo Guarahani của quần đảo San Salvador, vùng biển Caraïbean. Đó là Mỹ Châu – America do tên của nhà hàng hải Ý Amerigo Vespucci tạo thành.
Đó là nói chuyện phương Tây. Phương Đông cũng có nhiều cơ hội. Dân tộc Trung Hoa có nhiều sáng kiến, la bàn, bánh lái gắn giửa đuôi thuyền, thân thuyền có khoang ngăn cách và kín nước… dân tộc Tàu có đủ kỹ thuật để có một kỹ nghệ hàng hải lớn. Nhưng tại sao không có một văn hóa hàng hải, một kỹ thuật hàng hải lớn?
3/ Hạm Đội Trịnh Huề – Zheng He
Trung Hoa, 11 tháng 7 năm 1405, một hạm đội khổng lồ rời cảng Changzhu, ngay cửa sông Yang-Tsé – Dương Tử và thẳng tiến ra Thái Bình Dường để trực chỉ qua Ấn độ Dương. Chưa bao giờ trong lịch sử Tàu có một hạm đội to lớn như vậy! Hạm đội, lực lượng hải quân ấy, với tên là Hạm đội Báu Vật (La Flotte aux Trésors) là giấc mơ của Yong Lo, Hoàng đế thứ ba của Triều đại Nhà Minh. Yang Lo muốn cả thế giới biết đến hào quang và sức mạnh của «Thiên Tử» Tàu, và sẽ dùng Hạm đội Báu Vật để biểu dương lực lượng mình. Và đây là một cuộc phiêu lưu chưa từng có đã được diển ra vào đầu thế kỷ thứ 15, trước cả cuộc phiêu lưu của Cristofo Colombo tìm ra Châu Mỹ.
Ngày 11 tháng 7 năm 1405, ba trăm chiến thuyến đang tiến ra cửa biển, trong tiếng tụng kinh của các nhà thiên văn học, các nhà sư, các nhà địa lý, hoà cùng tiếng trống, tiếng phèn trong không khí ngột ngạt của trầm hương, nhang đèn để tiển đưa cuộc ra quân của Hạm đội Báu Vật. 27 ngàn người, gồm thủy thủ, bác học, thiên văn, địa lý, y sĩ, luật gia, thông ngôn biết nhiều ngoại ngữ khác nhau, có cả các nhà văn, các nhà thơ để đối chiếu văn chương và thi tài cùng các văn nhơn các thế giới sẽ phải gặp. Vì Hoàng đế Yong Lo muốn đây là một cuộc hành trình ôn hòa, đi tìm trao đổi văn hóa thế giới, để biểu dương sức mạnh văn hóa Trung hoa, văn minh Hán. Và có thể hơn nữa. Để biểu dương hào quang ánh sáng của văn minh Hán, của Nhà Minh, đem theo nhiều của cải, báu vật để làm tặng vật, biếu không, rộng lượng, vừa biểu diển, vừa khoe của, nghĩ rằng tiền của, ca-đô sẽ mua chuộc được các bá quan vua chúa các quốc gia thế giới.
Thật là dưới ánh mặt trời chả có gì xa lạ: phương thức Viện trợ Mỹ, USAID, phương Tàu chiến ghé cảng, Tàu Nhà thương ghé cảng chửa bệnh, hay các NGO các cơ quan xã hội các nước tiên tiến đến làm từ thiện các quốc gia nghèo.
Dẫn đầu Hạm đội, Chiến-Thuyền Đô-Đốc của Hạm Trưởng (le Vaisseau Amiral) Trịnh Huề – Zheng He, hai mạn thuyền chạm trổ hoa hòe rực rở, một đầu rồng sơn son thếp vàng với cặp mắt mở rộng trước mủi tàu, để đuổi tà ma chướng khí cản đường. Thân thuyền dài 140 mét (thước tây), mình rộng 58 mét – 5 đến 6 lần lớn hơn chiếc Santa Maria, chiến thuyền đô đốc của hạm trường Cristofo Colombo, sức nặng trên nước 1500 thùng (jauge 1500 tonneaux) – để so sánh chiếc Santa Maria chỉ có 100 thùng thôi.
Chiếc thuyền này là chiếc thuyên lớn nhứt đóng bằng gỗ, duy nhứt trong lịch sử đóng thuyền thế giới.
Chưa bao giờ từng có trong lịch sử thế giới, cả Âu lẫn Á. Thuyền có 9 cột buồm, một khoảng ánh mặt trời bị che lấp, khi giương tất cả các cánh buổm mầu đỏ.
Đứng sựng sửng trên sàn tàu, một một anh chàng khổng lồ, thân thề hộ pháp, người cao trên 2 mét, có sách viết “2 mét 38”, ra lệnh với một tiếng nói lanh lãnh, tợ tiếng chuông đồng: Zheng He, người Việt ta dịch là Trịnh Huề. Được phong là «Tây Hải Đại Đô Đốc – Amiral des Mers de l’Ouest», Zheng He được lệnh Hoàng đế Yong Lo đi thám hiểm «tất cả những vùng đất ngoài chơn trời của Đế quốc Trung Hoa».
Zheng He, một nhơn vật khác thường, với một tiểu sử khác thường. Sanh năm 1371, gốc người Hui, dân tộc Tàu Hồi giáo vùng Vân Nam – YunNan. Zheng He 10 tuổi, khi xứ Vân Nam, quê hương chàng bị quân Hán xâm chiếm. Chàng bị bắt và bị hoạn (một tục lệ dã man để tránh hậu hoạn lúc bấy giờ). Được tuyển vào làm hoạn quan ở triều đình. Nhờ tánh tình ôn hòa, hiêm nhượng, hữu hiệu, khôn ngoan, chàng từ từ thăng tiến trên hoạn lộ, cuối cùng trèo lên bực cao nhứt của các hoạn quan và được phục vụ vị công tử Yong Lo khi ấy chỉ là Thái tử. Chàng hầu Thái tử trong những cuộc chinh phạt quân Mông cổ và tỏ ra có những biệt tài quân sự không ngờ đến.
1402, sau những cuộc nội chiến tranh giành ngôi thứ Yong Lo lật đổ Hoàng đế đương thời và cướp ngôi Thiên tử. Zheng He dỉ nhiên có một vai trò đắc lực. Từ đấy, Zheng He là người phụ tá, người quân sư cạnh Nhà Vua. Khi Hoàng đế Yong Lo mưu tiến về phía Nam, củng cố Đế quốc Hán trên toàn Đông Nam Á châu, ngài mơ đi xa hơn nữa, xa hơn những chơn trời hiểu biết thời bấy giờ. Và Yong Lo nghĩ ngay phải sử dụng Zheng He.
Năm 1403, Nhà Vua ra lệnh đóng một Hạm đội đủ sức để Ra Biển Lớn, vượt Đại Dương. Yong Lo đặt tên là Hạm đội Báu Vật và Zheng He được phong chức Tây Hải Đại Đô Đốc.
32 tuổi, chưa bao giờ biết biển, chưa bao giờ đi biển. Chưa biết thế nào là một chiến thuyền, thế mà, suốt trong hai năm liền, Zheng He điều khiển, dàn dựng Hạm đội, từ kiểm soát thợ đóng thuyền đến điều khiển sửa soạn cuộc hành trinh, ngụ trong một căn nhà nhỏ gần thành phố Nam Kinh, trên bờ sông Dương Tử, trên nguồn cảng Changzhu. Trên 20 ngàn người từ thợ chánh, thợ rèn, thợ mộc, đến thợ may buồm, thợ kết giây, thợ rèn neo, trét nhựa… tất cả phục vụ đóng thuyền, tàu lớn, tàu nhỏ của Hạm đội. 50 triệu cây rừng bị hạ, một nửa cánh rừng miền Nam nước Tàu bị đốn sạch.
Hè năm 1405, hoàn thành Hạm đội. Vỏn vẹn chỉ có có hai năm là hoàn thành. Hàng chục thuyền khổng lồ, 300 chiến thuyền tất cả. Hàng ngàn người hướng về Changzhu để lên tàu ra khơi, với hàng vạn tấn hàng hóa, lương thực sẳn sàng nhập tàu.
Ngày 11 tháng 7 năm 1405, đoàn tàu khởi hành, tự cổ chí kim, chưa có hạm đội nào to lớn cho bằng, kể cả các hải quân các cường quốc châu Âu. Những kỹ thuật như: la bàn, bánh lái nằm giữa đuôi thuyền (gouvernail d’étambot), thân thuyên chia thành khoang độc lập và kín (coques en compartiments étanches), nghiên cứu theo kiến trúc các mắt thân cây tre, thuyền với nhiều cột buồm,… người Tàu lúc ấy đã biết, đã sáng tạo và đã có kinh nghiệm sử dụng từ lâu rồi. Nhờ những những kinh nghiệm và những kỹ thuật ấy nên, tuy Zheng He không có kinh nghiệm ra Đại Dương, cuộc phiêu lưu của Hạm đội Báu Vật đã khá thành công.
Năm 1405 là bước đầu. Tất cả có 7 lần ra khơi. Trong vòng 3 thập kỷ những cuốc hành trình khác nhau đã dẫn dắt anh chàng khổng lồ này đi đến thăm Vịnh Ba Tư- Le Golfe Persique và ven bờ biển Đông Phi Châu. Chuyến đầu tiên kết thúc năm 1406. Hành trình đưa chàng đến miền Nam Ấn Độ và Đảo Ceylan. Ở đây, Zheng He tạo được một phái đoàn ngoại giao và trao đổi hàng hóa với chánh quyền địa phương. Chuyến du hành thứ 2, từ 1407 đến 1409 cũng cố thêm tình hữu nghị với các vùng nói trên. Vừa về đến nhà, Nhà Vua lại phái chàng đi lại, lần này Hạm đội vào Vịnh Xiêm và thăm Xiêm la (Thái Lan), sau đó Malacca và Ceylan lần nữa. Chuyến thứ tư, giữa năm 1403 đến 1415, đoàn thuyền đi xa hơn chút nữa đến viếng Vịnh Persique, vùng Zanzibar, Đông Phi Châu. Trên đường đi, vài chiến thuyền tách rời đoàn để phiêu lưu đi tim vài mãnh đất «bỏ quên»: Inđônêxia và (biết đâu) Úc Châu? Hai cuộc hành trình sau, cũng cố những thành quả các kỳ đi trước, bán đảo Á rập, ven bờ Đông Phi châu, Somali, giữa hai chuyến của những năm 1417-1419 và 1421-1422.
Do đó từ đây, Zheng He -Trịnh Huề nổi tiếng là nhà hàng hải lớn bực nhứt của phương Đông, cho đến cả ngày nay.
Phương thức sử dụng của Zheng He rất ngoạn mục. Trong mọi cuộc hành trình, thuờng thường các dân chúng các cảng hay chánh quyền các địa phương sẽ nhìn thấy một hạm đội khổng lồ, với những cánh buồm to lớn, đỏ chói hiện ra che lấp một góc chơn trời. Khi đến, dân chúng, chánh quyền sở tại lại được nào vàng bạc châu báu, vãi lụa, sơn mài, hủ lọ, men sứ biếu tặng hay bán rẽ. Đấy là những bửu vật, thời bấy giờ những hàng ấy đặc biệt là nghề của chàng, của anh Tàu và anh giữ kín bí mật nghề nghiệp sản xuất. Nhờ buôn bán trao đổi qua đường tơ lụa đất liền, từ dân chúng đến các vua chúa, quan lại các vùng xa xôi phương Tây đã biết đến các báu vật bửu bối ấy của xứ Tàu rồi, nay được biếu không, nay được nhìn thấy thêm lực lượng hải quân khổng lồ, chẳng chốc nhiều lãnh đạo các tiểu vương quốc phương Tây, và Cận Đông sẳn sàng làm chư hầu cho Tàu. ( Ngày nay giấc mơ của Tập Cận Bình – Xi Pinjing có khác chi Yong Lo, chỉ cò ngày nay không có hay chưa có Zheng He thôi!!)
Từ đó, lúc bấy giờ, Yong Lo Hoàng đế Trung Hoa ngự trị trên các tiểu vương quốc xa xôi ấy, có thể dựng Vua, phế Vua trên các lãnh thổ ấy. Ai cấm, ai ngăn ai chận?
Nhưng, mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên. Hai năm sau, 1424, sau cuộc hành trình thứ 6, Yong Lo băng hà. Mất điểm tựa, bị ganh tỵ, chỉ trích, Zheng He mất quyền chỉ huy Hải quân. Thái tử, con Yong Lo lên ngôi thay cha trị vì nước Tàu, dẹp Hạm đội. Thế nhưng, 9 tháng sau, Vua con cũng chết theo Vua cha. Hoàng đế tiếp theo, lấy lại giấc mơ tiền nhơn, tổ chức lại những cuộc hải hành để cũng cố những ảnh hưởng do Yong Lo đã tạo được, đặc biệt vùng Đông Nam Á.
Năm 1433, Zheng He, 62 tuổi được trưng dụng trở lại, mặc dù sức khỏe nay đã yếu kém. Cuộc hành trình lần thứ bảy này đưa Zheng He đến Calicut, Ấn độ và Djeddah cảng của Mecca, quê hương Giáo chủ Hồi Giáo Mohamet, nơi hành hương của Hồi Giáo.
Nhưng chàng không thấy lại quê hương, vì trên đường về Zheng He trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của Zheng He chấm dứt mộng hải hồ Trung Hoa. Vua Tàu trở về với thuyết Khổng Tử ngàn đời, quyết định đóng cửa dạy dân. Hạm đội bị bỏ quên, các chiến thuyền tan rã. Năm 1500, một Quyết Định Hoàng Đế xử trảm, cấm không ai được đóng thuyền hai cột buồm. Cũng khoảng thời gian ấy, Tây phương bắt đầu vương ra Biển cả, nào Bartolomeu Dias, nào Cristofo Colombo, nào Vasco de Gama, nào Magellan,… và nhiều nữa… đang mở rộng chơn trời và thâu nhỏ lại quả địa cầu.
Với Zheng He, Trung Hoa có một dịp có mặt trong lịch sử thế giới rất sớm. Trung Hoa đã bỏ dịp ấy. Ngày nay, hãy nhìn xem, phương thức của Zheng He vẫn còn được áp dụng. Những chiền thuyền vẫn những là sứ giả, ngoại giao văn hóa. Nào là các Hàng Không Mẫu hạm Huê kỳ, Anh Pháp…, nào các Tàu Chiến Huê kỳ Đức Úc…, tiếp tục làm nhiệm vụ cũa Zheng He. Khi ghé thăm, tặng hàng hóa, lúc Tàu Bệnh viện ghé săn sóc dân chúng, chửa bệnh, nuôi dưởng… Biểu diển, phùng mang, trợn mắt, tập trận chung, tập trân riêng, phát bánh kẹo, nuôi dưởng, tặng thuốc men… tất cả là ngoại giao?? tất cả là bành trướng??
Đầu Xuân mời quý bạn đọc ôn cố tri tân. Kể chuyện Cristofo Colombo, kể chuyện Trịnh Huề, để trân trọng chuyện Người Việt ta Vượt Biên. Hay để so sánh. Cộng đồng thuyền nhơn Việt Nam là chiếc Santa Maria, là Hạm đội Báu Vật ngày nay, chúng ta là những Cristofo Colombo, những Trịnh Huề ngày nay. Ra đi tìm đất mới, tìm tương lai cho hậu duệ và mong thay xây dựng một ngày mai xán lạn cho xứ sở.
Mai này, may mắn thay, có một nước Việt Nam tân tiến, và các con cháu các thuyền nhơn ta sẽ đó góp phần xây dựng đất nước.
Còn chẳng may, như Hoàng đế nhà Minh lúc xưa cấm đóng tàu hai cột buồm, cấm phát triển. Cũng như ngày nay ở Việt Nam, Nhà Nước Cộng sản, cấm sáng tạo, để hai cha con đem kỹ thuật làm xe bọc thép, làm trực thăng, qua phục vụ quân đội Xứ Chùa Tháp láng giềng. Vừa “quê ” vừa “uổn”!
Dưới ánh Mặt Trời không gì là mới cả. Ngày xưa, tàu May Flower đưa dân Ái Nhĩ Lan vào đất Mỹ lập nghiệp. Ngày nay Rosetta đưa chơn trời đi vào Vũ trụ. Ngày mai loài người sẽ lập nghiệp ở hành tinh khác.
Nay có Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại, mai cũng sẽ có Cộng đồng Việt Nam ngoài Vũ trụ, sống… ở Hỏa Tinh. Cũng sẽ có Mắm tôm, Nước mắm, Thịt Chó bán ở Hỏa tinh (tại sao không? nhưng cái chắc chắn là sẽ có Phở và Hủ Tiếu Mỹ Tho!)… Cũng Tổ Tôm, Tứ Sắc, Xập Xám… sẽ được họp, được binh… ở Little Saigon Hỏa Tinh, cờ Vàng mãi mãi phất phới bay và mãi mãi bài ca “Này Công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi”… mãi mãi… mãi mãi người Việt, muôn thuở người Việt, muôn năm Việt Nam!
Thật là đầu Xuân đấu láo cho vui. Xin phép được chia sẻ cùng quý độc giả.
Đầu Xuân xin có quyền mơ, có quyền tưởng tượng, đấu láo, nói dóc!
Hồi Nhơn Sơn, mừng Xuân 2015.
Phan Văn Song