Tin Thế Giới – 19/12/2014
Hoa Kỳ dự kiến các cuộc đàm phán vào tháng Giêng với Cuba – Gián điệp Rolando Sarraff Trujillo được đưa về Mỹ
Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một cuộc họp vào tháng Giêng dương lịch đã được hoạch định trước với các giới chức Cuba ở La Habana đang được mở rộng và nâng lên một mức ngoại giao cao hơn.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Tây Bán Cầu Roberta Jacobson loan báo sự thay đổi trong một cuộc họp báo hôm qua vào lúc bà tiết lộ thêm thông tin về tiến trình phục hồi quan hệ với Cuba.
Trợ lý Ngoại trưởng Jacobson cho biết bà sẽ đến La Habana để dự các cuộc đàm phán mà bà dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng giêng dương lịch.
Bà nói một cuộc họp thoạt đầu định là một cuộc duyệt xét thường kỳ về vấn đề di trú giữa Cuba và Hoa Kỳ nay sẽ bao gồm luôn các cuộc bàn luận về quan hệ ngoại giao. Bà nói: “Tiến trình đó tương đối sẽ thẳng thắn về mặt pháp lý.”
Bà Jacobson cho biết bước đầu trong tiến trình đã diễn ra – Hoa Kỳ và Cuba đã đồng ý khởi sự công tác phục hồi bang giao.
Bà nói: “Chúng ta có thể làm việc ấy thông qua một cuộc trao đổi văn thư hay các biên bản. Nó không đòi hỏi một hình thức hiệp ước hay thoả thuận hợp pháp nào.”
Bà Jacobson nói các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Cuba sẽ chuyển tiếp từ tình trạng đặt dưới sự bảo vệ của Thuỵ Sĩ.
Bà cho hay: “Nó đòi hỏi chúng ta cũng phải chấm dứt thoả thuận đã kéo dài 53 năm mà chúng ta đã có với chính phủ Thuỵ Sĩ trong vai trò bảo vệ quyền hạn và đối với phía Cuba cũng vậy.”
Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu một cuộc duyệt xét về việc Cuba bị liệt vào danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.
Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm: “Chúng ta phải duyệt lại hồ sơ về Cuba trong 6 tháng vừa qua và bảo đảm rằng họ đã không tham gia hay ủng hộ các hành động khủng bố trong 6 tháng qua. Chúng ta phải cứu xét xem họ có từ bỏ việc sử dụng khủng bố hay không.”
Bà Jacobson cũng đề cập đến những lời phản đối việc phục hồi quan hệ với Cuba từ phía một số đại biểu Quốc hội đã đe doạ ngăn chặn việc cấp ngân khoản hoạt động cho một đại sứ quán.
Bà nói: “Chúng tôi tin rằng tình trạng mối quan hệ ngoại giao của chúng ta về mặt đi từ chỗ không có quan hệ ngoại giao đến chỗ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, hoàn toàn thuộc quyền hạn và trách nhiệm hiến định của tổng thống.”
Tuy nhiên, bà Jacobson nói thêm rằng vấn đề cấp ngân sách thuộc về Quốc hội và điều mà bà mô tả là “quyền lực của túi tiền.”
Trong diễn tiến trao đổi tù nhân, còn có ông Rolando Sarraff Trujillo, một cựu điệp viên của Hoa Kỳ ở Cuba, là một trong những tù nhân được gửi trả lại Hoa Kỳ trong cuộc đổi chác để đưa đến quyết định lịch sử của Tổng thống Obama nhằm khôi phục lại quan hệ với Cuba. Là chuyên gia mật mã, ông Trujillo đã cung cấp thông tin cho CIA khi ông này làm cho Cục tình báo Cuba. Ông bị bắt vào tháng 11 năm 1995 vì hoạt động gián điệp, tiết lộ bí mật nhà nước, và có các “hành vi xâm phạm an ninh quốc gia,” sau khi Havana biết được kế hoạch đào thoát sang Hoa Kỳ của ông. Ông bị kết án 25 năm tù giam. – VOA, FP
Liên Hiệp Quốc lên án tình trạng nhân quyền tại Bắc Hàn – Toà Bạch Ốc muốn trừng phạt Bắc Hàn về vụ Sony
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi đưa Bắc Hàn ra trước Tòa án hình sự quốc tế về tình trạng nhân quyền của nước này.
Nghị quyết không có tính ràng buộc pháp lý được thông qua hôm thứ Năm, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa Bình Nhưỡng ra trước Tòa án hình sự quốc tế về những tội ác chống lại nhân loại. Nghị quyết này được thông qua với 116 phiếu thuận, 20 phiếu chống, và 53 phiếu trắng.
Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận về tình trạng nhân quyền tại Bắc Hàn vào ngày thứ Hai sắp tới. Nhưng có phần chắc cơ quan này của Liên Hiệp Quốc sẽ không đưa Bắc Hàn ra trước Tòa án hình sự quốc tế, bởi vì có nhiều khả năng là Trung Cộng (TC), đồng minh chủ yếu của Bắc Hàn, sẽ phủ quyết hành động này.
Tuy nhiên buộc Hội đồng Bảo an phải biểu quyết sẽ nêu bật hơn nữa những hành vi vi phạm của Bắc Hàn, và tăng áp lực chính trị nặng nề đối với Bắc Kinh.
Phó Đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc, An Myong Hun, hôm qua nói rằng Bình Nhưỡng đã bác bỏ nghị quyết này, mà ông mô tả là “sản phẩm của một âm mưu chính trị và sự đối đầu”.
Nghị quyết này được dựa trên một cuộc điều tra của Uỷ ban Liên Hiệp Quốc hồi tháng hai, ghi nhận chi tiết những vụ hành quyết có hệ thống, tra tấn, hãm hiếp và bỏ đói tập thể tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên. Uỷ ban này nói những hành động vi phạm đó là “vô song” trong thế giới hiện đại.
Ngoài ra, Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng “phản ứng từng phần” với các cuộc tấn công vào Sony Pictures đã đưa đến hủy bỏ việc phát hành của bộ phim tốn 44 triệu đô la có tên “The Interview”. Các giới chức Mỹ tin rằng Bắc Hàn là chủ mưu trong các cuộc tấn công mạng này.
Được biết Tổng thống Obama xem nó mối ưu tiên hàng đầu. “Đây được xem là một vấn đề an ninh quốc gia nghiêm trọng,” phát ngôn nhân Nhà Trắng Josh Earnest cho biết hôm thứ Năm. “Có bằng chứng cho thấy rằng có các hoạt động phá hoại với mục đích hiểm độc được khởi xướng bởi một diễn viên tinh vi.”
Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh mạng vẫn hoài nghi, dẫn ra rằng những am tuờng nội bộ của tin tặc có vẽ như là do các tay trong của Sony.
Với sự không chính xác rằng ai đã gây ra các cuộc tấn công, cho nên chưa rõ là làm thế nào Hoa Kỳ có thể phản ứng, và liệu một phản ứng như vậy sẽ kích động hay ngăn chặn một cuộc tấn công khác. Như tuờng trình của Foreign Policy, Bắc Hàn có rất ít công ty tư nhân, làm cho HK có rất ít mục tiêu ngoài chính quyền ở Bình Nhưỡng. “Đó là một vùng mới, và chúng ta chưa từng đi qua”, theo Scott Snyder, một thành viên thâm niên về nghiên cứu Triều Tiên của Council on Foreign Relations. “Thật khó để biết tại thời điểm này làm sao có được những lựa chọn khác ít lộ liễu hơn”.
Những khuôn mặt nổi bật ở Hollywood đã khá lớn tiếng về quyết định của Sony, cũng như của giới truyền thông phản ứng về các chi tiết dâm ô trong các email bị hack. “Điều gì sẽ xảy ra nếu các cơ quan thông tin quyết định cho đăng câu chuyện, và một quốc gia hoặc một cá nhân hay một công ty quyết định họ không thích nó?” Ông George Clooney nêu lên giả thuyết trong cuộc phỏng vấn với Deadline. “Bỏ qua cái phần hack của nó. Anh bị ai đó đe dọa cho nổ một tòa nhà, và tất cả mọi nguời đột ngột cúi rạp đầu”. – Theo VOA, FP
Vụ Philippines kiện Trung Cộng góp phần định hình tương lai Đông Nam Á 2015
Phán quyết về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng (TC) ở Biển Đông là một trong năm sự kiện định hình tương lai Đông Nam Á trong năm 2015, theo phân tích của hai chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ CSIS.
Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague có phần chắc sẽ phán quyền về đơn Manila kiện bản đồ đường lưỡi bò của Bắc Kinh trước cuối năm 2015.
Theo chuyên gia Murray Hiebert và Gregory Poling thuộc CSIS, đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất bởi bất kỳ tòa án nào được thành lập theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển và, cách này hay cách khác, nó sẽ đánh một dấu mốc quan trọng cho các tranh chấp Biển Đông.
Tới nay, Bắc Kinh vẫn một mực không chịu tham gia vào tiến trình vụ kiến và từ chối đệ trình lập luận đối với đơn kiện của Manila trước thời hạn chót là ngày 15/12 vừa qua.
Hai nhà nghiên cứu của CSIS cho rằng nếu tòa quyết định có quyền tài phán thì gần như chắc chắn rằng tòa sẽ phán quyết rằng bản đồ chín đoạn của TC là bất hợp lệ. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ đối mặt với một số lựa chọn khó khăn vì dĩ nhiên TC không muốn bị xem là vô trách nhiệm khi phớt lờ một phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Với phán quyết như thế, Philippines sẽ huy động sự ủng hộ từ Mỹ, Nhật, các nước láng giềng ASEAN, và các nước đối tác khác xác quyết phán quyết của tòa nhằm thuyết phục Bắc Kinh phải minh định tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của họ ở Biển Đông.
Ngược lại, nếu tòa quyết định họ không có quyền tài phán thì sẽ làm lụi tàn các tia hy vọng về việc dùng tòa trọng tài làm phương tiện ôn hòa để giải quyết các tranh chấp trong tương lai.
4 sự kiện khác cũng góp phần định hình Đông Nam Á năm 2015 được hai chuyên gia nghiên cứu của CSIS Hiebert và Poling nêu lên bao gồm bầu cử ở Miến Điện, tình hình chính trị ở Thái Lan, các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP dự kiến hoàn tất vào giữa năm 2015, và tiến bộ liên quan đến việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. – Theo VOA
Các cuộc không kích giết chết 3 lãnh tụ của Nhà Nước Hồi Giáo
Các giới chức quân đội Hoa Kỳ nói hơn 1.300 cuộc không kích và một lực lượng an ninh Iraq mạnh hơn đang có “tác động đáng kể” đến khả năng của Nhà nước Hồi Giáo hoạt động tại Iraq.
Một giới chức cao cấp Bộ quốc phòng Mỹ ngày hôm qua xác nhận cái chết của ba lãnh tụ cao cấp Nhà nước Hồi Giáo.
Theo một viên chức cao cấp Bộ quốc phòng, các cuộc không kích của Hoa Kỳ và liên minh bắt đầu vào tháng 8 năm nay đã có ảnh hưởng đến giới lãnh đạo Nhà nước Hồi Giáo, và chỉ riêng trong tháng trước đã giết chết nhân vật số hai của Nhà nước Hồi Giáo là Haji Mutazz, và chỉ huy quân đội Abd al Basit tại Iraq và Radwin Talib, tư lệnh tại Mosul.
Loan báo này được đưa ra tiếp sau một thẩm định lạc quan của Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp của cuộc hành quân có tên là Inherent Resolve.
Thượng tướng James Terry Terry của quân đội Mỹ nói: “Daesh tức Nhà nước Hồi Giáo đã bị chặn đứng và đang chuyển sang thế phòng ngự và đang nỗ lực chống giữ những phần đất hiện có.”
Đề cập đến Nhà nước Hồi Giáo bằng tên Ả rập, Tướng Terry nói các cuộc không kích rõ ràng đã có kết quả.
Ông cho biết: “Nhà nước Hồi Giáo hiện nay đang gặp những khó khăn về mặt thông tin, về mặt tái tiếp liệu.”
Ông nói thêm là việc này làm tổn hại khả năng của Nhà nước Hồi Giáo để đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới và ngay cả gieo rắc sợ hãi.”
Tướng Terry nói: “Quí vị có thể vào các trang mạng xã hội và thấy một số việc phát xuất từ các nơi như Mosul liên quan đến khả năng cai trị của một tổ chức tự nhận là vương quốc Hồi Giáo.”
Không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý với thẩm định của Tướng Terry. Tạp chí Tình báo Jane tuần qua kết luận là những cuộc không kích không gây ra những thay đổi đáng kể trong những cuộc hành quân của Nhà nước Hồi Giáo cũng như không làm giảm sút khả năng tấn công của tổ chức này.
Nhưng tại Sinjar, nơi các cuộc yểm trợ các chiến binh người Kurd bằng không quân của liên minh, có bầu không khí lạc quan.
Đại tá Nawkhosh, thuộc lực lượng Peshmerga nói: “Với sự giúp đỡ của bè bạn và liên minh, chúng tôi sẽ tống xuất họ ra khỏi toàn bộ Iraq.”
Các giới chức liên minh vẫn dè dặt – và thách thức còn lại là đưa thêm các bộ tộc Sunni tại Iraq trở lại chiến đấu bên cạnh chính phủ đã có thời xa lánh họ.
Cũng có những nghi vấn về việc Nhà nước Hồi Giáo chiếm giữ một số lãnh thổ tại Syria, nơi kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm tìm ra và huấn luyện một lực lượng đối lập ôn hoà chưa tiến hành được.
Nhìn chung, Tướng Terry cho rằng cuộc chiến vẫn còn lâu dài. Ông nói: “Tôi vẫn nghĩ chúng ta có lẽ phải mất tối thiểu 3 năm để xây dựng một số khả năng đòi hỏi tại đây”. – VOA