Tin Thế Giới – 27/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 27/12/2014

Bắc Hàn tố cáo Hoa Kỳ gây ta vụ cúp mạng Internet – Bình Nhưỡng ví Tổng thống Mỹ với ‘‘khỉ’’ và dọa trả thù

Bắc Hàn tố cáo Hoa Kỳ gây ra vụ cúp mạng Internet mà họ trải qua trong mấy ngày gần đây, giữa lúc đôi bên tiếp tục tranh cãi về vụ tin tặc nhắm vào hãng phim Sony.

Ủy ban Quốc phòng Bắc Hàn, cơ quan nắm quyền cai trị do Kim Jong Un lãnh đạo, hôm nay đưa ra một thông cáo để tố cáo Washington gây ra một vụ cúp Internet hoàn toàn kéo dài khoảng chín giờ đồng và những vụ cúp Internet không liên tục hồi đầu tuần này.

Vụ cúp mạng xảy ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Washington sẽ trả đũa cho vụ tin tặc nhắm vào hãng Sony do Bắc Triều Tiên thực hiện.

Bình Nhưỡng phủ nhận cáo giác cho rằng họ đã xâm nhập trái phép vào hệ thống máy vi tính của hãng Sony rồi phổ biến trên internet những email gây nhiều bối rối và những thông tin riêng tư khác của công ty này.

Chính phủ Bắc Hàn có một toán tin tặc lão luyện mà nhiều người cho là thủ phạm của một loạt những vụ tin tặc trong vài năm qua. Nhưng quốc gia này không nối kết rộng rãi với Internet cho nên bản thân họ không dễ bị tổn thương bằng những nước khác trước những mưu toan phá hoại trong không gian ảo.

Trong khi đó, bộ phim hài về Kim Jong-Un được Sony công chiếu trong dịp Noel, bất chấp các đe dọa, khiến Bình Nhưỡng càng thêm giận dữ. Hôm nay 27/12/2014, theo AFP, Bắc Hàn đã ví Tổng thống Hoa Kỳ với “khỉ” và đe dọa giáng “những đòn chí tử” vào nước Mỹ.

Ủy ban Quốc gia về Quốc phòng của Bắc Hàn khẳng định: “Obama luôn luôn bất cẩn trong lời nói và hành động giống con khỉ trong một khu rừng nhiệt đới”, với cáo buộc Tổng thống Mỹ đã xúi bẩy các rạp chiếu bóng đưa phim ra mắt công chúng vào dịp Noel.

Người phát ngôn cơ quan Bắc Hàn này còn đe dọa: “Nếu Hoa Kỳ tiếp tục hung hãn, độc tài và sử dụng các biện pháp lưu manh bất chấp các cảnh báo (của Bắc Hàn), họ sẽ phải nhớ rằng các hành động chính trị sai lạc của họ chắc chắn sẽ chuốc lấy những đòn chí tử”.

Trước cuộc tấn công tin học quy mô lớn, mà FBI nghi Bắc Hàn giật dây, và những đe dọa được lắp đi lắp lại, công ty điện ảnh Sony thoạt tiên quyết định không đưa bộ phim hài “The Interview” chế giếu lãnh tụ Bắc Hàn ra chiếu dịp này. Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã lấy làm tiếc trước lựa chọn của Sony và nhiều lần nhắc lại rằng Sony không nên lùi bước trước các đe dọa.

Bộ phim “Cuộc phỏng vấn chết người” thế rồi đột ngột được đưa ra chiếu tại khoảng 300 rạp phim ở Mỹ, và lên mạng ngay từ ngày 24/12. Bộ phim bị giới phê bình đánh giá thấp, nhưng trong ngày đầu ra mắt, thứ Năm 25/12, đã thu được tổng cộng 1 triệu đô la tiền vé. Phim về Kim Jong-Un trở thành một biểu tượng của quyền tự do ngôn luận.

“The Interview – Cuộc phỏng vấn chết người” cũng bị tải xuống bất hợp pháp hơn 750.000 lần.

Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, các dịch vụ trò chơi điện tử PlayStation (của Sony) và Xbox (của Microsoft) – nơi có dự kiến đưa phim “Cuộc phỏng vấn chết người” lên – đột ngột bị tin tặc tấn công làm tê liệt. Một người dùng Twitter, với tên hiệu Lizard Squad, xưng là thủ phạm. Đây là tên hiệu của một nhóm tin tặc đã từng đe dọa Sony, tuy nhiên tính xác thực của thông tin này hiện rất khó được thẩm định. – Theo VOA, RFI

Những vụ tấn công của Mỹ và Pakistan giết chết 62 phiến quân Hồi Giáo

Quân đội Pakistan cho biết lực lượng an ninh đã phục kích một cuộc tụ họp đông đảo của các phần tử khủng bố gần biên giới Afghanistan, giết chết 16 phiến quân và gây thương tích cho 20 phiến quân khác.

Một thông cáo của quân đội Pakistan hôm thứ Bảy nói rằng một trận chiến ác liệt diễn ra trong đêm vừa qua ở một nơi nằm giữa hai quận của người bộ tộc Orakzai và Khyber và ít nhất 4 binh sĩ chính phủ bị thương.

Trước đó, các giới chức Pakistan nói rằng hai vụ không kích bằng máy bay không người lái nghi là của Mỹ đã giết chết ít nhất 7 chiến binh Hồi giáo trong vùng Bắc Waziristan hôm thứ 6.

Những vụ không kích đó được tiếp nối bằng những vụ oanh kích của Pakistan nhắm vào những khu nhà của phe Taliban và phiến quân người Uzbekistan gần biên giới Afghanistan. Vụ oanh kích mà quân đội Pakistan mô tả là “một vụ không kích rất hữu hiệu và chính xác” đã giết chết ít nhất 39 phiến quân.

Những vụ tấn công này diễn ra trong lúc Pakistan tăng cường chiến dịch chống khủng bố sau vụ tấn công ngày 16 tháng 12 của phe Taliban nhắm vào một trường học do quân đội điều hành ở thành phố Peshawar giết chết gần 150 người, hầu hết là trẻ em.

Vụ thảm sát này khiến Thủ tướng Nawaz Sharif ra lệnh áp dụng lại án tử hình hai ngày sau đó. Giới hữu trách mới đây đã treo cổ 6 người mà họ gọi là “những phần tử cực đoan cốt cán.” Islamabad cũng có kế hoạch xử tử hàng trăm người nữa.

Hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã nói chuyện qua điện thoại với ông Sharif. Một thông cáo của Liên Hiệp Quốc nói rằng ông Ban đã hối thúc chính phủ Pakistan ngưng những vụ hành quyết và áp dụng lại lệnh tạm ngưng án tử hình. Đôi bên cũng thảo luận về vấn đề pháp trị và sự cần thiết của một hệ thống tư pháp độc lập. – VOA

Đồng rúp tuột giá, các hãng hàng không Nga “lãnh đủ”

Hàng trăm chiếc máy bay bị chôn chân dưới đất, hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt trong mùa nghỉ lễ: Nước Nga vừa tránh được cơn ác mộng này trong gang tấc. Thế nhưng, giới quan sát cho rằng tại họa chỉ được tạm thời đẩy lùi, và các hãng hàng không Nga, bị tác hại nặng nề từ việc đồng rúp sụt giá, sắp tới đây sẽ phải thắt lưng buộc bụng triệt để nếu muốn sống còn.

Theo hãng tin Pháp AFP, tình trạng tại Nga quả là một biệt lệ: Trong khi trên toàn thế giới, tất cả các hãng hàng không đều thở phào nhẹ nhõm nhờ giá dầu sụt giảm, thì tại Nga, do sự sụp giá của đồng rúp, hệ quả của một năm khủng hoảng trên vấn đề Ukraine và của đà tụt giá của giá dầu trên thị trường quốc tế, các công ty Nga đã phải gánh chịu đồng thời hai tai họa.

Trước hết, việc sức mua của các hộ gia đình Nga bị suy thoái đã kéo theo một sự suy giảm mạnh của lượng khách sử dụng các đường bay quốc tế, vốn là loại mang lại lợi nhuận cao nhất cho các hãng hàng không Nga. Giá cả đã tăng 10% hai lần trong vỏn vẹn hai tháng đã làm nản lòng khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, phần chi phí phải trả bằng ngoại tệ – nhất là tiền đi thuê máy bay – đã tăng lên gần gấp đôi, trong bối cảnh ngành hàng không Nga đặc biệt nhậy cảm với vấn đề này. Theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Đức Deutsche Bank, tại hãng hàng không số một của Nga là Aeroflot chẳng hạn, 90% doanh thu là bằng tiền rúp, trong lúc 60% chi phí lại bằng ngoại tệ.

Oleg Panteleyev, Chủ biên trang web chuyên ngành hàng không AviaPort thẩm định: “Tình hình cực kỳ nghiêm trọng… Vấn đề đang đặt ra rất hiển nhiên: do việc lượng khách sử dụng các tuyến bay ít đi là điều không thể tránh khỏi, các hãng cần phải trả lại các chiếc phi cơ đi thuê để giảm các chi phí phải thanh toán bằng ngoại tệ, đồng thời cũng phải giảm số lượng máy bay vận hành và các chuyến bay”.

Vấn đề là trong thời gian gần đây, các hãng hàng không Nga đã nương theo đà tăng trưởng bình quân từ 15% đến 20% của lượng khách dùng máy bay, để mạnh tay sắm thêm từ Boeing đến Airbus để đổi mới đội máy bay của họ có từ thời Liên Xô.

Từ nhiều tuần lễ qua, ngành hành không dân dụng Nga đã bắt đầu chao đảo. Hãng lớn thứ ba tại Nga là Utair, vì không trả nổi một số khoản nợ, đã bị Ngân hàng Alfa kiện ra tòa.

Qua ngày 21/12, đến lượt hãng đứng hàng thứ hai là Transaero, với đội máy bay hơn 100 chiếc, chủ yếu là Boeing, bị lung lay, đến mức mà hãng tin chính thức của Nhà nước Nga là TASS phải lên tiếng cầu cứu chính phủ và cảnh báo nguy cơ các chuyến bay bị đình chỉ trước cuối năm, gợi lại thảm cảnh hàng ngàn du khách bị mắc kẹt như đã xẩy ra với các tour du lịch mùa hè vừa qua sau một loạt những vụ phá sản.

Như để chứng tỏ là mình rất chăm lo cho cuộc sống người dân, chính quyền Nga đã lao vào giúp đỡ, trợ cấp cho các tuyến bay nội địa, bảo lãnh các khoản vay của các công ty hàng không. Thứ tư 24/12 vừa qua, Transaero chẳng hạn đã được một khoản bảo lãnh lên đến 9 tỷ rúp (140 triệu euro), trong lúc Ngân hàng Alfa được chỉ thị tạm hoãn việc kiện Utair cho đến ngày 12/01/2015 để tránh gây gián đoạn trong các chuyến bay nhân dịp lễ cuối năm.

Đối với các chuyên gia, đó chỉ là các biện pháp chữa cháy ngắn hạn, còn về lâu về dài, “các khoản tín dụng chỉ giúp thanh toán chi phí xăng dầu, sân bay và lương bổng, chứ không đủ để các hãng máy bay tồn tại”, nhất là khi viễn ảnh 2015 vẫn u ám.

Đà suy sụp của các hãng hàng không Nga được cho là sẽ tiếp tục, và không loại trừ khả năng nhiều hãng sẽ phải đóng cửa, như đã từng xẩy ra vào những năm 2008-2009. – Theo RFI