Điểm Báo Pháp – 10-1-2915

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 10-1-2915

Charlie Hebdo loan báo xuất bản « số báo của những người sống sót » sau vụ khủng bố. Ảnh chụp màn hình trang web của tờ báo ngày 08/01/2015.- http://www.charliehebdo.fr

Internet trước sự thách thức của chủ nghĩa khủng bố

Theo RFI – Minh Anh – 10-01-2015  17:16

Thời sự quốc tế hôm nay 10/01/2015 hầu như vắng bóng trên các trang báo Pháp cuối tuần, để nhường chỗ cho các thông tin liên quan đến vụ truy bắt hung thủ hai vụ tấn công khủng bố tại Paris hôm qua. Sau ba ngày truy lùng gắt gao, cuối cùng «Những kẻ sát nhân đã chết», theo như hàng tít lớn của Le Figaro trên phông màu nền màu đen.

Cả ba hung thủ gần như bị hạ gục cùng một lúc. Mặc dù «Công lý đã được thực hiện» như tựa đề bài xã luận của nhật báo, nhưng cái giá phải trả cũng quá đắt : bằng sinh mạng của bốn con tin, nâng tổng số nạn nhân lên thành 17 người và bốn nhân viên cảnh sát bị thương. Kịch tích của cuộc săn lùng đã được đẩy lên đỉnh điểm trong ngày hôm qua, đến mức Le Parisien phải thốt lên trên trang nhất «Kinh hoàng cho đến cùng».

Đó cũng là ba ngày bạo lực chưa từng có tại Paris. Dù vậy, tờ Libération cũng kêu gọi «Người dân hãy đứng lên» để «Kháng cự» lại những hành động bạo lực, theo như lần lượt tựa đề bài xã luận và tít lớn trên trang nhất. Những hành động mà Le Monde cho đó là «Cơn điên chết người của anh em Kouachi».

Internet: vũ khí lợi hại của quân thánh chiến

Thế nhưng vụ thảm sát diễn ra tại trụ sở tuần báo Charlie Hebdo đang làm trỗi dậy cuộc tranh luận về việc kiểm soát phổ biến tuyên truyền trên mạng của phe thánh chiến, trong khi các nhà điều hành mạng lại đang đấu tranh nhằm bảo tồn toàn quyền tự do ngôn luận. Về chủ đề này, Le Figaro có bài điều tra dài đề tựa «Internet đối mặt với thách thức của khủng bố».

Vài giờ sau vụ tấn công tại Charlie Hebdo hôm thứ Tư 07/01/2014, trên mạng Internet đã xuất hiện nhiều tiếng cười hả hê với các dòng thông điệp như «ngọn lửa chiến tranh đã chạm tới Paris »« cuộc đối đầu chỉ mới bắt đầu» hay như dòng chữ «nụ hôn nồng thắm từ Syria. Bye bye Charlie» được ghi trên một tờ giấy trắng đặt bên cạnh một khẩu AK.

Nếu như Internet là một công cụ tuyệt vời giúp cho người với người trên khắp hành tinh có thể xích lại gần nhau hơn, thì giờ chúng đang trở thành một loại vũ khí cho các phe thánh chiến sử dụng để tuyển dụng chiến binh, chuẩn bị các tội ác và khủng bố người dân. Le Figaro lấy tờ Inspire, một tạp chí bằng anh ngữ của Al-Qaida phổ biến trên mạng làm ví dụ điển hình. Tạp chí được phát hành theo từng quý, từ năm 2010. Kiểu mẫu mã không khác gì với với các tạp chí chuyên nghiệp khác : phông chữ chăm chút và bài đăng được viết bằng một tiếng Anh không chê vào đâu được. Có thể nói tờ Inspire minh chứng phe thánh chiến Djihad đã làm chủ được công nghệ và các mật mã của nó đến chừng nào.

Nếu như cách đây 10 năm, các chiến binh Hồi giáo cực đoan lui tới các diễn đàn một cách bí mật, thì ngày nay các giao tiếp trên mạng ngày càng ít kín đáo và hiệu quả cao hơn, theo như giải thích của ông Romain Caillet, thuộc Viện nghiên cứu Cận Đông của Pháp với nhật báo. Bởi vì, quân thánh chiến đã biết đầu tư vào những cổng trang web nào dễ đăng nhập và có đông người tham gia, nhất là tại các quốc gia phương Tây. Theo ông, «Mục đích của chúng là khủng bố công luận, nhưng đồng thời để tuyển dụng và cung cấp thông tin cho những người ủng hộ chúng».

Hiện tượng này chẳng có gì là mới, nhưng với sự xuất hiện các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter … đã khiến chúng lan rộng tầm mức chưa từng thấy. Nhờ vào Internet, các lực lượng thánh chiến đã được trang bị một sự hỗ trợ truyền thông rất hữu hiệu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS thì có hẳn cả một cơ quan truyền thông «Trung tâm truyền thông al-Hayat» (al-Hayat Media Center).

Các dòng tweet và video được phát nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, dưới sự trợ giúp của những người ủng hộ chúng. Ngoài ra IS còn có cả tạp chí riêng là Dabiq, giờ cũng được phát hành bằng tiếng Pháp. Hình ảnh chiếm vị thế trội nhất. So với al-Qaida trước đây chỉ dùng băng hình video để gieo rắc kinh hoàng, chất lượng hình ảnh do IS đưa ra được cải thiện rất rõ. Các vụ sát hại con tin giờ được quay bằng các thiết bị chuyên nghiệp với chất lượng cao rồi sau đó được phát lên mạng như Youtube. Bằng chứng rõ cụ thể nhất là vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley.

Không chỉ làm khiếp hãi người dân, IS còn dùng mạng để chiêu dụ những ai dễ bị cám dỗ. Để nhân đạo hóa cuộc chiến của chúng và thu hút các ứng viên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo không ngần ngại xen kẽ những hình ảnh đẫm máu với những bức ảnh mèo con hay những bữa ăn thân thiện giữa các chiến binh.

Vấn đề đặt ra là các nhà cung cấp mạng không thể nào kiểm soát được hết những hoạt động không thích hợp đó. Từ 15 năm qua, Pháp đã cố nắm lại quyền kiểm soát bằng cách thông qua một đạo luật về kỹ thuật số năm 2004. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải chịu trách nhiệm các nội dung đăng tải. Ngay khi được báo động, các trang web đó phải rút những bài viết được cho là có nội dung cổ vũ những tội ác chống nhân loại hay khơi dậy thù hận chủng tộc. Gần đây nhất, để tăng cường công tác kiểm soát mạng, Pháp đã thông qua một đạo luật chống khủng bố, trừng phạt những ai «xem thường xuyên những website trực tiếp kêu gọi hành động khủng bố hay cổ vũ cho hành động này».

Tuy nhiên, đạo luật này gặp phải sự phản đối dữ dội của các nhà cung cấp mạng. Họ cho rằng «đạo luật này được thông qua bởi những kỹ thuật viên, những người không am tường thực địa» và «có thể cản trở quyền tự do ngôn luận».

Mùa «Soldes» Paris cũng xám xịt như làng báo Pháp

Bầu trời mùa đông Paris những ngày gần đây chỉ một màu xám xịt. Vụ thảm sát xảy ra còn làm cho bầu không khí đó thêm nặng nề. Tác động của vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân mà còn đè nặng lên cả lãnh vực kinh tế. Theo thông lệ hằng năm, tháng Giêng thường là mùa «hạ giá», là dịp để các hộ gia đình gia tăng chi tiêu, mua sắm những món hàng mình thích với giá rẻ. Vụ tấn công vào Charlie Hebdo đã đặt «Người Pháp dưới một cơn sốc» khiến họ «Không còn tâm trạng nào nữa cho mùa hạ giá» như nhận xét của tờ Le Parisien.

Tờ báo chưng một tấm ảnh cho thấy quang cảnh vắng hoe tại gian hàng giày dép trên một con phố sang trọng tại thủ đô Paris, với hàng chữ «Soldes» (Hạ giá). Một người bán hàng than vãn với ký giả tờ báo là bầu không khí thật là ủ rũ, chẳng có mấy khách hàng, dù rằng ngay từ đầu mùa, giá đã giảm xuống đến 50%.

Tại trung tâm thương mại Bercy, một khách hàng cho tờ báo hay, một ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát, trung tâm đông nghìn nghịt người, quay lại hôm qua không có lấy một bóng người. Cũng lẽ bình thường, vì ai cũng bận dán chặt con mắt lên các màn hình smartphone hay tivi hay chí ít dỏng tai nghe đài để theo dõi diễn biến của vụ thảm sát.

«Phục tùng» của Houllebecq khơi ngòi vụ khủng bố?

Trước vụ thảm sát vài ngày, giới truyền thông Pháp quảng bá rầm rộ cho một quyển sách mới đề tựa «Soumission» (Tạm dịch là Phục tùng) của nhà văn Michel Houllebecq. Điểm trùng hợp kỳ lạ là tác giả này xuất hiện trên trang nhất số báo của Charlie Hebdo phát hành ngay trong ngày xảy ra thảm sát.

Le Monde trong bài viết «Michel Houllebecq: từ quảng bá cho đến va chạm», cho đăng lại trang nhất số báo vừa qua của Charlie Hebdo, vẽ hình nhà văn Pháp với khuôn mặt già nua, móm mém, tay cầm điếu thuốc, chạy hàng tít lớn: «Những tiên đoán của giáo sĩ Houllebecq: Vào năm 2015, tôi không còn răng. Năm 2022, tôi làm ramadan» (tháng nhịn chay của người theo đạo Hồi).

Nội dung tập trung là một câu chuyện chính trị viễn tưởng, theo đó vào năm 2022, chủ nhân của điện Elysée sẽ là một ứng viên thuộc đảng Huynh đệ Hồi giáo, đồng thời kéo theo hiện tượng Hồi giáo hóa trên cả nước Pháp. Trước đó, quyển sách này đã được giới truyền thông Pháp quảng bá rầm rộ với các cuộc phỏng vấn trực tiếp trên các kênh truyền hình và đài phát thanh. Hiện công việc phát hành sách đã được tạm ngưng. Nhà ăn Pháp cũng đã rời Paris. Thế nhưng, tuy rằng cả hai sự kiện gần như xảy ra cùng lúc dù không có chút liên hệ trực tiếp nhưng đã đập mạnh vào tâm trí người dân bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ : đều cùng liên quan đến đạo Hồi.

Ấn tượng hơn nữa là, dù đã rút lui, nhưng bóng dáng của nhà văn vẫn hiện diện khắp nơi do bởi kế hoạch quảng cáo đã được thiết kế và thực hiện trước khi xảy ra vụ khủng bố. Chẳng hạn như trang nhất của tuần san L’Obs số ra tuần này chạy một tít rất kỳ khôi: «Tôi vẫn sống sót sau mọi vụ tấn công. Houllebecq giải thích». Trong khi mà sự thật diễn ra không một ai sống sót trong số 12 nạn nhân. Điều đó rõ ràng gây lúng túng cho ban biên tập sau vụ việc.

Nếu như tạp chí Le Figaro Magazine số ra hôm qua chỉ đơn giản thông báo «Houllebeq: đạo Hồi, nước Pháp và tôi», thì một tuần san thiên hữu khác, Valeurs actuelles đặt câu hỏi «Nỗi sợ hãi trên đất Pháp, và giả như Houllebecq có lý?». Từ «Peur» (nỗi sợ) được tờ báo in cỡ chữ rất to. Bên cạnh câu hỏi là hình ảnh một phụ nữ trùm khăn kín màu xanh, trắng, đỏ – màu cờ của Pháp và chỉ để lộ đôi mắt. Đó là chưa kể trong số báo tới, tờ Inrockuptibles dự định chạy tựa «Wanted». Tuy nhiên, ban giám đốc tờ báo cho hay đã từ bỏ ý định và nói rằng không còn tâm trí để mà đùa cợt.

Thổ Nhĩ Kỳ: Báo trào phúng cũng bị đe dọa

Nhìn ra ngoài nước Pháp, nếu như cộng đồng quốc tế đều lên án hành động khủng bố chống lại Charlie Hebdo, thì tại Thổ Nhĩ Kỳ, Le Monde cho hay «Các tạp chí trào phúng bị đe dọa».

Tờ báo cho hay nhiều cư dân mạng tại đây mong muốn các tờ báo châm biếm trong nước cũng chịu cùng số phận như Charlie Hebdo. Trên tài khoản Twitter, một người dẫn chương trình của kênh truyền hình Hồi giáo cực đoan Kudus khẳng định tất cả những ai dám báng bổ đạo Hồi sẽ phải bị trừng phạt. Đối với họ, hành động xúc phạm đạo còn «khủng bố hơn» là một vụ tấn công vũ trang. Nhiều cư dân mạng còn cho rằng đó là một bài học cần rút ra dành cho các tờ báo trào phúng Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhận định của họa sĩ Tuncay Akgun, tổng biên tập tờ châm biếm Leman, người có mối liên hệ thân mật với họa sĩ Georges Wolinski vừa bị sát hại, những gì xảy ra cho Charlie Hebdo, rất có thể tái diễn tại Thổ Nhĩ Kỹ, nhất là tại tuần san của ông. Điều này làm ông cảm thấy lo lắng vì cho đến giờ, những gì họa sĩ nhận được chỉ là những chỉ trích, đe dọa bằng lời.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng chỉ có 5 tờ báo châm biếm, với hơn 200 ngàn ấn bản, rất được dân Thổ ưa chuộng. Thế nhưng, những năm gần đây óc hài hước của người dân đang dần phai nhạt, kể cả những người đứng đầu nhà nước. Họa sĩ Tuncay cho biết, trong vòng 10 năm gần đây, đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng chống lại các cây vẽ biếm họa. Mối đe dọa đó hiện bao trùm lên toàn giới báo chí trong nước. Đó là chưa kể đến áp lực kinh tế, nhất là thuế khóa.