Tin Thế Giới – 5/1/2015
Cựu tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển được ân xá vì lý do y tế
Hôm nay, cựu tổng thống Đài Loan Trần Thuỷ Biển đã rời khỏi nhà tù vì được tạm tha vì lý do y tế sau nhiều năm sức khoẻ bị sa sút. Ông Trần đã thụ án chưa được 1/3 thời hạn đã định. Ông bị bỏ tù vì những cáo trạng có liên quan đến tham nhũng trong thời gian ông tại chức, là lúc ông cũng làm cho đối thủ chính trị của Đài Loan là Trung Quốc tức giận khi đòi để cho hòn đảo này được độc lập.
Cựu Tổng thống Đài Loan Trần Thuỷ Biển rời khỏi nhà tù hôm nay để về tư thất ở miền nam Đài Loan. Ông đã thọ án 6 năm trong bản án tù 20 năm về tội hối lộ, rửa tiền và các cáo trạng khác có liên quan đến tham nhũng. Luật sư của ông là ông Thạch Nghi Lâm cho biết ông đã bị trầm cảm nặng và mắc chứng không kiểm soát được đường tiểu tiện, chưa kể những bệnh khác.
Luật sư Thạch nói tình trạng của cựu tổng thống đã biến chuyển đến mức ông không còn giữ được vẻ uy nghiêm nữa. Ông Shih nói: “Khi ông ấy muốn nói chuyện với chúng tôi thì phải có người đẩy xe lăn cho ông và ông ta phải chống gậy.” Luật sư này cho biết thêm rằng 15 chuyên gia y tế đã đồng thanh nói ông Trần có thể được chữa trị bên ngoài nhà tù và việc này phải được thực hiện theo đúng luật pháp.
Khi còn tại chức từ năm 2000 đến năm 2008, ông Trần đã nổi tiếng là xa lánh quy chế Đài Loan tự trị đối với Trung Quốc, là nước nhận hòn đảo này thuộc chủ quyền của mình. Bắc Kinh căm hận bởi vì ông Trần không chịu đồng ý rằng Trung Quốc và Đài Loan là một nước và ông ủng hộ việc dự thảo một bản hiến pháp mới được nhiều người cho là sẽ thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan. Vụ giằng co đã khiến cho không thể tiến hành cuộc đối thoại và khiến Trung Quốc đưa ra những lời đe doạ quân sự.
Ông Trần cũng gây khó chịu cho Hoa Kỳ, là nước muốn có quan hệ chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Đài Loan. Cuối cùng, Washington đã hạn chế việc ông Trần quá cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ khi ông đáp máy bay từ Đài Loan đến các nước đồng minh ngoại giao của Đài Loan ở châu Mỹ Latin.
Kể từ năm 2008, Tổng thống Mã Anh Cửu đã xoa dịu quan hệ với cả hai siêu cường, dẫn tới việc đạt được 21 thoả thuận lịch sử với Trung Quốc.
Năm 2009, một toà án đã buộc ông Trần phạm các tội có liên quan đến tham nhũng 20 triệu đôla, khiến cho ông trở thành vị cựu tổng thống đầu tiên của Đài Loan phải thụ án tù về các tội trạng ngay trong khi tại chức. Vợ của ông và 2 thành viên khác trong gia đình ông cũng bị buộc tội. Ông Trần chống lại mọi cáo trạng, và gọi chúng là một phần trong một âm mưu chính trị.
Cơ quan Trừng giới thuộc Bộ Tư pháp hôm nay nói ông Trần có thể sống ở nhà bởi vì tình trạng thần kinh của ông đã suy sụp tới mức ông không thể được điều trị trong tù. Cơ quan này cho biết đã xét tới các yếu tố công lý và lòng nhân đạo trong quyết định. Tuần trước, một toán 15 chuyên gia y tế cũng đề nghị cơ quan này tạm tha cho ông vì lý do y tế.
Thứ trưởng Tư pháp Trần Minh Đường đã mở một cuộc họp báo hôm nay, tóm lược các kết quả do các chuyên gia y tế đưa ra.
Ông Trần nói sức khoẻ cân não của ông Trần Thuỷ Biển có các khuyết tật nghiêm trọng. Giới chức này nói ông không thể tự lo cho mình trong sinh hoạt bình thường hiện nay và cần phải được khám bệnh, cần được chăm sóc được giúp đỡ thường xuyên, cho nên ông nghĩ rằng việc chữa trị y tế trong tù không thể có hiệu quả.
Các nhà phân tích chính trị nói việc vị cựu tổng thống được tạm tha vì lý do y tế sẽ làm hài lòng một phe nhóm trong giới ủng hộ đảng đối lập cảm thấy rằng ông đã thụ án đủ, nhưng việc phóng thích ông sẽ không có ảnh hưởng quan trọng đối với chính sự Đài Loan. Một số người tin rằng quyết định ngày hôm nay cho thấy Quốc dân đảng, là đảng đã thua trước đảng Dân Tiến của ông Trần trong các cuộc bầu cử địa phương ngày 29 tháng 11, có thể đã cho phép tạm tha y tế để ra vẻ hoà giải.
Cơ quan Quản giáo nói ông Trần Thuỷ Biển phải trở lại nhà tù trong vòng ít nhất một tháng nếu các cuộc khám sức khoẻ nhận thấy ông có đủ sức. – VOA
Trung Cộng: Bí thư thành ủy Nam Kinh bị điều tra tham nhũng
Trong thông cáo đề ngày hôm qua 04/01/2015, Ủy ban giám sát kỷ luật trung ương Trung Cộng (TC) cho biết Bí thư Thành ủy Nam Kinh, Dương Vệ Trạch (Yang Weize) bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Đây là cụm từ thường dùng để ám chỉ các quan chức TC tham nhũng.
Một năm sau cựu thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp (Ji Jianye), đến lượt Dương Vệ Trạch, 52 tuổi, bị Ủy ban giám sát kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Hoa điều tra. Bản tin của AFP nói rõ Bí thư thành ủy Nam Kinh không được luật sư bảo vệ và cũng không được phép liên lạc với gia đình. Thủ tục điều tra nội bộ nói trên có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Từ đầu năm 2011 Dương Vệ Trạch được chỉ định vào chức vụ Bí thư thành ủy Nam Kinh, Ủy viên ban thường vụ của tỉnh Giang Tô. Theo báo chí Trung Quốc, Dương Vệ Trạch được xem là một quan chức có năng lực và rộng đường thăng tiến.
Trước khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư thành ủy Nam Kinh, Vệ từng là Bí thư thành ủy Vô Tích, thành trì của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Chu đã bị khai trừ khỏi đảng, bắt giữ và khởi tố hình sự vì tiết lộ bí mật quốc gia. Tuy nhiên hiện không có tài liệu nào nói về mối quan hệ của Chu Vĩnh Khang và Dương Vệ Trạch.
Tháng trước, chính quyền TC cho biết chuẩn bị đưa cựu thị trưởng thành phố Nam Kinh, Quý Kiến Nghiệp, ra xét xử vì tội tham nhũng. Tháng 10/2013 nhân vật này bị khai trừ khỏi đảng và chính thức bị truy tố vì đã “nhận những khoản tiền lớn và nhiều quà cáp”. Các nhà bình luận không rõ việc Bí thư thành ủy Nam Kinh bị điều tra có liên quan tới phiên tòa sắp mở ra với Quý Kiến Nghiệp hay không.
Tuần trước, bộ Ngoại giao TC thông báo thứ trưởng Chương Khôn Sinh (Zhang Kunsheng) bị cách chức và đặt trong vòng điều tra nội bộ cũng với lý do “vi phạm kỷ luật”. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang mạnh tay áp dụng chính sách “đả hổ diệt ruồi” để bài trừ tham nhũng. – Theo RFI
Nhật đề nghị hợp tác đóng tàu ngầm với Úc – Thủ Tướng Úc hứa hổ trợ thêm cho Iraq chống NNHGiáo
Trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình dương, Tokyo đề nghị với Canberra cùng chế tạo tàu ngầm thay vì xuất khẩu nguyên chiếc qua Úc. Sáng kiến mới của Nhật nhằm trấn an ngành công nghiệp đóng tàu của Úc.
Theo nhật báo Mainichi Shimbun số ra ngày hôm nay 05/01/2015, Bộ quốc phòng Nhật Bản đề nghị hợp tác với Úc nghiên cứu vỏ thép đặc biệt và nhiều trang thiết bị khác cho tàu ngầm loại mới. Phía Tokyo chỉ đảm nhiệm một mình phần lắp ráp.
Đề nghị này đã được phía Úc đón tiếp “tích cực” và theo Mainichi, hai bên sẽ kết thúc cuộc đàm phán vào cuối năm nay.
Để gia tăng khả năng phòng thủ, Úc cần thay thế đội tàu ngầm sản xuất từ thập niên 1990 và sử dụng kỹ thuật tân tiến của Nhật trong lãnh vực này.
Tuy nhiên, giới chính trị đối lập cũng như ngành kỹ nghệ đóng tàu tại Úc lo ngại mất hợp đồng với quân đội. Mặc khác, Úc cũng cân nhắc lợi hại tài chính vì mua tàu ngầm của Nhật giá sẽ thấp hơn là đóng tại Úc.
Giải pháp mới của Tokyo có lẽ đã làm cho phía Úc an tâm trên mọi vấn đề. Chính phủ Nhật của Thủ tướng Shinzo Abe đặt chính sách xuất khẩu vũ khí làm quốc sách. Ông lý giải là Nhật Bản cần phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn trên khắp địa cầu. Theo AFP, chính phủ Nhật chưa xác nhận thông tin của tờ báo Mainichi.
Ngoài ra tin hôm nay cũng cho biết Thủ tướng Úc Tony Abbott hứa sẽ hỗ trợ thêm cho chính phủ Iraq để giúp chính quyền Baghdad chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông Abbott đưa ra lời cam kết hôm nay trong một chuyến thăm không báo trước tới Iraq. Thông tín viên đài VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney.
Chính phủ Australia đã tham gia các cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo nhắm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Iraq. Chính quyền Canberra cũng đã hứa phái 200 binh sĩ thuộc Lực lượng Biệt kích đến làm công tác cố vấn quân sự cho quân đội Iraq.
Hôm nay, ông Tony Abbott đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên trong tư cách Thủ tướng Australia tới Baghdad, và đã cam kết với người đồng nhiệm nước chủ nhà, ông Haider al-Abadi, rằng chính quyền Canberra sẽ làm tất cả những gì có thể được để giúp đánh bại các phần tử chủ chiến Sunni đã chiếm nhiều khu vực lớn của Iraq và nước láng giềng Syria.
Ông Abbott nói rằng người dân Iraq vẫn tiếp tục chịu cảnh áp bức.
“Iraq là một quốc gia đã gánh chịu quá nhiều đau thương. Đầu tiên là hàng thập kỷ dưới chế độ độc tài của Saddam Hussein, kế đó là tình trạng hỗn loạn và lộn xộn sau cuộc tiến chiếm do Mỹ đứng đầu. Và gần đây nhất là cảnh đảo lộn, thời kỳ đen tối ập xuống miền bắc Iraq vì sự sùng bái chết chóc của Nhà nước Hồi giáo”.
Thủ tướng Abbott nói rằng những nỗ lực đánh bại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo không phải chỉ là một cuộc tranh đấu của Iraq mà là một cuộc chiến toàn cầu. Nhà lãnh đạo Australia nói rằng các phần tử chủ chiến Sunni đã “tuyên chiến với cả thế giới”.
Trong chuyến thăm không báo trước tới Baghdad, ông Abbott cũng đã gặp Tổng thống Iraq Fuad Masum, và cũng đã được các chỉ huy quân sự của Mỹ và Australia thông báo tình hình. Ông cũng dành thời gian với các lực lượng Australia tại căn cứ của họ tại Iraq.
Australia cũng đóng góp thêm 4 triệu đôla viện trợ nhân đạo để giúp hàng trăm nghìn người Iraq đã bị thất tán và mùa màng bị tàn phán bởi các vụ tấn công khủng bố.
Sự hỗ trợ của Australia dành cho chiến dịch do Hoa Kỳ lãnh đạo nhắm vào các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo phát xuất từ môt liên minh quân sự lâu dài đã có từ đầu những năm 1950.
Trong những tháng gần đây, Canberra đã thông qua các đạo luật mới chống khủng bố nhằm ngăn chặn các công dân Australia trẻ tuổi tới tham gia với các chiến binh ở Iraq và Syria. Năm ngoái, chính quyền Canberra đã nâng mức báo động khủng bố trong nước từ mức trung bình lên mức cao vì các quan ngại về chủ nghĩa cực đoan nảy nở ở trong nước.
Những người chỉ trích sự can dự quân sự của Australia tại Iraq nhấn mạnh rằng điều đó rõ ràng đã khiến Australia trở thành một mục tiêu cho các phần tử khủng bố. – RFI, VOA
Tin Hoa Kỳ
Thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2015 – Pháp nói về khả năng xóa trừng phạt Nga
Năm 2015 đã bắt đầu, và cùng với năm mới là những thách thức mới – cộng thêm vào những thách thức đã có từ trước. Năm 2014 để lại cho nước Mỹ nhiều công việc chưa hoàn tất trên khắp thế giới. Thông tín viên VOA Alex Villareal điểm qua một số thách thức hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama vào lúc ông bước vào 2 năm cuối tại Tòa Bạch Ốc.
“Sau hơn 13 năm, sứ mạng tác chiến của chúng ta ở Afghanistan sẽ chấm dứt.”
Hồi tháng 12, Tổng thống Obama đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh kéo dài nhất của nước Mỹ.
Nhưng các giới chức Bộ Quốc phòng cho biết bình minh của năm 2015 không có nghĩa là sự kết thúc của viện trợ Hoa Kỳ, như nhận định của phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, đề đốc John Kirby:
“Không phải là đến ngày 31 tháng 12 là chúng ta bỏ đi. Chúng ta không làm như thế. Chúng ta sẽ ở lại.”
Yểm trợ về không lực, huấn luyện và chống khủng bố, tất cả đều năm trong nghị trình của hơn 10.000 binh sĩ Hoa Kỳ ở lại Afghanistan trong năm nay. Đó là sự hỗ trợ mà lực lượng Afghanistan cần đến, sau khi các vụ tấn công của Taliban gia tăng.
Hoa Kỳ cũng sẽ chống khủng bố dưới hình thức các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này đã nổi lên gây sự quan tâm của mọi người trong năm 2014, thông qua việc mau chóng chiếm đóng những phần đất lớn ở Iraq và Syria và những vụ chặt đầu dã man những người Tây phương.
Các vụ không kích nhắm vào nhóm này dường như đã có hiệu lực, và các chuyên gia phân tích dự báo những thắng lợi tiếp theo. Sau đây là ý kiến của ông Paul Salem thuộc Học viện Trung Đông:
“Tôi nghĩ Iraq, giữa đạo quân của người Kurd và quân đội quốc gia trú đóng ở Baghdad, với sự hỗ trợ mạnh của Hoa Kỳ, sẽ đạt được tiến bộ trong năm 2015.”
Cũng cần phải có tiến bộ là những nỗ lực của Hoa Kỳ và 5 cường quốc thế giới khác nhằm đạt được một thoả thuận hạt nhân với Iran. Các nhà thương thuyết đang nhắm mục tiêu là tháng 7, sau khi kỳ hạn định vào tháng 11 trôi qua mà không đi đến thoả thuận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nêu nhận định:
“Các cuộc đàm phán này sẽ không bỗng dưng mà trở nên dễ dàng hơn chỉ vì chúng ta gia hạn lại. Chúng rất gay go. Và chúng đã gay go. Và chúng ta sẽ tiếp tục cứng rắn.”
Và các chuyên gia, như ông Robert Einhorn thuộc Viện Brookings, cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hoà có thể làm cho mọi việc còn khó khăn hơn nữa.
“Các đại biểu Quốc hội nóng lòng áp đặt thêm các biện pháp chế tài. Sự kiện ấy có thể có ảnh hưởng đáng lo ngại.”
Nga là nguồn gốc gây căng thẳng thêm cho các biện pháp chế tài. Những biện pháp mà Hoa Kỳ đã áp đặt vì Moscow ủng hộ các phần tử Ukraine đòi ly khai đã góp phần khiến cho chỉ tệ và nền kinh tế của Nga tuột dốc mạnh. Nhưng vụ xung đột ở Ukraine là một vụ tranh chấp mà các giới chức Hoa Kỳ quyết tâm khắc phục, như nhận định của phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Eric Rubin:
“Không ai từ bỏ hy vọng về bang giao Nga-Mỹ. Chúng ta phải đưa mối bang giao ấy đến một chỗ tốt đẹp hơn.”
Hoa Kỳ nói Nga có thể được nới lỏng các biện pháp chế tài bằng cách triệt thoái toàn bộ binh sĩ ra khỏi lãnh thổ Ukraine, ngoài các điều kiện khác.
Và vấn đề không nên quên là Bắc Hàn. Các nhà điều tra của Hoa Kỳ đã truy nguyên vụ tấn công mạng hồi tháng 11 nhắm vào hãng phim Sony và gán trách nhiệm cho quốc gia cô lập này. Đáp lại, Tổng thống Obama đã đưa các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên lên hàng đầu các quyết định về chính sách đối ngoại của ông trong năm mới.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông muốn trừng phạt của phương Tây chống lại Nga được dỡ bỏ nếu có tiến bộ tại hội đàm về Ukraine trong tháng Giêng.
Ông không nói rõ các biện pháp trừng phạt nào của EU, Mỹ và Canada có thể được dỡ bỏ.
Phương Tây áp đặt trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng Ba năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin “không muốn sáp nhập phía đông Ukraine, ông ta bảo tôi vậy,” theo lời ông Hollande.
Bên trong EU cũng đã có những lời kêu gọi giảm bớt hay xóa hẳn trừng phạt với Nga.
Các chính khách ở Italy, Hungary và Slovakia muốn giảm bớt trừng phạt.
Tổng thống Pháp nói với một đài phát thanh của Pháp: “Trừng phạt phải dỡ bỏ nếu có tiến bộ.”
“Nếu không có tiến bộ, trừng phạt vẫn giữ nguyên.”
Ông cho biết hội nghị giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan, vào ngày 15/1.
Nhưng ông nói ông sẽ chỉ đến đó nếu có triển vọng tiến bộ. – VOA, BBC
Tòa Boston xử nghi can khủng bố marathon 2013
Phiên tòa xét xử tội danh của nghi can Djorkha Tsarnaev khai mạc vào hôm nay 05/01/2015 tại Boston. Thanh niên 20 tuổi gốc Tchetchenia bị quy tội cùng với người anh trai đặt chất nổ giết chết 3 người và gây thương tích cho 264 người khác ngay địa điểm đoàn vận động viên việt dã về mức đến diễn ra ngày 15/04/2013.
Trong hai nghi can, Tamerlan Tsarnaev bị bắn chết khi đào tẩu. Còn lại em trai một mình ra trước vành móng ngựa với nguy cơ lãnh án tử hình. Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio phác họa các điểm chính:
Djorkha Tsarnaev đã trải qua 18 tháng tù trong khu nhà giam được bảo vệ an ninh tối đa ở Boston: điện thoại, đi dạo bị giới hạn tối đa, sách báo và thư từ bị kiểm soát. Hôm nay là lần đầu tiên Djorkha Tsarnaev được xuất hiện trước công chúng. Ba mươi trọng tội đè nặng lên đôi vai kẻ tù 20 tuổi, mà trong đó có 17 trọng tội đủ để kết án tử hình.
Đây chính là then chốt của vụ án. Trong trường hợp tội danh được xác nhận Djorkha Tsarnaev không tránh được án tử hình theo như yêu cầu của công tố. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder giải thích là dù cho lập trường cá nhân của ông là chống án tử hình nhưng trường hợp Djokhar Tsarnaev là trường hợp đặc biệt.
Vụ khủng bố Boston, đẫm máu nhất kể từ sau vụ không tặc ngày 11/09/2001, đã làm công luận Mỹ sửng sốt. Nhiều người vẫn không hiểu tại sao hai thanh niên tỵ nạn Tchetchen theo đạo Hồi lại có thể trở thành cực đoan ra tay giết người như thế.
Vụ xử kéo dài từ ba đến bốn tháng. Phiên tòa hôm nay được dành để chọn bồi thẩm đoàn trong số 1.200 công dân được triệu tập. Việc lựa chọn một bồi thẩm đoàn chí công vô tư là chuyện khó khăn ở thành phố mà mọi công dân đều cảm thấy có liên hệ.
Theo AFP, mặc dù con trai đối diện với án tử hình, cha mẹ của Djorkha Tsarnaev, cự ngụ tại Nga, vẫn im lặng từ chối trả lời hay tiếp xúc với báo chí.
Ông bà Anzor và Zubeitda Tsarnaev sau khi di cư sang Mỹ đã trở về sống tại Nga. Vào lúc khủng bố xẩy ra tại Boston, hai người đang ở Makhachkala, thủ phủ Daguestan.
Tuy gốc là người Tchetchenia, nhưng gia đình Tsarnaev chưa bao giờ biết Tchetchenia. Phát ngôn viên của Tổng thống Tchetchenia, Ramzan Kadyrov, từ chối bình luận vụ xử. – RFI