Ba đại lục, ba điểm nóng bùng nổ bạo lực
Hai trong ba cuộc biểu tình trên ba lục địa bùng nổ thành bạo lực nghiêm trọng vào hôm thứ ba và thứ tư, 18-19 tháng 2, 2014. Nặng nhất là ở Ukraine, 25 người thiệt mạng trong ngày thứ ba, sang thứ tư thêm ít nhất 70 người chết, hằng ngàn người bị thương đang được chữa trị.
Tại Thái Lan 5 người chết, 65 người bị thương, và ở Venezuela, cảnh sát giải tán biểu tình gây 1 người chết, khiến tổng số thiệt mạng tại Caracas lên tới 4 người trong hai tuần nay; lãnh tụ phe chống chính phủ ra trình diện cảnh sát để bị giam chờ ra tòa.
Những nguyên do khác nhau
Ba cuộc chống đối của người dân với các chính phủ hiện nay còn đang diễn tiến nhưng không phát khởi cùng một thời gian, và có những lý do khác nhau.
Người dân Ukraine phản đối chính phủ Yanukovich từ khi vị Tổng thống này bất ngờ hủy bỏ quyết định ký hiệp ước thương mại với EU, một hiệp ước được thương thảo trong nhiều năm trời, để quay về quỹ đạo kinh tế, chính trị của Liên Bang Nga, sau khi Tổng thống Putin đề nghị khoản vay nhẹ lãi 15 tỉ đô la và giảm 33% giá hơi đốt cho Ukraine.
Sự chống đối ở Kiev nhắm vào chính sách đối ngoại. Người dân ủng hộ chính sách liên kết với EU để thoát khỏi ảnh hưởng của Nga sau khi Ukraine, là nước cộng hòa lớn nhất trong Liên bang Xô Viết, tách khỏi Liên Xô trong thập niên 1990.
Công trường Độc lập, Kiev,sau đêm thứ năm. 70 người chết, 500 bị thương – Video capture
Trong khi đó phe áo vàng gồm thành phần trung lưu của Thái Lan, chống chính phủ Yingluck Shinawatra là vì chính sách đối nội Venezuela bất ổn cũng vì chính sách đối nội, nhưng phe chống đối gồm toàn thanh niên, sinh viên, đòi hỏi được bảo đảm an ninh tốt hơn, chấm dứt tình trạng khan hiếm và đòi quyền tự do ngôn luận được bảo đảm.
Ở Thái Lan phe chống đối lặp lại chiến thuật của phe thân chính phủ Shinawatra cách đó mấy năm trước. Phe ủng hộ chính phủ Shinawatra, thường gọi là phe áo đỏ, chiếm những khu phố trung tâm và công trường chính của thủ đô Bangkok trong nhiều tháng và sau cùng bị giải tán đẫm máu. Nhưng lần này phe áo vàng, chống chính phủ Yingluck Shinawatra, bao vây và chiếm giữ nhiều cơ sở chính phủ, kể cả tòa nhà chính phủ nơi Thủ tướng và nội các làm việc hằng ngày, đòi lập Hội đồng nhân dân các cấp thay cho hệ thống hành pháp.
Ở Ukraine những người chống đối có vẻ thi hành chiến thuật thường dùng trên thế giới, gần nhất là ở Ai Cập, Bắc Phi, cả Thái Lan nữa, là biểu tình chiếm giữ các công trường trung tâm thủ đô, đòi tổ chức bầu cử lại. Nhưng sau ngày đẫm máu hôm thứ ba, đêm thứ tư cảnh sát võ trang tác chiến tấn công khu vực người biểu tình chiếm giữ, gây thiệt mạng ít nhất 60 người. 67 cảnh sát bị bắt giữ làm con tin.
Riêng ở Venezuela thì phía chính quyền chiếm ưu thế hơn, vì có những thành phần thân chính phủ cũng biểu tình đối kháng với phe chống chính phủ. Sau khi lãnh tụ của họ nạp mình cho cảnh sát và bị giam giữ thì họ vẫn tiếp tục cuộc chống đối.
Lý do bùng nổ
Các bên liên quan đến những cuộc biểu tình đó có vẻ như đã tự kiềm chế từ mấy tháng nay, từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu ở Thái Lan và Venezuela hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng vì sao hôm qua ở Bangkok và Kiev đã bùng nổ thành bạo lực chết người?
Tại Thái Lan, cảnh sát đã tự kiềm chế nhiều hơn là phía người biểu tình, nhờ chính phủ ra lệnh không sử dụng võ lực hay vũ khí sát thương để đàn áp, giải tán. Nhưng hàng ngàn người áo vàng đã đi chiếm hầu hết các cơ sở chính phủ để làm tê liệt hoạt động công quyền, trong lúc cảnh sát phải nhẹ tay. Họ chỉ tự kiềm chế ở chỗ không bạo động và đập phá tài sản công.
Cảnh sát phản ứng với người biểu tình – Video capture
Tuy nhiên hôm thứ ba khi cảnh sát được lệnh giải tán những người chiếm giữ tòa nhà chính phủ, những người này tấn công bắn chết 1 cảnh sát, ném lựu đạn nổ, do đó phía công lực đã phản ứng và gây thiệt mạng 4 người biểu tình, 65 người bị thương. Hôm nay tình hình bạo động đã lắng dịu tuy phe chống đối vẫn tiếp tục chiếm giữ nhiều cơ sở công quyền. Thủ tướng Yingluck phải đối diện với cuộc điều tra của Ủy Ban chống Tham nhũng Thái Lan, vì đã không có biện pháp bài trừ tham nhũng trong chính sách mua gạo giá cao cho nông dân. Nông dân lại kéo máy cày về Bangkok để đòi nợ chính phủ vì chưa trả tiền gạo giá cao cho họ, trong lúc cuộc chống đối đang làm giảm đáng kể tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan.
Ở Ukraine khi thêm nhiều người xuống đường chống lại luật cấm biểu tình, tràn vào công trường Độc lập, cảnh sát đã ra tay đàn áp, bắt bớ, gây thương vong nặng nề. Suốt đêm thứ ba thanh niên biểu tình ném đá, bắn đá bằng súng hơi, ném chai xăng vào cảnh sát. Cảnh sát bắn lựu đạn hơi và hơi cay nhưng không phá vỡ được hàng rào chướng ngại vật do người biểu tình dựng để chiếm giữ công trường. Qua ngày thứ tư chính phủ công bố thỏa thuận ngưng chiến do hai bên thương lượng và đồng ý, cam kết không giải tỏa những khu vực công trường do người biểu tình chiếm giữ. Nhưng chỉ mấy giờ đồng hồ sau xung đột tái phát. Cảnh sát trang bị vũ khí tác chiến tấn công cứ địa của đoàn biểu tình, nói là bị phe biểu tình bắn đạn thật gây thương vong. Ít nhất đã có thêm 100 người thiệt mạng, 500 người bị thương, 67 cảnh sát bị bắt sống làm con tin.
Khi đông đảo người dân chống đối một chính sách của chính phủ mà chính phủ tin là chính sách đúng đắn và cương quyết bảo vệ nó, xung đột đẫm máu tất yếu phải xảy đến.
Lực lượng quần chúng phải có chính nghĩa rõ ràng, cụ thể, số đông mới dám liều thân mong thay đổi tương lai đất nước và xã hội của họ. Dù vậy, ngay trong mọi thể chế chính trị gọi là dân chủ trên thế giới hiện nay, quần chúng cũng không thể quyết định được thắng lợi bằng những biện pháp hoà bình, nếu chính phủ đương quyền nắm chắc được quân đội, cảnh sát, các lực lượng an ninh. Khi đó dân không còn được “làm chủ”.
Yếu tố “từ bên ngoài”
Ở Thái Lan thì hầu chắc là tình hình bất ổn phát khởi do chính sách nội trị, không liên quan đến một nước ngoài nào, nhưng ở Ukraine, chính sách đối ngoại của chính phủ Kiev đã gây chống đối.
Biểu tình ở Caracas, Venezuela.- Courtesy of cbc.ca
Nga nhất quyết chống lại việc Ukraine (dưới thời Tổng thống Tymoshenko) xin gia nhập NATO, và chính phủ Yanukovich tiếp tục đàm phán với EU về việc gia nhập EU và NATO. Nga thậm chí còn ngầm ý đe doạ dùng vũ lực để ngăn cản Ukraine rơi vào Liên Minh châu Âu, đồng thời lên án việc Liên Minh châu Âu thúc đẩy thỏa ước liên hiệp giữa Ukraine với Liên Âu, cho là bất ổn diễn ra vì chính sách đó.
EU bác bỏ điều này, và lên án Nga dùng áp lực kinh tế tài chính để níu giữ Ukraine. Các ngoại trưởng Liên Âu hôm thứ ba họp đề nghị có biện pháp mạnh với Tổng thống Yanukovich, sang thứ tư đã đến Kiev nói chuyện với Tổng thống Yanukovich và lãnh đạo đối lập, qua ngày thứ năm còn làm việc tiếp ở thủ đô Ukraine. Đặc sứ của Tổng thống Nga cũng đến Kiev trong ngày thứ năm, nói là giúp làm trung gian thương lượng giữa chính phủ với đối lập. Các quốc gia Đông Âu thân phương Tây ngỏ ý muốn Tổng thống Yanukovich từ chức để tái tuyển cử.
Và yếu tố “nước ngoài” đã tác động vào tình hình Ukraine. Đêm thứ năm các Ngoại trưởng Pháp, Đức, Ba Lan cùng ngồi đàm phán với chính phủ và phe đối lập, Sáng thứ sáu thỏa thuận được công bố bao gồm điều khoản giảm bớt một số quyền hành của Tổng Thống Victor Yanukovich, thành lập một chính phủ lâm thời trong vòng 48 tiếng đồng hồ, có đại diện của phía đối lập. Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức sớm vào tháng 12 năm nay, thay vì vào tháng 3 sang năm.
Tại Venezuela Tổng thống Nicolas Maduro tố cáo đích danh Hoa Kỳ xúi giục và yểm trợ chống đối, trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ khỏi Venezuela. Nhưng Mỹ tất nhiên bác bỏ điều đó, nói rằng những đòi hỏi đó chỉ là ý nguyện của người dân. Khó nói được vai trò của Hoa Kỳ trong việc này là “oan hay ưng”, giữa sân khấu chính trị của một nước xã hội chủ nghĩa (không cộng sản) chống Mỹ kịch liệt.
Triển vọng giải quyết?
Không có triển vọng nào ở Thái Lan, khi các lực lượng chính trị đối lập nhất quyết đòi Thủ tướng Yinluck từ chức bằng phương pháp biểu tình làm tê liệt hoạt động công quyền. Thủ tướng đã giải tán chính phủ và tổ chức tái bầu cử nhưng phía chống đối vẫn chống cả bầu cử lẫn hoạt động hòa giải, họ đòi chính phủ phải từ chức và nhượng quyền cho các Hội đồng nhân dân! Điều này không hề có trong hiến pháp Thái Lan.
Phe áo vàng của giai tầng trung lưu Thái Lan tin rằng chính phủ và Hoàng gia không ưng ý với các chính phủ do gia đình Shinawatra lãnh đạo. Dường như họ cố làm cho chính phủ bị dồn vào đường cùng, phải dùng vũ lực đàn áp đẫm máu, để quân đội có cớ nhảy vào đảo chính, tổ chức bầu cử lại, như hồi năm 2006. Năm 2010 quân đội cũng từng ủng hộ chính phủ Abhisit Vejajiva đàn áp biểu tình khi phe áo đỏ chiếm giữ Bangkok. Họ cũng tỏ ra đang nỗ lực đưa chính phủ Yingluck đến chỗ phá sản.
Phe áo vàng tìm cách khiến quân đội có lý do can thiệp, hoặc kéo dài bất ổn triền miên không lối thoát. Khi kinh tế Thái Lan từ suy trầm bước sang suy thoái, Thủ tướng Yingluck Shinawatra buộc lòng phải từ chức. Hôm thứ năm nông dân miền Nam lại kéo máy cày về thủ đô đòi Thủ tướng trả nợ mua lúa giá cao. Bà Thủ tướng không cách nào có tiền để trả nợ, khi kinh tế thương mại đình trệ, công chi quá đáng vì mua lúa giá cao, lúa tồn đọng cứ tồn đọng vì không ai mua nổi với giá cao ngất do chính phủ quy định. Các cơ sở kinh doanh thương mại của gia đình Shinawatra bị phe biểu tình bao vây, cản trở, không làm ăn gì được, giá cổ phiếu của các công ty này, từ khách sạn đến điện thoại tinh khôn, theo nhau lao đầu xuống dốc. Các định chế quốc tế không thể cho chính phủ Bangkok vay nợ trong tình hình kinh tế và xã hội như hiện thời. Chính phủ Yingluck không còn lối thoát! Tình hình sẽ còn bất ổn, cho đến khi bà Thủ tướng Yingluck phải buông tay khỏi quyền lãnh đạo.
Ở Ukraine cũng khó có triển vọng giải quyết cuộc chống đối trong vòng trật tự lâu dài, với hai thế lực nước ngoài giằng co xứ Ukraine về phía mình. Ukraine với 45 triệu dân, nước cộng hòa lớn nhất trong các cộng hòa thuộc Liên Bang Xô Viết, có lịch sử rất gần gũi với nước Nga, vị trí địa lý lại như một đầu cầu giữa Liên Bang Nga với Liên Âu.
Phải cạnh tranh với châu Âu là điều tất yếu trong chính sách của Moscow, Nga không thể để Ukraine đứng vào Liên Minh châu Âu. Để như vậy chẳng khác gì dung dưỡng kẻ thù ngay trước cửa. Tuy khuynh hướng liên minh với châu Âu chiếm đa số ở Ukraine , người ta cho rằng người Nga sẽ cương quyết giữ chặt thành trì này của mình, có thể dùng mọi biện pháp để thực hiện mục đích đó, một khi chính phủ như Yanukovich phải chịu áp lực cả từ ngoài lẫn trong để ngả sang Tây Âu.
Khối Liên Minh châu Âu năm 2013. Các quốc gia tô màu xanh là thành viên EU – Courtesy of Wikipedia
“Cổng thành” hướng Tây
EU đã lôi cuốn hầu hết các nước Đông Âu từ năm 2004, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây, và EU đã trở thành một liên minh 28 quốc gia từ năm 2013.
Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia, Slovenia kéo nhau gia nhập EU năm 2004. Tháng giêng 2007 đến lượt Romania, Bulgaria. Tháng 7, 2013, Croatia trở thành hội viên thứ 28, mới nhất, của Liên Minh châu Âu.
Nhìn qua bản đồ người ta thấy ngay phía chính tây nước Nga chỉ còn hai “thành trì” Belarus và Ukraine sát nách. Phía Tây bắc là Phần lan, trải dài xuống Estonia, Latvia, Lithuania đều đã theo EU. Xuôi xuống Tây nam, bên kia bờ Hắc Hải, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO từ 1952. Quanh sang phía nam là Georgia đầy thù nghịch, các quốc gia Hồi giáo Trung Á bây giờ còn tử tế nhưng chưa biết lúc nào quay lưng.
Tuy nhiên câu hỏi là Moscow có giữ được Ukraine không, giữ được bao lâu, khi hầu hết các dân tộc Đông Âu, Trung Âu xung quanh Nga đều không còn muốn “ngồi chung thuyền” với Moscow cả về kinh tế lẫn chính trị.