Tin Việt Nam – 16/12/2014
VN ‘không đủ khả năng’ đón 1.000 xe Trung Cộng
Đoàn xe Trung Cộng (TC) dự kiến sẽ vượt cửa khẩu vào Việt Nam
Nhà chức trách CSVN đã từ chối tiếp nhận đoàn xe 1.000 chiếc của TC vào Việt Nam du lịch theo hình thức caravan sau khi nhận được lời đề nghị từ chính quyền thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây.
Quyết định này được đưa ra sau sự cân nhắc của các bộ ngành có liên quan như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Công thương, Tài chính và Giao thông-Vận tải.
‘Không đảm đương nổi’
Quyết định được thông báo với phía TC qua đường công văn do Bộ Giao thông-Vận tải đứng ra trả lời vào chiều ngày 15/12. Lý do được nêu ra là ‘không đủ điều kiện đảm bảo an toàn và an ninh trật tự cho đoàn xe’, báo trong nước dẫn công văn trả lời cho biết. Nguyễn Xuân Thủy, vụ phó Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông-Vận tải, nói trên tờ Người Lao Động rằng quan điểm các bộ ngành là ‘ủng hộ phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là an ninh-quốc phòng’. Theo tờ báo này thì Bộ Quốc phòng là cơ quan lên tiếng đầu tiên về việc không đồng ý cho đoàn xe du lịch TC vào Việt Nam.
Dù chỉ có 100 người Trung Hoa nhưng họ có ý đồ thì cũng làm được đủ thứ.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ CSVN tại TC
Về phần mình, Bộ Công thương cho rằng đề nghị của TC ‘cơ bản là hoạt động du lịch giữa các nước trong khu vực’ và họ ‘ủng hộ tăng cường phát triển du lịch với Trung Quốc’, báo Thanh niên dẫn văn bản trả lời của Bộ này cho biết. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng nếu có cho phép thì cũng ‘tăng cường giám sát, quản lý các vấn đề an toàn giao thông, an ninh…’. Còn Bộ Giao thông-Vận tải viện dẫn lý do là ‘số lượng xe quá lớn nên không làm kịp thủ tục cấp phép’, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường được Thanh niên dẫn lời nói.
‘Ngăn TC tràn vào’
Trao đổi với BBC, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ CSVN tại TC, nói ông đồng tình với quyết định của Bộ Quốc phòng không cho đoàn xe TC vào Việt Nam. “Không nước nào đề nghị cho một đoàn xe du lịch 1.000 chiếc vào nước khác bao giờ cả,” ông nói. “Họ làm có dụng ý xấu của họ,” ông nói thêm, “Trước giờ họ đã có bao nhiêu mưu đồ xấu nhằm vào Việt Nam”.
Khách TC vào Campuchia qua đường bộ ở Việt Nam
Khi được hỏi phía Việt Nam có thể cho đoàn này vào nhưng chủ động kiểm soát được không, Tướng Vĩnh nói rằng ‘hàng vạn người Trung Quốc vào Việt Nam mà có quản lý được đâu’. Tuy nhiên, ông từ chối không trả lời đoàn xe TC có thể gây ra hiểm họa gì cho an ninh-quốc phòng Việt Nam. “Dù chỉ có 100 người Trung Quốc nhưng họ có ý đồ thì cũng làm được đủ thứ,” ông nói. Quyết định này của chính quyền CSVN dường như nhận được sự đồng tình của nhiều người dân trên các diễn đàn và các mạng xã hội. Thậm chí có báo như tờ Người Lao Động còn chạy tít: ‘Ngăn 1.000 xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam’. Theo đề xuất của phía TC thì đoàn xe 1.000 chiếc này sẽ chở theo 1.500 du khách vào Việt Nam chia thành bảy tuyến tỏa đi khắp mọi miền đất nước và sang cả Lào, Campuchia. Theo đó, các tuyến này sẽ đi khắp miền Bắc, miền Trung kéo dài đến Đà Nẵng, Hội An và tuyến xuyên Việt thì đi tới tận Thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ Tho. Trong số đó, tuyến ngắn nhất kéo dài bốn ngày còn tuyến dài nhất kéo dài hơn nửa tháng. Theo BBC
Tàu cá VN bị tàu “lạ” khống chế bằng súng, cướp tài sản ở Trường Sa
Chiều 13/12, tàu cá KH-98192-TS do ông Phan Quốc Hùng (SN 1979, trú phường Vĩnh Phước, Nha Trang) làm thuyền trưởng đã cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang) trình báo tàu ông vừa bị tàu “lạ” khống chế bằng súng, cướp hết tài sản trên vùng biển Trường Sa.
Theo trình báo, vào khoảng 10h ngày 2/12, tàu cá KH 98192-TS trong khi đang neo đậu tại tọa độ 10009N-115050E thì bị một tàu “lạ” tiếp cận mạn trái. Ngay lập tức, 4 đối tượng rất hung hãn cầm 3 khẩu súng ngắn, 1 khẩu súng dài nhảy lên tàu bắn chỉ thiên 4 phát khống chế các thuyền viên trên tàu cá KH-98192-TS. 7 ngư dân trên tàu cá KH-98192-TS bị khống chế đưa sang chiếc tàu “lạ”, nhốt xuống hầm tàu.
Trong lúc bị khống chế, do quá hoảng loạn và sợ bị thủ tiêu nên các thuyền viên không dám nhìn mặt bọn cướp nên không biết đặc điểm nhận dạng, chỉ nghe các đối tượng nói tiếng nước ngoài. Thời điểm đó, các thuyền viên ngủ trưa, chỉ có thuyền trưởng thức nên thấy đó là tàu kiểu dáng giống với tàu đánh cá của Việt Nam, vỏ gỗ, dài khoảng 20m.
Tàu cá KH-98192TS bị cướp tài sản gồm: khoảng 1,2 tấn cá ngừ, 250 kg cá bò tạt, 2.500 lít dầu, 3 bình ắc quy, 1 định vị, 170 kg mực khô, 3 bơm điện, 6 điện thoại di động, 6 bành câu thẻo… toàn bộ lương thực, thực phẩm trên tàu. Ước tính thiệt hại chừng 470 triệu đồng. Đến 18h cùng ngày sau khi cướp xong, bọn cướp đã thả các thuyền viên về lại tàu.
Sau xảy ra vụ việc, tàu cá KH-98192-TS đã khắc phục sự cố và báo cứu hộ bằng điện đàm Icom cho hải quân Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Được sự hướng dẫn của lực lượng hải quân đảo Song Tử Tây, ngày 5/12 tàu về tới đảo.
Sau khi cập cảng Hòn Rớ (Nha Trang) vào chiều nay (13/12), Đồn biên phòng Hòn Rớ đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng ban đầu, lấy lời khai các thuyền viên, báo cáo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa để xin ý kiến chỉ đạo, điều tra làm rõ vụ việc. – dantri
Phi công VN ‘bấm nhầm nút không tặc’
Phi công Vietnam Airlines “kích hoạt nhầm nút” bị uy hiếp khiến chuyến bay từ TP HCM đi Vinh phải hạ cánh khẩn cấp hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Nội Bài, theo truyền thông trong nước.
Lê Trường Giang người phát ngôn hãng hàng không Vietnam Airlines, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời “đã bác bỏ thông tin một máy bay của hãng này bị khủng bố.” “Tổ bay của chuyến bay VN 1266 bay từ TP.HCM đi Vinh đã vô tình bấm nhầm nút cảnh báo xâm nhập buồng lái, sau đó hệ thống phát tín hiệu khẩn cấp buộc máy bay phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Máy bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. “Trước đó nhiều nguồn tin cho biết chuyến bay có dấu hiệu bị không tặc uy hiếp. Chiếc máy bay nói trên đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Lực lượng An ninh Hàng không sân bay đã vây kín chiếc máy bay để tìm hướng giải quyết vụ việc”, báo này nói thêm.
‘Bấm nhầm’
Trong khi đó, báo Thanh Niên cho biết: “Khi gần đến Vinh, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật giảm áp buồng kín, tổ lái phải giảm độ cao từ 35.000 feet xuống 10.000 feet để đảm bảo oxy cho hành khách và phi hành đoàn.” “Tuy nhiên, thay vì nhấn nút khẩn nguy (7700) thì cơ trưởng đã ấn nhầm nút khủng bố (7500). Tình huống trên khiến máy bay bị đặt vào tình trạng khủng bố, toàn bộ mặt đất phải triển khai theo tình huống này.”
Tổ bay của chuyến bay VN 1266 bay từ Saigon đi Vinh đã vô tình bấm nhầm nút cảnh báo xâm nhập buồng lái
Còn Thông Tấn Xã CSVN mô tả “đã có sự cố kỹ thuật khẩn cấp khiến chuyến bay này phải đổi hướng bay” và “chuyển địa điểm hạ cánh”. “Vào lúc 19 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Lực lượng An ninh Hàng không sân bay đã kịp thời có mặt để giải quyết vụ việc. “Sau khi hạ cánh, máy bay này đã được cách ly tại khu vực quân sự của sân bay Nội Bài để tiếp tục làm rõ vụ việc và đảm bảo an toàn cho các hành khách khác tại sân bay. “Các cơ quan chức năng đã xác nhận không có dấu hiệu máy bay bị uy hiếp như một số thông tin trước đó”, cơ quan này cho biết thêm. Vào tháng 10, một trực thăng quân sự đã suýt va chạm với một máy bay dân sự của Vietnam Airlines trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự việc xảy ra ngày 29/10, nhưng báo cáo về vụ việc chỉ mới được Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam gửi cho Cục Hàng không Việt Nam hôm 18/11. Vào tuần trước người đứng đầu ca trực trong vụ sập nguồn điện ở Trung tâm Kiểm soát Đường dài Hồ Chí Minh và Tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh) bị bắt để điều tra “sự cố sập điện nguồn trạm không lưu hôm 20/11″. Sự cố khiến toàn bộ các thiết bị trong hệ thống điều hành bay, kể cả radar đều ngưng hoạt động và làm ảnh hưởng 92 chuyến bay.
11 người mắc kẹt vì sập hầm ở Lâm Đồng
11 công nhân còn mắc kẹt bên trong sau khi xảy ra tai nạn sập hầm tại công trường thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng, vào sáng thứ Ba 16/12.
Được biết vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 07:00 sáng tại công trường ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Các công nhân, trong có một phụ nữ, lúc đó đang thi công trong đường hầm dài 700m, vị trí của họ lúc sập hầm được tin là sâu 500m trong đường hầm.
Giới chức đã tìm cách bơm oxygen vào bên trong để giúp họ không bị ngạt. Tuy nhiên công tác cứu nạn gặp khó khăn vì thời tiết mưa và xấu. Cũng không thể liên lạc được với những người bị kẹt hầm.
Cho tới giữa trưa, giới chức tỉnh Lâm Đồng công bố kế hoạch sẽ khoan sâu vào bên trong để đặt một đường ống lớn cho các công nhân chui ra.
Thế nhưng việc khoan hầm để đưa oxygen và ống lớn đều diễn ra khó khăn vì gặp đá và bùn.
Báo trong nước nói tỉnh Lâm Đồng huy động 200 người tham gia cứu hộ.
Một nhân chứng làm việc bên ngoài hầm được dẫn lời nói đã nghe tiếng động mạnh trước khi các khối đất đá đổ sụp. – BBC