Điểm Báo Pháp – 8-1-2015
Một quả bom được phát hiện tại Savannakhet, Lào.- Handicap International
Đường mòn Hồ Chí Minh đầy rẫy bẫy chết người
Thảm sát tại tuần báo trào phúng Charlie Hebdo là phần tin nổi bật nhất trong ngày 08/01/2015. Thời sự Châu Á xuất hiện khá rải rác trên các mặt báo, nhưng đáng quan tâm nhất là bài phóng sự dài và rất xúc động trên Le Figaro có tựa đề «Những chiếc bẫy ‘quái quỷ’ trên đường mòn Hồ Chí Minh».
Theo ước tính của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, khoảng 80 triệu quả bom bi vẫn còn hiện diện trên đất Lào, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sinh hoạt và tính mạng của người dân, mà phần đông là trẻ em.
Mở đầu bài viết, Le Figaro kể lại trường hợp đáng thương tâm của anh thanh niên Phongsavath. Cuộc đời của anh đã bị đảo lộn cách đây 6 năm, lúc ấy anh được 16 tuổi. Trên đường đi học về, anh và bạn bè nhìn thấy một vật lạ bên vệ đường. Không biết rằng đó là một quả bom nhỏ, anh tìm cách mở thử và quả bom đã phát nổ ngay tức thì. Hậu quả là hai tay bị cụt, đôi mắt mù lòa.
Bài báo viết những số phận như Phongsavath không phải là hiếm hoi. Đã bốn mươi năm trôi qua, Lào – quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé – đáng lý ra không có chút can dự gì vào cuộc chiến giữa Mỹ – Việt Nam, vẫn phải kế thừa những hậu quả nặng nề cho đến ngày hôm nay. Trên lý thuyết, theo tinh thần Hiệp định Geneve, Lào sẽ trở thành một quốc gia trung lập và cấm mọi sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ. Thế nhưng, các lực lượng cộng sản và phe ủng hộ Mỹ lại lao vào một cuộc chiến khốc liệt không tên.
Từ Savannakhet, con đường số 9 chạy thẳng phía Đông, hướng về Việt Nam. Con đường chiến lược này cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng chiến tranh, khu vực này liên tục hứng những trận mưa bom, nhất là khu vực Tchepone, cách Việt Nam chỉ có 50 km. Trong giai đoạn 1964-1973, không quân Mỹ đã tiến hành 600.000 cuộc không kích và rải hai triệu tấn bom trên đất Lào. Ngang bằng với tổng số bom được thả trong Đệ nhị Thế chiến, kể cả trên Thái Bình Dương. Với số dân chỉ có 3 triệu người vào thời điểm bấy giờ, nhưng « đất nước Triệu Voi » lại là quốc gia bị dội bom nhiều nhất trên thế giới.
Trong trận bão bom đó, hơn 270 triệu quả bom bi đã được thả xuống. Nhưng khoảng 30% số bom đó đã không nổ liền tức thì. 80 triệu quả bom đó hiện vẫn còn công hiệu. Chúng nằm rải rác khắp nơi, trên những cánh đồng, dòng sông hay trên những con lộ. Ước tính khoảng 15 trong số 17 tỉnh bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê : từ năm 1964 đến nay, có đến 50.000 người là nạn nhân của bom bi, trong đó phân nửa là trẻ em, do bởi tò mò vì những viên bi nhỏ có vẻ ngộ nghĩnh mà không hề hay biết đến sự nguy hiểm của chúng. Chỉ cần một thao tác đơn giản cũng đủ để khơi ngòi chất nổ.
Đây quả là một mối đe dọa thường trực cho người dân nông thôn, gây cản trở cho sự phát triển đất nước, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Những «vật liệu chưa nổ» tạo ra «một nỗi bất an tâm lý. Nông dân không dám khai khẩn hay chăn thả gia súc», theo như giải thích của bà Melanie Broquet, trưởng nhóm tổ chức Handicap International tại Lào.
Cũng theo bà Melanie Broquet, số lượng bom lớn lại nằm rải rác khắp nơi đã gây nhiều khó khăn cho công tác dò tìm và gỡ mìn. Các tổ chức phi chính phủ không thể nào «bao hết sân». Do đó, «cần phải ưu tiên các can thiệp tùy theo từng chương trình phát triển do chính phủ Lào quyết định cùng với sự hợp tác của chúng tôi».
Nhằm giảm thiểu tối đa số nạn nhân, nhiều chương trình tuyên truyền đã được đưa ra. Tại nhà trường, các em nhỏ được giảng dạy cách giữ thái độ khi tìm thấy những quả bom bi đó. Dân làng được đánh động trước mối rủi ro… Theo tờ báo, các chương trình tuyên truyền đó đang bắt đầu cho những kết quả khả quan. Theo Handicap International, gần 17000 «vật liệu chưa nổ» đã được phá hủy từ năm 2006. Số nạn nhân cũng giảm đi đáng kể, từ 300 người trong năm 2010 xuống còn chừng 60 người trong năm 2014.
Các tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho các nạn nhân kêu gọi phổ biến Hiệp ước Oslo cấm bom chùm, có hiệu lực từ năm 2010. 130 quốc gia đã tham gia ký kết hiệp ước đó, ngoại trừ các cường quốc lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… Vào năm 2014 vừa qua, loại vũ khí sát thương này còn được sử dụng tại Syria và Nam Su-đăng. Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 40 năm qua, nhưng cuộc chiến bom bi vẫn còn đang tiếp diễn tại Lào. Le Figaro dẫn lời nhận định của một chuyên gia phá mìn người Lào để kết thúc bài viết, theo đó: «Chúng tôi cần ít nhất là 50 năm nữa».
Tuần san Pháp bị khủng bố: nước Pháp dưới cú sốc
Trở lại với thời sự tại Pháp, trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay chỉ toàn một màu đen. «Tàn bạo», «Cuộc chiến chống lại tự do», «Sự bắt chẹt man rợ» là những lời lẽ chỉ trích gay gắt trên các mặt báo. Cả nước Pháp dưới cú sốc sau vụ thảm sát xảy ra tại tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, ngay giữa lòng thủ đô Paris, vào trưa hôm qua.
Đa số các báo Pháp đều ra số đặc biệt, dành hơn nửa số trang báo để tường thuật chi tiết lại vụ tấn công, thông tin về diễn biến truy lùng thủ phạm, các phát biểu của các đảng phái chính trị và đặc biệt là cuộc đời và sự nghiệp của bốn danh họa nổi tiếng Cabu, Wolinski, Charb, Tignous và nhà kinh tế Bernard Maris.
Để bày tỏ lòng thành kính với 12 nạn nhân, hầu hết trang nhất các tờ báo đều phủ một màu đen. «Chúng ta tất cả đều là Charlie», nhật báo thiên tả Libération chạy tít lớn. Biểu ngữ đó cũng được hàng trăm ngàn người xuống đường tối qua giương cao. Đối với nhật báo, dù rằng «chúng nó đã hạ sát Cabu, Wolin, Charb, Tignous, Bernard – những nhà báo – họa sĩ nổi tiếng», nhưng «Charlie vẫn sẽ tiếp tục sống» như tựa đề bài xã luận.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro, đặc biệt từ bỏ màu xanh dương thường lệ, phủ lên trang nhất một màu xám xịt với hàng tít lớn «Tự do bị sát hại». Xã luận Le Figaro, lời lẽ có vẻ sôi sục, xem cuộc tấn công khủng bố ngày hôm qua như là một «cuộc chiến thật sự, không phải do những kẻ sát nhân tầm thường, mà là do những tên giết người có phương pháp và có tổ chức, do bởi hành động man rợ lạnh lùng (…) Chống lại những kẻ này, chúng ta cần phải đánh mạnh. Không chút nương tay. Vì đó là cuộc chiến, nên cần phải thắng».
Nhật báo kinh tế với tấm hình cửa kính bị đạn bắn thủng, chạy tựa lớn «Đối mặt với sự tàn bạo». Đồng quan điểm với Le Figaro, xã luận nhật báo kinh tế cũng ví vụ thảm sát tại Charlie Hebdo như là một cuộc chiến: «Những kẻ che mặt đã tuyên chiến với nước Pháp, với nền dân chủ, với các giá trị của chúng ta (…) Từ Sahel và bình nguyên Syria cho đến con hẻm nhỏ yên tĩnh tại quận 11 ở Paris, trụ sở của ‘Charlie Hebdo’, đều là cùng một mặt trận chống lại sự tàn bạo đang thách thức chúng ta».
Cũng trên nền màu đen, với hình ảnh cây bút chì trên một tấm giấy trắng có ghi dòng chữ «Tự do ngôn luận» bị vấy mực đen, nhật báo Công giáo La Croix chạy dòng tít «Nước Pháp bị tổn thương». Khác với những lời lẽ chỉ trích gay gắt của hai nhật báo trên, xã luận La Croix mời gọi một «Sự kết hợp chặt chẽ». «Trước cái chết, ký giả không có vị thế đặc biệt nào hết, nhưng tấn công vào báo chí, vào sự tự do thông tin (kể cả biếm họa) thì đó là từ chối một xã hội tranh luận, kiêu hãnh và đa nguyên, đó là tấn công vào những nền tảng dân chủ ( …) Chúng ta hãy giữ bình tĩnh và phẩm cách, không nhượng bước trước sự hỗn loạn, từ chối mọi hình thức khai thác thảm kịch này. Chính sự kết hợp chặt chẽ đó sẽ là cách bày tỏ lòng thành kính của chúng ta đối với các nạn nhân».
Nhật báo Cộng sản L’Humanité thì hô to «Họ tấn công vào chính sự tự do». Lời lẽ như những kháng chiến quân, bài xã luận của nhật báo kêu gọi «Trong những giờ phút bi thảm này, trong bối cảnh căng thẳng không ngừng gia tăng, nước Cộng hòa là một thể và không thể chia cắt, khoan dung, thế tục và mang tính xã hội, hơn bao giờ hết cần được khẳng định. Nước Pháp cần phải kháng cự và đương đầu chống lại những kẻ hèn nhát và man rợ đó».
Châu Âu đồng thanh lên án vụ thảm sát
Màu đen đó không chỉ có ngự trị trong làng báo Pháp, nhiều tờ báo Châu Âu cũng phủ đen chia sẻ nỗi buồn cùng các đồng nghiệp Pháp. Tại Bỉ, nhật báo kinh tế L’Echo trên nền màu đen đưa tít «Tất cả đều là Charlie». Nhật báo cho đăng lại hình ảnh trên trang nhất của 17 số Charlie Hebdo. Đồng nghiệp Hà Lan thì thanh tao hơn, trang nhất hầu như đen tuyền với dòng chữ bằng tiếng Pháp «Tôi là Charlie». Xã luận của tờ La Libre Belgique, cho rằng «vụ tấn công này, với tác động của nó, thì hành động bạo lực đó cũng mạnh như là vụ khủng bố 11/09/2001 đánh vào New York».
Tại Anh quốc, hai nhật báo Daily Mail và Daily Telegraph cùng đưa tít «Cuộc chiến chống lại tự do». Kèm theo đó là tấm ảnh vụ tấn công cho thấy hai kẻ sát nhân đang chĩa súng vào viên cảnh sát nằm gục trên đất. Cùng chung giọng điệu, tờ Time cũng đưa tựa «Tấn công chống lại tự do» hay như tờ The Guardian «Tấn công chống lại nền dân chủ».
Biểu ngữ «Tôi là Charlie» cũng được đọc thấy trên một số nhật báo của Đức. Đối với tờ báo mạng Tagesiegel, «Chúng ta không nên thu mình im lặng trước vụ thảm sát diễn ra tại Charlie». Về phía Bồ Đào Nha, tờ tuần san Expresso chạy tít khẳng định: «Châu Âu không sợ». Tờ báo nhấn mạnh rằng hàng ngàn người Châu Âu đã xuống đường cho sự «tự do ngôn luận, chống lại sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố».
Cuba hé cửa nhà tù chính trị
Nhìn sang Châu Mỹ, ba tuần sau khi Cuba và Hoa Kỳ thông báo nối lại quan hệ ngoại giao, chính quyền La Habana đã có cử chỉ cởi mở đầu tiên, tuyên bố trả tự do cho 53 tù nhân chính trị. Theo La Croix, «Cuba hé mở cửa nhà tù chính trị».
Thứ Ba 06/01/2015 vừa qua, La Habana thông báo trả tự do co 53 tù nhân chính trị theo như yêu cầu từ phía Washington. Điều bí ẩn là không ai biết rõ chính xác con số cũng như tên tuổi những người được trả tự do. Thông báo đưa ra theo như đề nghị từ phía Nhà Trắng, một tuần sau đợt bắt bớ mới các nhà ly khai, vốn dĩ gây khó khăn cho chính quyền ông Obama. Vào hôm thứ Ba 30 và thứ Tư 31/12/2014 vừa qua, lực lượng an ninh Cuba đã can thiệp vào buổi diễn thuyết định tổ chức ngay tại La Habana của nghệ sĩ Tania Bruguera.
Nhưng vài giờ sau đó, khoảng 50 người đã được thả ra. Theo Ủy ban Nhân quyền tại Cuba, đợt bắt bớ mới này đã tạo cớ cho phe Cộng hòa lên án sự thiếu cương quyết của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo một số nghị sĩ, Washington lẽ ra phải có được những nhượng bộ từ phía La Habana liên quan nhân quyền hay mở cửa chính trị trước khi khởi động tiến trình trên.
Về phía Cuba, La Croix cho rằng động thái cởi mở trên dường như nhằm mục đích đáp trả lại những tấn công và trấn an công chúng Mỹ, vào lúc mà các cuộc thương thuyết chính thức đầu tiên giữa hai chính phủ về việc bỏ cấm vận phải diễn ra trong tháng này.
Vấn đề là để có thể đi đến bình thường hóa quan hệ với La Habana, ông Barack Obama cũng cần sự ủng hộ của các nghị sĩ cộng hòa, chiếm đa số tại hai viện. Quả thật, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận lệ thuộc hoàn toàn vào Thượng và Hạ viện, chứ không phải do Nhà Trắng quyết định.
Do đó, bất chấp đa số dân Mỹ tỏ ra ủng hộ cho sự xích lại gần này (54% ý kiến đồng tình so với 28% chống) theo như kết quả thăm dò do CBS thực hiện vào cuối năm vừa qua, nhưng phe hữu tại Mỹ vẫn tỏ ra cương quyết phản đối.
Cần giảm năng lượng hóa thạch để cứu vãn hành tinh
Liên quan đến vấn đề kinh tế – môi trường, La Croix có bài viết báo động «Một nghiên cứu khoa học phê phán việc sử dụng năng lượng hóa thạch».
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, “một phần ba dự trữ dầu hỏa, một nửa dự trữ khí ga và hơn 80% dự trữ than có lẽ nên không được sử dụng trong khoảng từ 2010-2050 » thì mới có 50% cơ may duy trì hiện tượng hâm nóng khí hậu thấp 2° từ đây cho đến cuối thế kỷ XXI. Trên đây là tính toán của hai nhà khoa học Christophe McGlade (University College, London) và Paul Ekins (Postdam Institute for Climate Impact Research).
Nghiên cứu cho rằng, “các nguồn tài nguyên tại Bắc cực cũng phải được xếp vào hạng không thể đốt cháy”. Về phần các nguồn năng lượng không quy ước, như khí đá phiến tại Mỹ hay dầu cát tại Canada, các tác giả khuyên không nên tăng sản lượng khai thác vì có vẻ “không mấy phù hợp” với những đòi hỏi cấp bách về khí hậu.
Nhất là nghiên cứu của hai nhà khoa học cho thấy khó có thể đạt được đồng thuận khí hậu thế giới về việc giảm thải khí ga gây hiệu ứng nhà kính.