Tin Thế Giới – 14/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 14/12/2014

1. Bầu cử Nhật: đảng Tự do Dân chủ của Thủ Tướng Abe thắng lớn

Đảng bảo thủ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội trước kỳ hạn vào hôm nay 14/12. Theo đánh giá ban đầu của kênh truyền hình công NHK, đảng Tự do Dân chủ có thể giành được từ 275 đến 306 ghế trên tổng sống 475 ghế dân biểu, và có thể giữ được 2 phần 3 số ghế trong Hạ viện, cùng với đảng đồng minh trung hữu Tân Komeito.

Các địa điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ sáng nay, giờ địa phương trên toàn quốc. Các kết quả thăm dò ý kiến trước phòng phiếu được công bố vào 20 giờ.

Theo tính toán cũ thủ tướng Abe, bầu cử trước kỳ hạn hai năm là chiến thuật để đặt cử tri trước một sự lựa chọn: hoặc ủng hộ chính sách cải cách do ông đề ra hay phản đối. Với khẩu hiệu “chỉ có con đường này mà thôi”, ông hy vọng nhân cơ hội đảng đối lập Xã hội suy yếu, dân chúng Nhật sẽ dồn phiếu cho phe bảo thủ .

Để tìm hiểu thêm, RFI đặt câu hỏi với một cử tri tại Tokyo vì sao thủ tướng Abe vẫn được nhiều người tín nhiệm.

Bà Tuyết Minh, vừa từ phòng phiếu về nhà, giải thích: “… cách nay ba năm khi đảng Dân Chủ lên thì kinh tế Nhật đi xuống, công việc của tôi không đều đặn…, nhưng từ khi đảng Tự Dân (tên gọi tắt của đảng Tự do Dân chủ) của ông Abe lên thì công việc của tôi trôi chảy hơn…”.

Ẩn số duy nhất trong cuộc bầu cử này là tỷ lệ cử tri vắng mặt, phản ảnh tâm lý vừa bất bình liên đảng cầm quyền, vừa không tin cậy vào khả năng của đối lập.

Trong Hạ viện giải tán để bầu lại, liên minh cánh hữu có đến 295 dân biểu và đồng minh Tân Công Minh Komeito 31 ghế. – RFI


2. Thượng đỉnh về khí hậu tại Peru đạt thỏa thuận tối thiểu

Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Lima kết thúc. Sau 13 ngày họp và 30 giờ đàm phán vào phút chót, 195 phái đoàn tham dự đã vượt lên được những bất đồng để đạt được một thỏa thuận tối thiểu về mục tiêu giảm thải khí CO2 làm hâm nóng trái đất. Văn bản vừa được thông qua tại Thượng đỉnh Lima là tiền đề cho Thượng đỉnh Paris vào năm 2015.

Đặc phái viên đài RFI từ Lima, Agnès Rougier gửi về bài tường trình:

“Thượng đỉnh Lima vừa kết thúc vào rạng sáng ngày hôm nay, 14/12/2014. Tài liệu mang tên ‘Lời kêu gọi từ Lima cho khí hậu’ đã gây nhiều tranh cãi trong các vòng đàm phán. Nhưng cuối cùng cũng đã được thông qua trong tiếng hoan hô vang dậy. Các quốc gia đang phát triển và các hòn đảo nhỏ đã yêu cầu quốc tế nêu rõ trong thỏa thuận vừa đạt được tại thủ đô Peru những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên. Đoạn này đã được đưa vào phần mở đầu trong thỏa thuận Lima.

Một điều khoản khác cũng đã được đưa vào văn bản chính thức, liên quan đến trách nhiệm của các bên trong vấn đề làm hâm nóng trái đất. Nhưng thỏa thuận Lima không ghi rõ là tới khi nào thì những quốc gia thải khí CO2 gây hiệu ứng lồng kính phải tôn trọng những điều đã cam kết.

Sau cùng về mức đóng góp của mỗi quốc gia, các điều khoản này sẽ được tiếp tục thảo luận trong năm tới và sẽ được điều chỉnh tùy theo mức độ gây ô nhiễm của từng nước. Các quốc gia chậm phát triển nhất có hạn chót là vào tháng 10/2015 để thông báo về kế hoạch hành động.

Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường không hài lòng với thỏa thuận vừa đạt được ở Lima. Ngược lại, các phái đoàn chính thức đã thực sự thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên hãy còn rất nhiều điểm trong thỏa thuận sẽ phải được thương lượng tiếp trong năm 2015, trước khi quốc tế đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc tại thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu lần tới được tổ chức tại Paris vào tháng 12/2015″.

Thỏa thuận Lima được chấp thuận vài giờ đồng hồ sau khi các bản thảo bị các nước đang phát triển bác bỏ với cáo buộc rằng các nước giàu lẩn tránh trách nhiệm chống tình trạng nóng dần lên của Trái đất, và không chịu gánh chi phí cho những tác động đó.

Bản thảo cuối cùng hình như đã loại bỏ được những lo ngại đó bằng cách diễn đạt rằng các nước có “trách nhiệm chung nhưng khác nhau” trong việc đối phó với tình trạng ấm dần lên trên toàn cầu.

Chủ nhiệm Sáng kiến Chương trình Khí hậu của Quỹ Dã sinh, bà Samantha Smith, đánh giá thỏa thuận Lima rất yếu.

Bà Smith nói: “Văn kiện này quá yếu. Các bên chỉ thông qua một điều gì đó mở đường cho việc đệ trình các thông tin hoàn toàn tự nguyện, các ý kiến hoàn toàn tự nguyện của các nước về loại khí thải nào, về những cắt giảm nào mà họ muốn thực hiện. Mục tiêu lớn hơn là khi nào họ sẽ thực hiện, thật khó mà biết được liệu chúng ta có thực sự tránh được sự thay đổi khí hậu nguy hiểm hay không.”

Các đại biểu đã tranh cãi kịch liệt về nội dung của bản thảo cuối cùng kể từ hôm thứ Sáu.

Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar Vidal nói: “Văn kiện này chưa hoàn hảo, nhưng nó phản ảnh quan điểm của tất cả các bên, và nhằm tạo ra một thành quả riêng, căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Hội nghị về Biến đổi khí hậu. Với văn kiện này, tất cả chúng ta đều thắng lợi, không loại trừ một ai. Chúng ta đã lắng nghe ý kiến của tất cả các nhóm, và chúng ta có một sự đảm bảo rõ ràng rằng với văn kiện mà chúng ta sẽ nhận, tất cả chúng ta đều thắng lợi.”

Ðặc sứ về biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ Todd Stern trước đó cảnh báo rằng tình trạng bế tắt giữa các đại biểu hôm thứ Bảy khiến không đạt đến một tương nhượng ngay vào lúc này cho các quy định về khí carbon gây ô nhiễm có thể cản trở khả năng của một hiệp ước toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris. – RFI, VOA


3. Đài Loan: Ứng cử viên duy nhất chức Chủ tịch Quốc dân đảng

Sau thất bại ê chề nhân cuộc bầu cử địa phương Đài Loan hồi cuối tháng 11, tổng thống Mã Anh Cửu từ chức chủ tịch Quốc dân đảng. Đảng này bầu lãnh đạo vào ngày 17/01/2014. Đương kim thị trưởng Tân Bắc Thị, ông Chu Lập Luân (thường gọi là “Eric Chu”), 53 tuổi, là ứng cử viên duy nhất.

Một quan chức của Quốc dân đảng ngày 14/12/2014 thông báo, ông Chu Lập Luân sẽ là ứng cử viên duy nhất ra tranh chiếc ghế chủ tịch đảng nhân cuộc bầu cử vào giữa tháng 1/2015. Ông Chu Lập Luân, sẽ được Quốc dân đảng chính thức chỉ định ra tranh chức vụ chủ tịch đảng với điều kiện hội tụ đủ 10.000 chữ ký ủng hộ của các đảng viên trước hạn chót là ngày 21/12/2014.

Đầu tháng 12/2014, tổng thống Mã Anh Cửu tuyên bố từ chức chủ tịch Quốc dân Đảng sau thất bại ê chề trong cuộc bầu cử địa phương ngày 29/11/2014. Trả giá cho thái độ thân Bắc Kinh, đảng cầm quyền bị mất 5 trong số 6 thành phố quan trọng của Đài Loan như Đài Bắc hay Đài Trung. Riêng ở Tân Bắc Thị, ông Chu Lập Luân dù đã khó nhọc nhưng cuối cùng vẫn giữ được chiếc ghế thị trưởng.

Phát biểu trên mạng xã hội Facebook hôm nay, ông Chu Lập Luân giải thích, ông quyết định ra tranh chức chủ tịch Quốc dân đảng “vào những thời khắc đen tối nhất của đảng này, vì tương lai dân chủ của Đài Loan”. Nhưng đương kim thị trưởng Tân Bắc Thị báo trước, ưu tiên hàng đầu của ông là hoàn tất nhiệm kỳ thị trưởng bốn năm, và không có ý định đại diện cho Quốc dân Đảng ra tranh cử tổng thống Đài Loan vào năm 2016. Ông Chu Lập Luân là một ngôi sao chính trị đang lên của Quốc Dân Đảng. – RFI


4. Thổ Nhĩ Kỳ bố ráp truyền thông đối lập

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ít nhất 23 vụ bố ráp tại một tờ báo và kênh truyền hình có quan hệ gần gũi với giáo sỹ Hồi giáo hoạt động chính tại Hoa Kỳ, ông Fethullah Gulen.

Một số người bị bắt giữ với cáo buộc thành lập bất hợp pháp một tổ chức và tìm cách chiếm quyền kiểm soát nhà nước.

Ông Gullen, lãnh đạo tinh thần của phong trào Hizmet, là đối thủ cạnh tranh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các vụ bố ráp diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Erdogan cam kết có chiến dịch mới nhằm trấn áp các ủng hộ viên của ông Gulen.

Trong số những người bị bắt có các phóng viên, biên tập viên, những người viết kịch bản và một cảnh sát trưởng ở đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Cảnh sát đã nỗ lực bố ráp các văn phòng báo Zaman, một trong những tờ báo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu giờ sáng Chủ Nhật, nhưng một đám đông người biểu tình đã buộc cảnh sát phải lui lại trước khi có thể bắt người.

Nhân viên tòa báo cũng tường thuật vụ việc ngay lúc việc bố ráp, bắt người diễn ra.

Tổng biên tập báo, Ekrem Dumanli, đã đăng lên Twitter một bức ảnh chụp chính ông đang ngồi tại bàn làm việc và nói: “Các sỹ quan [đã buộc phải] lui lại bởi phản ứng dân chủ của các bạn tôi. Tôi hiện đang ngồi tại chỗ làm và chờ đợi.”

Nhưng họ đã trở lại và bắt giữ ông trong vụ bố ráp thứ hai, diễn ra vào buổi chiều.

Nhân viên và các ủng hộ viên của tờ báo đã giơ các biểu ngữ và hô vang “tự do báo chí không thể bị tắt tiếng” trong lúc cảnh sát bố ráp tòa nhà.

Ông Dumanli mỉm cười và đọc các tài liệu của cảnh sát trước khi bị dẫn qua trụ ở chính của tòa báo, nơi ông được nhân viên đứng chật trên các ban-công vỗ tay động viên.

“Hãy để những ai đã phạm tội phải cảm thấy sợ hãi,” ông Dumanli nói trong lúc bị giải đi, theo hãng tin Reuters.
“Chúng ta không sợ.”

‘Ô nhục’

Chủ tịch Samanyolu TV, là kênh truyền hình cũng có liên hệ với ông Gulen, đã bị bắt trong một vụ bố ráp riêng rẽ tại Istanbul.

Ông Hidayet Karaca trước khi bị bắt giữ nói với các phóng viên rằng chiến dịch này là “một sự ô nhục của Thổ Nhĩ Kỳ”.

“Thật đáng buồn là trong Thổ Nhĩ Kỳ của Thế kỷ 21 lại có cách xử sự như vậy đối với một tập đoàn truyền thông có hàng chục kênh truyền hình, phát thanh, truyền thông trên mạng và các trang tạp chí,” ấn bản tiếng Anh Zaman dẫn lời ông.

Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo của đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi các cuộc bố ráp này là “một cuộc đảo chính”.

Nhân viên tại Zaman đã trông chờ sẽ bị bố ráp sau khi có những tin tức tiết lộ từ một người dùng Twitter được biết với tên Fuat Avni, người trước đây đã từng tiết lộ trước các thông tin về các chiến dịch của cảnh sát.

Chiến dịch của cảnh sát diễn ra một năm sau các cáo giác nói các đồng minh của ông Erdogan tham nhũng.

Ông Erdogan nói đó là âm mưu do các cổ động viên của ông Gulen thực hiện nhằm lật đổ đương kim tổng thống.

Ông Gulen bác bỏ điều này; ông đã sống cuộc đời tự lưu đày tại Hoa Kỳ kể từ 1999. – BBC


5. Mỹ: Hàng chục nghìn người tuần hành chống bạo lực cảnh sát

Ngày 13/12/2014, tại các thành phố lớn, như Washington, New York hay Boston, hàng chục ngàn người xuống đường phản đối các hành vi thô bạo của cảnh sát Mỹ nhắm vào cộng đồng người da đen. Cuộc tuần hành vì công lý đã thành công. Nhưng chiến dịch “Ngày uất hận” liệu có làm thay đổi lối hành xử của cảnh sát Hoa Kỳ với các cộng đồng người da màu hay không ?

Thông tín viên đài RFI, Jean-Louis Pourtet, từ Washington tìm cách trả lời:

“Cuộc tuần hành vì công lý hôm qua 13/12/2014 gây ấn tượng. Chỉ riêng tại thủ đô Washington đã có khoảng 30.000 người tham gia và có thể là còn đông hơn thế nữa. Sự hiện diện đông đảo nói trên đã vượt ngoài hy vọng của ban tổ chức. Thêm vào đó, sự đa dạng của các thành phần tham dự lại càng là một dấu hiệu đáng khích lệ khi mà cả người da trắng, người nói tiếng Tây Ban Nha, cộng đồng người châu Á, ở mọi lớp tuổi đều đã xuống đường, cùng với người da đen, đòi được đối xử công bằng, đòi chấm dứt nạn kỳ kỳ chủng tộc và chấm dứt nạn bị cảnh sát phân biệt đối xử.

Người biểu tình hôm qua ngoài ra còn đòi mở các cuộc điều tra đặc biệt về những vụ án mạng, như thảm kịch đã xảy ra ở Ferguson hay New York vừa qua.

Ngoài cuộc tuần hành ở Washington, nhiều thành phố khác như San Francisco ở California, New York hay Houston-Texas và Boston cũng đã có những cuộc xuống đường vì công lý.

Cả nước Mỹ phẫn nộ trước các hành vi của cảnh sát Hoa Kỳ đối với các cộng đồng thiểu số. Thế nhưng liệu điều này có đem lại những thay đổi thực sự hay không ? Một dân biểu Mỹ có mặt trong đoàn biểu tình hôm qua cam kết là Quốc hội sẽ phải hành động.

Thế nhưng kể từ đầu tháng Giêng năm tới, đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Quốc hội lưỡng viện. Ít có khả năng nước Mỹ nhanh chóng thông qua những biện pháp cải tổ quan trọng trong lĩnh vực này. Đó là chưa kể vào dịp Lễ, Tết cuối năm, phong trào xuống đường có khả năng bị hụt hơi, khi mà người Mỹ quan tâm cho việc sửa soạn các bữa tiệc cuối năm nhiều hơn là những vấn đề xã hội”.

Thân nhân của Michael Brown, Eric Garner, Tamir Rice và Trayvon Martin – mà những người biểu tình gọi là nạn nhân của bất công chủng tộc — tham dự vào cuộc biểu tình có tên là cuộc tuần hành Công lý cho Tất cả.

Cuộc biểu tình diễn ra gần Điện Capitol và nằm trong khuôn khổ một loạt các cuộc biểu tình trên nước Mỹ vào ngày thứ Bảy, được tổ chức Hành động Ferguson tổ chức.

Các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn nước Mỹ kể từ tháng trước, khi một đại bồi thẩm đoàn quyết định không truy tố một cảnh sát viên da trắng bắn chết Michael Brown 18 tuổi tại Ferguson, ngoại ô St. Louis, Missouri, vào tháng 8 năm nay.

Các cuộc biểu tình bùng phát trở lại khi một đại bồi thẩm đoàn không truy tố những nhân viên cảnh sát trong vụ Eric Garner thiệt mạng vào tháng 7 vì bị cảnh sát chẹt cổ. Nhân viên giảo nghiệm thành phố xem đây là một vụ giết người.

Trường hợp em Tamir Rice 12 tuổi bị nhân viên cảnh sát Ohio bắn chết sau khi vung một khẩu súng đồ chơi cũng làm căng thẳng gia tăng. Và việc một người tình nguyện tuần tra khu vực gốc Châu Mỹ La Tinh bắn chết Trayvon Martin 17 tuổi vẫn còn sống động trong tâm trí nhiều người Mỹ.

Cuộc tuần hành ngày thứ Bảy tại Washington do lãnh tụ dân quyền Al Sharpton tổ chức.

Những cuộc tuần hành và tập họp cũng được dự trù tổ chức tại những cộng đồng khác trên nước Mỹ—từ thành phố New York đến tiểu bang Mississippi ở miền nam cho đến khuôn viên trường đại học Indiana miền trung tây. Những cuộc biểu tình khác cũng được tổ chức tại thành phố Toronto, Canada. – RFI, VOA