Tám cuộc biểu tình chấn động thế giới trong năm 2014
TTXVA – Published on December 30, 2014
Năm 2014 chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình gây chấn động dư luận thế giới trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, tội phạm và nạn phân biệt chủng tộc từ châu Phi cho tới châu Âu, châu Á và nước Mỹ. Một số cuộc biểu tình đã giành được thắng lợi khi lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị. Song, một số khác buộc phải rút lui nhưng người biểu tình cũng đã tạo ra những biến đổi chính trị nhất định. Trong khi, một số cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp diễn sang năm 2015. Tờ Huffington Post đã tổng kết 8 cuộc biểu tình có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong năm nay:
Ukraine
Cuộc biểu tình tại Quảng trường Maidan hôm 9/3.
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine bùng nổ xuất phát từ nguyên nhân hồi cuối năm 2013, cựu Tổng thống Viktor Yanukovych quyết định không ký kết các thỏa thuận thương mại, chính trị mang tính lịch sử với Liên minh châu Âu (EU). Thay vào đó, ông Yanukovych chọn con đường thắt chặt thêm mối quan hệ với Nga. Bất đồng ý kiến với chính phủ của ông Yanukovych, các cuộc biểu tình đã bùng nổ tại Quảng trường Maidan và nhanh chóng biến thành bạo lực. Sau đó, cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ mới thân phương Tây được thành lập.
Khung cảnh hoang tàn sau cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối chính quyền của cựu Tổng thống Yanukovych với cảnh sát chống bạo động tại Quảng trường Maidan.
Theo AP, đối với nhiều người dân Ukraine, châu Âu lâu nay đã trở thành biểu tượng của nền dân chủ tối cao và tôn trọng quyền con người. Nó trái ngược hoàn toàn với nạn tham nhũng dưới thời ông Yanukovych và cả hành động chính phủ điều cảnh sát chống bạo động đi trấn áp người biểu tình. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng nghiêm trọng hơn khi bán đảo Crimea tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Liên bang Nga hồi tháng Ba.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine tới nay vẫn chưa kết thúc.
Tiếp đó, cuộc chiến giữa các tay súng ly thân Nga khai tại miền đông Urkaine với quân chính phủ Kiev đã bùng nổ từ hồi tháng Tư. Theo thống kê, cuộc chiến đẫm máu này đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.700 người và đẩy 2 thành phố Donetsk và Luhansk vào thảm họa nhân đạo trầm trọng.
Venezuela
Tình trạng lạm phát tăng cao, tỷ lệ tội phạm không ngừng gia tăng và khan hiếm các mặt hàng thiết yếu trong một thời gian dài đã khiến người dân Venezuela vô cùng tức giận. Họ đã quyết định đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống Nicolás Madurochí vào đầu năm 2014. Những biểu ngữ mang nội dung “SOSVenezuela” đã trở thành hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình với đông đảo người dân tham gia. Chiến dịch này do nhóm hoạt động tại Caracas mang tên “Un Mundo Sin Mordaza” khởi xướng nhằm kêu gọi những người biểu tình trên khắp thế giới cùng hô vang thông điệp “SOS” để ủng hộ cho các nhà hoạt động tại Venezuela.
Người biểu tình đứng xếp thành dòng chữ “SOS”.
“Chính phủ đã bưng bít không cho giới truyền thông đưa tin. Chúng tôi cần phải nên tiếng nói”, lãnh đạo biểu tình Anabel Navarro chia sẻ. Làn sóng biểu tình lan rộng đã buộc chính phủ Venezuela có phản ứng. Những phe phái ủng hộ chính phủ đã xô xát với các nhà hoạt động trong nước, lực lượng an ninh thì phá dỡ hàng rào của người biểu tình, hàng ngàn người dân bị bắt giữ. Kết quả, ít nhất 43 người đã thiệt mạng sau các cuộc xung đột đẫm máu bao gồm cả người biểu tình, những người ủng hộ và phản đối chính phủ. Tới tháng Năm, nhà sáng lập tổ chức “Un Mundo Sin Mordaza”, Rodrigo Diamanti đã bị bắt giữ và bị buộc tội “cản trở hoạt động giao thông trên đường cao tốc cũng như âm mưu cài đặt các thiết bị gây nổ”.
Các cuộc biểu tình tại Venezuela đã kết thúc vào mùa hè năm nay song nền chính trị vẫn tiếp tục ở trong tình trạng bất ổn khi mà tỷ lệ tội phạm vẫn gia tăng và nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn khan hiếm. Ngoài ra, mức độ tín nhiệm của Tổng thống Maduro cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đài Loan
Hồi tháng Ba, hơn 100.000 người Đài Loan cầm theo những bông hoa hướng dương, tập trung tại thành phố Đài Bắc nhằm phản đối chính quyền đã bí mật ký kết một thỏa thuận thương mại gây tranh cãi với Trung Cộng. Lực lượng biểu tình với đa số là sinh viên đã bao vây tòa nhà văn phòng chính phủ trong vòng 3 tuần trước khi chính quyền Đài Loan đồng thuận xem xét lại các thỏa thuận với TC.
Sinh viên biểu tình mang theo hoa hướng dương.
Trong những năm qua, nhiều người dân Đài Loan vẫn luôn hoài nghi về việc chính quyền Bắc Kinh chi phối hòn đảo này bởi Trung Quốc luôn coi khu vực này là một phần trong lãnh thổ đại lục. Giới sinh viên Đài Loan gọi các cuộc biểu tình này là “Cuộc cách mạng Hoa hướng dương”. Theo The New York Times, hoa hướng dương biểu tượng cho ánh sáng. Do đó, loài hoa này đã được chọn để thể hiện mong muốn của người biểu tình về việc cải thiện mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như hy vọng chính quyền minh bạch hơn trong đường lối lãnh đạo.
Nigeria
Vào đêm ngày 14/4, hơn 270 nữ sinh tại ngôi trường Chibok thuộc miền đông bắc Nigeria đã bị các tay súng phiến quân Hồi giáo Boko Haram, bắt cóc. Sự kiện này đã thu hút chú ý của dư luận thế giới. Không chỉ người dân Nigeria mà còn nhiều nước trên thế giới kêu gọi chính phủ Nigeria mở chiến dịch giải cứu con tin.
Biểu tình tại Nigeria nhận được sự quan tâm của đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Tại Nigeria, một chiến dịch mang tên “Bring back our girls” (Hãy trả lại con gái cho chúng tôi) đã được phát động trên mạng xã hội Twitter, sau đó lan truyền khắp toàn cầu và nhận được sự quan tâm của nhiều nhân vật nổi tiếng như đệ nhất phu nhân Michelle Obama và người nhận giải Nobel hòa bình trẻ tuổi nhất trong lịch sử, Malala Yousafzai.
Tuy nhiên, cho tới nay, các nữ sinh tại ngôi trường Chibok vẫn đang nằm trong tay nhóm phiến quân Boko Haram. Do đó, hàng tuần, thân nhân và những người ủng hộ các nạn nhân bị bắt cóc vẫn tổ chức biểu tình tại thủ đô Abuja với mong muốn các con tin sẽ sớm được thả tự do.
Thái Lan
Nền chính trị Thái Lan từng rơi vào bế tắc khi chứng kiến phong trào biểu tình kéo dài hơn 6 tháng nhằm lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tới tháng Năm, Tướng quân đội Prayuth Chan-ocha đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự không đổ máu để giành quyền kiểm soát chính phủ. Sau đó hồi tháng Tám, Cơ quan lập pháp chính quyền quân sự Thái Lan quyết định bổ nhiệm Tướng Prayuth Chan-ocha làm Thủ tướng. Quân đội Thái Lan tuyên bố cần có thời gian để hòa giải các lực lượng chính trị đối lập, đồng thời cải cách sâu rộng hệ thống chính trị trước khi trao trả lại quyền lực thông qua cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2015.
Tướng quân đội Prayuth Chan-ocha (trên cùng) trở thành Thủ tướng Thái Lan sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, tới tháng 11, chính quyền quân sự Thái Lan thông báo hoãn cuộc bầu cử ở nước này tới đầu năm 2016. Ông Chan-ocha cho biết ông muốn dành một năm để thúc đẩy cải tổ, chấm dứt ảnh hưởng chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Chính phủ Thái Lan còn khẳng định tình trạng thiết quân luật, từng được quân đội ban hành trước khi đảo chính, sẽ không được dỡ bỏ trong tương lai gần. Trước đó, chính quyền quân sự từng cam kết dỡ bỏ thiết quân luật tại một số tỉnh để hỗ trợ cho ngành du lịch vốn gặp khó khăn kể từ sau đảo chính.
Mỹ
Làn sóng biểu tình lan khắp nước Mỹ.
Tình trạng bất ổn kéo dài hàng tuần tại thành phố Ferguson thuộc bang Missouri của nước Mỹ xuất hiện sau khi một nhân viên cảnh sát da trắng bắn chết cậu thiếu niên da màu Michael Brown hồi tháng Tám. Theo lời khia của một nhân chứng, Brownd đã giơ tay lên đầu nhưng vẫn bị viên cảnh sát bắn chết. Hành động này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Ferguson đặc biệt là những người da màu. Họ đã xuống đường biểu tình mang theo các biểu ngữ “Giơ tay, xin đừng bắn” nhằm phản đối tình trạng cảnh sát đánh đập người da màu và phân biệt chủng tộc.
Người da màu xuống đường biểu tình phản đối chính quyền phân biệt đối xử.
Không chỉ ở Ferguson, các cuộc biểu tình còn lan rộng khắp nước Mỹ khi hồi tháng 11, bồi thẩm đoàn miễn truy tố nhân viên cảnh sát Darren Wilson, người đã bắn chết Brown. Vài ngày sau, bồi thẩm đoàn tại New York cũng ra quyết định không buộc tội một nhân viên cảnh sát da trắng khác liên quan tới cái chết của Eric Garner, một thanh niên da đen bị kẹp cổ tới chết. Theo lời khai của các nhân chứng, nạn nhân Garner đã nhắc đi nhắc lại cụm từ “Tôi không thở được” tới 11 lần trước khi chết.
Hong Kong
Hồi tháng Chín, đông đảo người dân Hong Hong mà phần lớn là sinh viên đã đổ xuống đường tuần hành và tổ chức “biểu tình ngồi” nhằm phản đối chính quyền Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử vào năm 2017 tại đặc khu. Trước đó, TC khẳng định những ứng cử viên tham gia tranh cử tại Hong Kong phải được một ủy ban thân Bắc Kinh xét duyệt. Tuy nhiên, người dân Hong Kong lại muốn được tự do lựa chọn người sẽ trở thành nhà lãnh đạo của mình.
Chiếc ô trở thành biểu tượng cho cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Làn sóng biểu tình ngày càng rầm rộ khi mà người dân phong tỏa hàng loạt tuyến đường trong trung tâm gây rối loạn giao thông và cuộc sống thường ngày, buộc cảnh sát có biện pháp trấn áp. Lực lượng chức năng đã sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông. Để che chắn, người biểu tình đã dùng những “chiếc ô” và hình ảnh này nhanh chóng tràn ngập khắp các con phố cũng như các kênh truyền thông xã hội tại đặc khu. “Cuộc cách mạng ô dù” đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền TC sau khi thực dân Anh trao trả vùng lãnh thổ này cho Bắc Kinh vào năm 1997. Kể từ khi được trao trả lại cho TC, người dân Hong Kong vẫn luôn canh cánh mong muốn có quyền tự quyết cho riêng mình.
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong kéo dài gần 3 tháng, mà không ít lần biến thành bạo lực khiến hàng trăm người bị bắt giữ, đã kết thúc vào ngày 15/12. Khi đó, cảnh sát đặc khu đã phá dỡ và dọn dẹp lều bạt được người dân dựng lên trên nhiều con đường phố trong trung tâm. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình nhỏ lẻ vẫn được tổ chức tại Hong Kong.
Cảnh sát dọn dẹp khu biểu tình.
Điển hình, cảnh sát Hong Kong đã dùng hơi cay và dùi cui để giải tán hàng trăm người biểu tình tụ tập trên các con phố tại quận Mongkok vào đêm Giáng sinh (24/12). Nhân viên an ninh còn bắt giữ 10 nam giới và 2 phụ nữ trong độ tuổi từ 13 – 43. Những người này bị buộc tội chống người thi hành công vụ và gây mất trật tự cùng một số cáo buộc khác.
Mexico
Hồi tháng Chín, 43 sinh viên tại một ngôi trường cao đẳng sư phạm đã biến mất một cách kỳ lạ tại Iguala, Mexico. Sau đó, các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát ở Mexico từ ngày 7/11, khi giới chức trách Mexico thông báo nhóm tội phạm Guerrero Unidos thú nhận đã sát hại và đốt thi thể của 43 sinh viên. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết một nhóm cảnh sát đã tấn công các sinh viên rồi giao họ cho nhóm tội phạm hồi tháng Chín. Chính phủ Mexico tuyên bố nhóm tội phạm khai với nhà điều tra rằng 43 thi thể bị đốt tại một bãi rác và đẩy xuống con sông ở thị trấn Cocula. Song, các nhà báo và thân nhân những sinh viên bị mất tích cho rằng chính phủ Mexico có phần trách nhiệm lớn hơn rất nhiều so với những gì đã tuyên bố.
43 sinh viên mất tích bí ẩn tại Mexico.
Sự biến mất bí ẩn của các sinh viên đã khơi dậy làn sóng biểu tình tại Mexico và trên toàn thế giới, đẩy Tổng thống Enrique Penã Nieto vào tình thế khó khi buộc phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia. Những người biểu tình đã vẽ con số “43”, thể hiện số sinh viên bị mất tích trên các bức tường, trên khuôn mặt và trên cả những khẩu hiệu mang theo khi diễu hành. Tờ Guardian nhận định: “43 sinh viên mất tích nhanh chóng trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng an ninh tại Mexico khi mà những báo cáo cho thấy trong thời gian qua, hơn 20.000 người đã biến mất đầy bí ẩn. Người biểu tình cho rằng thủ phạm không chỉ là các băng đảng tội phạm mà còn từ sự tắc trách, tham nhũng của quan chức đã khiến những kẻ máu lạnh tự do trả thù”. Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của Huffington Post, một tờ báo địa phương có uy tín của Mỹ.
MINH THU (lược dịch) Theo Báo mới