Vì sao phần lớn chúng ta thuận tay phải?
Theo BBC – Jason G Goldman
Con người chúng ta thường không mấy khi nhất trí về mọi thứ, nhưng có ít nhất một điều mà một số ấn tượng trong chúng ta chấp nhận: đó là tay nào dễ điều khiển nhất. Nếu bạn sử dụng một bên tay để viết thì bạn thường dùng chính tay đó khi ăn, và hầu hết trong chúng ta – khoảng 74% tới 96% loài người chúng ta – thuận tay phải. Trong thực tế, “chưa bao giờ có bất kỳ tổng kết nào về dân số trong đó người thuận tay trái lại đông hơn”, theo nhà khảo cổ học Natalie Uomini tại Đại học Liverpool tại Anh. Xu hướng thiên về sử dụng một chi bên này hay bên kia thường bắt đầu từ trong não bộ. Chúng ta biết rằng một số nhiệm vụ được kiểm soát phần lớn bởi hoạt động của não ở bán cầu não trái, trong khi bán cầu não phải điều chỉnh các nhiệm vụ khác. Cái gây nhầm lẫn là ở chỗ có một số dây thần kinh đan chéo giữa cơ thể và não bộ, có nghĩa là bên trái của não bộ kiểm soát nhiều hơn phía bên phải của cơ thể và ngược lại. Nói cách khác là bán cầu não trái của não giúp kiểm soát các hoạt động của bàn tay phải, mắt phải, chân phải.… Một số người cho rằng sự phân chia lao động của thần kinh là một đặc điểm của động vật trong một nửa tỷ năm.
Có lẽ nó đã tiến hóa vì thấy hiệu quả hơn tạo điều kiện cho phép hai bán cầu não thực hiện các tính toán khác nhau cùng một lúc. Chẳng hạn phía bên trái của não có thể đã tiến hóa để thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại – những việc như tìm kiếm thức ăn – trong khi phía bên phải của não được tự do để phát hiện và phản ứng nhanh trước các thách thức bất ngờ trong môi trường – chẳng hạn như trước động vật săn mồi khi chúng đến gần chẳng hạn. Điều này có thể thấy được ở nhiều loài cá, cóc và chim, mà tất cả các loài đều nhiều khả năng tấn công con mồi mà chúng nhìn thấy bằng mắt phải. Vì vậy có thể rằng (mặc dù khó để chứng minh) khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu đi bằng hai chân thay vì tứ chi, giải phóng đôi tay để thực hiện nhiệm vụ mới như chế tạo công cụ, tổ tiên ta đã bắt đầu sử dụng bàn tay theo cách thức khác đi. Hoặc, theo nhà khoa học nhận thức Stephanie Braccini và đồng nghiệp nói trong một nghiên cứu trên Tạp chí Tiến hóa Loài người, “việc tăng cường của sự bất đối xứng cá nhân [có thể] bắt đầu ngay khi tông người Hominini bắt đầu tự thấy phải ở tư thế thẳng đứng khi sử dụng công cụ hay tìm kiếm thức ăn”. Để hậu thuẫn cho cách lý giải này, Braccini và các cộng sự đã xem xét sự thuận tay ở tinh tinh, và thấy rằng khi loài này đứng trên tất cả tứ chi, chúng không tỏ ra ưa dùng tay bên nào. Chỉ khi buộc phải đứng vị trí thẳng thì mới hé lộ việc ưa dùng tay nào – mặc dù các con tinh tinh được nghiên cứu đều thuận cả hai tay, tức là tay trái và phải là như nhau. Rõ ràng là phải có cái gì đó khác cần thiết tới mức thúc đẩy con người cổ xưa thuận tay phải cao tới mức chúng ta thấy ngày nay.
Chúng ta biết đại khái khoảng khi nào có thay đổi đã xảy ra từ thí nghiệm mà các nhà nghiên cứu thực hiện đối với dụng cụ bằng đá cổ xưa bằng cách sử dụng tay trái hoặc tay phải để đẽo – hoặc gò – công cụ đó thành hình dạng như y muốn trước khi so sánh chúng với các công cụ thực hiện bởi tông người Hominini. Việc tiến hành thí nghiệm như vậy cho thấy có ít bằng chứng rằng con người thủa sơ khai cách đây hơn 2 triệu năm về trước chủ yếu thuận tay phải. Tuy nhiên, công cụ bằng đá được làm khoảng 1,5 triệu năm trước ở Koobi Fora, Kenya, bởi hai loài người cổ đại – Homo habilis (xảo nhân, tức người khéo léo) và Homo erectus (trực nhân, tức người đứng thẳng trên hai chân) – đều cho thấy một số bằng chứng là đa số thuận tay phải. Và khi một loài được gọi là Homo heidelbergensis (người Heidelberg, nay đã tuyệt chủng) xuất hiện, có lẽ khoảng 600.000 năm trước, người ta thấy việc thuận tay phải rõ ràng hơn trong các xã hội tiền sử. Chẳng hạn những vết trên răng được bảo tồn của loài Homo heidelbergensis cho thấy rằng thức ăn thường được đưa lên miệng bằng tay phải. Điều này cho chúng ta biết vào thời điểm nào đã có thay đổi này xảy ra, nhưng không biết vì sao. Một số người cho rằng tất cả là do ngôn ngữ. Vì hầu hết mọi người thuận tay phải với đặc tính là được bên trái não bộ kiểm soát – nên hầu hết mọi người học cách xử lý ngôn ngữ ở bán cầu não trái của họ. Trên thực tế, việc não trái chuyên dành cho ngôn ngữ thậm chí còn phổ biến hơn là thuận tay phải và điều đó có thể giải thích rằng vì bán cầu não trái phát triển về ngôn ngữ, việc ưa dùng tay phải có thể chỉ đơn giản là sự tăng cường như một tác dụng phụ.
Điều này được gọi là giả thuyết Homo loquens: Tức là việc thuận tay nào về cơ bản được tác động bởi sự tiến hóa trong tư thế đứng thẳng bằng hai chân, trong khi ưu tiên thuận bên phải được chi phối bởi sự phát triển của ngôn ngữ. Việc thuận tay phải có thể chẳng qua là sản phẩm ngẫu nhiên của cách hình thành hệ thống dây thần kinh nối với nhau trong bộ não của chúng ta. Nhưng chứng minh giả thuyết đó là khó, hoặc thậm chí là không thể chứng minh được, vì lý tưởng nhất là liên quan đến việc thử nghiệm thần kinh của tổ tiên chúng ta vốn qua đời lâu lắm rồi. Sự thật là chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết các chuỗi sự kiện gì đã thực sự đưa loài người chúng ta tới thiên hướng dùng phần bên phải của cơ thể và phía bên trái của não bộ. Đối với những người thuận tay trái trong chúng ta thì hãy dũng cảm lên! Theo một bài báo năm 1977 trên tạp chí Bản tin Tâm lý, “có khá ít bằng chứng cho thấy sự liên hệ của việc thuận tay trái là bất lợi hay điểm yếu, như một số người thường nói”. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng những người thuận tay trái thậm chí có thể dễ dàng phục hồi từ tổn thương não hơn. Và tay trái của họ dường như có lợi thế bất ngờ trong lúc giao tranh, có nghĩa là người thuận tay trái có thể trội hơn ở môn thể thao đấu tay đôi như võ thuật. Tất cả điều này cho thấy khác thường có khi lại hay. Bài gốc tiếng Anh đã được đăng trên BBC Future.