Vụ Charlie Hebdo: Tranh luận ở nước ngoài về quyền tự do ngôn luận và quyền châm biếm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ Charlie Hebdo: Tranh luận ở nước ngoài về quyền tự do ngôn luận và quyền châm biếm

Ban biên tập «còn sống sót của Charlie Hebdo», tại trụ sở báo Libération,ngày 9/01/2015.- AFP PHOTO / BERTRAND GUAY

Theo RFI – Đức Tâm – 12-01-2015  15:23

Cộng đồng quốc tế nhất loạt lên án vụ khủng bố tấn công bắn chết các nhà báo của tờ Charlie Hebdo, nhưng sự kiện này cũng dấy lên một cuộc tranh luận ở nước ngoài về quyền tự do ngôn luận và quyền châm biếm.
Vụ ba kẻ khủng bố, trong tuần qua, tại Paris, bắn chết 17 người trong đó có 12 nạn nhân tại tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã gây trấn động mạnh mẽ công luận trên thế giới. Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, hành triệu người bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân, đăng ảnh hoặc dùng từ khóa (hashtag) «Tôi là Charlie». Hôm qua, trên toàn nước Pháp, 3,7 triệu người đã xuống đường tuần hành chống khủng bố. Tổng thống Pháp François Hollande cùng với khoảng năm chục nguyên thủ, lãnh đạo chính phủ và đại diện cấp cao các nước cũng tham gia cuộc biểu tình. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói bày tỏ sự khác biệt : Lên án khủng bố giết người, nhưng không ủng hộ tờ Charlie Hebdo. Trên Twitter, có cả từ khóa: «Tôi không phải là Charlie», với nhiều bình luận khác nhau. Ví dụ: «Rất kỳ lạ là khi tôi nói: Tôi không phải là Charlie, thì người ta thóa mạ tôi, nhưng khi báo Charlie thóa mạ đấng tiên tri, thì việc này lại được coi là tự do ngôn luận» hoặc «Hãy chấm dứt trò tiếp thị về những chủ đề đau buồn nhất». Ở nước ngoài, một số nhà báo và định hướng công luận cũng bày tỏ sự khó chịu, không chỉ tại các nước có đa số dân theo đạo Hồi mà ở cả Hoa Kỳ, Anh Quốc, những nước đã từng bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công. Trên tờ New Yorker, nhà văn Mỹ gốc Nigeria Teju Cole cho rằng, mọi người có quyền vẽ những gì họ muốn, nhưng vấn đề ở đây là do xẩy ra các vụ giết người, nên các bức tranh biếm họa đó lại cần phải được ca ngợi và tái bản. Nhà văn này nói rõ: «Không phải vì lên án các vụ giết người ghê tởm đó mà người ta nhất thiết phải đồng ý với tư duy của các nhà báo» ở Charlie Hebdo. Sau vụ thảm sát, nhiều độc giả hoặc các cộng tác viên của tờ Charlie Hebdo đã lấy làm tiếc là các tờ báo khác không đăng lại những bức biếm họa của tuần báo, thì tờ báo Anh Guardian cho rằng «việc ủng hộ quyền bất biến của một tờ báo tuân thủ các nhận định của ban biên tập không buộc người ta phải tán dương các nhận định đó». Họa sĩ có tên tuổi Art Spiegelman, hôm qua, cũng tố cáo «thói đạo đức giả» của nhiều tờ báo Mỹ đề cao quyền tự do ngôn luận nhưng không đăng lại các bức tranh châm biếm của Charlie Hebdo. Theo họa sĩ người Mỹ này, tuần báo trào phúng của Pháp đã hoàn thành «sứ mệnh» của mình khi đăng vào năm 2006 một bức biếm họa gây tranh cãi của họa sĩ Cabu, trong tranh, nhà tiên tri Mahomet hai tay bịt mắt và than thở: «Thật là khổ khi bị những kẻ ngu ngốc yêu mến». Ông giải thích với AFP: «Bức tranh không châm biếm nhà tiên tri. Nó đả kích những tín đồ sẵn sàng giết người». Cần nói rõ là các tranh châm biếm của Charlie Hebdo không từ một ai, không buông tha một tôn giáo nào. Đối tượng đả kích của tuần báo là sự thiếu khoan dung, cố chấp, tư tưởng toàn thống cực đoan, bảo thủ. Trong cuộc họp ngày 07/01, khi xẩy ra vụ thảm sát, ban biên tập Charlie Hebdo đang thảo luận chủ đề cho số báo tới là đả phá tư tưởng phân biệt chủng tộc. Tại Châu Á, đặc biệt tại các nước có luật lệ kiểm soát chặt chẽ quyền tự do ngôn luận, báo chí chính thống đã lên án các vụ khủng bố giết người, đồng thời, không tán đồng đường hướng biên tập của Charlie Hebdo. Đối với tờ New Straits  Times, cơ quan ngôn luận của chính quyền Malaysia, thì tuần báo Pháp «không thể tiếp tục lan truyền thông điệp gần như là hận thù mà không hề hấn gì». Còn tại Trung Quốc, nước kiểm duyệt báo chí khắt khe, Hoàn Cầu Thời báo kêu gọi «cộng đồng quốc tế bảo vệ sự toàn vẹn thân thể của các nhà biên tập tạp chí», đồng thời cho rằng «điều này không ép buộc ai phải ủng hộ các bức tranh của họ vốn gây nhiều tranh cãi».