Tình hình kinh tế Việt Nam – Nhữ Đình Hùng
Theo các chuyên-gia quốc-tế, mục-tiêu kinh-tế được Quốc-Hội Việt-Nam thông qua cho năm 2014 là tăng-trưởng 5,8% và lạm-phát 7% là điều có thể thực-hiện được, mặc dù họ không quá lạc-quan vì các hiểm tai vẫn còn đó!
Theo giám-đốc ngân-hàng phát-triển Á-Châu (Banque d’Asie pour le développement) tại Việt-Nam, Tomoyuki Kimura, các mục-tiêu kinh-tế đại-tượng của Việt-Nam có thể làm được với điều-kiện chánh-quyền phải giải-quyết nhanh chóng các khoản tín-dụng đáng ngờ, nếu điều này làm được sẽ giúp làm có thêm tín dụng cho các doanh-nghiệp Việt-Nam. Vẫn theo ông Kimura, trong phúc-trình về triển-vọng tăng-trưởng của Á Châu, BAD đã dự-đoán tăng trưởng Việt Nam là 5,5% và lạm phát ở mức 7,2%, không xa với mục tiêu do Quốc-Hội Việt-Nam đề ra.
Tổng giám-đốc ngân-hàng ANZ, Tareq Muhmood, cũng đưa ra ý-kiến tương-tự, cho rằng các mục-tiêu do Quốc-Hội Việt-Nam đề ra cho 2014 có thể thực-hiện được; dù rằng vẫn còn nhiều khó khăn, một số khu-vực kinh-tế Việt-Nam đang trên một con đường tốt như khu-vực nông-nghiệp, xuất/nhập-cảng có những tăng-trưởng mạnh.
Phúc-trình của Quỹ Tiền Tệ Quốc-Tế (FMI) tại Việt-Nam hồi tháng 10 năm 2013 cũng dự trù một tăng-trưởng 5,4% cho năm 2014. Đại diện thường-trực của FMI tại Việt-Nam, ông Sanjay Kalra, cho rằng Việt-Nam đã đạt tới việc cải-thiện các căn-bản kinh-tế đại-tượng (macro-économique) trong những năm 2012 và 2013 và ngay như khi việc tăng-trưởng bị dồn ép lại, khuynh-hướng cải-thiện vẫn tiếp-tục cho năm 2014. Mức độ lạm-phát có thể duy-trì ở mức một số nhờ việc tiêu-thụ thấp.
Ngân-Hàng Thế-Giới (BM) tại Việt-Nam cũng cho là mức tăng-trưởng của Việt-Nam trong năm 2014 sẽ đạt đến 5,4% và lạm phát sẽ ở mức một số. Bà Victoria Kwaka, nữ giám-đốc của BM cho rằng trên nguyên-tắc, kinh-tế Việt-Nam tốt ở trung hạn, tuy vậy, những hiểm tai vẫn có!
Ông Sumit Dutta, tổng giám đốc ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã không coi tăng-trưởng 5,8% là đủ vì, một phần, các phương-tiện đầu-tư công không quan-trọng, phần khác, kinh-tế quốc-tế phục-hồi một cách yếu ớt. Việt-Nam cần phải ràng buộc vào việc đi đến nơi đến chốn trong những cải cách của nước này và phải huy-động nguồn tài-chánh quốc-nội và quốc-tế; các nhà đầu-tư ngoại-quốc sẽ đặt vốn của họ ở Việt-Nam khi họ nhìn thấy có sự tiến-bộ rõ rệt trong những cải-cách đang làm. Ngân-hàng HSBC dự-trù kinh-tế Việt-Nam sẽ phục-hồi trong khoảng 2014-2016 nhờ việc xuất-cảng gia-tăng cũng như việc gia-tăng tiêu-thụ ở trong nước Việt-Nam chờ đợi các đầu tư ngoại-quốc trong các khu-vực kỹ-thuật cao và có giá-trị gia-tăng lớn. Nhưng,nếu muốn có một tăng-trưởng trên 5%, Việt-Nam phải đẩy mạnh việc tân-tiến-hoá hệ-thống hạ-tầng cơ-sở!
Việc giao-thương giữa Việt-Nam với Hoa-Kỳ, cũng như giữa Việt-Nam với ASEAN, sẽ gia-tăng nhờ việc phục-hồi kinh-tế của Hoa-Kỳ và sự ổn-định kinh-tế của những quốc-gia ASEAN. Hoa-Kỳ và Liên-Âu tiếp tục là đối-tác chính của Việt-Nam trong khi đó, việc giao-thương giữa Việt-Nam và Trung-Hoa có những bất-trắc do việc tăng-trưởng sút giảm của Trung-Hoa. Nhờ nguồn tài-nguyên nhân-lực với một giá phải chăng, các khu-vực hàng vải và may mặc sẽ chiếm khoảng 20% trị-giá xuất-cảng từ đây cho tới năm 2020 và xuất-cảng sang các nước Á-Châu, trừ Nhật-Bản, sẽ gia-tăng khoảng 15%.
Nói chung, các chuyên-gia kinh-tế thế-giới đều cho rằng mục-tiêu tăng trưởng kinh-tế 5,8% và lạm phát ở mức 7% là điều có thể làm được với điều kiện là phải đi đến cùng những cải-cách đề ra. Những nhận định của các chuyên-gia phần lớn đặt trên các thông-tin chính-thức. Căn cứ trên các thông-tin chánh-thức này, PIB/đầu người vào năm 1994 là 220 đô-la Mỹ đã lên đến 1.400 đô la vào năm 2012! Căn cứ trên các thông tin chánh-thức,Việt-Nam không gặp khó khăn nhiều trong cuộc khủng-hoảng kinh-tế thế-giới vì vẫn có một tỉ-suất tăng-trưởng khá, lên đến 5,9% cho năm 2011 và 5,6% cho năm 2012. Các khu-vực sản-xuất kỹ-nghệ, hàng vải, giày dép, dụng-cụ điện-tử, hải-sản tăng-trưởng mạnh.
Chánh-quyền Việt-Nam loan-báo việc cải-tổ các khu-vực kinh-tế then chốt và dự-trù tư-hữu-hoá một phần các xí-nghiệp công, việc thực-hiện sẽ thực-hiện từng bước. Một cải-tổ thuế-vụ cũng được thực-hiện nhằm bù đắp việc sút giảm lợi-tức về quan-thuế do việc Việt Nam gia-nhập OMC vào năm 2007. Chánh-quyền cũng đưa ra nhiều kế-hoạch nhằm cải-thiện bầu không-khí doanh-vụ nhằm khuyến khích sản-xuất và xuất cảng, kích-thích tiêu-thụ và đầu-tư, tăng-cường an-sinh xã-hội cũng như đưa ra một chánh-sách tài-chánh và thuế-vụ thực-sự.
Trong khi việc tiêu-thụ nội-địa gia-tăng 22% từ 2010 đến 2011, lạm-phát vẫn ở mức đáng kể 18,7% năm 2011 và 12,6% năm 2012, tuy nhiên, số lượng người sống với lợi tức dưới một đô-la Mỹ một ngày đã giảm đáng kể, tỉ lệ còn thấp hơn Trung-Hoa, Ấn-Độ… Thất-nghiệp ở mức 4,5% trên toàn quốc nhưng tỉ-lệ khiếm-dụng cao, lên đến 30%.
Chánh-quyền đã tung ra ba công-trường trung và dài hạn gồm phát-triển hạ-tầng cơ-sở, huấn-luyện thanh-niên và hiện-đại-hoá các định-chế. Để đạt tới những mục tiêu này, cần phải cải-tổ các xí-nghiệp công, phát-triển doanh-nghiệp tư và tân-tiến hoá hệ thống ngân-hàng.
Trong các khu vực kinh-tế, khu-vực nhất đẳng (nông-nghiệp) là khu-vực bị suy-thoái, tuy vậy, đây lại là khu-vực xử-dụng nhân-lực nhiều nhất (47,5% nhân-lực) Mặc dù vậy, khu vực này chỉ chiếm 20% PIB.
Khu-vực nhị đẳng (kỹ-nghệ) là động-cơ cho sự phát-triển ở Việt-Nam. Khu-vực này chiếm 40% PIB nhưng việc xử dụng nhân-lực chỉ chiếm 21,1%. Khu-vực này bao gồm phần lớn các xí-nghiệp công, đi từ dệt, hàng vải, điện-tử, kỹ nghệ thực-phẩm chế biến từ nông sản. Khu vực năng lượng cũng khá phát triển với than-đá, thủy điện, điện-lực và dầu hoả. Về dầu hỏa, Việt Nam đứng hàng thứ ba về sản-xuất dầu hỏa ở Đông-Nam-Á.
Còn lại là khu-vực đệ tam chiếm 40% PIB trong đó du-lịch và viễn-thông là hai loại doanh nghiệp chính. Khu-vực này xử-dụng 31,5% nhân lực.
Theo ‘ước lượng’ của FMI, tăng-trưởng của VN trong năm 2014 có thể đạt tới tỉ suất 5,4%, với PIB có thể lên tới 187 tỉ đô-la Mỹ. Tỉ lệ nợ của quốc-gia trên PIB lên tới 50,5% với một tỉ lệ thất-nghiệp 4,5% và lạm phát ở mức 7,4%. Những dự đoán này dựa trên các dữ kiện ‘chính-thức’ do nhà nước Việt Nam cung cấp!
Trong khi đó, người dân không mấy quan-tâm đến các thông-tin chính-thức, ngược lại, họ quan-tâm đến những thông-tin ‘ngoài luồng’.
Chẳng hạn vào tháng 08.2012, những người có tiền ký thác ở ngân-hàng ACB đã ào ạt rút tiền ra khỏi ngân-hàng này. Số lượng tiền rút ra trị giá cả hàng trăm triệu đô-la. Lý-do chính-yếu là hai sáng-lập-viên của ngân-hàng, Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải bị bắt giữ vì quản-trị thiếu minh-bạch. Khó có thể biết đây là một vụ thanh-toán chánh-trị hay do lý-do hoàn-toàn kinh-tế. Nhưng dù về lý do nào đi chăng nữa, vấn-đề của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay là phải xây-dựng được niềm tin của dân-chúng. Nhân-dân đã chứng-kiến việc công-trường đóng tàu Vinashin hầu như phá sản với một thua lỗ lên đến 4,4 tỉ đô la Mỹ. Nhân dân cũng thấy thị-trường chứng khoán ở Việt Nam xuống dốc thê thảm, thị-trường địa ốc bị ứ đọng. Việc người dân ào ạt đi mua ngoại tệ và vàng đã là chỉ dấu cho sự mất niềm tin của dân chúng vào chánh-sách kinh-tế của Nhà Nước; Việt Nam vẫn còn theo nền văn-hoá ‘vẩn đục’ (opaque) nên các tuyên- bố về tình-hình kinh-tế là điều cần phải xét lại. Điều có thể thấy là trong năm 2013, Việt Nam đứng hàng thứ tư trên thế-giới về nhập-cảng vàng. Ai mua và tại sao mua vàng?
Nhữ Đình Hùng, 22.02.2014
http://www.courrierinternational.com/article/2012/08/29/malaise-au-sommet-de-l-etat
http://www.planet-expert.com/fr/pays/vietnam/contexte-economique