Thái Lan: Bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ra điều trần trước Quốc hội, Bangkok, ngày 22/01/2015 – REUTERS
Cựu Thủ tướng Thái lan Yingluck Shinawatra bị chính quyền quân sự khóa bằng gọng kềm chính trị và tư pháp. Sau cuộc biểu quyết ngày hôm nay 23/01/2015, tại Quốc hội, bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị trong thời hạn 5 năm.
Đồng thời, tư pháp sẽ mở điều tra về tội hình sự. Bị buộc tội «xem thường» nhiệm vụ lãnh đạo chính phủ: Không bỏ chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Cựu lãnh đạo chính phủ có nguy cơ lãnh án 10 năm tù.
Bà Yingluck hôm nay tuyên bố: Nền dân chủ đã chết. Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus phân tích:
«Hồi chuông báo tử kết thúc ảnh hưởng chính trị của gia đình Shinawatra đã điểm. Với 190 phiếu thuận và 18 phiếu chống, Quốc hội Thái Lan đã biểu quyết cấm bà Yinluck Shinawatra hoạt động chính trị trong 5 năm tới đây. Kết quả này đã được biết trước, vì tất cả các dân biểu đều do tập đoàn quân sự chỉ định mà phân nửa là sĩ quan quân đội.
Đòn tấn công nghiêm trọng nhất đối với cựu Thủ tướng Thái là trước khi Quốc hội biểu quyết, viện công tố thông báo đã tiến hành thủ tục điều tra hình sự để truy tố bà Yingluck phạm sai sót trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân.
Một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng chính trị của gia đình Shinawatra, được người anh là Thủ tướng Thaksin xây dựng trước khi bị đảo chính năm 2006 đã đi vào chung cuộc.
Triệt hạ gia đình Shinawatra cũng là một trong những mục tiêu của cuộc đảo chính hồi tháng 05/2014, lật đổ chính phủ Yinluck Shinawatra.
Chính sách trấn áp của chính phủ quân sự mạnh đến mức độ mà khả năng phản ứng của phe Áo Đỏ, ủng hộ viên của phe Shinawatra, qua hình thức xuống đường biểu tình cũng khó thực hiện».
Bình luận về quyết định của Quốc hội và tư pháp Thái Lan, bà Yinluck tuyên bố: Nền dân chủ và Nhà nước thượng tôn pháp luật đã chết tại Thái Lan.
Còn theo AFP, chính quyền quân sự khó mà duy trì tình trạng trấn áp chính trị và cấm đoán tự do ngôn luận một cách lâu dài. Tình hình Thái Lan được nhiều nhà phân tích chính trị mô tả như một «nồi áp suất» đang sôi sục.