Điểm Báo Pháp – 23/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 23/12/2014

Cảnh sát Thái Lan lưu giữ đồ dùng cá nhân của các nạn nhân sóng thần năm 2004. Ảnh chụp tại Phang Nga, 19/12/2014.- REUTERS/ Damir Sagolj

Thái Lan mười năm sau sóng thần 2004

Theo RFI – Lê Phước – 23-12-2014  17:06
Thế giới đang sống trong những ngày kỷ niệm 10 năm cơn sóng thần lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Sóng thần đã xảy đến sau cơn địa chấn lên đến 9,2 độ Richter bên bờ biển Indonesia vào ngày 26/12/2004, gây thiệt mạng hơn 200.000 người ở các nước dọc Ấn Độ Dương. Nhật báo Libération số ra hôm nay nhìn về một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề hồi năm đó là Thái Lan, với bài phóng sự khá dài chạy tựa: «Thái Lan: Ở một ngôi làng của cơn sóng tâm hồn».
Ngôi làng mà tờ báo đề cập là làng Baan Nam Khem thuộc tỉnh Phang Nga bên bờ biển phía tây Thái Lan. Hồi năm 2004, làng này hứng chịu những cơn sóng cao đến 6-7m. Ngôi làng khi ấy có 5.000 người thì đã bị sóng thần cướp đi 800 người, chủ yếu là các ngư phủ nghèo khó. Baan Nam Khem từ đó trở thành «biểu tượng của thảm họa» hoặc bị gọi là «làng sóng thần» của Thái Lan.
Sau thảm họa, con người ở đây tựa hồ mất hồn, không còn tha thiết gì với cuộc sống, bởi người thân không còn mà tài sản cũng mất hết. Nhiều người vì thế đã lũ lượt tìm đến định cư ở nơi khác, vừa để tránh nỗi đau quá khứ vừa để tránh những cơn sóng thần có thể xảy đến trong tương lai.
Thế nhưng, tình thương yêu giữa con người đã dần giúp ngôi làng « hồi sinh ». Tờ báo đăng bức ảnh điêu tàn đổ nát của ngôi làng khi vừa hứng chịu sóng thần vào năm 2004, và ngôi làng có nhà cửa khang trang và cảnh buôn bán tấp nập trong hiện tại để chứng minh cho sự hồi sinh đó.
Tờ báo nhấn mạnh đến sự đóng góp to lớn của các tổ chức thiện nguyện. Số là sau khi sóng thần xảy ra, nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế và địa phương đã thi nhau tìm đến giúp đỡ những người còn sống sót. Thế là trường học và bệnh viện được xây dựng, đường sá được sữa chữa và nâng cấp…Đến mức mà tờ báo cho biết đời sống của người dân được cải thiện hơn hẳn giai đoạn trước khi xảy ra sóng thần.
Không chỉ có giúp đỡ về vật chất, mà đời sống tinh thần cũng được chú ý. Các nhà sư đã ra sức giảng giải về Phật giáo để những người còn sống sót hiểu được lẽ vô thường trong cuộc sống mà nhẹ bớt cõi lòng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thiện nguyện Thiên Chúa giáo, mà chủ yếu là Tin Lành, đã tìm đến ngôi làng để cứu giúp những người cùng khổ. Ngay khi sóng thần xảy ra, một nhà thờ Tin Lành đã nhanh chóng được dựng lên cạnh hai chiếc tàu đánh cá bị sóng thần đánh văng lên hàng trăm mét trên đất liền. Hiện tại, trong ngôi làng đã có đến 3 nhà thờ Tin Lành, trong khi trước khi sóng thần xảy ra thì không hề có một nhà thờ Tin Lành nào.
Trong một đất nước đa phần theo Phật Giáo như Thái Lan, thì dĩ nhiên sự hiện diện đột ngột và quá nhiều của các tổ chức Thiên Chúa Giáo thường làm dấy lên nhiều chỉ trích. Tờ báo cho biết, các tổ chức Tin Lành nói trên đã tham gia tích cực cứu giúp người bị nạn và đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc tái thiết của ngôi làng để nó được khang trang như hiện tại. Thế nhưng, các tổ chức này cũng bị nhiều người cho rằng đã lợi dụng việc từ thiện để thu hút tín đồ, chẳng hạn như thu hút những người theo Phật Giáo địa phương để họ cải đạo thành tín đồ Tin Lành.

Cuba và Mỹ làm hòa: Venezuela rầu rĩ

Việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ ngoại giao được nhiều nước trên thế giới hoan nghênh, thế nhưng nó có thể gây lo ngại cho một số nước trong đó có Venezuela, đồng minh hàng số một của Cuba. Đó là nội dung được đăng tải trên nhật báo Le Figaro với dòng tựa đáng chú ý: «Venezuela, nước chịu thua thiệt của sự tan băng trong quan hệ Cuba-Mỹ».
Trong khi quan hệ Cuba và Mỹ khởi sắc thì quan hệ giữa Venezuela và Mỹ lại đang chạm đỉnh căng thẳng. Mới thứ hai rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kí một đạo luật vừa được lưỡng viện thông qua về việc tiến hành phong tỏa tài khoản ngân hàng và từ chối cấp visa cho đại diện của chính quyền Venezuela. Ngay lập tức, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đã đáp trả bằng cách kêu gọi công dân Venezuela xé bỏ hộ chiếu có dấu visa của Mỹ.
Nhìn về quan hệ giữa Venezuela và Cuba, tờ báo nhắc lại rằng, từ sau khi Liên Xô sụp đổ và nhất là từ đầu những năm 2000, quan hệ Cuba và Venezuela không ngừng được thắt chặt sau khi ông Hugo Chavez lên làm Tổng thống tại Venezuela. Cuba được hưởng giá dầu ưu đãi đặc biệt của Venezuela. Rất nhiều người Cuba đến làm việc ở Venezuela, ngay cả làm việc trong quân đội và các bộ của nước này. Đến mức mà phe đối lập tại Venezuela gọi làn sóng đó là «sự Cuba hóa» trong chính quyền Venezuela.
Hiện tại, kinh tế Venezuela đang hết sức khó khăn. Nếu giá dầu ở mức 100 đô la/thùng, thì nước này đã gặp khó khăn về tài chính, huống chi hiện tại giá dầu của nước này chỉ trên dưới có 60 đô la/thùng. Thượng đỉnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (APEC) hồi cuối tháng rồi lại không chịu cho giảm lượng khai thác để kích thích giá. Bởi vậy mà, sắp tới Venezuela chắc chắn sẽ phải cắt giảm chi tiêu công, giảm phúc lợi xã hội, và giảm cả những khoản giúp đỡ Cuba.
Nếu Venezuela ngừng hỗ trợ thì Cuba sẽ lại rơi vào cảnh những năm 1990 khi Liên Xô ngừng hỗ trợ. Bởi thế, Cuba đã biết tìm cách đa dạng hóa các đồng minh bằng chính sách tăng cường ngoại giao và mở cửa kinh tế. Cuba đã ký nhiều hợp đồng khí đốt và xây dựng lớn với hai nước đầu tàu trong các nước mới nổi là Trung Quốc và Braxin. Cuba hiện là chủ tịch nhóm CELAC (Cộng đồng các nước Châu Mỹ và Caraibes). Từ hai năm nay, Cuba là nơi trung gian đàm phán giữa chính phủ Colombia và phiến quân Farc.
Trong bối cảnh đó, đà thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển của Cuba bị chặn lại bởi các lệnh cấm vận của Mỹ. Bởi thế, việc xích lại gần với Mỹ là «một tin tốt lành» cho Cuba, nhưng lại «gây sốc» cho anh bạn đồng minh Venezuela. Thế nhưng, Le Figaro kết luận một cách mỉa mai: Trên mặt trận ngoại giao thì đừng nghĩ đến đồng minh mà hãy tập trung vào lợi ích.

Cuba và Mỹ làm hòa: Phe Cộng Hòa chia rẽ

Cũng liên quan đến hồ sơ bình thường quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ, nhật báo Le Monde nhìn vào nội bộ nước Mỹ với bài phân tích: «Việc xích lại gần Cuba làm chia rẽ người của Đảng Cộng Hòa».
Quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba có lẽ không chỉ mang đến cho Tổng thống Obama thắng lợi về mặt ngoại giao mà còn thắng lợi ngay ở trên trường chính trị bên trong nước Mỹ. Số là Đảng Cộng Hòa là đảng có nhiều nghị sĩ gốc Cuba nhất ở lưỡng viện. Mà người Cuba tại Mỹ thì có người phản đối, có người ủng hộ việc Mỹ xích lại gần Cuba, bởi thế các nghị sĩ Cộng Hòa có thể ít nhiều bị chi phối.
Le Monde dẫn ra một số gương mặt cộm cán thuộc Đảng Cộng Hòa, những người muốn ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016, cho thấy họ bị chia rẽ sâu sắc về hồ sơ bình thường quan hệ với Cuba. Chẳng hạn như thượng nghị sĩ đại diện cho bang Florida, ông Marco Rubio, là người Mỹ gốc Cuba. Ông này đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Obama, và tuyên bố sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn việc bình thường quan hệ với Cuba, nhất là ngăn chặn việc tháo dỡ lệnh cấm vận đối với nước này.
Trong khi đó, một thượng nghị sĩ có máu mặt khác cũng thuộc Đảng Cộng Hòa, ông Rand Paul, thì cho rằng nên thay đổi cách tiếp cận trong hồ sơ Cuba khi tuyên bố: «Hãy nhấn chìm chính quyền nhà Castro bằng iPhone, Ipad, bằng xe hơi và bằng các ngành công nghệ Mỹ… Hãy dấy lên một trận sóng thần thương mại để lùa cả nhà Castro xuống biển».
Le Monde cho hay, lập luận dựa vào lợi ích kinh tế này đang chiếm ưu thế tại Mỹ, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế Cuba mới mở cửa còn quá nhiều tiềm năng để khai thác, trong giai đoạn kinh tế Mỹ chưa hết khó khăn. Và hồ sơ Cuba cũng sẽ ảnh hưởng đến bầu cử tại Mỹ bởi vì, theo Le Monde, tại Mỹ số lượng người Mỹ gốc Cuba phản đối chính quyền Castro đăng ký tham gia bỏ phiếu thường thấp hơn số người Mỹ gốc Cuba ủng hộ chính sách xích lại gần hơn với La Havana.

Pháp: Năm hồ sơ ngoại giao lớn trong năm 2015

Trong những bài viết tổng kết cuối năm và nhìn về năm mới, nhật báo Le Figaro số ra hôm nay chú ý đến hồ sơ ngoại giao của Pháp với bài nhận định của chuyên gia chạy tựa: «Năm thách thức ngoại giao của Pháp vào năm 2015».
Đầu tiên bài biết cho rằng, do kinh tế suy yếu nên nước Pháp cũng dần bị yếu thế về ngoại giao. Và hiện tại, Pháp đã đánh mất một phần lớn tầm ảnh hưởng ngoại giao thế giới mà Charles De Gaulle đã mang về cho nước Pháp trước đây.
Kế đến, bài viết nhận định, trong năm 2015, sẽ có năm hồ sơ ngoại giao phức tạp đòi hỏi nước Pháp phải dấn thân vào.
Hồ sơ thứ nhất đó là cuộc khủng hoảng Ukraina. Bài viết cho rằng, đến hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ ra quá cứng nhắc khi sử dụng các biện pháp trừng phạt Nga trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin đã có nhiều động thái nhượng bộ, trong bối cảnh người ly khai ở miền đông Ukraina đã chấp nhập hình thức nhà nước liên bang theo kiểu Đức.
Bài viết cảnh báo rằng «cái vòng lẩn quẩn» của các biện pháp trừng phạt sẽ không có lợi cho ai cả. Kinh tế Nga sắp tới có thể sẽ suy sụp, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraina. Cái giá của «sự sụp đổ kép» này sẽ là rất lớn cho nền kinh tế Châu Âu. Trong bối cảnh đó bài viết đánh giá cao hành động đứng ra làm «trung gian chân thành» của Pháp thông qua chuyến đến Nga bất ngờ hồi đầu tháng của Tổng thống Pháp François Hollande.
Hồ sơ thứ hai là hồ sơ hạt nhân Iran. Bài viết nhắc lại, Thượng đỉnh Iran+6 hồi cuối tháng 11 vừa qua đã quyết định kéo dài đàm phán tới đầu tháng 7/2015. Đương nhiên người ta sẽ không chấp nhận cho Iran có vũ khí nguyên tử. Tuy vậy, bài viết cho rằng, Pháp với tư cách là cường quốc hạt nhân có thể dấn thân sâu vào hồ sơ này để có thể đạt được những hợp đồng hạt nhân dân sự tại Iran, vừa có lợi ích kinh tế, vừa cũng có thể cứu thể diện cho quốc gia Hồi Giáo mà hiện tại tầm ảnh hưởng đang rất cần để ổn định «lò lửa» Trung Đông.
Còn về hồ sơ khủng bố, bài viết kêu gọi Pháp tăng cường hợp tác, phân công phân nhiệm với Mỹ ở các chiến trường khủng bố. Về Hiệp ước tự do thương mại đang đàm phán giữa EU và Mỹ, bài viết cho rằng, Pháp nên ủng hộ Hiệp ước này, tuy nhiên phải sử dụng ảnh hưởng của Pháp tại Bruxelles để làm sao đảm bảo được chuẩn mực y tế, môi trường và xã hội của Châu Âu. Cuối cùng bài viết kêu gọi Pháp nỗ lực làm sao để cho Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2015 tại Paris đạt được nhiều tiến bộ so với các lần trước.
Cũng bàn về nền ngoại giao của Pháp, Le Monde đăng bài chuyên gia cho rằng, nước Pháp do yếu về kinh tế, nên hiện chính sách đối ngoại với Trung Quốc đang ở thế yếu và có vấn đề. Vấn đề đó là nước Pháp hiện chỉ tập trung vào việc tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc trong khi có vẻ nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền trắng trợn của nước này.

Đức-Mỹ: Câu chuyện lòng tin và kinh tế

Hiệp ước đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU không chỉ là một hồ sơ ngoại giao lớn đối với nhà cầm quyền Pháp mà còn với cả Đức nữa. Nhìn sang nước Đức, nhật báo Les Echos đăng bài đáng chú ý: «Tại Đức, tình trạng phản đổi TTIP đang tăng cao».
Tờ báo nhắc lại, chỉ mới tuần rồi, tại Hội đồng Châu Âu, nguyên thủ các nước Châu Âu một lần nữa thể hiện quyết tâm sẽ kết thúc được đàm phán TTIP với Mỹ vào cuối năm 2015 và cho rằng đó là một hiệp ước thương mại có lợi cho cả đôi bên. Trước đó, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel còn cho rằng hiệp ước là thuộc diện «ưu tiên tuyệt đối» vì có lợi ích kinh tế vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, Les Echos cho hay, từ nhiều tháng nay, làn sóng «chống Mỹ» đã dâng cao tại Đức. Đầu dây mối nhợ của làn sóng này có lẽ là vụ việc tình báo Mỹ đã nghe lén các nguyên thủ Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Merkel, theo tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden. Tờ báo dẫn lời ông Pascal Lemy, cựu Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhấn mạnh rằng : «Người Đức mất lòng tin đối với Mỹ. Người Đức rất bị tổn thương bởi vụ việc Snowden».
Hồi mùa hè 2013, khi bắt đầu đàm phán TTIP, tại Đức có 56% người được hỏi ủng hộ hiệp định này. Thế nhưng, con số đó đã giảm xuống còn 48% vào tháng 10/2014. Nhìn rộng ra Châu Âu, hiện tại có một bản kiến nghị phản đối TTIP đăng trên mạng đã thu hút được hơn 1,16 triệu chữ ký, trong đó có đến 676 000 chữ ký là của người Đức, trong khi con số này đối với Anh là 204.000, còn với Pháp chỉ có 69.000.

Pháp: Quà Noel đặc biệt?

Mùa Noel và nhân dịp tết năm mới, tại Pháp đang có một chiến dịch kêu gọi tặng quà có vẻ đặc biệt. Đó là nội dung được phản ảnh trên báo Libération với dòng tựa dí dỏm: «Trung tâm y sinh học phát động cuộc săn tìm tế bào trứng nhân mùa Noel».
Số là Trung tâm y sinh học của Pháp vừa phát động một chiến dịch mang tên «Người cho hạnh phúc» (Donneurs de bonheur) với nội dung kêu gọi mọi người hiến tặng tinh trùng và đặc biệt là tế bào noãn của chị em phụ nữ để giúp đỡ các cặp vô sinh.
Cơ quan này cho đăng quảng cáo trên báo chí và trên mạng Internet. Chiến dịch được phát ra đúng mùa Noel để tận dụng tâm lý lễ hội vào cuối năm. Cơ quan này đưa ra dòng chữ khuyến dụ mọi người như sau: «Những món quà đẹp nhất không phải là những món quà to nhất».
Tờ báo cho biết thêm, tại Pháp, lượng đàn ông cho tinh trùng thì không thiếu, nhưng hiện lượng tế bào trứng của chị em phụ nữ đang thiếu trầm trọng. Số liệu năm 2012 sẽ cho thấy rõ điều đó : chỉ có 422 phụ nữ cho tế bào trứng và cho ra đời được 164 trẻ em trong khi số lượng các cặp vợ chồng cần xin tế bào trứng lên đến 2110. Sự thiếu hụt này, một phần được giải thích là do việc lấy tế bào trứng ở phụ nữ diễn ra rất phức tạp và tốn thời gian, bởi vậy nó ảnh hưởng nhiều đến công việc và đời sống của người cho.