Thư Cho Con: Bước Xâm Lăng Mềm Của “Khổng Tử” – Giáo Già

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thư Cho Con: Bước Xâm Lăng Mềm Của “Khổng Tử” – Giáo Già

Ngày 13 tháng 1 năm 2015

H,

Ngày 30/10/2014, các ủy viên Hội đồng Trường học Khu vực Toronto, nơi giám sát các trường học công với 232.000 học sinh, đã tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử, cho dù chỉ vài ngày nữa là tới chuyến thăm của Thủ tướng Canada Stephen Harper tới Bắc Kinh; và hành động này sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng.

Trước đó, tại Mỹ, đầu tháng 10/2014, Đại học Tổng hợp Pennsylvania cũng đã chấm dứt mối quan hệ kéo dài 5 năm với Viện Khổng Tử.

Xa hơn một chút, hồi tháng 9/2014, Đại học Tổng hợp Chicago cũng cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử… vì nó nỗ lực cấm giảng dạy hay không muốn nhắc đến các đề tài như Thiên An Môn, Đức Đạt La Lạt Ma, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, Pháp Luân Công, Lưu Hiểu Ba…  trong khi điều được nói chỉ là quảng bá văn hóa Trung Quốc… [Xem hình khuôn viên Đại học Chicago, nơi vừa tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử ở trường, Ảnh: NY Times].

Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, ông Henty Reichman, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ, cho biết:

“Tôi tin rằng Chicago và Pennsylvania không phải là hai đại học duy nhất nhận ra rằng: ‘Hợp tác với một viện như kiểu Viện Khổng Tử là hoàn toàn không xứng đáng’.”

Còn nhớ, tại Đại học North Carolina State University, vào năm 2009, Viện Khổng Tử đã được cho là phản đối lời mời của trường đối với Đức Dalai Lama, một lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng, mà Trung Quốc coi là kẻ phản quốc, khiến lời mời bị hủy bỏ, với lý do được đưa ra là thiếu thời gian và nguồn lực(?).

Tại Canada, theo nhật báo The Globe and Mail, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto – hệ thống trường phổ thông lớn nhất Canada – đầu tháng 10, bỏ phiếu với tỉ lệ 9-1, quyết định chấm dứt hoạt động những chương trình đào tạo của các Viện Khổng Tử, trong hệ thống trường ở Toronto. Nếu đề xuất này được toàn thể hội đồng trường thông qua, hệ thống trường phổ thông này sẽ là đơn vị thứ 3 sau Đại học McMaster và Đại học Sherbrooke của Canada chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử.

Trước đó, từ tháng 12/2013, Hiệp hội Giảng viên đại học Canada cũng ra văn bản kêu gọi các trường đại học Canada hủy bỏ các hợp đồng hợp tác với Viện Khổng Tử. Alice Huynh, giáo viên tại một trường phổ thông Toronto, cho biết bà đã thu thập được 14.000 chữ ký của phụ huynh và người dân trong cộng đồng phản đối sự hiện diện của Viện Khổng Tử trong các trường phổ thông Toronto. Phát biểu tại buổi bỏ phiếu, bà nói:

“Điều mà chúng tôi cực lực phản đối là việc (nhà trường) trao quyền dạy tiếng Hoa vào tay một tổ chức tự thừa nhận là có động cơ chính trị và muốn gây ảnh hưởng đến con em của chúng ta”.

Trước buổi họp này, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cho biết đã nhận được cảnh báo từ giới chức Trung Quốc rằng việc đóng cửa các Viện Khổng Tử tại khối trường phổ thông Toronto sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ của ban điều hành với “thị trường học sinh nước ngoài lớn nhất của Toronto”.

Chuyện dồn dập xảy ra như vậy khiến mọi nơi đã nhận diện được cuộc xâm lăng mềm của Trung quốc. Ông Tao Xie – giáo sư khoa học chính trị tại Trường Anh ngữ và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Nghiên cứu nước ngoài Bắc Kinh, trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc có phạm tội chủ nghĩa đế quốc văn hóa”, trên CNN, hôm 21/10/2014, nhấn mạnh:

Cho dù giới thiệu văn hóa và ngôn ngữ là một ý tưởng tốt, song các nỗ lực ồ ạt khi làm như vậy qua Viện Khổng Tử đã đem lại ấn tượng rằng TQ đang thực hiện một chiến dịch về hệ tư tưởng trên toàn cầu”.

Bài viết của ông Tao Xie cũng cho biết:

Các quan chức TQ có vẻ quan tâm đến quan điểm cho rằng, mặc dầu TQ đã sở hữu sức mạnh cứng đáng sợ – về mặt kinh tế và quân sự – song họ sẽ không được xem là một cường quốc toàn cầu thực sự giống như Mỹ, cho tới khi họ sở hữu cả sức mạnh mềm cũng to lớn như vậy”.

Với nhận định này ông Tao Xie nói:

Đến cuối năm 2013, đã có 440 Viện Khổng Tử và 646 lớp học Khổng Tử ở 120 nước. Kể từ khi thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên ở Hàn Quốc năm 2004, con số này thực sự là ‘bước đại nhảy vọt’ về văn hóa nhằm vào người nước ngoài”.

Còn nhớ, năm ngoái, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường đã cùng nhà cầm quyền CSVN ký vào bản thỏa thuận về việc thành lập Học viện Khổng Tử, theo đúng mục đích từng được Trung quốc muốn thể hiện, trên lãnh vực đối ngoại, gồm 4 điểm chánh:

1)      Trấn an dư luận thế giới về những nghi ngại bị Trung Cộng đe dọa;

2)      Bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nền kinh tế đang tăng nhanh;

3)      Xây dựng các liên minh quốc tế và làm yếu vai trò của Đài Loan trong cộng đồng thế giới; và

4)      Phát huy một thế giới đa phương và giới hạn sức mạnh của Mỹ.

Nhưng, dự án này đã vấp phải phản ứng của các học giả cũng như người dân trong nước.  Một trong những người này là blogger Paulo Thành Nguyễn đã cho rằng “Viện Khổng tử là một trong những công cụ để Trung Quốc thể hiện mộng bá quyền”.

Cho đến gần đây, với sự thúc ép của Tập Cận Bình, ngày 27 tháng 12 năm 2014, Viện Khổng Tử ở VN mớI chính thức được khánh thành, đặt ngay trong đại học Hà Nội, dưới sự chủ tọa gắn bản tên của ông Du Chính Thanh, nhân vật đứng hàng thứ tư trong Đảng Cộng sản Trung Quốc; và Ủy viên Bộ Chánh trị CSVN Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch MTTQ Việt Nam [xem hình].  Trong buổi lễ hiệu trưởng trường đại học này nói rằng việc thành lập Học viện Khổng Tử sẽ “góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt – Trung”. Trong khi đó, báo điện tử của Chính phủ Việt Nam gọi Học viện này là “cầu nối góp phần làm sinh động quan hệ” giữa hai nước.

Tiếp ngay sau buổi lễ này là một loạt chống đối nổi lên khắp nơi trong giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, vì mọi người đều biết rằng, qua Viện Khổng Tử, “Trung quốc sẽ ồ ạt đưa người đến Việt Nam làm việc…” Họ sẽ làm những công việc gì? Ngoài việc dạy tiếng Tàu họ sẽ còn làm những việc gì khác nữa?

Vấn đề được đặt  ra là nếu trong các bài giảng cho các học viên họ dùng những bản đồ Trung quốc in rõ đường lưỡi bò bao gồm cả vùng Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Rồi những tài liệu này được lưu giữ trong Viện như những tài liệu cho bất cứ ai cần tham khảo.  Lúc đó ai sẽ là người lên tiếng phản đối.

Xa hơn nữa, nếu có bài giảng nào đó được họ dạy rằng “đời xưa Mã Viện đã sang Giao Chỉ tiêu diệt giặc Trưng Trắc, Trưng Nhị để ‘giải phóng’ dân Lạc Việt…” thì ai sẽ  lên tiếng phản đối tình trạng lịch sử bị “bóp méo” trắng trợn đó.  Chừng đó dân Việt sẽ học tiếng Tàu, học lịch sử Việt theo tài liệu của Tàu… để biến thành… người Việt bị đồng hóa thành… Tàu; và chừng đó có ai dám lên tiếng phản đối…

Nên nhớ, tiếp theo sau lể khánh thành, sứ mạng của Du Chính Thanh là tiếp xúc với các lãnh đạo hàng đầu của CSVN để chỉ đạo đám thái thú này tuân hành những quyết định của Bắc Kinh, như chính lời ông Du Chính Thanh nói, theo đúng lời dẫn trên nhiều hãng tin quốc tế như Reuters, BBC, AP… rằng:

Chuyến thăm lần này của tôi đến Việt Nam, được ủy nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tạo dựng đồng thuận và thúc đẩy sự tiến bộ của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đi đúng hướng.

Đặc biệt nhứt là Du Chính Thanh trực tiếp chỉ đạo chúng thu xếp cho xong thành phần lãnh đạo CSVN, trong Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, khai mạc sáng ngày 5/1 và bế mạc ngày 12/1, tại trụ sở Trung ương Đảng, mà chúng phải nhất trí thông qua, theo đúng tinh thần bức biếm họa được nhà biếm họa Babui cho đăng trên DCV đính kèm.

Mặt khác, nếu Viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc”, thì đó là cái văn hóa phản bội, tráo trở, mà Trung quốc là tấm gương trước sau bất nhứt của CS Trung Quốc nhắm vào Khổng Tử, người trước đó được coi là chính trực, nghiêm túc, kiên trì đến độ đáng thương “biết đạo không thể thi hành mà vẫn làm”; người không được trọng dụng ngay khi còn sống, trong bối cảnh văn hóa suy đồi, chính trị băng hoại… của thời Xuân Thu, người phải nửa đời lang bạt các nước, bị Tư Mã Thiên ví như ‘con chó mất nhà’.

Đến thời Hán, lần đầu tiên, đạo Khổng được trọng dụng, nhưng tư tưởng nguyên sơ của Khổng đã bị uốn bẻ theo những cách thức khác nhau, trải qua các triều đại khác nhau, tùy theo cách thế lợi dụng của các thể chế chánh trị tùy nghi khai thác những điều hay, và công kích những điều bị coi là “hạn chế”.

Đến khi Trung cộng cho tiến hành cuộc Cách Mạng Văn Hóa tư tưởng Khổng bị lên án gay gắt. Tượng Khổng trong Khổng Miếu Sơn Đông bị dán lên dòng chữ THẰNG KHỐN NẠN HÀNG ĐẦU, rồi bị kéo đổ, đập nát. Hồng vệ binh định đào mả Khổng, nhưng nhanh chóng bị can ngăn.

Giờ đây, khi nền chính trị Trung cộng và tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng bại liệt, chúng cho dựng lại các giá trị có thể lợi dụng được của Khổng Tử, rồi dùng đó làm chiêu bài quảng bá văn hóa; làm công cụ chính trị, nên “cửa ngỏ văn hóa của Khổng”, qua Viện Khổng Tử, trở thành cửa ngõ quan trọng đưa lủ khủ cán bộ tình báo xâm nhập VN… dẫn toàn dân Việt đi “men theo bờ vực thẳm nô lệ” theo bước chân xâm lăng mềm của Khổng Tử hoàn thành đại họa Bắc thuộc lần thứ 5 của dân tộc Việt Nam [Xin xem thêm bài “Viện Khổng Tử ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Tuấn trong phần phụ đính].

Hẹn con thư sau

Giáo Già (Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

 

Phụ Đính

Viện Khổng Tử ở Việt Nam

Posted by adminbasam on 30/12/2014

Nguyễn Văn Tuấn 29-12-2014

Hôm nay, đọc được một tin mà không biết nên mừng hay buồn, có lẽ quan tâm thì đúng hơn. Đó là bản tin về Viện Khổng Tử được khánh thành ở ĐH Hà Nội. Thật ra, nhìn bề ngoài thì chẳng có gì phải quan tâm, vì từ ngày Tàu bắt đầu khá lên, họ “rải” Viện Khổng Tử khắp thế giới. Ở Úc này, các đại học lớn đều có Viện Khổng Tử, do Chính phủ Tàu tài trợ và có lẽ dính dáng vào việc điều hành. Nhưng ở Việt Nam thì khác, vì chúng ta có một mối liên hệ lâu dài và bão táp với cái nước khổng lồ ở phương Bắc đó. Nói xa không qua nói gần: chúng ta đã từng bị lệ thuộc (có người dùng chữ “nô lệ”) vào Tàu đã quá lâu, sự hiện diện của Viện Khổng Tử có lẽ mở thêm một cánh cửa để Việt Nam lọt vào quĩ đạo lệ thuộc hơn nữa vào Tàu. Và, trong lúc chúng ta đang muốn “thoát Trung”, Viện Khổng Tử là một bước lùi. Nhìn như thế, việc lập Viện Khổng Tử ở Hà Nội cũng là một tin buồn.

Tôi không am hiểu về Nho Giáo và Khổng Tử, nhưng có đọc khá nhiều sách về ông, nên chỉ muốn nhân dịp này góp vài lời “mua vui cũng được một vài trống canh”. Dĩ nhiên, tôi cũng sẽ nói qua suy nghĩ của mình về sự hiện diện của Viện Khổng Tử ở VN. Nói đến Khổng Tử và Khổng Giáo là đề tài quá lớn, chẳng ai dám nói mình am hiểu, nên tôi chỉ có thể nói theo cách hiểu của tôi. Tôi sẽ bàn về con người của Khổng Tử, học thuyết (nếu có thể dùng chữ đó) của ông, và tại sao Tàu muốn quảng bá viện Khổng Tử.

Một con người máy móc

Cuộc đời của Khổng Tử cũng rất thú vị, nhưng nếu đọc kĩ thì hình như ông chẳng có đóng góp gì quan trọng lắm. Ông tên là Khổng Khâu, sinh năm 551 trước Công Nguyên, ở nước Lỗ, trong một gia đình [nói theo ngôn ngữ thời nay] là trung lưu vì ba của ông là một vị quan thuộc nước Lỗ. Tuy ông được người đời sau tôn thành “Vạn thế Sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời), nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông nếu được soi rọi kĩ thì không hẳn xứng đáng với danh hiệu đó. Nói chính xác, ông là một … thầy cúng. Theo sử sách để lại, năm 19 hay 20 tuổi, ông ra làm quan, chuyên nghề thu thuế. Sau đó, ông được giao việc chăm sóc các con vật dùng vào cúng tế.

Có lẽ chính vì cái xuất thân này mà ông rất quan tâm đến thủ tục cúng tế. Có lẽ vì xuất thân là người thu thuế, kế toán, nên ông rất quan tâm đến sự chính xác. Ông sống như kẻ trưởng giả, suốt đời từ cách ăn uống, cách mặc, cách đi đứng, cách cư xử, lúc nào cũng theo qui ước. Sách Luận Ngữ viết rằng ông chỉ ăn thức ăn nấu thật chín, món ăn phải theo mùa, lượng rau và thịt không thay đổi. Ông cũng uống rượu nhưng không bao giờ để cho say xỉn. Ăn mặc thì không mặc quần áo màu mè, lễ phục thì cánh tay mặt phải dài hơn cánh tay trái, quần áo ngủ phải dài hơn quần áo ban ngày nửa thước. Còn nói thì nói chậm, và không dùng ngón tay để chỉ một vật gì. Trong triều đình cung cách của Khổng Tử là “thượng đội hạ đạp”. Đối với các quan cấp dưới thì ông tỏ ra cứng cỏi, còn đối với các quan cấp cao hơn thì uyển chuyển. Đó là chân dung của một người rất máy móc, cứng nhắc, và sống theo qui ước cho chính ông đặt ra.

Không được trọng dụng

Thời thanh niên và trung niên, Khổng Tử không được trọng dụng vì ông chẳng có đóng góp gì quan trọng. Ông lưu lạc rất nhiều nước, nhưng chẳng có vua chúa nào trọng dụng tài của ông. Cuối cùng ông về nước Lỗ và mở trường dạy học. Nên nhớ rằng thời đó, chỉ có triều đình và những “hiền nhân” mới có quyền mở trường dạy học. Nhờ trường của Khổng Tử mà nhiều môn đồ sau này làm lớn trong triều đình. Ông đào tạo khoảng 3000 môn đồ. Nghe nói công lớn của ông là làm cho khoảng cách giữa người “quân tử” và “tiểu nhân” ngắn hơn, nhưng có người cho rằng đó là một ảnh hưởng vô ý thức, vì trong thâm tâm ông không muốn vậy. Theo sách vở để lại, ông xem kẻ tiểu nhân không đáng được kính trọng, không cần nể nang (giống như Francis Galton bên Anh).

Khổng Tử được tôn xưng là một nhà đạo đức, nhưng “đạo đức” ở đây có nghĩa là ông làm đúng nghi lễ, chứ không hẳn là có đạo cao đức trọng. Ông dạy môn đồ phải trung thực, giữ tín nghĩa với bạn bè, phải phụng dưỡng cha mẹ, giúp người già sống yên ổn, yêu trẻ thơ. Đó thật ra là những chuẩn mực chung thời đó của người Á Đông. Nhưng Khổng Tử không có tầm vóc “global” của Phật Thích Ca hay Chúa Jesus, những người có khả năng xây dựng hẳn một nền triết lí và đạo đức học để cứu rỗi thiên hạ. Thậm chí, ông còn kém hơn Gandhi một bậc.

Ông cũng có vẻ rất thích tự xem mình làm việc của thánh. Ông từng nói rằng “Bảo ta là thánh thì ta không dám, nhưng ta làm việc thánh không biết chán, dạy người không biết mỏi.” Ông cũng khá tự tin về tài năng của mình. Ông từng phán rằng vua chúa nào mà biết trọng dụng ông thì chỉ một năm ông sẽ làm cho nước đó khá lên, 3 năm là sẽ thành công. Nhưng trong thực tế, chẳng vua chúa nào tin dùng ông cả. Chứng cứ cho thấy ông làm quan nước Lỗ gần 10 năm mà nước này có khá lên đâu. Khổng Tử chủ trương tập trung quyền lực vào vua chúa, không cho các đại thần tham chính. Chính vì thế mà các đại thần rất ghét Khổng Tử, họ khuyên vua chúa nên xa lánh ông quân sư này.

Có thể nói rằng Khổng Tử là người thích làm quan cầu vinh và… trốn thực tế. Ông khuyên người quân tử nên mưu tìm học đạo chứ đừng quan tâm đến miếng cơm manh áo. Lí do, theo ông, học đạo thì sẽ ra làm quan, vinh danh phú quí. Làm quan thì ắt sẽ có miếng ăn. Khi đã làm quan, ông khuyên rằng nước nào thịnh thì tìm đến xin làm quan, còn nước nào khó khăn thì bỏ đi. Ông cũng khuyên rằng nước lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Cái triết lí này cũng từng được nho sĩ Nguyễn Khuyến áp dụng triệt để. Khi nước mất về tay người Pháp, ông lui về ở ẩn để ngâm vịnh thơ ca, chứ chẳng có đóng góp gì đáng chú ý.

Học thuyết của Khổng Tử

Cũng như các “học thuyết” thời xưa, những gì Khổng Tử để lại chẳng là bao nếu so với tiêu chuẩn hiện nay. Tác phẩm của ông là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Nếu gộp lại thì chắc độ 300 trang. Ấy thế mà suốt đời này sang đời khác, người ta lải nhải nhắc đến những sách này như là “học thuyết”!

Nếu hỏi một người bình thường, hay ngay cả một bậc trí giả, rằng Khổng Giáo dạy cái gì, thì chắc chắn họ sẽ lúng túng. Có thể họ sẽ kể ra đó là triết lí trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng đó là những giá trị thì đúng hơn, và những giá trị đó cũng mập mờ, chứ không được phát triển thành hệ thống triết học như phương Tây. Tuy nhiên, có thể nói rằng Khổng Giáo dựa trên “tam cương, ngũ thường”. Tam cương là 3 bổn phận của kẻ sĩ: trung với vua, hiếu với cha mẹ, chung thủy với vợ. Ngũ thường thì vẫn được coi là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Về sau, Khổng Giáo còn được bổ sung thêm các giá trị dành cho phụ nữ: tam tòng, tứ đức. Tam tòng là ba sự phục tùng mà người đàn bà phải tuân thủ: lúc còn con gái thì phải phục tùng cha, lấy chồng thì phải phục tùng chồng, chồng chết thì phải phục tùng con. Tứ đức là bốn đức tính người đàn bà phải rèn luỵện, đó là công, dung, ngôn, hạnh (khéo tay, có nhan sắc, ăn nói tốt, và hạnh kiểm tốt). Khổng Giáo cũng rất quan tâm đến một giá trị đặc biệt: đó là chữ trinh tiết của người phụ nữ.

Cần phải nói rằng Khổng Tử đề ra những giá trị đó một cách… khơi khơi. Ông chẳng đưa ra được chứng cứ gì có hệ thống, chẳng thèm phân tích lí lẽ. Ông chẳng chứng minh bằng logic hay biện luận như triết gia phương Tây. Ông chỉ phán chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Còn các giá trị ông đề ra cho phụ nữ phải nói là lạc hậu (so với ngày nay). Những giá trị đó còn hạ thấp vai trò của người phụ nữ, xem họ như là vật dụng. Thật là vô lí khi đòi hỏi người phụ nữ phải phục tùng chồng con! Còn đòi hỏi trinh tiết như là một giá trị có người xem là… đểu cáng. Chúng ta còn nhớ chuyện anh chàng Chử Đồng Tử bị công chúa nhìn thấy trần truồng trong lúc tắm, và thế là nàng ta xem mình bị… mất trinh. Đã thế còn phải cưới anh ta làm chồng. Phải nói là hài hước đến độ khó tin! Ngày nay, những giá trị đó của Khổng Tử không thể áp dụng được vì đó là một hệ giá trị quái đản.

Giá trị “nhân” không được ông định nghĩa đàng hoàng. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết rằng nhân là người trí thì thích nước, người nhân thì thích núi, người trí thì động còn người nhân thì tĩnh. Chẳng ai hiểu ông định nghĩa gì. Chữ “lễ” của Khổng Giáo cũng là một sự mập mờ và dễ gây hiểu lầm. Luận Ngữ xem lễ chỉ là nghi thức và hình thức cúng bái và ứng xử với vua chúa ra sao. Cũng xin nói thêm rằng hiện nay ở VN có phong trào “tiên học lễ hậu học văn”, nhưng đây là một “áp dụng” sai. Như đề cập, lễ ở đây có nghĩa là nghi thức (học quì, lạy, cúi đầu). Như vậy nói “tiên học lễ, hậu học văn” là rất ngược đời.

Nhà văn Bá Dương (người Tàu) là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Người Trung Quốc Xấu Xí” vạch ra những cái xấu của người Tàu và văn hoá Tàu. Trong sách, ông xem Khổng Giáo là một hũ tương đặc sệt. Nhưng có người xem nó còn tệ hơn một hũ tương, vì Khổng Giáo còn đề cập đến quỉ thần, phục tùng vua chúa, đặt ra những qui ước ăn ở trong gia đình, tu thân, v..v… Ông Nguyễn Gia Kiểng xem Khổng Giáo là một “hũ mắm thập cẩm, thịt có, cá có, tôm có, mà rau cũng có. Mỗi người nếm nói một cách riêng, người thì bảo là thịt, người thì nói là cá, người lại nói là tôm. Ai cũng đúng cả mà cũng chẳng ai đúng cả. Cho nên có người nói Nho Giáo là hệ thống chính trị, có người nói đó là một triết lí và cũng có người coi nó là đạo lí.”

Tại sao Tàu muốn vực dậy Khổng Tử

Quan điểm của Khổng Tử được các chế độ toàn trị và quân chủ chuyên chế rất thích. Ông kêu gọi tôn quân, phân biệt người quân tử và bậc tiểu nhân, những điều rất phù hợp với quan điểm các chế độ toàn trị. Ông quan niệm rằng “quân tử học đạo tác ái nhân, tiểu nhân học đạo tạc đi sử giả” (người quân tử mà có đạo thì yêu người, còn kẻ tiểu nhân mà có đạo thì dễ sai bảo). Ông còn nói “quân tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo” (kẻ quân tử có dũng khí mà không có nghĩa thì là kẻ loạn, kẻ tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì đi ăn trộm). Cũng giống như trong chế độ toàn trị, kẻ làm quan hay cán bộ được xem là “cao thượng”, còn dân chúng là hạng thấp kém, hèn hạ, cần phải được rèn luyện và giáo dục. Có lẽ vì thế mà các chế độ này rất tôn kính ông như là một bậc thánh.

Có vài đặc điểm về Khổng Giáo mà giới toàn trị rất ưa thích. Thứ nhất là tinh thần thủ cựu, bảo thủ. Khổng Tử, như tôi mô tả trên, là người rất tôn trọng nghi thức (ông gọi là “lễ”), suốt năm này sang năm khác, ông chỉ lặp lại những nghi thức, lễ giáo ông đặt ra. Không sáng tạo cái gì mới, thậm chí còn thù ghét cái mới. Thứ hai là thiếu tính khoan dung và độc quyền chân lí. Các giá trị mà Khổng Tử truyền bá là qua áp đặt chứ không qua thuyết phục. Ông không muốn có một chân lí khác ngoài chân lí của ông. Thứ ba là tính sùng bái cá nhân, sùng bái cấp trên một cách bệnh hoạn. Đặc điểm thứ ba này cũng rất phù hợp với quan điểm của các chế độ quân chủ và toàn trị, vì họ thích dựng lên những cá nhân bán thần thánh.

Nhìn như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đảng cộng sản Tàu muốn vực dậy Khổng Tử. Nên nhớ rằng trước đây Mao Trạch Đông rất ghét Khổng Tử, ông nhìn thấy mấy nhà thờ Khổng Tử là muốn đốt! Có lẽ một phần là do mặc cảm, vì Mao xuất thân là kẻ thất học? Nhưng trong thời đại mới, Tàu có lẽ tìm thấy vài điều hay ho từ Khổng Tử và muốn quảng bá ra ngoài. Do đó, họ đã đầu tư rất nhiều cho viện Khổng Tử. Đã có hơn 300 viện Khổng Tử mọc lên từ nhiều đại học trên thế giới, phần lớn là Phi châu.

Thật ra, Viện Khổng Tử không hẳn quảng bá những lời dạy của Khổng Tử, mà quảng bá hình ảnh của một nước Tàu thời hậu Mao. Ngoài ra, còn có nhiều thông tin, kể cả thông tin từ các giáo sư bên Tàu, cho biết các viện Khổng Tử ở nước ngoài là những ổ gián điệp, nơi mà Tàu thu thập thông tin tình báo. Ngay cả những “giáo sư thỉnh giảng” được Tàu gửi sang các viện Khổng Tử cũng là tình báo. Chẳng ai ngạc nhiên vì một chế độ với bản chất lừa dối như Tàu nếu họ khoác mặt nạ học thuật cho một cơ sở tình báo và tuyên truyền.

Giới chính trị Tàu xem Viện Khổng Tử như là một loại “quyền lực mềm” (soft power). Họ muốn bắt chước Đức, Mĩ, Anh, Pháp, v.v. bằng hình thức quảng bá văn hoá ra ngoài. Nhưng họ quen thói độc quyền tư tưởng, nên sự hiện diện của các viện Khổng Tử là một đe doạ đến tự do học thuật. Thật vậy, một hiệp hội giáo sư Mĩ đã đồng thanh lên tiếng tẩy chay các viện Khổng Tử ở Mĩ vì họ xem viện Khổng Tử là một công cụ tuyên truyền của nhà nước Tàu cộng sản, và tuyên truyền thì không tôn trọng tự do học thuật. Hồ Cẩm Đào chẳng giấu giếm gì về ý đồ tuyên truyền khi ông nói rằng viện Khổng Tử là “cửa ngõ quan trọng để làm sáng danh văn hóa Trung Quốc, giúp mở rộng văn hóa Trung Quốc, đó là phần của chiến lược tuyên truyền quốc tế”. Một số trường đại học bên Mĩ đã từ chối viện Khổng Tử. Nhưng giới trí thức ở VN thì không có cái may mắn có tiếng nói như đồng nghiệp bên Mĩ.

Trong 1000 năm Tàu đô hộ Việt Nam, Tàu không hề xây dựng một lăng miếu Khổng Tử nào cả. Có lẽ đó là chính sách ngu dân của Tàu thời đó. Ấy thế mà ngày nay họ trịnh trọng đem cái viện Khổng Tử đó sang Việt Nam! Nhưng chúng ta có muốn học cái văn hoá “hũ tương” của Tàu? Ngày xưa, có người như Phan Kế Bính, một học giả xuất chúng, rất sùng ái Khổng Tử. Trong một tranh luận với Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính viết rằng: “Đạo lí là đạo lí Khổng Mạnh. Như vậy phải chăng các dân tộc không biết tới Khổng Mạnh là những dân tộc không có đạo đức?” Kinh chưa! Nhưng ngày nay, chúng ta thấy Tàu chẳng có cái gì để chúng ta học cả. Chính quyền Tàu đem đến VN toàn những rủi ro, độc hại, và nguy cơ. Người Nhật, người Hàn đã thoát Tàu và đã đạt thịnh vượng. Không có lí do gì để chúng ta phải du nhập những giá trị “hũ tương”, “hũ mắm thập cẩm” đó để kìm hãm sự phát triển của dân tộc và đất nước.

Nguồn: FB Que Diêm