Tin Việt Nam – 30/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 30/12/2014

Những khối tự do mậu dịch đang chờ đón Việt Nam

Những khối tự do mậu dịch đang chờ đón Việt Nam
Có thể nói 2015 sẽ là một năm mang tính chất quyết định cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam, bởi vì đây sẽ là năm hình thành những khối tự do mậu dịch với sự tham gia của Việt Nam: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp châu Âu (Vietnam – EU AFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước hết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC, cộng đồng này theo dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm 2015 (nhưng theo nhiều chuyên gia thì có thể sự ra đời của khối này sẽ bị dời lại cho đến sớm nhất là năm 2020).

AEC là nằm trong khuôn khổ kế hoạch “Tầm nhìn ASEAN 2020”, được thông qua vào năm 1997 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập hiệp hội ASEAN. Đây sẽ là một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất duy nhất, mà trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và nhân công có trình độ sẽ được tự do lưu thông giữa các nước trong hiệp hội. Đây cũng sẽ là một khu vực kinh tế cạnh tranh và phát triển đồng đều và sẽ đi theo hướng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Cũng trong năm tới, CSVN sẽ ký hiệp định tự do mậu dịch với Liên hiệp châu Âu, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thiết yếu và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường của nhau. Hiện nay, hàng dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của CSVN sang các nước châu Âu.

Trong khi đó, các vòng đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình TPP đang được các quốc gia, trong đó có CSVN, tiến hành ráo riết để có thể kết thúc đàm phán sớm nhất trong năm 2015.

CSVN chuẩn bị gia nhập ba khối tự do mậu dịch nói trên với một nền kinh tế như thế nào? Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, công bố vào đầu tháng 12 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 đã có những “dấu hiệu tích cực ban đầu” về quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Dựa trên những dấu hiệu tích cực này, Ngân hàng Thế giới dự báo là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2014 sẽ là 5,6%, cao hơn một chút so với mức 5,4% của năm 2013. Theo Ngân hàng Thế giới, yếu tố chính khiến cho Việt Nam chưa thể đạt mức tăng trưởng cao đó là do mức cầu nội địa vẫn còn yếu.

Nhìn chung, trong năm qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là tiếp tục ổn định, với mức lạm phát trong tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009 (một phần cũng chính là vì nhu cầu tiêu thụ còn yếu).

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới ghi nhận là kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, chẳng hạn như tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, làm cản trở nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về tình hình các doanh nghiệp, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, thì các doanh nghiệp trong nước dường như vẫn chưa ra khỏi tình trạng khó khăn từ máy năm qua.

Số lượng các doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động tiếp tục gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới, tình trạng này chính là do bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn, do vẫn không được cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước.

Trong khi đó, tiến độ cải cách trong khu vực Nhà nước ở Việt Nam vẫn còn chậm hơn so với chỉ tiêu đề ra, mặc dầu đã được tăng tốc trong năm nay. Trong lĩnh vực ngân hàng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống vẫn còn là vấn đề chính gây quan ngại.

Nhìn về trung hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng triển vọng kinh tế của CSVN sẽ vẫn chịu tác động của những yếu tố rủi ro. Thứ nhất, tiến độ còn quá chậm trong việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước và Ngân hàng gây tác động bất lợi cho tình hình tài chính vĩ mô, định hướng xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam khiến nền kinh tế này dễ bị tác động của những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nước pháp triển, vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của CSVN.

Với một tình hình kinh tế như vậy, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong năm 2015 đang đặt ra cho CSVN những thách thức gì và mang lại những thuận lợi gì? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội. Theo RFAViet

Bộ trưởng QP Đài Loan: Đảo Ba Bình chưa bị VN đe dọa – Nga hạ thủy tàu ngầm VN thứ năm, TC lo ngại

Vài hôm sau khi Bộ Quốc phòng Đài Loan báo động là đảo Itu Aba (Ba Bình) dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc tại vùng quần đảo Trường Sa đã nằm trong tầm bắn của lực lượng Việt Nam đồn trú trên đảo Sand Cay (Sơn Ca) lân cận, hai lãnh đạo cao cấp nhất của bộ này vào hôm qua 29/12/2014, đã lên tiếng cải chính.

Theo Nghiêm Minh (Yen Ming), quân đội và căn cứ quân sự tại “tiền đồn” Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) hiện chưa bị đe dọa nào từ phía Việt Nam.

Theo nhật báo Đài Loan Taipei Times, trả lời chất vấn của các dân biểu Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nghiêm Minh xác nhận rằng các thông tin tình báo mới nhất cho thấy là CSVN chưa hề triển khai loại tên lửa phòng không cá nhân trên đảo Sơn Ca (Đài Loan gọi là Đôn Khiêm sa châu), cách đấy chỉ 11km về phía đông.

Theo Nghiêm Minh, báo cáo tình báo đã nêu bật việc CSVN đã tăng cường hỏa lực cho lực lượng phòng thủ của mình tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong đó có cả việc trang bị cho các đơn vị đồn trú loại tên lửa di động vác vai.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết là các thông tin cũng chỉ ra rằng CSVN chưa triển khai tên lửa cá nhân trên đảo Sơn Ca, do đó không có bất kỳ mối đe dọa nào cho các phi cơ vận tải quân sự C-130 hay các tàu tiếp liệu của Đài Loan thường xuyên đến và đi từ Ba Bình.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chánh (Chiu Kuo-cheng) cho biết là loại tên lửa phòng không cá nhân mới của CSVN là loại SA-16 và SA-18 do Nga sản xuất, có tính năng tầm nhiệt. Khâu Quốc Chánh cũng xác nhận là trên đảo Sơn Ca, Việt Nam đã đặt hai khẩu pháo 20mm, có tầm hoạt động 2km.

Đối với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan: “Tầm bắn tối đa của loại tên lửa SA-16 và SA-18 là 5,5km. Do đó, tên lửa cá nhân và pháo binh của Việt Nam chưa là mối đe dọa cho Ba Bình và các phi cơ vận tải C-130 của chúng ta”.

Các câu trả lời của hai lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Quốc phòng Đài Loan tuy nhiên đã mâu thuẫn với một báo cáo do chính bộ này gởi đến Giám sát viện Đài Loan, cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực quần đảo Trường Sa do việc CSVN vừa cho triển khai loại tên lửa cá nhân.

Bản phúc trình cũng báo động về việc CSVN đã tiến hành cải tạo địa hình để mở rộng các hòn đảo và bắt đầu xây dựng thêm căn cứ quân sự để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Đài Loan, cũng như TC, đã đòi chủ quyền trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trong vùng Trường Sa, và là đảo duy nhất nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc.

Trong khi đó thì tập đoàn Admiralty của Nga mới hạ thủy tàu ngầm thứ năm có tên gọi Khánh Hòa mà hãng này đóng cho CSVN, trong khi báo chí TC dường như cho thấy sự lo ngại về khả năng tấn công của ‘các át chủ bài’ trên biển của Việt Nam.

CSVN đặt mua 6 tàu ngầm của Nga với giá trị nhiều tỷ đôla trong chuyến công du tới Moscow hồi năm 2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hai chiếc đầu tiên, được đặt tên là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã được bàn giao cho phía CSVN và chiếc thứ ba mang tên Hải Phòng đang trên đường tới Việt Nam.

Chiếc tàu ngầm thứ tư cũng đã được thử nghiệm, và chiếc thứ 6 cũng đã được đóng.

Theo hợp đồng này, Nga sẽ chuyển giao tất cả 6 tàu cho CSVN trước năm 2016, cũng như huấn luyện các thuỷ thủ CSVN vận hành tàu ngầm, và cung cấp các linh kiện cần thiết.

Phát biểu mới đây về hoạt động của quân đội Nga trong năm 2014, Thứ trưởng Quốc phòng nước này nói rằng quan hệ quân sự với CSVN đang “ngày càng phát triển”.

Trong khi đó, báo chí TC ở nước ngoài và tại đại lục đã bày tỏ quan ngại rằng CSVN có thể dùng các tàu ngầm mua của Nga để chặn tuyến tiếp vận cho một đơn vị đồn trú của TC tại quần đảo Trường Sa.

Hoàn cầu Thời báo, một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo cho rằng tất cả các tàu ngầm lớp Kilo mà CSVN mua của Nga đều được trang bị các tên lửa đạn đạo với tầm tấn công lên tới 280 km, tức là có bắn tới Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, nơi đặt Hạm đội Nam Hải của TC.

Tờ báo đưa nhiều tin giật gân của TC còn cho rằng các cơ sở hải quân lớn của TC trên đảo Hải Nam cũng nằm trong tầm ngắm của các tàu ngầm của CSVN.

Ngoài ra, theo Hoàn cầu Thời báo, tàu ngầm của CSVN cũng có thể sử dụng các ngư lôi dẫn đường bằng radar để mở các cuộc tấn công vào các tàu tiếp vận của quân đội TC.

Tuy nhiên, tờ báo cũng đưa tin rằng TC đã triển khai ba tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo tới đảo Hải Nam để đề phòng khả năng xảy ra xung đột quanh quần đảo Trường Sa. Thêm nữa, Bắc Kinh cũng có thể triển khai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tới vùng biển vừa kể, nếu cần.

Theo nhận định của tạp chí tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Đài Bắc, dù tàu ngầm lớp Kilo của CSVN có lợi thế về khả năng tấn công chống tàu và tấn công các mục tiêu trên bộ, chúng không được thiết kế để tấn công các tàu ngầm của đối phương.

Tờ Global Times cho rằng, với nhiều kinh nghiệm đã sử dụng và nắm rõ điểm yếu của tàu ngầm của Nga, hải quân TC sẽ có nhiều khả năng hơn, và sẽ “gây thiệt hại nặng” cho CSVN nếu giao tranh bùng ra.

Phía CSVN chưa lên tiếng bình luận về những nhận định của báo chí TC. – Theo RFI, VOA

VN: Doanh nghiệp đóng cửa ở mức kỷ lục – Đảng Cộng sản cảnh cáo Trần Văn Truyền

Gần 68.000 doanh nghiệp Việt Nam giải thể hoặc ngưng hoạt động trong cả năm 2014, Tổng cục Thống kê cho biết trong báo cáo mới nhất.

Đây là mức tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan này nói thêm.

Trong khi đó, trong cả năm 2014 chỉ có tổng cộng gần 75.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm ngoái.

Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngưng hoạt động tại Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2014, bất chấp việc nền kinh tế tăng trưởng vượt chỉ tiêu.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nền kinh tế tăng trưởng 5,93% trong cả năm 2014, cao hơn so với chỉ tiêu 5,8% mà chính phủ đề ra.

“Tăng trưởng tổng thể chưa đủ”

Trả lời BBC ngày 30/12, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong nước là “rất đáng lo ngại”.

“Số lượng doanh nghiệp đóng cửa tiếp tục tăng so với năm ngoái chứng tỏ môi trường kinh doanh cũng như sức khỏe doanh nghiệp chưa tốt,” ông nói.

Tuy nhiên Thiên cho rằng tình trạng này có thể được cải thiện trong năm 2015.

“Chính phủ đang quyết tâm đảo xu hướng này lại và tôi nghĩ cũng có cơ sở để tin vào điều ấy”, ông nói.

“Đã có những cải thiện về môi trường kinh doanh như chuyện giản lược thủ tục nộp thuế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch cũng như cải thiện quy định đối với việc tiếp cận thị trường, ngành nghề kinh doanh”.

“Bên cạnh đó cũng đã có những nỗ lực để thị trường can thiệp nhiều hơn vào vấn đề giá cả, bên cạnh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước mạnh hơn để khối tư nhân hoạt động được thông thoáng hơn.”

Thiên cho rằng việc tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu trong năm 2014 là do sự phát triển mạnh mẽ của khu vực đầu tư nước ngoài.

“Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam đối với nước ngoài,” ông nói.

“Tuy nhiên nó cũng cho thấy những ràng buộc thể chế đối với khu vực trong nước cần được nới ra nữa.”

“Phần công nghiệp và dịch vụ trong nước không tăng mạnh bằng là một chỉ báo rất đáng quan tâm.”

“Nếu chỉ quan tâm đến tăng trưởng tổng thể thì vẫn chưa được, mà còn phải chú ý đến vấn đề cơ cấu tăng trưởng.”

Về chống tham nhũng, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Đây được xem là hình thức kỷ luật cuối cùng đối với ông Truyền do sai phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ.

Thông báo ngày 30/12 nói Ban Bí thư Trung ương Đảng đi đến kết luận này trong một cuộc họp ngày 23/12.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ban này đã “biểu quyết thống nhất đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật Trần Văn Truyền bằng hình thức cảnh cáo”.

Thông báo mới nhất nói Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM “chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm”.

Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng phải “rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ”.

Thông báo nói cần “kiên quyết thu hồi ngay những trường hợp nhà công vụ sử dụng không đúng quy định của Đảng và Nhà nước”.

Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã phải trả lại mảnh đất ở Bến Tre và căn nhà ở TP. HCM. – Theo BBC