Tiếng Việt “tra tấn” có nghĩa là “hành động đánh đập tàn nhẫn con người bắt phải cung khai“. Trong khi đó công ước chống tra tấn của LHQ quan niệm tra tấn với nghĩa rộng hơn “Tra tấn là bất kỳ hành động nào tạo ra sự đau đớn nặng nề hoặc đau khổ – dù thể xác hay tâm thần – do cố ý gây ra cho một người nhằm các mục đích là đạt được thông tin hay một lời thú nhận từ anh ta hoặc một người thứ ba, trừng phạt anh ta vì một hành động mà anh ta hoặc người thứ ba đã phạm hoặc bị nghi là đã phạm, hoặc đe dọa, ép buộc anh ta hoặc một người thứ ba, hoặc đối với bất kỳ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử bất kỳ loại nào, khi nỗi đau đớn hay đau khổ như vậy gây ra bởi – hoặc theo sự xúi giục – hoặc với sự đồng ý – hoặc chấp thuận – của một quan chức hoặc người khác hành động trên cương vị chính quyền. Nó không bao gồm sự đau đớn hoặc đau khổ ngẫu nhiên hoặc vốn có khi bị các hình phạt theo đúng theo luật“. Nhưng theo nghĩa nào thì tra tấn vẫn là hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do thân thể của con người và là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bản án oan.
Ở những nước mà các quyền con người được thực sự tôn trọng, tra tấn đã bị ngăn ngừa, hạn chế bằng các chế tài cụ thể rõ ràng. Chẳng hạn: Quy định tra tấn là một tội danh để truy tố những kẻ thực hiện hành động này. Cho phép nghi can được im lặng không phải khai trước cơ quan điều tra nếu không có mặt luật sư biện hộ. Trong xét xử lời khai nhận tội của nghi can chỉ có giá trị như một chứng cớ và nếu mâu thuẫn với các chứng cớ khác thì không thể kết tội.
Sau khi ban hành và tổ chức ký kết công ước về quyền con người vào năm 1947 ngày 10/12/1984 LHQ lại tiếp tục ban hành và tổ chức ký kết công ước chống tra tấn. Ngay từ ngày đầu đã có 77 nước tham gia ký kết và tới tháng 9/2010 thì con số đã là 147.
“Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, “hiến pháp 1946” cho thấy nhà nước cộng sản Việt Nam đã gián tiếp “nói không với tra tấn” từ khá sớm và đến 20/5/1957 thì trực tiếp qua sắc lệnh “đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân” do chủ tịch Hồ Chí Minh ký trong đó điều 14 chương 5 nêu rõ “Đối với những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, tuyệt đối nghiêm cấm tra tấn hoặc dùng bất cứ nhục hình nào khác“. Nhưng cam kết, ký kết là một chuyện còn thực hiện hay không lại là một chuyện khác nhất là đối với nhà nước cộng sản Việt Nam. Một nhà nước vốn nổi tiếng về tàn bạo, dối trá, lật lọng, không tôn trọng quyền con người, nói không đi đối với làm, luôn lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Chính vì vậy cho tới nay họ vẫn chần chừ, đắn đo việc đưa tội danh tra tấn vào trong bộ luật hình sự và phải tới 7/11/2013 mới chịu ký kết công ước chống tra tấn của LHQ nhưng là để vào TPP chứ không nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền con người như đã rêu rao. Và trong suốt quá trình cầm quyền, nhà nước cộng sản đã thường xuyên sử dụng tra tấn như một công cụ hữu hiệu để đạt được những mục đích đề ra.
Sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945 để thâu tóm quyền lực, cộng sản Việt Nam dưới danh nghĩa Việt Minh đã áp dụng các thủ đoạn bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu để triệt hạ các nhân sĩ, các đảng phái đối lập.
Trong các năm từ 1953 đến 1956 để chiếm được lòng tin và sự ủng hộ của quan thày Nga Xô, Trung Cộng, nhà nước cộng sản đã không ngần ngại bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu hàng vạn người vô tội trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc.
Sau khi cưỡng chiếm được hoàn toàn miền Nam, dưới danh nghĩa gọi đi học tập cải tạo nhà nước cộng sản đã bắt giam hơn 1 triệu quân cán của chế độ VNCH để hành hạ tinh thần, thể xác nhằm mục đích trả thù và làm nhụt ý chí chống đối của họ.
Những năm cuối của thế kỷ trước đến nay sau một vài năm phát triển Việt Nam lại lâm vào cảnh suy thoái toàn diện, ngày càng lệ thuộc vào TC, mất dần lãnh thổ. Nhà nước cộng sản Việt Nam liên tiếp phải đối diện với những góp ý, phản biện, đòi hỏi, phản đối của đủ mọi thành phần, tầng lớp trong dân chúng như: Góp ý, phản biện với những chủ trương chính sách sai lầm của đảng, những vấn nạn của đất nước do những nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng tâm huyết khởi xướng. Đòi hỏi công lý, công bằng của dân oan cả nước. Đòi tự do, dân chủ, nhân quyền của những người đấu tranh cho dân chủ. Phản đối TC xâm lược, phản đối thái độ nhu nhược của chính quyền của những người yêu nước thực sự.
Những hành động trên mặc dù rất ôn hòa, đúng pháp luật nhưng vẫn bị nhà nước cộng sản chụp mũ là những hành động chống phá, xuyên tạc của các lực lượng thù địch hoặc tiếp tay cho các lực lượng thù địch để bỏ tù, hành hạ những người tham gia, khởi xướng. Dĩ nhiên những tù nhân lương tâm bị hành hạ theo đúng chế độ tàn bạo hà khắc của hệ thống nhà tù cộng sản. Mà đánh giá mức độ dã man chỉ cần đưa ra vài hình ảnh: tù nhân Huỳnh Anh Trí chết khi đang thi hành án vì bị nhiễm SIDA trong tù. Nhà giáo Đinh Đăng Định chỉ sống được vài tháng sau khi được thả. Ông Nguyễn Tuấn Nam với thân hình tiều tụy sau khi được trả tự do…
Những người chưa bị bắt được gọi là những tù nhân dự khuyết (vì có thể bị bắt bất kỳ lúc nào) cũng được “đỉnh cao trí tuệ” sáng tạo ra những kiểu hành hạ đáng để ghi vào kỷ lục thế giới như: bị tạt phân tươi trộn dầu nhớt vào nhà, bị kẻ khác chủ định tông xe vào, bị công an sử dụng hoặc đóng giả côn đồ hành hung, bị theo dõi 24/24, bị từ chối cho ở trọ do áp lực của công an.
Ngoài những vụ do chóp bu chủ mưu nhằm những mục đích mang “tầm chiến lược” đã nêu trên, thì chuyện tra tấn nghi can, tù nhân trong tù là “chuyện thường ngày ở huyện”, là “luật bất thành văn” xuất phát từ những lý do đại loại như: để phá án nhanh cho đủ chỉ tiêu, lập thành tích chào mừng…, để kịp thời trấn an dư luận… thậm chí chỉ là đánh cho sướng tay. Tuy “cò con” nhưng tàn bạo thì không hề kém. Theo thống kê trong vài năm gần đây nghi can bị chết trong đồn công an đã lên tới con số hàng trăm. Nhiều “tấm gương” bị đánh đau buộc phải nhận tội giết người đã lần lượt xuất hiện trước công luận như Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng.
Không thể phủ nhân tra tấn nghi can giúp cơ quan điều tra phá án nhanh. Nhưng để đạt được danh hiệu “nhanh nhất thế giới” thì cơ quan điều tra phải có thêm các điều kiện sau: được làm việc trong môi trường mà ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp không phân lập và phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Được chỉ đạo bởi một chính quyền ngồi xổm trên pháp luật, coi mạng người như cỏ rác. Làm việc theo nguyên tắc trọng cung hơn trọng chứng, thà kết tội nhầm còn hơn bỏ sót. Vì vậy CIA dù có đầy đủ các phương tiện hiện đại và vừa qua lại bị tố cáo là tra tấn rất dã man nhưng vẫn không tài nào có nổi danh hiệu “nhất thế giới”.
Hẳn là biết rõ cơ quan điều tra của mình hội đủ những điều kiện trên nên ngay từ đầu câu trả lời ông Quyền đã khẳng định như đinh đóng cột: “Cơ quan điều tra của Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất của thế giới“.
Để tránh cảm giác bị nhàm chán sau khi đọc những nội dung mang tính kể lể trên xin hầu độc giả một truyện vui sưu tầm được ở trên mạng thay cho phần kết.
“Có một cuộc thi tài giữa Cơ quan điều tra của 3 nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam xem cơ quan nào giỏi nhất. Người ta giả vờ thả 3 con thỏ ảo (không có thật) vào 3 khu rừng giống nhau và yêu cầu Cơ quan điều tra của 3 nước tìm kiếm xem ai nhanh nhất.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc, họ gắn camera vào các sinh vật khác rồi thả vào trong rừng, gắn camera trên các cành cây, núi đá.. những nơi nghi ngờ con thỏ sẽ xuất hiện đồng thời lập các trạm gác khắp nơi trong rừng, phỏng vấn và dùng tiền mua chuộc những người sống gần khu rừng để biết thêm thông tin. Họ dùng cả thiết bị kết nối với vệ tinh để chụp ảnh từng mét vuông của khu rừng và đưa vào máy tính phân tích. Sau 1 tháng dò tìm từng ngọn cỏ, hang hốc, cành cây trong khu rừng mà vẫn không thu được kết quả gì. FBI kết luận: Con thỏ không hề tồn tại.
Cơ quan điều tra Trung Quốc cũng bắt tay vào cuộc, họ huy động người bao vây cả khu rừng tạo thành 1 vòng khép kín con muỗi cũng không thể chui lọt. Sau đó, họ tung nhân viên vào rừng để truy tìm con thỏ. Sau 2 tuần tìm kiếm cật lực, xới tung cả khu rừng lên vẫn không tìm thấy gì. Trung Quốc cho đốt trụi cả khu rừng, trong đám thú rừng chạy ra không thấy bóng dáng con thỏ. Cơ quan điều tra Trung Quốc kết luận: Con thỏ đã chết.
Cơ quan điều tra Việt Nam vào cuộc tại khu rừng của mình. Không huy động lực lượng rầm rộ như Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ chỉ cử 4 đồng chí: Một Công an xã nơi có khu rừng, một bảo vệ dân phố, một dân phòng và 1 điều tra viên vào khu rừng. Sau 48 giờ (2 ngày) bằng với thời gian tạm giữ theo Luật, họ lôi từ trong rừng ra 1 con gấu bị đánh tơi tả, vừa đi con gấu vừa luôn miệng rống lên: Đừng đánh nữa, tôi là thỏ, đừng đánh nữa tôi là thỏ…”