Tin Thế Giới – 26/12/2014
Du Chính Thanh: ‘TQ muốn quan hệ với VN đi đúng hướng’, ‘củng cố lòng tin’ – Trung Cộng sẽ thành lập các Bộ Tư lệnh “hiện đại”
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng (TC) Du Chính Thanh đang có chuyến thăm ba ngày tại Việt Nam với mục tiêu thắt chặt quan hệ.
Tân Hoa Xã trong tin đăng ngày 26/12 cho biết ông Du đã hạ cánh xuống Hà Nội ngày 25/12, theo lời mời từ Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Du là nhân vật lãnh đạo hàng thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Việt Nam sắp có hội nghị trung ương quan trọng để bàn về nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Trong cuộc gặp với Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 25/12, Du được Tân Hoa Xã dẫn lời cho biết các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai đảng đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực phát triển quan hệ song phương.
“Chuyến thăm lần này của tôi tại Việt Nam… là nhằm củng cố niềm tin, xây dựng sự nhất trí và thúc đẩy mối quan hệ Việt-Trung đi đúng hướng,” Du nói.
Du cũng nói TC muốn xây dựng quan hệ song phương dựa trên góc nhìn chiến lược cũng như dài hạn.
Về phía mình, Lê Hồng Anh nói chuyến thăm TC hồi tháng Tám của ông đã mang lại “những bước tiến tích cực”, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông cũng kêu gọi hai bên xây dựng sự nhất trí ở các cấp cao nhất về vấn đề tranh chấp trên biển và xử lý mâu thuẫn một cách thỏa đáng.
Trao đổi với BBC trong một phỏng vấn gần đây, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết chuyến thăm của ông Du ‘trước đây chưa có trong lịch’.
“Có lẽ chuyến đi này đã xuất hiện theo yêu cầu nào đó của Bắc Kinh muốn có ý kiến, tham khảo, trao đổi với lãnh đạo Việt Nam,” ông Doanh nói.
“Trong mối quan hệ giữa hai bên nhất là phía Trung Quốc luôn nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai Đảng thì việc ông Du Chính Thanh đi thăm cũng là một điều nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên,” ông nói thêm.
Căng thẳng trên biển
Trước đó, trong chuyến thăm TC hồi tháng Tám với tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh cũng tuyên bố “việc hai Đảng, hai nước tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh, ổn định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp”.
Hồi tháng Năm, hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông của Bắc Kinh đã châm ngòi cho hàng loạt vụ đụng độ giữa các tàu chấp pháp hai nước, cũng như các cuộc biểu tình chống TC trên phần đất liền tại Việt Nam.
Ngày 6/11, Bộ Ngoại giao CSVN cũng đã lên tiếng phản đối việc TC cải tạo bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong báo cáo đưa ra ngày 22/11, tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane’s nói Bắc Kinh đang nới bãi đá này “đủ rộng để làm sân bay”.
Đầu tháng 12, phía CSVN đã lên tiếng về vụ kiện TC do Philippines khởi xướng trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Văn kiện gửi lên Tòa Trọng tài khẳng định CSVN có quyền lợi hợp pháp tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bác bỏ toàn bộ yêu sách Đường chín đoạn của TC tại Biển Đông.
Chuyến công du kéo dài 3 ngày, khép lại một năm đầy sóng gió trong mối bang giao Hà Nội-Bắc Kinh.
Nhận định về các tuyên bố của Du, Dương Danh Di, cựu tổng lãnh sự CSVN tại Quảng Châu, TC, nói với VOA Việt Ngữ:
“Sau chuyện họ đưa giàn khoan vào, Việt Nam cương quyết phản đối, thế giới phản đối, ASEAN phản đối, các nước lớn, trong đó có Mỹ, các nước mới trỗi dậy, trong đó có Ấn Độ, đều lên tiếng phê phán họ thì bây giờ buộc họ phải xuống thang để cải thiện quan hệ với Việt Nam, nhưng xin nói thật, tôi không có ảo tưởng gì về quan hệ với Trung Quốc cả. Việt Nam cũng chẳng bằng mặt, mà bằng lòng thì không bằng lòng rồi. Tất nhiên mình cũng chẳng dại gì một nước nhỏ cạnh nước lớn mà lại căng thẳng, gây sự với họ làm gì, nhưng những nguyên tắc về chủ quyền, lãnh thổ của chúng tôi mà anh xâm phạm thì chúng tôi không thể tha thứ được”.
Kể từ vụ giàn khoan, TC dường như đang muốn hàn gắn quan hệ với CSVN bằng cách cử các giới chức cấp cao tới Hà Nội.
Tuy nhiên, quan hệ lại trở nên căng thẳng trong tháng này sau khi CSVN “bày tỏ lập trường” đối với vụ Philippines kiện TC ra Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.
TC ngay lập tức lên tiếng kêu gọi CSVN tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh, trong khi Manila nói rằng hành động của Hà Nội “thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trong một diễn biến khác, hôm 25/12, Bộ trưởng Ngoại giao TC Vương Nghị đã có bài phát biểu đánh giá về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong năm 2014, trong đó nhấn mạnh tới việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông giữa các nước liên quan trực tiếp.
Du Chính Thanh là Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan hoàn toàn mang tính chất hình thức, nhưng dầu sao ông cũng là nhân vật đứng hàng thứ tư trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, và là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Vào tháng 8, cựu Bộ trưởng Công an CSVN Lê Hồng Anh, với tư cách đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, đã đi thăm TC.
Đến tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh đã đi thăm Bắc Kinh và gặp đồng nhiệm TC Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan). Kết quả cuộc gặp gỡ này là hai nước đồng ý nối lại quan hệ quân sự và “xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo”.
Cũng trong tháng 10, ủy viên Quốc vụ TC Dương Khiết Trì đã trở lại Việt Nam và lần này cuộc gặp giữa Trì với Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh diễn ra trong một bầu không khí hòa dịu, khác hẳn với không khí nặng nề của cuộc gặp giữa hai người vào tháng 6, giữa lúc khủng hoảng giàn khoan lên cao độ.
Nhưng trong tháng này, quan hệ Việt-Trung đã lại nóng lên, sau khi Hà Nội chính thức yêu cầu Tòa án Trọng tài Quốc tế chú ý đến “quyền và lợi ích pháp lý” của CSVN khi phân xử vụ kiện của Philippines về bản đồ đường lưỡi bò mà TC tự vẽ ra, giành chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ với Lê Hồng Anh hôm qua, Du Chính Thanh tuyên bố là Bắc Kinh muốn quan hệ với Hà Nội đi theo con đường “đúng đắn”.
Trong khi đó, hôm qua 25/12/2014, TC đã loan báo kế hoạch thiết lập các Bộ Tư lệnh hiện đại để nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội lớn nhất thế giới này.
Theo Tân Hoa Xã, Quân ủy Trung ương TC, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, đã loan báo những chỉ thị của ông về việc xây dựng các Bộ Tư lệnh “hiện đại” cho quân đội TC. Theo Quân ủy Trung ương TC, mục tiêu của các Bộ Tư lệnh này là nâng cao khả năng chiến đấu để có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh khu vực vào thời đại công nghệ thông tin.
Quân ủy Trung ương TC yêu cầu là các đơn vị trong toàn quân đội TC phải tuân theo các chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng một quân đội mạnh, đủ khả năng hoạt động trong một môi trường quân sự hiện đại.
Trong chỉ thị, Tập cũng yêu cầu tất cả các đơn vị quân đội phải tăng cường và cải thiện các hoạt động giáo dục chính trị và tư tưởng theo hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, tuân theo sự lãnh đạo trực tiếp của đảng Cộng sản TC.
Từ khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình vẫn cố thúc đẩy tăng cường khả năng chiến đấu cho đội quân 2,3 triệu người của TC, trong bối cảnh Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuy nhiên quân đội lớn nhất thế giới bị các sĩ quan còn tại chức hoặc đã về hưu, cũng như báo chí Nhà nước chỉ trích là tham nhũng quá nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng tác chiến của lực lượng này. – Theo BBC, VOA, RFI
Các nước Á châu tưởng niệm 10 năm sóng thần Ấn Độ Dương
Một lễ tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa Sóng thần Ấn Độ Dương đang diễn ra tại thị trấn Banda Aceh, Indonesia.
Các buổi lễ tưởng niệm khác cũng sẽ được tổ chức tại Thái Lan và Sri Lanka.
Hơn 220.000 người đã thiệt mạng khi một cơn động đất dưới đáy biển kích hoạt những đợt sóng khổng lồ trên Ấn Độ Dương vào ngày 26/12 năm 2004.
Tỉnh Aceh thuộc Indonesia, nơi nằm gần tâm địa chấn, bị tàn phá nặng nề nhất.
Tại thành phố Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh, hàng nghìn người đã tụ tập tại nhà nguyện Great Mosque – một công trình từ thế kỷ 19 nằm trong số những tòa nhà hiếm hoi còn trụ vững sau trận sóng thần.
Thầy tế tại đây, ông Asman Ismail, nói thảm họa sóng thần đã mang lại bài học “giá trị” cho Aceh, nơi từng chứng kiến xung đột vũ trang trong gần 30 năm.
“Sau trận sóng thần, không còn ai giết chóc lẫn nhau nữa, người dân sống trong đoàn kết và hòa bình cho đến ngày nay,” ông nói.
Nỗ lực chấm dứt xung đột đã được tái khởi động sau trận sóng thần.
Một thỏa thuận hòa bình đã được ký giữa chính phủ và các lực lượng nổi dậy vào tháng Tám năm 2005.
Các lễ tưởng niệm chính dự kiến cũng sẽ diễn ra trong khu vực vào chiều thứ Sáu.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla dự kiến sẽ gửi lời cảm ơn đến các tình nguyện viên địa phương cũng như quốc tế đã giúp đỡ tỉnh Aceh phục hồi sau thảm họa.
Những buổi lễ truy điệu trên bãi biển, những buổi lễ mặc niệm và nhiều nghi thức tôn giáo được tổ chức trên khắp Á châu ngày hôm nay 26/12.
Tại Thái Lan ngày hôm nay, nhiều người đã rủ nhau đến đặt hoa và những vật kỷ niệm tại một bức tường, nhân dịp lễ khánh thành công viên tưởng niệm nạn nhân sóng thần ở Ban Nam Khem.
Hơn 5.000 người đã thiệt mạng ở Thái Lan khi trận sóng thần kinh hoàng tàn phá mười mấy nước ở vành đai Ấn Độ dương.
Trong số các nạn nhân có người bạn gái của ông Andy Chaggar. Ông thuật lại với đài VOA như sau về ngày định mệnh đó:
“Có một tiếng động lớn như tiếng máy bay mà tôi không thể nào mô tả được. Tiếng động mỗi lúc một lớn, và tôi không biết chuyện gì xảy ra. Ngay khi tôi nhảy ra khỏi giường thì cơn sóng ập vào căn lều của hai đứa chúng tôi. Đó là lần chót tôi trông thấy cô ấy.”
Tại Indonesia, các giới chức chính phủ đã đến dự một buổi lễ truy điệu tại một khu mộ tập thể của khoảng 168.000 người.
Trận sóng thần, do một cơn địa chấn có cường độ 9.1 gây ra, đã xóa sạch các cộng đồng ven biển và ập vào những bãi biển đầy du khách vào buổi sáng ngày 26 tháng 12 năm 2004. Một du khách tên Jillian Searle kể lại cảnh tượng ở Phuket ngày hôm đó, khi bà phải ra sức cứu hai đứa con trai – một đứa 5 tuổi, một đứa một tuổi:
“Tôi biết là tôi phải bỏ bớt một đứa. Tôi cứ nghĩ trong đầu là tôi phải bỏ bớt đứa con lớn. Một người phụ nữ níu được nó trong một lúc, nhưng rồi bà ấy phải thả nó ra, vì chính bà ấy cũng bị chìm. Tôi gào lên để tìm xem nó ở đâu và chúng tôi cứ nghĩ là nó đã chết. Thật là khủng khiếp. Tôi thật là có phước vì hai đứa con tôi vẫn còn sống với tôi.”
Indonesia là nước bị sóng thần tàn phá dữ dội nhất, với số người chết vượt mức 160.000 người. Hàng ngàn người khác cũng bị thiệt mạng ở Thái Lan và Sri Lanka. – BBC, VOA
“The Interview”, tập hai
Bị lời ong tiếng ve ê ẩm quá nên hôm 23 tháng Mười Hai, gánh hát Sony đổi ý, chính thức loan báo rằng họ đang xếp đặt lại chương trình chiếu phim “The Interview”. Chưa biết có bao nhiêu rạp hát muốn thử lửa nhưng các công ty lớn như AMC hoặc Regal thì im hơi lặng tiếng. Chắc họ đang lưỡng lự so đo tính toán lợi hại dù chính tòa Bạch Ốc đã lên tiếng hoan hô rầm rĩ. Chẳng lẽ cháu chú Sam lại e dè con ông Kim vừa nghèo vừa đói? Tất nhiên là trùm FBI cũng lên tiếng rằng họ sẽ bảo vệ các rạp hát kia đến nơi đến chốn.
Tài tử đào hát đóng phim “The Interview” xem ra hân hoan với việc Sony chịu mặc áo giáp đội nón sắt ra hứng đạn vì được tông tông Huê Kỳ khuyến khích ủng hộ. Họ reo hò ầm ĩ về “tự do ngôn luận” và quyền làm “nghệ thuật”. Rồi các tài tử khác cũng như nhà văn nhà báo và cả dân biểu, ông Brad Sherman, đều lên tiếng khuyến khích qua việc thực hiện một kiến nghị dài thòng “We the undersigned support Sony”… và các chủ rạp hát nhỏ bắt đầu chịu chiếu cuốn phim ồn ào kia chưa kể dân chung đăng đàn reo hò rằng họ muốn mua vè đi xem “The Interview” cho… bõ ghét lãnh tụ anh minh của Bắc Hàn!
Nhìn từ một khía cạnh khác, người thế giới lắc đầu tự hỏi chẳng lẽ Bình Nhưỡng lại “mít ướt” đến độ để tâm đến một cuốn phim nhẹ ký như “The Interview” với một phản ứng dữ dội?
Theo cuộc trưng cầu ý kiến kéo dài trong ba ngày 28-21 vừa qua của hãng thông tấn CNN/ORC, 36% cư dân Huê Kỳ đồng ý với việc Sony rụt cổ trong khi 62% cho rằng Sony sợ hãi quá đáng, và phần đông những người cho rằng Sony chết nhát là nam nhân.
Về phía Bắc Hàn, cư dân ở đó mô tả cuốn phim “The Interview” như một hành động khủng bố và gây chiến! Nhưng, nhưng cuốn phim hài hước nhạt thếch kia không phải là biến cố đầu tiên khiến Bắc Hàn giận dữ. Họ giận dữ vì nhiều thứ khác nữa. Những chuyện vĩ đại như thế giới dùng kinh tế để trừng phạt Bắc Hàn về vụ vũ khí nguyên tử, việc Huê Kỳ và Nam Hàn tập trận ngay trước mũi khiến Bắc Hàn phẫn uất và trả đũa là điều dễ hiểu, nhưng họ cũng căm hận về nhiều thứ mà người thế giới không để ý đến.
Hãng thông tấn CNN liệt kê một mớ hình tượng, lễ lạt khác đã khiến Bình Nhưỡng nổi trận lôi đình đòi trừng trị kẻ phạm thượng dám giỡn mặt chính quyền!
Như cây thông dịp Giáng Sinh: Một tòa tháp hình cây thông cao cỡ 30 thước được dựng lên và trang hoàng rực rỡ ngay tại biên giới Bắc – Nam trong vùng phi quân sự. Trong khi người phía Nam cử hành lễ Giáng Sinh rầm rộ qua việc chăng đèn kết hoa và người phía Bác có thể nhìn thấy từ xa nên Bắc Hàn gầm gừ chửi rủa. Họ cho rằng cây thông kia là một hành động gây hấn, muốn “rải” tôn giáo qua biên giới để dụ dỗ dân Bắc Hàn. Họ khó chịu với “cây thông” kia từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 2011, Bắc Hàn đã dọa dẫm trừng phạt nếu tòa tháp hình cây thông được thắp đèn sáng.
Người Nam Hàn lờ tít và chính phủ Hán Thành đã cho phép cư dân tháo bỏ tòa tháp cũ để xây một tòa tháp mới, “chiến” hơn cái cũ!
Tuồng cải lương, hát bộ cũng khiến Bắc Hàn nổi nóng. Chẳng là chinh phủ Bình Nhưỡng nhất nhất kiểm soát chặt chẽ tư tưởng người dân, chỉ món nào cho phép dân mới được nghe, được thấy. Ấy thế mà cư dân [cứng đầu] vẫn âm thầm mua bán truyền tay các dĩa hát cải lương hát bộ thu lại từ đài truyền hình Nam Hàn để lén lút thưởng thức. Những vở tuồng tình tiết éo le, đẫm nước mắt nước mũi lại càng thu hút đông đảo khán thính giả âm thầm từ Bắc Hàn.
Tất nhiên tuồng tích không phải là điều chính yếu mà là các khung cảnh trong tuồng, cái bàn, cái ghế, món ăn thức uống, quần áo tài tử trình bày trong phim … là những món vô cùng xa lạ và ngoài tầm tay của người dân nghèo đói khốn khổ xứ cộng sản nọ. Sự khác biệt giữa hai miền nam bắc quá xa nên vô cùng rõ rệt. Và chính phủ kia sợ lắm, sợ dân nổi loạn nên họ đã bắn bỏ kẻ phạm tội, kể cả các viên chức trong chính phủ, cái tội xem tuồng Nam Hàn để cảnh cáo và trấn áp những kẻ liều lĩnh khác!
Cư dân bị bóp nghẹt như thế nhưng còn lãnh tụ anh minh thì sao? Ông ta phây phây thưởng thức các phim ảnh, trò thể thao… từ phương Tây. Chẳng là ông ta khi còn trẻ măng trẻ múp đã được gửi sang Thụy Sĩ du học, nếm mùi đế quốc khá lâu nên khi hồi cố quốc vẫn mang theo thói thưởng ngoạn cũ, kể cả việc kề vai bá cổ anh chàng cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman nổi tiếng một thời.
K-pop là một bài hát theo điệu “pop” của ban nhạc nữ Four Minute tại Nam Hàn; bài hát này được dùng để mở đầu chương trình truyền thanh bêu riếu Bắc Hàn. Dĩ nhiên là K Pop bị Bình Ngưỡng ghét cay ghét đắng. Chẳng là vào năm 2010 khi một chiến hạm của Nam Hàn bị Bình Nhưỡng [giả vờ không biết] đánh chìm. Thay vì trả đũa bằng quân sự tốn quân tốn của, Nam Hàn mở chương trình phát thanh chọc nghẹo Bắc Hàn. Chương trình ấy được Nam Hàn đặt loa phóng thanh cỡ lớn dọc biên giới để phát thanh cho bá tánh nam bắc cùng nghe. Bị chọc tức Bình Nhưỡng đã dọa sẽ thả bom tan nát mấy cái loa nọ và biến Hán Thành thành môt biển lửa!
Kiểm soát việc chụp hình chụp ảnh: Khách ngoại quốc đến thăm Bắc Hàn đều được dạy bảo kỹ lưỡng về việc di chuyển và thăm viếng. Chỉ được đến những cho phép, và nhất là chụp hình ảnh. Không được bạ đâu cũng bấm máy hình. Khi muốn chụp hình các pho tượng lãnh tụ, phó nhòm phải chụp nguyên cả pho tượng, nguyên cả tấm hình từ đầu đến chân không được cắt xén bậy bạ. Cắt xén hình ảnh lãnh tụ là bất kính, phạm thượng! Không được chụp phía sau pho tượng và cũng không được gấp tờ báo có hình lãnh tụ!?
Dân Bắc Hàn ghét kẻ phương Tây không hiểu biết mà xúc phạm đến lãnh tụ anh minh của họ!
Bình Nhưỡng căm ghét vô cùng những trái bong bóng thả lên trời từ Nam Hàn, nhất là khi các bong bóng ấy mang theo những thứ cư dân Bắc Hàn thèm khát như tiền Mỹ kim, đĩa hát, các radio nho nhỏ, bánh Choco… Mấy thứ vặt vãnh nhưng có giá trị rất cao về chính trị khiến Bắc Hàn căm giận. Tháng Mười vừa qua, họ tức đến độ mang súng phòng không ra biên giới để… bắn hạ dàn bong bóng lờ lững giữa trời. Và lính biên phòng Nam Hàn trả lời bằng đạn đại liên!
Kinh Thánh là một món nữa trên danh sách ghét bỏ của Bắc Hàn. Mọi tôn giáo đều bị kiểm soát chặt chẽ tại vùng đất ấy. Đây là một bài học đắt giá cho ông Jeffrey Fowle, một công chức thành phố tại Ohio. Trong dịp viếng thăm Bắc Hàn, ông ta để lại một cuốn thánh kinh tại câu lạc bộ của thủy thủ ngoại quốc. Với Bắc Hàn, đó là một hành động khiêu khích, xem thường luật pháp và họ cầm tù ông ấy cho đến khi cuộc thương thảo ngoại giao ròng rã mấy tháng kết thúc, ông Fowle kia mới được thả về!
Đọc cái danh sách lạ lùng kia thì phe ta nhận ra rằng ở miền đất sắt máu ấy, không có chi là chuyện đùa giỡn, chỉ khi chính phủ cho phép, con dân hay khách lạ thăm viếng mới được cười! Chuyện cuốn phim “The Interview” nhạt thếch kia khiến Bắc Hàn nổi giận là điều có thể hiểu được nhưng phản ứng dữ dội như thế thì quả là khó ngờ.
Rồi sự việc diễn tiến như ta thấy, Sony co vòi, dư luận sôi nổi… và Sony đành đổi ý, chiếu cuốn phim ồn ào vào ngày mai, ngày kỷ niệm Chúa Giáng Sinh. Có người đa nghi như Tào Tháo lại cho rằng Sony ỡm ờ lơ lửng để… câu khách, nghĩa là họ giả vờ co vòi để bá tánh phản đối ồn ào rồi cuối cùng mang phim ra chiếu hầu kiếm thêm bạc lẻ và bạc chẵn?!
Cùng lúc với việc Sony ra thông báo chiếu phim, bá tánh được nghe về mẩu tin hệ thống mạng nhền nhện tại Bắc Hàn tắc tị trong suốt 8 tiếng trước đó. Một tay chuyên môn về an ning mạng đã ví von rằng trong suốt thời gian ấy, tất cả mọi cửa ngỏ (trên không gian ảo) vào Bắc Hàn đều biến mất!
Hòn đất hòn chi quăng đi ném lại, không biết ngày mai có bình an dưới thế như ta vẫn nguyện cầu không nhỉ?