Tự do ngôn luận và bài viết “ăn thịt chó”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tự do ngôn luận và bài viết “ăn thịt chó”

Võ Mỹ Linh

Hôm trước tôi viết bài “Cho tôi một lý do để không ăn thịt chó”. Tôi đã bảo với mọi người rất rõ rằng, đây là một bài luận, tôi đưa ra quan điểm, mọi người có quyền tranh luận song không được chửi bậy vì chửi bậy không phải tranh luận. Hầu hết mọi người chửi tôi như một kẻ man di mọi rợ vì tôi bảo vệ quan điểm ăn thịt chó. Tôi đã từng ăn thịt chó một lần vì tò mò và không bao giờ ăn nữa vì tôi nuôi chó. Nhưng tôi đang đứng trên quan điểm của người ăn thịt chó để nói lên góc nhìn của họ. Chị gái tôi, người rất hiểu tôi đã nói rằng, tại sao em viết một bài luận như vậy, nó hoàn toàn sai. Tôi hỏi sai chỗ nào, chị nói nhiều, nhưng cuối cùng ý chị bảo vẫn là, làm người thì không nên ăn chó, đó là văn minh. Tuy nhiên, nếu tôi cứ khư khư giữ lập trường rằng, pháp luật không cấm, em cứ ăn chó chị làm gì được em thì chị cũng chịu. Và cuộc tranh cãi sẽ cứ thế không đi đến hồi kết. Chúng ta hay nhầm lẫn rằng, một cuộc tranh luận cần phân biệt thắng thua. Tuy nhiên, cái mà cuộc tranh luận hướng đến là, chúng ta tranh luận để hiểu nhau hơn, để dễ dàng thông cảm, để hiểu quan điểm của người khác chứ không phải phân biệt thắng thua để chửi nhau. Chúng ta có thể chọn nhiều góc nhìn khác nhau và mỗi góc nhìn sẽ cung cấp cho chúng ta một cách để thấu hiểu vấn đề. Chính từ góc nhìn đa dạng, như vậy mọi người sẽ dần tiếp cận chân lý theo cách riêng của mình. “Có quyền khóc” Một anh đi trộm cắp dù chưa biết anh ta đúng hay sai nhưng luật pháp luôn cho anh ta quyền để được giải thích lý do trước tòa. Đó là quyền con người. Anh ta có thể bảo rằng, vì mẹ anh ta bệnh nên anh ta trộm cắp để có tiền chữa bệnh cho mẹ. Bạn có thể nhảy vào chửi rằng, mẹ bạn cũng bệnh mà bạn có đi ăn cắp như anh ta đâu. Dĩ nhiên anh ta có thể sẽ bị vào tù thôi. Nhưng chúng ta vẫn cần lắng nghe anh ta nói. Để có một góc nhìn khác. Để biết rằng, à, một trong những nguyên nhân có thể cấu thành tội phạm là vì nghèo và có giải pháp giúp xã hội này ít người nghèo hơn. Hoặc để cảm thông, à, anh ta có hiếu, chỉ là vì cần tiền chữa bệnh cho mẹ nên anh ta mới trộm cắp. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, một anh thanh niên qua Singapore mua iPhone 6 để tặng bạn gái nhưng vì không biết tiếng Anh rồi bị lừa. Một số người có thể nhìn nhận rằng, anh ta ngu, cái hợp đồng đọc không kỹ cứ ký vào thì bị người ta lừa ráng chịu, việc gì mà khóc. Tuy nhiên với tôi, anh ta có quyền khóc. Vì đồng tiền anh ta kiếm ra quá cực nhọc và anh ta có thể khóc vì tiếc tiền. Một số bác người lớn bảo, tôi là người lần trước viết thư chỉ ra cái sai của Bộ Giáo dục rất hay nhưng bây giờ [bài về ăn thịt chó] thì nói nhảm. Vậy nếu tôi không là người mạnh dạn nói lên quan điểm với bộ trưởng, họ có được cớ để sỉ nhục Bộ Giáo dục không? Sau khi viết thư góp ý với Bộ trưởng, tôi đã quay lại viết một bài nói với các bạn rằng, cuộc đời là cuộc đời của bạn, không phải của ông bộ trưởng nên đừng đổ lỗi cuộc đời bạn hỏng là do ông bộ trưởng. Để sống, để hiểu, để có thể đi cùng nhau, tôi nghĩ cái cốt yếu nhất là cần lắng nghe. Nhưng cái cách mà đa số người Việt chúng ta đã làm là gì? Là hạ bệ và dìm chết nhau nếu không nói đúng ý bạn. Một xã hội không muốn lắng nghe những điều mới mẻ, thì sẽ mãi cũ kĩ và lạc hậu… Nếu bạn là một độc giả chân chính, hãy cứ chuẩn bị tinh thần rằng, một ngày nào đó tôi sẽ viết một vấn đề gì đó đụng chạm đến quyền lợi của các bạn. Nhưng nếu bạn hiểu tôi, phải biết rằng, tôi đang cung cấp cho bạn một góc nhìn, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Một em gái nói với tôi thế này, em biết chị sắp ra sách nhưng em sẽ không mua sách chị vì chị viết bài luận bảo vệ người ăn thịt chó. Tôi thì muốn nói với em rằng, chị rất ủng hộ em vì em đã không mua sách của chị. Bởi một độc giả mua sách không phải vì muốn học được những kiến thức từ sách mà chỉ là vì yêu hoặc ghét tác giả thì có mua hay không cũng chẳng để làm gì…