Tin Thế Giới – 30/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 30/12/2014

Phát hiện các mảnh vỡ máy bay AirAsia, tìm được xác nạn nhân

Các giới chức Indonesia đã tìm ra ít nhất 40 thi thể từ vùng biển gần xác chiếc máy bay phản lực chở khách của hãng AirAsia bị rớt trong cơn bão hôm Chủ nhật. Theo tường trình của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, đây là tai nạn thứ ba của một hãng hàng không Đông Nam Á trong năm nay giữa lúc khu vực hàng không của vùng này tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Máy bay của Indonesia đã nhìn thấy các mảnh vỡ trên biển Java cách nơi chuyến bay AirAsia 8501 được báo cáo lần chót trên radar hôm chủ nhật khoảng 10 kilomet. Biển cạn chừng từ 40 đến 50 mét dự kiến sẽ giúp cho nỗ lực tìm ra chiếc máy bay và các dữ liệu thông tin liên lạc cấp thiết, kể cả máy ghi âm.

Các hình ảnh của đống đổ nát tìm ra được đã được chiếu trong phòng chờ đợi ở phi trường Surabaya nơi thân nhân các nạn nhân tụ tập để chờ tin về nỗ lực cứu hộ.

Nhiều người đã than khóc và hét to khi nhìn thấy các mảnh vụn và cả những xác người đầu tiên nổi lên trên biển Java.

Chiếc Airbus đang trên đường bay thường lệ 2 tiếng đồng hồ từ Surabaya ở Indonesia qua Singapore khi máy bay đụng phải những cơn bão mạnh vào cao điểm mùa mưa.

Cuộc điều tra sơ khởi về nguyên do tai nạn quy lỗi cho thời tiết xấu đã gây ra tấn thảm kịch mới nhất này.

Chiếc Airbus 320 đang bay trên tuyến thường lệ hôm chủ nhật khi các phi công yêu cầu kiểm soát viên không lưu bay ở độ cao 1800 kilomet cao hơn để tránh một cơn giông lớn. Tin cho hay phép đã bị trì hoãn vì các máy bay khác đang ở trong khu vực. Nhưng trong vòng vài phút sau cuộc liên lạc đó thì mọi tiếp xúc đã bị mất với chiếc Airbus.

Ông Hugh Ritchie, trưởng ban quản trị công ty Tham vấn Hàng Không Quốc tế có trụ sở ở Sydney, nói hình ảnh vệ tinh nêu bật sức mạnh tàn ác của cơn bão.

“Cơn bão khá tàn nhẫn, ta sẽ có một đợt gió giật rất mạnh thổi lên và thổi xuống, đủ để làm chiếc máy bay biến mất. Và trong khi bão có thể không tàn phá chiếc máy bay, thì sức ép có thể khiến máy bay nổ tung trong không trung. Tôi đoán rằng lớp băng hay sự phối hợp giữa băng và lốc mạnh có thể là nguyên do gây tai nạn.”

Giám đốc điều hành hãng hàng không AirAsia hoạt động với chi phí thấp có trụ sở ở Malaysia, ông Tony Fernandes bày tỏ lòng thương tiếc sâu xa về thảm kịch.

Chuyến bay nằm dưới sự điều hành của chi nhánh tại Indonesia của Air Asia. AirAsia là một trong các hãng máy bay chi phí thấp hoạt động thành công, có các chi nhánh ở Thái Lan và Philippines. Tổng cộng tập đoàn này có trên 170 máy bay giữa lúc khu vực hàng không ở châu Á tăng trưởng nhanh chóng, và là nơi có 1.600 máy bay hoạt động.

Đây là thảm kịch thứ 3 trong năm 2014 đối với một hãng hàng không ở Đông Nam Á, sau khi vẫn còn chưa tìm ra xác của chuyến bay MH 370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích hồi tháng 3 trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Hồi tháng 7, chuyến bay 17 của hãng Malaysia Airlines bị rớt ở miền đông Ukraine.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích cuối cùng này có sự tham gia của 30 chiếc tàu và 15 máy bay của ít nhất 3 quốc gia.

Ngày mai, các gia đình nạn nhân sẽ được đưa bằng máy bay từ Surabaya đến đảo Belitung, nằm ở bờ đông của Sumatra để chính thức nhận diện các nạn nhân trong tấn thảm kịch hàng không mới nhất này. – VOA

Gmail bị chặn hoàn toàn tại Trung Cộng

Cơ quan kiểm duyệt TC đã chặn dịch vụ thư điện tử Gmail của Google – thêm một nấc mới trong quyết tâm của Bắc Kinh thiết lập “chủ quyền” riêng trên internet. Hôm nay 30/12/2014 tờ Global cho rằng vấn đề là Google có sẵn sàng “tuân theo luật lệ Trung Cộng” hay không.

Tại TC, việc gây khó khăn cho người sử dụng Gmail không phải là điều mới mẻ, cũng như sự căng thẳng giữa tập đoàn Mỹ Google với Bắc Kinh lâu nay. Nhưng các biện pháp mới đây đã hoàn tất việc phong tỏa dịch vụ thư điện tử hàng đầu thế giới tại TC.

Những đường dẫn cuối cùng vào Gmail đã bị đóng lại trong những ngày gần đây. Lưu lượng kết nối từ TC vào Gmail đã sụt giảm thảm hại từ hôm thứ Sáu 26/12, theo số liệu công bố trong “Google’s Transparency Report”. Một phát ngôn viên của Google tại Singapore tuyên bố: “Chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy không có gì bất thường từ phía Google”.

Theo các chuyên gia độc lập, khi phong tỏa Gmail, cơ quan kiểm duyệt TC vốn thuộc loại tinh vi nhất thế giới, muốn thúc đẩy cư dân mạng quay sang sử dụng các dịch vụ thư điện tử trong nước, mà công an có thể kiểm soát dễ dàng hơn.

Tờ Global Times có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan hôm nay viết một cách nhập nhằng: “Các vấn đề mới trong việc truy cập Gmail có thể do TC hoặc do chính Google, hay là cả hai”. Tờ báo tố cáo báo chí phương Tây đã “ngay lập tức quy trách nhiệm cho Bắc Kinh”, và cho rằng Google phải tuân theo luật lệ TC. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh thì nói rằng “không biết gì” về việc Gmail bị chặn.

Jeremy Goldkorn, chuyên gia internet tại TC bình luận, việc phong tỏa toàn bộ Gmail phù hợp với “thái độ ngày càng hung hăng của chính quyền Bắc Kinh liên quan đến những gì mà họ gọi là chủ quyền trên internet. Trong hai năm gần đây, người ta nhận thấy tất cả các dạng kiểm duyệt internet được tăng cường liên tục”. Ông Goldkorn là tổng biên tập báo mạng chuyên về tin tức danwei. org, cũng bị chặn ở TC.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn lên án trực tiếp Bắc Kinh trong vụ phong tỏa Gmail. Nhưng phát ngôn viên Jeffrey Rathke bày tỏ “quan ngại” về “nỗ lực của TC nhằm ngăn cấm tự do ngôn luận, nhất là trên mạng”. Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích TC nên minh bạch trong quan hệ với các tập đoàn đa quốc gia”.

Năm 2014, các dịch vụ của Google đã bị chặn hết sức ngặt nghèo trong dịp gần đến kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, ngày 4 tháng Sáu năm 1989. Sau đó Bắc Kinh siết lại gọng kềm thêm lần nữa, trước phong trào biểu tình ở Hồng Kông đòi được bầu lên Trưởng đặc khu một cách dân chủ.

Từ hôm qua, nhiều cư dân mạng TC đã bày tỏ sự phẫn nộ, đòi hỏi phải bãi bỏ kiểm duyệt Gmail. Một người viết: “Lý do chặn Gmail là các âu lo nội bộ, điều này cho thấy bối cảnh chính trị hiện nay u ám như thế nào”.

Đảng Cộng sản Trung Cộng luôn muốn khóa miệng những tiếng nói phản biện trên internet, mà trong những năm gần đây đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ trích chế độ. Từ tháng Chín, cư dân mạng TC có thể bị phạt đến ba năm tù giam nếu đăng những thông tin bị cho là vu khống có trên 5.000 lượt đọc. Nhiều người sử dụng internet và nhà báo đã bị bắt trong năm nay, một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội đã bị buộc phải “tự kiểm” một cách nhục nhã trên truyền hình.

Chính quyền Bắc Kinh còn thiết lập một chế độ kiểm duyệt hết sức hoàn hảo trên internet, chặn hết các trang nhạy cảm về chính trị để các nhà ly khai không thể tổ chức lại được. Twitter, YouTube và Facebook đều bị phong tỏa tại TC, cũng như nhiều trang web thông tin khác. – Theo RFI

Tin Hoa Kỳ

Obama: ‘Ông Putin không khôn ngoan lắm’ — Tập trung vào các dự án ‘dài hạn’ trong 2 năm cuối tại chức

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm ‘sai lầm chiến lược’ khi ông sáp nhập bán đảo tự trị Crimea của Ukraine và động thái này ‘không khôn ngoan lắm’.

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga đã chứng tỏ những ai cho rằng vị nguyên thủ của Nga là ‘thiên tài’ đã ‘sai’, ông Obama nói.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm cho kinh tế Nga dễ bị tổn thương trước những biến động về giá dầu, cũng theo Tổng thống Mỹ.

Ông Obama đưa ra những bình luận này trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Steve Inskeep của Đài NPR ở phòng Bầu dục trước khi lên đường đi Hawaii nghi cuối năm.

‘Mỹ ưu thế hơn Nga’

Ông chỉ trích việc các đối thủ chính trị nói ông đã bị ông Putin vượt mặt.

“Chúng ta nhớ lại là ba hay bốn tháng trước đây, ai ở Washington cũng tin rằng Tổng thống Putin là thiên tài, ông ấy đã có những nước cờ vượt qua tất cả chúng ta và ông ấy đã dùng cách ức hiếp để mở rộng quyền lực của nước Nga,” ông Obama nói.

“Hôm nay tôi có cảm giác rằng ít nhất ở bên ngoài nước Nga có lẽ một số người đang nghĩ rằng những gì ông Putin làm không phải là khôn ngoan cho lắm”.

Theo ông Obama thì các lệnh trừng phạt đã làm cho kinh tế Nga dễ bị tổn thương trước những biến động không thể tránh khỏi của giá dầu mà một khi xảy ra sẽ tạo ra những ‘khó khăn to lớn’.

“Lợi thế lớn mà chúng ta có trước nước Nga là nền kinh tế của chúng ta năng động, giàu sức sống trong khi nền kinh tế của họ thì không,” ông nói, “Họ dựa vào dầu còn chúng ta dựa vào dầu, vào iPads, vào phim ảnh và những thứ mà chúng ta đều biết.”

Sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở Crimea, Tổng thống Putin đã đơn phương sáp nhập bán đảo này từ tay Ukraine hồi tháng Ba. Việc này xảy ra sau một cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vốn có lập trường thân Nga.

Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước khác đã thực thi một loạt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga.

Đồng nội tệ của Nga đã mất giá gần một nửa so với đồng đô la Mỹ và nền kinh tế Nga đã bắt đầu suy giảm.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng tuyên bố rằng trong khi ông bước vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống và trong tình hình kinh tế vững mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi ông lên nhậm chức năm 2009, ông có khả năng tập trung vào điều ông gọi là “các dự án dài hạn về các vấn đề quốc nội và đối ngoại”. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh công cộng toàn quốc, ông Obama cũng nói ông không loại trừ khả năng cải thiện bang giao với Iran, và viện dẫn Myanmar và Tunisia là các ví dụ điển hình trong đó dân chủ có cơ hội thăng tiến. Thông tín viên Victor Beattie ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Trong các nhận định đưa ra cho đài phát thanh công cộng NPR hôm qua, ông Obama nói các quyết định hành pháp của ông trong những tuần lễ vừa qua về di trú và Cuba là kết quả của nhiều năm làm việc. Ông nói ông đã dự báo năm 2014 là một năm khai thông và, sau 6 năm tại chức và một nền kinh tế đang cải thiện, cuối cùng ông đã có cơ hội đối phó với một số vấn đề gai góc.

“Song, đến cuối năm 2014, tôi có thể nhìn lại và nói rằng chúng ta ở vị thế tốt hôm nay như chúng ta đã có hồi gần đây về mặt kinh tế, rằng giới lãnh đạo Mỹ được cần đến nhiều hơn bao giờ hết trên khắp thế giới và Mỹ đang giải phóng trong ý nghĩa là rất nhiều việc chúng ta đã làm nay bắt đầu đem lại kết quả. Và nói đem lại cho tôi một cơ hội để bắt đầu tập trung vào một số thách thức khó khăn khác mà tôi đã không có thời giờ hay khả năng để tính tới vào thời gian đầu nhiệm kỳ của tôi.”

Ông Obama nói nay ông muốn tập trung vào các “dự án dài hạn,” như bảo đảm rằng mọi người dân Mỹ đều được hưởng lợi ích của một nền kinh tế tốt hơn, và trên mặt trận quốc tế…

“…Ngay cả trong khi chúng ta xử lý ISIL và tìm cách đẩy lui và cuối cùng đánh bại bọn chúng, ngay trong khi chúng ta đã tiến hành việc rút bớt quân số ở Afghanistan một cách có trách nhiệm, những quyết định như sáng kiến ngoại giao Cuba là những quyết định tôi muốn đoan chắc tôi tiếp tục theo đuổi một phần bởi vì, nói thẳng ra, công việc dễ dàng hơn vào lúc một tổng thống ở cuối nhiệm kỳ thay vì mới bước vào nhiệm kỳ.”

Khi được hỏi liệu ông có dự kiến mở một đại sứ quán ở Tehran trong khi phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba hay không, ông Obama nói hai nước khác nhau. Theo ông, sau 50 năm theo đuổi cùng một chính sách, đã đến lúc thay đổi đối với một nước nhỏ xíu không đề ra một mối đe doạ đáng kể. Ông gọi Iran là một nước lớn, phức tạp với một lịch sử là quốc gia bảo trợ cho khủng bố thù nghịch với Israel và tìm cách khai triển một vũ khí hạt nhân.

Ông nói cải thiện quan hệ với Tehran sẽ dựa vào một thoả thuận hạt nhân có thể kiểm chứng được. Ông nói với thời gian, các biện pháp chế tài có thể được bãi bỏ, Iran có thể hoà nhập với cộng đồng quốc tế và sẽ có tác dụng là cơ sở cho việc cải thiện bang giao.

Hoa Kỳ đã không có quan hệ ngoại giao với Iran từ năm 1980, sau khi các nhà hoạt động của Iran chiếm đại sứ quán Hoa Kỳ và bắt nhân viên làm con tin. Hoa Kỳ và 5 quốc gia khác là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức đã thương nghị về một chương trình hạt nhân dân dụng, hòa bình của Iran. Iran lâu nay vẫn phủ nhận rằng chương trình của họ có mục đích quân sự.

Bất chấp một thỏa thuận tạm thời hồi tháng 11 năm 2013, hai bên đã không đạt được một thoả thuận toàn diện và đã gia hạn các cuộc đàm phán qua tới sang năm với một kỳ hạn mới định là cuối tháng 6.

Về việc thăng tiến dân chủ, nhân quyền, quản trị tốt và pháp trị, ông Obama nêu ra trường hợp Myanmar, tức Miến Điện, và Tunisia nơi các cuộc chuyển biến dường như đang diễn ra. Ông nói đây là những nước mà Hoa Kỳ có thể vận dụng cơ hội và làm mọi thứ để giúp đỡ.

Nhưng khi nói về việc xây dựng quốc gia ở Libya, Syria và Iraq, ông Obama gọi đó là “các dự án thế hệ” mà Hoa Kỳ có thể trợ giúp, nhưng không thể làm thay cho họ.

Về vấn đề Nga và các hành động của nước này ở Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ nói áp lực của các biện pháp chế tài liên tục đang làm cho nền kinh tế của Nga đủ yếu thế và ngày càng khó xử lý hơn.

Tổng thống Obama cũng nói sau những vụ xung đột gây tốn kém nhiều ở Afghanistan và Iraq, ông muốn tập trung các nguồn lực của Hoa Kỳ trong nước để tái thiết các trường học, đường sá, khoa học và nghiên cứu cơ bản. – BBC, VOA

Dân số Mỹ sẽ vượt qua 320 triệu người vào đầu năm mới

Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết dân số nước này năm nay tăng trưởng thấp hơn một phần trăm một chút so với năm ngoái và sẽ đạt 320.090.857 người vào ngày đầu tiên của năm mới.

Dân số Mỹ đang gia tăng bởi vì cứ mỗi tám giây lại có một em bé ra đời và mỗi 33 giây lại có một di dân quốc tế đến Mỹ. Tốc độ này vượt qua tốc độ tử vong của Mỹ, xảy ra mỗi 11 giây.

Mỹ có dân số cao thứ ba trên thế giới, nhưng kém xa Trung Quốc, với 1,36 tỉ người, và Ấn Độ là 1,25 tỉ người.

Các chuyên gia của Cục Điều tra Dân số Mỹ ước tính tổng dân số thế giới sẽ là 7,21 tỷ người vào đầu năm mới. – VOA